Home / Tư vấn - Chia sẻ / Bào chữa cho những người lớn hối lỗi

Bào chữa cho những người lớn hối lỗi

Lâu nay, có người bảo tôi là viết cái gì cũng… đổ tội cho người lớn, “bênh” trẻ, và cuối cùng thì, người lớn lại cảm thấy có lỗi mỗi khi đối mặt với những vấn đề của trẻ. Có bạn trẻ còn buồn bực cho rằng, mình là một người mẹ tồi!!!

Có ai trong chúng ta không từng quát, mắng quá lời, nổi nóng vô lý, trách oan, hiểu nhầm, thậm chí “tặng” cho trẻ vài cái roi, để rồi sau đó lại băn khoăn, ân hận. Vì thế, tôi quyết định viết một bài “bào chữa” cho các bậc phụ huynh, cho mình, cho chúng ta!

1. Người lớn cũng có quyền có cảm xúc, nghĩa là có quyền “nổi nóng”?

Đúng vậy, tại sao không? Nếu chúng ta phải tôn trọng cảm xúc của trẻ thì ngược lại, cũng cần đòi hỏi “đối phương” tôn trọng cảm xúc của mình.

RANH GIỚI:

Nổi nóng “khôn ngoan”, nổi nóng “có kiểm soát” nghĩa là nổi nóng có
 chuẩn bị tinh thần từ trước. Nếu ta không thể tránh khỏi sự bùng nổ của cảm xúc thì hãy chuẩn bị trước tinh thần đối mặt với MỌI ĐIỀU CÓ THỂ XẢY RA. Nghĩa là:

– Nếu bạn hiểu, ta cũng như người, đều có thể đến một lúc nào đó gặp phải các tình huống khó chịu do con mình mang lại;
– Nếu bạn không “tự huyễn hoặc mình” bằng những suy nghĩ kiểu như “Con tôi không bao giờ thế”, “Con tôi tuyệt vời”, “Không, nó luôn trung thực, nó không thể nói dối”…;- nếu bạn sẵn sàng tâm thế đối mặt và sẵn sàng tìm kiếm cách giải quyết;- Nếu bạn hiểu rõ đứa trẻ chỉ là đứa trẻ, nó được quyền có lỗi và cần được hướng dẫn sửa lỗi…

thì khi sự việc xảy ra, dù buồn đến đâu, “choáng” đến đâu, bạn cũng vẫn kiểm soát được tình hình, không để mình rơi vào tình trạng bất lực mà biểu hiện của nó là gào thét, đập phá, ném đồ, dùng những từ ngữ chì chiết làm tổn thương con.

BẠN CÓ THỂ:

Khi cơn giận bùng nổ, có người sẽ bỏ ra ngoài, cơn giận sẽ xẹp xuống nhanh chóng. Cũng có người quát mắng hoặc đánh con. Thế nào cũng được, sau khi mọi sự việc đã xảy ra xong, hãy tìm cách kết nối với đứa trẻ lúc bấy giờ hoặc là đang rất ân hận, hoặc là đang tỏ ra bất cần, hay tệ hơn là cãi lại, phản ứng mạnh mẽ một cách tiêu cực. Khi cảm thấy mình rất bình tĩnh, hãy bắt đầu nói chuyện thẳng thắn với trẻ về những gì vừa diễn ra. Nổi nóng, buồn bực, thất vọng, khó chịu, mất lòng tin… là những cảm xúc bạn có thể cho con biết mỗi khi có vấn đề. Hãy gọi đúng tên cảm xúc của mình và cho trẻ biết, đó chính là lý do của những lời lẽ nóng nảy vừa rồi và bạn hoàn toàn không muốn điều ấy. Trẻ con hiểu lý lẽ, và nếu những gì bạn nói thật sự hợp lý, nó chắc chắn sẽ nhận thức được đúng sai, kể cả khi nó nhất định không nói lời xin lỗi.

2. Người lớn được quyền đòi hỏi trẻ phải biết xin lỗi.

Quá đúng. Khi có lỗi sai, trẻ cần tập kỹ năng xin lỗi.

