Home / Tư vấn - Chia sẻ / Cho ký ức ngày 1-6: Khe khẽ mới nghe rõ nhớ lâu

Cho ký ức ngày 1-6: Khe khẽ mới nghe rõ nhớ lâu

Đi ngang một sân khấu có treo phông tổng kết năm học của trường mầm non và hội mừng ngày quốc tế thiếu nhi 1-6, tôi thấy những gương mặt bé bỏng trong veo, các cháu nhỏ xúng xính áo váy đáng yêu, độ tuổi từ 2 đến 5, có bé ngơ ngác ngây thơ, bé thì nhanh nhẹn hiểu biết… Các cô giáo cũng đẹp, áo dài tha thướt. Chưa kịp mỉm cười cùng niềm vui con trẻ thì tiếng nhạc từ dàn loa khủng vang lên, thúc vào ngực, trống bass mạnh đến rung cả mặt đất. Người lớn đứng một lúc còn thấy váng vất khó chịu, khổ thân những đôi tai bé bỏng kia – có em thi thoảng đưa tay lên bịt tai! Khi nói gì với nhau thì cả trẻ con người lớn đều gân cổ gào lên, đến là vất vả. Tiếng người dẫn chương trình sôi nổi vang vang. Các bạn nhỏ trên sân khấu hào hứng nhảy múa. Các bố mẹ quay phim chụp ảnh. Phải rồi, một ngày vui! Vui quá đến nỗi quên cả cảm giác khó chịu vì trống, nhạc, tiếng ồn. Có vẻ như mọi người đã quen dần với âm thanh lớn, tất cả đều hài lòng.

anh tet thieu nhi (3)

Ngày tết Trung thu tại CLB Đọc sách cùng con

Khoan nói đến những vấn đề như ô nhiễm tiếng ồn mà những kiểu sinh hoạt tập thể như thế này cũng góp phần không nhỏ vào việc khiến ô nhiễm gia tăng, bên cạnh tiếng ồn giao thông, tiếng ồn từ những công trường xây dựng. Ở đây, tôi chỉ muốn đặt ra câu hỏi, cái lễ hội 1-6 hoành tráng với sân khấu lớn, nhạc trống rình rang ấy là dành cho các em hay dành cho ai? Có thật các bạn nhỏ của chúng ta cần đến một buổi lễ như vậy hay không?

“Mùng một tháng Sáu, Tết của thiếu nhi…”

Tết của thiếu nhi, khắp nơi đâu đâu cũng tưng bừng như đại nhạc hội. Và không chỉ 1-6. Trung Thu, rồi Khai giảng, gần đây còn những Halloween rồi Noel, các ngày hội sách … và rất nhiều ngày lễ khác tạo cớ cho người lớn thể hiện sự quan tâm của mình đối với trẻ.

Có cảm giác, cuộc đời là chuỗi lễ hội. Những ngày bình thường yên tĩnh ít dần đi. Nhiều cơ sở giáo dục, trường học, trường mầm non, phường xã muốn hay không muốn, cứ “đến hẹn lại lên”, đến ngày đến tháng là loa đài, MC rộn rã, không cần nghĩ xem có hình thức tổ chức nào khác đi, hay hơn không; cũng không cần biết những ồn ào bề nổi thái quá tưởng không thú vị thì cũng vô hại, nhưng lại có thể khiến trẻ mất mát khá nhiều những cơ hội của Tuổi thơ.

Cơ hội của Tuổi thơ

Trước khi đến với một lễ hội hoành tráng, trẻ cần được tham gia vào một ngày hội trong một không gian vừa phải, quen thuộc, cho cảm giác an toàn và ấm áp trong một ngày lễ “của mình”. Thời lượng cũng kéo dài không lâu đối với trẻ mầm non và đầu tiểu học, làm sao sự tập trung của trẻ không phải chịu đựng thử thách. Tôi từng dự nhiều ngày lễ và các cuộc khai giảng, tổng kết năm học của trẻ con mầm non ở Nga, thấy sự kiện thường diễn ra trong phòng hội trường vừa đủ rộng để bọn trẻ nhảy múa, chơi trò chơi, lại vừa đủ nhỏ để âm thanh từ chiếc đàn piano góc phòng vang lên rõ nét. Không trống, không  loa nhưng trẻ vẫn cảm nhận được sự trịnh trọng hồi hộp của một ngày khác với bình thường qua những nét trang hoàng quanh phòng, trang phục hợp cảnh, tiếng cô giáo giới thiệu ngân nga, tiếng vỗ tay cổ vũ của bố mẹ từ hàng ghế khán giả. Từng bạn nhỏ đều giữ một vai trò gì đó trong buổi lễ, không một ai bị bỏ qua! Chỉ với quy mô vừa phải như thế, tiêu chí “ai cũng tham gia” mới đạt được 100%!

