Tâm lý giáo dục – Câu lạc bộ Đọc sách cùng con http://docsachcungcon.com docsachcungcon.com Wed, 31 May 2023 13:09:03 +0000 en-US hourly 1 https://wordpress.org/?v=5.5.11 TIẾNG VIỆT ÊM ÁI TOẢ ĐI… http://docsachcungcon.com/tieng-viet-em-ai-toa-di/ Wed, 31 May 2023 12:56:26 +0000 http://docsachcungcon.com/?p=23319 ⁃ Thầy ơi, mình không biết thanh ngã và thanh hỏi khác nhau thế nào! ⁃ Cô ơi, cháu có thể không nói tiếng Việt bây giờ được không? Cháu mệt quá! ⁃ Thầy nói “cái muỗng” là cái gì, mẹ con ở nhà nói là “cái thìa” cơ! ⁃ Con không biết cái chữ ...

The post TIẾNG VIỆT ÊM ÁI TOẢ ĐI… appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>

Ảnh: CLB Đọc sách cùng con

⁃ Thầy ơi, mình không biết thanh ngã và thanh hỏi khác nhau thế nào!
⁃ Cô ơi, cháu có thể không nói tiếng Việt bây giờ được không? Cháu mệt quá!
⁃ Thầy nói “cái muỗng” là cái gì, mẹ con ở nhà nói là “cái thìa” cơ!
⁃ Con không biết cái chữ này đội mũ bình thường hay mũ ngược?!

Biết bao nhiêu câu hỏi tương tự vang lên trong các lớp học tiếng Việt mà chúng tôi có may mắn được tham dự hoặc tham gia tổ chức trong hơn thập kỷ qua. Mỗi câu hỏi đơn giản đôi khi lại là cả một “bầu trời tâm sự” của em nhỏ, của bố mẹ em, của cộng đồng người Việt ở nước sở tại…

Những rào cản tâm lý trong câu chuyện học tiếng Việt

Tháng Tư vừa rồi, tôi cùng các cô giáo CLB Đọc sách cùng con phối hợp với Hội người Việt ở Stuttgart và Paris tổ chức trại tiếng Việt mùa Xuân cho các em nhỏ, sau đó ghé Thuỵ Sĩ, Hà Lan để chia sẻ cùng các nhóm học tiếng Việt ở đây. Ở nơi nào tôi cũng cảm nhận được sự mong mỏi của các bậc phụ huynh và sự nỗ lực của cộng đồng: giữ gìn tiếng Việt cho con.

Trên thực tế, đó là nhu cầu “giữ gìn tiếng Việt cho mình” chứ những đứa trẻ hoà nhập hoàn toàn với cuộc sống sở tại, không nhiều em có mong muốn học tiếng Việt, vì thế, rất nhiều bé học đối phó, miễn cưỡng chỉ vì “bố mẹ muốn!”.

Đó là rào cản thứ nhất. Người thân càng thúc ép, các em càng sợ học. Khi đến trại tiếng Việt, nhiều em oà khóc khi nghĩ sẽ phải nói tiếng Việt 24/24 giờ trong 7-8 ngày!

Trong quá trình dạy tiếng Việt nơi xa xứ, các thầy cô giáo, các bố mẹ gặp rất nhiều khó khăn. Đội ngũ tham gia dạy không nhiều người có chuyên môn sư phạm hoặc ngôn ngữ dù sự nhiệt tình và kiên nhẫn của họ là vô bờ bến! Bố mẹ tự dạy con cũng không biết bắt đầu từ đâu, sắp xếp thứ tự nội dung thế nào, làm sao để con tập trung nghe giảng… Đó là rào cản thứ hai: các vấn đề về kiến thức ngôn ngữ và về phương pháp dạy học.

Các nhóm lớp học tiếng Việt nếu phân loại theo trình độ ngôn ngữ sẽ vấp phải khó khăn về sự không đồng đều về lứa tuổi, mức độ nhận thức xã hội khác nhau, rất khó tổ chức hoạt động học chung trên cùng một ngữ liệu nếu không được thiết kế phù hợp. Ngược lại, nếu phân loại theo lứa tuổi thì trình độ ngôn ngữ lại chênh lệch, cũng là một rào cản lớn đối với công việc của các thầy cô.