RANH GIỚI:

Tuy nhiên, kỹ năng đạt được đó phải xuất phát từ sự cảm nhận được giá trị: trẻ cần hiểu sâu sắc lỗi sai của mình, thật sự cảm thấy ân hận, tiếc là sự việc đã xảy ra như thế và quyết tâm muốn chuộc lỗi. Muốn vậy, trẻ cần một khoảng thời gian nhất định đủ để nghĩ và kết luận. Chớ đòi hỏi trẻ bằng những câu như; “Con xin lỗi mẹ đi!” “Tại sao biết lỗi rồi không xin lỗi?”. Đôi khi vấn đề không chỉ ở chỗ “suy nghĩ về hành vi của mình” mà còn ở “danh dự”, “sự tự trọng”, “cái sĩ diện” của con người, mà những con người bé nhỏ của chúng ta càng cần phải cảm nhận được để dần lớn lên xứng đáng. Vậy, hãy để con bảo toàn được danh dự của mình bằng cách con nói lời xin lỗi một cách tự nguyện, chân thành, thật lòng. Hãy kiên nhẫn một chút, chờ đợi, có thể lời xin lỗi sẽ được nói sau đó vài ngày, thậm chí cả tháng. Nhưng đó chắc chắn sẽ là một lời xin lỗi từ tận đáy lòng.

BẠN CÓ THỂ:

Khuyến khích con bằng cách kể câu chuyện sai lầm của riêng mình, cho con hiểu rằng, việc làm sai chính bố mẹ cũng từng trải qua và có cảm xúc thế nào (rất giống con bây giờ!), nhưng quan trọng nhất là bố mẹ đã vượt qua xấu hổ, ngại ngùng để dũng cảm nhận lỗi và đã chứng minh được sự ân hận của mình bằng cách không lặp lại lỗi sai đó nữa. Và vì thế mà được tin tưởng nhiều hơn.

Những câu chuyện tương tự là một sự khuyến khích hiệu quả đối với những đứa trẻ đang phân vân, hoang mang, lo ngại.

Cách đây không lâu, cậu bé 9 tuổi của tôi đã nói dối mẹ, và rất muốn thú nhận. Cậu hỏi: “Mẹ ơi, ngày bé mẹ có bao giờ nói dối bà không?” – rất may, tôi đã không vỗ ngực tự hào là “Không, không bao giờ!” mà tôi thực tâm kể cho con nghe câu chuyện của mình ngày nhỏ. Và với những câu khuyến khích như “Con có muốn nói gì với mẹ không?”, “Mẹ muốn mẹ con mình luôn tin nhau”…, con tôi đã nói được ra điều nó muốn thổ lộ và vẫn che giấu. Và nó thở phào vui sướng, không phải vì được tha lỗi mà vì thấy lương tâm thanh thản hơn.

3. Người lớn có quyền được bận bịu, không quan tâm quá đến trẻ.

Rõ ràng rồi! Thời buổi này, ai mà không bận chứ! Hết đi làm đến chợ búa cơm nước, còn việc công việc tư, trăm thứ đến tay! Bố thì bận đối tác, mẹ thì bận việc nhà… Ai cũng bận cả.

Chớ có tự lên án mình nếu mình không thể dành thời gian hàng ngày trò chuyện, cùng chơi với con như mình muốn.

RANH GIỚI:

Tuy vậy, ranh giới giữa sự “không thể” và “tặc lưỡi, kệ”, “ngại”, “ỉ lại vào người khác” trong việc nuôi dạy, làm bạn với con – là rất mong manh. Đấy là chưa kể có trường hợp có đôi chút thời gian thì lại chẳng biết… làm gì, chơi gì với con cho qua thời gian ấy! Vậy thì, ta phải học cách sử dụng thời gian CHƠI VỚI CON rất-hiếm-hoi của mình một cách khoa học.

30 phút có chất lượng còn hơn cả một ngày đại khái! Trong bất kỳ mối quan hệ xã hội nào có lẽ cũng cần đề cao nguyên tắc ấy.
Thế nào là có chất lượng?
– Hết lòng lắng nghe;

–  Bỏ hết mọi việc để cùng chơi;

–  Thực sự tìm cách tự mình cảm thấy thú vị qua những hoạt động cùng con chứ không phải miễn cưỡng;

– Suy nghĩ và lên kế hoạch trước cho những lần giao tiếp và hoạt động cùng con.

BẠN CÓ THỂ:

… bận cả tháng, thậm chí đi công tác cả năm, nhưng mỗi lần xa thì nên nghĩ đến cách có thể “hiện diện” bên con bằng những bức thư, tấm thiệp, món đồ nho nhỏ hoặc nếu ông bố trở về khi con đã ngủ say, sáng đi làm khi con còn chưa dậy, bố có thể viết mẩu giấy đặt ở gối, hay có ông bố lấy bút bi vẽ một cái đồng hồ nhỏ vào tay con – những hành động nho nhỏ như thế luôn được trẻ đánh giá cao, là những sợi dây vô hình giằng nối người cha bận rộn với đứa con nhỏ luôn khao khát gần cha.