Trước khi đến với ồn ào, choáng ngợp, sôi động, trẻ cần có cơ hội được lắng nghe những âm thanh dịu dàng nhỏ nhẹ như vang lên từ chính con người mình. Trẻ học cách chuyển động theo nhịp điệu hợp lý ấy, và, cho dù là nhảy múa rộn ràng thì quyết không bị chìm nghỉm trong thứ âm nhạc gây kích động thần kinh, khiến tim đập nhanh nhịp thở gấp, có nguy cơ làm tổn hại thính lực. Những đứa trẻ thường xuyên bị nghe nhạc to, trống nặng có thể trở nên nóng nảy, dễ cáu, thậm chí hung hăng hơn bản chất thường ngày của chúng.

anh tet thieu nhi (1)

Không chỉ với các ca khúc, với âm nhạc, mà với bất kỳ một chủ đề nào, bề sâu vẫn quan trọng hơn bề nổi. Trẻ cần có cơ hội khám phá chính mình, tìm cách liên hệ với câu chuyện của những người xung quanh một cách bình tĩnh, không bị áp lực từ bên ngoài. Những chộn rộn từ các sự kiện quy mô lớn có thể gây căng thẳng cho các em mà người lớn không ngờ đến. Đấy là còn chưa kể đến những trải nghiệm không vui trong hoặc trước mặt đám đông khiến trẻ có nguy cơ đánh mất sự tự tin, chán ghét các hoạt động tập thể.

Tôi từng nghe một cậu bé phàn nàn về việc các cô… bật băng ghi trước cho an toàn, trẻ lên sân khấu bỗng thành các diễn viên hát nhép! Cậu bé đang biểu diễn thì nhất định không hát nữa. Cậu bực bội vì “bị người trong loa hát mất”, đồng thời cảm thấy mình không được tin tưởng, đâm ra nghi ngờ khả năng của mình.

Có người bạn của tôi kể về buổi lễ dành cho trẻ chị được tham dự, nhà trường thuê hẳn âm thanh bên ngoài, các chú DJ chuyên nghiệp, say nghề. Đến khi thấy trẻ và nhiều phụ huynh không chịu nổi tiếng động cường độ quá lớn, các cô giáo cũng e ngại không dám có ý kiếm với DJ! Thế là tất cả phải cùng chịu trận với những cái màng nhĩ như ngày càng mong manh hơn!

Nhiều nơi vì quy mô sự kiện lớn nên chỉ các bạn được chọn mới lên biểu diễn, các bạn khác ngồi dưới, ban đầu còn tò mò háo hức theo dõi, sau thì ngọ nguậy, sốt ruột, muốn về… Ý nghĩa về một ngày lễ, một sự kiện không đến được với em, chỉ còn lại ấn tượng buồn chán, mệt mỏi, bị là người “bên lề” không quan trọng…

Vì tất cả những lẽ ấy mà tôi cho rằng, nghi lễ và hội hè là cần thiết, nhưng độ “hoành tráng” quá mức thì có vẻ phục vụ cho người lớn nhiều hơn! Để báo cáo thành tích. Để thoả mãn nhu cầu “khoe con khoe trò” của một bộ phận không nhỏ những người lớn: ông bà, bố mẹ, cô giáo. Để phục vụ cả truyền thông: đấy, ngày lễ đã được quan tâm, phong trào đã được hưởng ứng nồng nhiệt, báo chí đưa tin, mạng xã hội đưa video, clips, lãnh đạo hài lòng, mẹ cha mát mặt, thày cô được khen!

anh tet thieu nhi (2)

Lễ hội Halloween tại CLB Đọc sách cùng con ngoài phần hóa trang còn có các câu chuyện

Từ một cách làm đã thành lối mòn, từ những âm thanh vang dội mạnh mẽ bất chấp tác hại cho những đôi tai, lồng ngực bé nhỏ, thật khó để từ bỏ thói quen, lựa chọn những cách làm khác dù vẫn luôn có.  Đôi khi, để làm được điều đó còn cần cả sự dũng cảm, sẵn sàng đối mặt với áp lực đến từ đòi hỏi của phụ huynh hay cấp trên, nhiều khi là áp lực đến từ chính nhu cầu được báo cáo thành tích “kêu xủng xoảng” của bản thân mình.

Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng bạn đọc đồng ý với tôi rằng, chúng ta nên lưu ý đến cảm xúc, câu chuyện, nhịp điệu hài hoà giữa tâm hồn và cơ thể trẻ nhiều hơn là quy mô của hoạt động, độ lớn của sân khấu và âm thanh!

Riêng trong ký ức tôi từ khi còn là đứa bé thời bao cấp đến bây giờ, chỉ bài thơ đồng dao hiện đại nho nhỏ của ngày mùng Một tháng Sáu xưa vẫn vang lên bằng một nhịp điệu thân thương, mới có thể khe khẽ kể câu chuyện về tuổi thơ ngập tràn cảm xúc hân hoan hạnh phúc, chứ không phải một sự kiện ồn ào kèn trống nào khác:

“Mùng Một tháng Sáu

Tết của thiếu nhi

Mẹ đưa em đi

Mua quà mậu dịch…”

TSGD Nguyễn Thụy Anh (Một phần của bài viết đã được đăng trên Báo quốc tế, số ra 1/6/2017)

About admin2

Scroll To Top