Thái độ của các phụ huynh đối với việc học tiếng Việt của con cũng nằm ở hai thái cực. Một là quá sốt sắng dẫn đến ép buộc, thiếu phương pháp gợi mở khiến con trở nên sợ, ngại nói tiếng Việt. Hoặc ở chiều ngược lại, các phụ huynh có tâm lý “buông xuôi”, chấp nhận việc con chỉ coi tiếng Việt là tiếng của cha mẹ, ông bà chứ không còn là “của mình”.

Rào cản thứ ba là những đặc điểm khác biệt của tiếng Việt so với ngôn ngữ các em thường dùng. Các em thường gặp khó nhất ở các thanh điệu, không phân biệt được thanh ngang và thanh huyền; thanh ngã và thanh hỏi. Những âm “ă”, “â”, “ơ”, “h”, “ng” cũng khiến cho các em bối rối… Những khó khăn của người học là trẻ Việt kiều khác hẳn các khó khăn của trẻ học tiếng Việt ở Việt Nam, vì thế nhiều nơi dùng sách dạy tiếng Việt trong chương trình giáo dục ở Việt Nam vô hình trung tạo thêm rào cản nữa đối với trẻ.

Ảnh: CLB Đọc sách cùng con

Chúng ta sẽ cùng vượt qua

Trong trại tiếng Việt ở Paris, em bé Khuê 7 tuổi, cứ gặp cô giáo ở đâu là đề nghị: “Cô ơi, cô đố Toán con đi!” đến mức mỗi sáng cô luôn phải chuẩn bị một câu đố, một bài toán để sẵn trong túi áo! Cô bé thích thú cười như nắc nẻ khi được nghe bài toán hóc búa, cố gắng hiểu nó bằng tiếng Việt và tìm ra đáp án khá nhanh. Bé yêu thích môn Toán và học tiếng Việt qua chính môn mình yêu thích.

Một bạn nhỏ khác lại từ chối tham gia hoạt động học, đôi khi thể hiện bất hợp tác, nhưng khi nói đến việc diễn kịch, bạn hồ hởi, xung phong nhận vai diễn. Bạn nghĩ ngợi, thêm bớt lời thoại và chỉnh sửa cách diễn sao cho thú vị, ghi sẵn lời thoại bằng tiếng Việt vào mẩu giấy để học. Bạn còn sốt sắng hướng dẫn các bạn khác cách làm sao… khóc ra nước mắt!

Nhóm các bạn nhỏ yêu thích hội hoạ lại hí hoáy tô mặt nạ giấy bồi, sơn màu cho chuồn chuồn tre, vẽ tranh theo chủ đề dựa trên màu quốc kỳ của các nước… Cậu bé Bin thích đàn thì lại mày mò các nốt nhạc của những ca khúc được học trong trại như “Sắc huyền hỏi ngã nặng” (Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm), “Mau mau tỉnh dậy” (Nhạc sĩ Phạm Tuyên), Bống bống bang bang (Only C)…

Và đó cũng là phương án của chúng tôi: dẫn dắt tiếng Việt đến với bạn nhỏ qua các hoạt động yêu thích của bạn. Ở Stuttgart hay Paris, bạn thì thích nhảy múa, vẽ, thiết kế thời trang, bạn thích đàn, hát, làm đồ thủ công, đan lát, làm bánh, pha nước quả… Thật hạnh phúc khi nghe tiếng Việt vang lên một cách nhiệt tình, ngọng nghịu đáng yêu khi các bạn tham gia hoạt động! Nhóm khâu vá đan lát: “Kéo ơi, kéo đâu rồi?!” “Cho cháu một cái len, à quên, một cuộn len!”.
Nhóm múa quạt: “Cô ơi, con không mở được quạt, à.. xoè quạt ra…”
Nhóm pha nước: “Làm trà gọi là pha trà, đúng không cô? Cho con một cái gừng! À một mẩu gừng… Cắt… gọt… thái…”
Ban nhạc Xủng Xoảng thì phân công nhau mô phỏng tiếng gió thổi ù ù, ào ào, tiếng suối chảy róc rách, tiếng mưa rơi lộp độp, tiếng sỏi đá va vào nhau lóc cóc… Một bạn nhỏ thán phục nói: “Tiếng Việt nhiều từ hay quá!!!”