Với những người hay bận thì ta nên lên kế hoạch cùng nhau đi nghỉ, đi chơi ít nhất một năm một lần và hơn nữa. Những tấm ảnh, những câu chuyện, những kỷ vật mua được trong chuyến đi là chất kết nối vô giá các thành viên trong gia đình với nhau. Như thế, bạn không cảm thấy quá dằn vặt mỗi khi một dự án kéo dài cuốn phăng bạn đi trong vòng cả nửa năm trời!

4. Người lớn có quyền đề nghị, đòi hỏi trẻ làm theo các nguyên tắc nhất định, đồng thời ra hình phạt nếu nguyên tắc bị phá vỡ.

Rõ như ban ngày! Nếu không có các nguyên tắc thì làm sao điều hành được một gia đình, một khu dân cư, một tập thể, thậm chí, một đất nước?

Và nếu lỗi sai không bị phạt thì mọi vi phạm sẽ liên tục được lặp lại!

RANH GIỚI:

Những đứa trẻ luôn rất hiểu luật chơi – nguyên tắc, nếu chúng được quyền tham gia vào việc xây dựng những nguyên tắc đó. Như vậy, cần có sự thỏa thuận. Và khi đã thống nhất được nguyên tắc, thì luôn luôn giữ đúng nguyên tắc đó, chớ có ngoại lệ! Chỉ một lần ngoại lệ, nguyên tắc đã không còn là nguyên tắc nữa.

BẠN CÓ THỂ:

– Thỏa thuận trước những nguyên tắc khi liên quan đến bất kỳ việc gì. Chẳng hạn, đưa con đi siêu thị mà không muốn mua đồ chơi, hãy thỏa thuận với bé: “Hôm nay chúng ta đi siêu thị mua đồ ăn cho sinh nhật bố, sẽ không mua đồ chơi dù ở đó luôn có đồ chơi. Con có thể ngắm nhưng không đòi mua, vì sao nhỉ?” – bé sẽ được quyền tham gia, giải thích nguyên tắc ấy và có thể chua thêm: “Nhưng khi nào sinh nhật con, mẹ sẽ mua đồ chơi, đúng không mẹ?”. Những việc hàng ngày, ta cũng có thể đưa ra nguyên tắc và thậm chí viết ra một tấm bìa, treo một góc nhà.

– Đồng thời với việc lập ra nguyên tắc, cần thống nhất cả hình phạt. Các hình phạt đừng quá phức tạp và cũng đừng quá … nặng, khiến đứa trẻ khó chịu đựng chúng. Có thể đơn giản là: một chủ nhật không được về bà nội; một ngày không xem tivi…v..v.. Chớ sử dụng những hình thức phạt liên quan đến việc học hoặc việc nhà – mà lẽ ra luôn là trách nhiệm hiển nhiên của trẻ – vô hình trung sẽ tạo tâm lý phản cảm khi nghĩ đến việc học, việc nhà.

– Khi không hài lòng, thấy trẻ đang phá vỡ một nguyên tắc nào đó, hãy ngay lập tức cảnh báo trẻ, đừng … “để yên xem sao”. Hãy hỗ trợ sao cho trẻ không mắc lỗi chứ không phải đợi trẻ mắc lỗi để … được phạt. Bạn có thể cảnh báo bằng một câu quen thuộc nào đó, nhất là với những bé còn nhỏ: KHÔNG ĐƯỢC! STOP!

“Có được sờ vào mèo hay không – ta đã thỏa thuận rồi, đúng không?”

… Và thật vui mừng, hóa ra chúng ta có rất nhiều quyền đối với đứa trẻ: có thể đòi hỏi, có thể nổi nóng, có thể… sai vặt, có thể ra và thực hiện hình phạt.

Chỉ có điều, ta vẫn nhớ, tất cả những quyền ấy, ta sẽ làm với một tình yêu thương vô bờ với đứa trẻ ta đã mang nặng đẻ đau, đã sinh ra và nuôi dưỡng, để nó cùng ta tận hưởng những thời khắc tuyệt vời bên nhau.

Nguyễn Thụy Anh (Tạp chí Mẹ&Bé 08/2010)

About admin2

Scroll To Top