Cứ như vậy, chúng tôi nương vào nhu cầu của chính các em để xây dựng hoạt động và bài học. Động lực học tiếng Việt của các em cũng tăng lên mỗi ngày từ sự chia sẻ ấy!

Cuối trại, các em viết những lời cảm ơn mới ấm áp làm sao! Có em tặng mẹ câu: “Cá chuối đắm đuối vì con” làm người mẹ rưng rưng! Đó là câu thành ngữ học được trong vở kịch “Cá chuối con” chúng tôi chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Xuân Quỳnh để các em trình diễn. Cảm nhận được câu này, hẳn đứa trẻ cũng đã có thêm phông nền cảm xúc để tiếp nhận tiếng Việt thân thương của mẹ, của cha để rồi một ngày sẽ tìm được “tiếng Việt của mình!”.

Ảnh: CLB Đọc sách cùng con

Và, một buổi sáng thứ Bảy trong veo của Thuỵ Sĩ, có cảm giác như mọi người còn đang thư giãn, ngủ nướng ở đâu đó, thì giọng ca non nớt ngọng nghịu của nhóm các bạn nhỏ trường Bình minh vang lên, nghe vừa rộn rã như lời giục giã hạnh phúc vừa cho cảm giác bình an:
“Tiếng con chim ri
Gọi dì gọi cậu
Tiếng con sáo sậu
Gọi cậu gọi cô
Mau mau tỉnh dậy
Mà đi ra đồng…”

(Ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên)

Tiếng Việt du dương của chúng ta dường như đang nhẹ nhàng, êm ái lan toả đi khắp năm châu từ những buổi sớm thứ Bảy như vậy ở nơi xa…

Khi chúng tôi tổ chức một trại tiếng Việt mang tên “Trường phù thuỷ tiếng Việt”, các anh chị trong Hội người Việt ở Stuttgart và Paris đã hết lòng ủng hộ. Họ phân công nhau bám sát trại, cổ vũ các cháu, thay nhau nấu nướng chăm chút từng bữa ăn, giờ ngủ trong suốt quá trình diễn ra các hoạt động cùng tiếng Việt.

Hội người Việt Stuttgart, các nhóm Cánh diều, Về nguồn ở Paris, các nhóm tiếng Việt ở Thuỵ Sĩ, Hà Lan… đều có nhiều thầy cô sẵn sàng hy sinh thời gian nghỉ ngơi của mình dành để hướng dẫn, lôi cuốn các bạn trẻ đến với tiếng Việt mỗi cuối tuần.

Ở Zurich, tôi cảm động khi thấy cô Dung, hiệu trưởng trường Bình Minh, ở tuổi 70 nhưng vẫn nhanh nhẹn sắp xếp lịch học, chạy đôn chạy đáo mượn phòng ốc, mở thêm cơ sở để trường dễ dàng tiếp cận nhiều học sinh hơn.

Thuỵ Anh (Đăng trên báo Tuổi trẻ cuối tuần số 20-2023)

The post TIẾNG VIỆT ÊM ÁI TOẢ ĐI… appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>
Nói với con về tình yêu http://docsachcungcon.com/noi-voi-con-ve-tinh-yeu-2/ Wed, 16 Mar 2022 03:51:11 +0000 http://docsachcungcon.com/?p=22688 Nói đến tình yêu, tôi muốn kể về bố tôi. Bố tôi là một quân nhân. Ông rất nghiêm. Suốt những năm thơ ấu của tôi, hai bố con tôi cũng chưa từng đả động đến đề tài tình yêu – có lẽ cũng như phần lớn các bậc cha mẹ thời bấy giờ. Thế ...

The post Nói với con về tình yêu appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>
Nói đến tình yêu, tôi muốn kể về bố tôi.

Bố tôi là một quân nhân. Ông rất nghiêm. Suốt những năm thơ ấu của tôi, hai bố con tôi cũng chưa từng đả động đến đề tài tình yêu – có lẽ cũng như phần lớn các bậc cha mẹ thời bấy giờ. Thế nhưng, tôi luôn luôn cảm thấy cái nhìn thấu suốt của ông mỗi khi tôi có cảm tình với ai đó hoặc khe khẽ mơ về một chàng trai trẻ nào…

Một lần, khi cùng bố đi trên góc đường nhỏ của Matxcơva, tôi nhìn thấy một đôi bạn trẻ ríu rít bên nhau, gương mặt bừng sáng. Rồi họ dừng lại trao nhau một nụ hôn. Cảnh tượng thật bất ngờ đối với đứa trẻ mới ở Việt Nam sang như tôi. Tôi nhìn sang bố. Bố bình thản chứng kiến cảnh ấy không chút bối rối, quay lại nói với tôi, giọng trịnh trọng: “Đó là tình yêu!”.

Từ đó, tôi luôn nghĩ đến hai từ ấy một cách rõ ràng, sáng và hồn nhiên, như bước chân của cô gái hớn hở líu ríu bên chàng trai, như ánh mắt cô nhìn anh ta thẳng thắn nồng nhiệt, như đôi bàn tay họ chạm vào nhau trong trắng đầy rung động. Kể cả sau này, khi tôi đã yêu, đã sai lầm, đã hạnh phúc, thì tôi vẫn nghĩ về Tình Yêu như thế. Tình yêu của tôi đã không giấu diếm, không sợ hãi. Đã thẳng thắn và nồng nhiệt. Đã không chút hoài nghi. Cả những nỗi buồn đau của tôi khi yêu cũng vậy, chúng cũng không khiến tôi phải cúi đầu.

Đó là bài học duy nhất bố dạy tôi về tình yêu.

Tôi kể câu chuyện này để chia sẻ với những bố mẹ đang đầy ắp băn khoăn khi con mình đang đứng trước ngưỡng trở thành thanh niên, thiếu nữ, bắt đầu chớm e ấp những cảm xúc với người bạn khác giới của mình. Thực ra, những cảm xúc kỳ lạ này đã bắt đầu sớm hơn nhiều, thậm chí có thể xuất hiện từ mẫu giáo hay tiểu học; các bạn quý nhau hơn một chút, thích chơi với nhau hơn chơi với các bạn khác, thích tặng quà nhau… Về mặt sinh học mà nói, thì đây là một hiện tượng rất bình thường. Vì vậy, tôi không thấy lý do gì để chúng ta lo ngại để mà đôi khi chính sự lo ngại này truyền sang đứa trẻ đang lớn qua những sóng âm vô hình, khiến chúng đến với những cảm xúc tự nhiên một cách e dè, lắm lúc còn xấu hổ thái quá, nhiều trường hợp đặc biệt còn là sợ hãi.

Vậy, lựa chọn thái độ nào khi nói đến Tình yêu cùng con cái? Các vấn đề khác của giáo dục giới tính đề cập ra sao? Khi con có những cảm tình mới mẻ, thậm chí là yêu ai đó, thái độ của bố mẹ thế nào? Những quan niệm của giới trẻ về tình yêu có khác gì bố mẹ? Những cuốn sách nào có thể sử dụng để gửi thông điệp đến với đứa trẻ đang lớn, sắp thành thanh niên, thiếu nữ? Hỗ trợ con thế nào là vừa đủ, hợp lý, tinh tế trong việc xử lý mọi bối rối khi đối mặt với các mối quan hệ xã hội? Là bạn của con đến mức nào? Làm sao nói với con về những nguy hiểm, “cạm bẫy” ngoài xã hội mà vẫn giữ được những suy nghĩ hồn nhiên, trong trẻo, nhân hậu về con người để bước vào đời? Đó chính là những điều chúng ta cần nghĩ, một cách rành mạch, giản dị chứ không phải ngồi lo lắng mơ hồ.

  1. Tình yêu – đó là một điều kỳ diệu tuyệt vời. Nếu chúng ta có thể truyền được cho con thông điệp ấy, thậm chí âm thầm theo dõi con trải qua những rung động đầu đời trong sáng, sẵn sàng hỗ trợ chúng bằng những câu chuyện đời chuyện người mà mình được chứng kiến, từng trải nghiệm… thì nỗi lo lắng của bố mẹ hẳn sẽ giảm đi đáng kể. Sự “hồi hộp” quá đáng của người lớn có thể sẽ khiến đứa trẻ ngay lập tức nhìn về những mặt tiêu cực mà người ta nghĩ đến đằng sau từ “tình yêu”.

Cái nắm tay, nụ hôn… đó cũng không phải là điều xấu xa, và xin đừng “tiêm nhiễm” vào những đứa trẻ ý nghĩ ấy. Ngay cả khi con còn nhỏ, bố mẹ cũng đừng quá e ngại mà không dám thể hiện tình cảm với nhau trước mặt con. Một cái ôm ấm áp giữa bố và mẹ sẽ cho đứa trẻ cảm giác an tâm và hạnh phúc khi nghĩ đến tình yêu trong tương lai.

Hình ảnh: Hoạt động “Thì thầm Teen” tại trại hè kỹ năng, hướng nghiệp EcoCamp do CLB Đọc sách cùng con tổ chức.

 

  1. Xây dựng tình bạn. Những mối tình ngây thơ non nớt của tuổi học trò phần lớn bắt đầu từ tình bạn. Vậy hãy quan tâm đến việc hỗ trợ con xây dựng những tình bạn đẹp, tôn trọng nhau, lắng nghe để kịp thời cho con những lời khuyên trong việc xử lý các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, cố gắng giữ thái độ bình tĩnh trong mọi việc, nghĩ xa nhưng đừng vội “chụp mũ” cho các mối quan hệ giữa bạn trai và bạn gái của con, tỏ ra tin tưởng nhưng vẫn không ngừng âm thầm quan sát, đánh giá tình hình của con.

Lấy một ví dụ: Một bà mẹ băn khoăn kể cho tôi nghe về việc con gái chị 11 tuổi nhận được lời đề nghị kết bạn của một anh chàng 15 tuổi, sáng sủa, học giỏi, đàng hoàng. Anh chàng xin số điện thoại, xin cả e-mail… Với sự lo âu của người mẹ, chị những muốn “cấm chỉ” hoàn toàn những quan hệ kiểu thế này, nhưng cô bé lại có vẻ vui sướng và thích thú. Tôi cho rằng, một mặt đừng tỏ ra quá lo sợ, hãy chia sẻ với con gái niềm vui có một người bạn, người anh lớn. Nhưng mặt khác, người mẹ có thể nói với cậu trai kia là không phản đối các bạn nhỏ chơi với nhau, hy vọng vào những điều tốt đẹp, nhưng cũng cho cậu biết là có một số nguyên tắc của gia đình trong việc kết bạn vì em gái còn nhỏ – chẳng hạn, nếu đến chơi thì phải vào hẳn nhà, ngồi phòng khách; nếu muốn rủ em đi chơi phải xin phép người lớn; có một số hoạt động em chưa đến tuổi tham gia như đi quán cà phê, quán bar; không nhắn tin nhiều quá ảnh hưởng đến học tập… v.v. Và tất nhiên là luôn kín đáo theo dõi, hỏi han để biết được diễn biến tình bạn. Rất có thể mọi việc chỉ dừng ở chỗ đó.

Thay vì tưởng tượng những trường hợp tiêu cực thì bố mẹ có thể hướng dẫn con biết cách sống đồng thuận với bạn bè, biết cách thỏa thuận, nhường nhịn, biết giải quyết các va chạm, mâu thuẫn một cách tinh tế bằng nhiều cách để con có thể có một nhóm bạn tốt, thân nhau – đó cũng là một hỗ trợ tinh thần cho đứa trẻ, đồng thời là … nguồn thông tin tốt cho bố mẹ về con. Khi con ở tuổi mới lớn có được một nhóm bạn thân có những hoạt động ưa thích việc “yêu sớm” sẽ ít hơn ở những đứa trẻ ít bạn, diện quan hệ xã hội bó hẹp trong gia đình.

Hình ảnh: Trò chơi Kết bạn tại EcoCamp

 

  1. Tình cảm giữa bạn nam và bạn nữ, ngay cả khi chưa thể gọi là tình yêu, đối với giới trẻ ngày nay có vẻ rõ ràng và công khai hơn nhiều. Trên FB, các bạn trẻ không ngại đưa thông tin về người bạn khác giới của mình, thậm chí gọi nhau là vợ là chồng một cách tự nhiên nhất đời. Tuy vậy, chúng dù thế nào vẫn là những đứa trẻ, dẫu có hiện đại, tân tiến hơn những đứa trẻ thế hệ trước. Còn nhớ, xưa kia Nguyễn Bính có viết trong một bài thơ: “Hai ta trẻ lắm tình thơ dại/ Chẳng biết yêu nhau phải những gì!”

Với  những bạn nhỏ, “những gì” đó là cảm xúc hạnh phúc, lãng mạn. Đó là cảm xúc hài lòng khi được chia sẻ, hy sinh. Là những buổi đi chơi cùng cả đám bạn bè, đi bên nhau đã là vui sướng lâng lâng đến nỗi cứ cười hoài mà không hiểu vì sao. Là sự trao đổi tâm tình với nhau hàng ngày trên lớp. Là việc trao cho nhau những tấm thiệp xinh. Ở đây, những cuốn sách văn học như sách của Nguyễn Nhật Ánh, các đầu sách kinh điển như Không gia đình, Cánh buồm đỏ thắm…, những cuốn sổ tay thơ sẽ nuôi dưỡng cảm xúc trong sáng, e ấp để các em đến với tình yêu của mình sau này.

Bố mẹ cũng đừng quá “sợ” với tác phong của giới trẻ hiện nay, kể cả cách xưng hô. Nhiều khi, ta phải biết chấp nhận. Chấp nhận một thế hệ lớn lên khác nhiều với chúng ta, ăn nói cũng khác, trang phục cũng khác. Chấp nhận một chút bồng bột, nông nổi của người trẻ. Có thể góp ý nhưng không nên phê phán, dè bỉu, chê bai.

Hình ảnh: Hoạt động Teambuilding dành cho nhóm Teen tại trại hè EcoCamp.

 

  1. Tuổi mới lớn cần được khám phá cảm xúc của chính bản thân mình, điều khiển và kiểm soát được cảm xúc ấy, đồng thời cần được cung cấp những kiến thức cơ bản về cơ thể mình. Những kiến thức này các em thường được dạy trong giờ Khoa học hoặc Sinh vật – một cách khoa học và giản dị. Trên thị trường sách hiện nay có khá nhiều sách thay bố mẹ “trò chuyện” với tuổi teen về các vấn đề khó nói. Có cuốn sách còn xây dựng theo hình thức vừa dẫn giải vừa có các câu hỏi trắc nghiệm để các em loại bỏ dần những kiến thức “lá cải” được nhặt nhạnh và lại không đúng. Những hiểu biết chính xác, khoa học sẽ cho các em sự tự tin và hướng giải quyết nhiều vấn đề trong tương lai.

Một lưu ý nhỏ: Xin đừng đánh đồng việc giáo dục giới tính trong nhà trường với việc chỉ đơn thuần là dạy những hiểu biết về tình dục. Còn có những điều khác rất đáng nói cùng các em như khái niệm nữ tính, nam tính, khái niệm về đồng tính và thái độ của em. Làm sao cho các em qua những câu chuyện bố mẹ chia sẻ sẽ không sợ hãi về giới tính của bản thân, không ngạc nhiên vì những khác biệt của người bên cạnh và tiếp nhận thế giới này một cách giản dị như nó vốn thế.

Và với tình yêu cũng vậy, hãy để khái niệm Tình Yêu đầu đời mãi lung linh trong suy nghĩ của các em, như nó vốn thế.

Thụy Anh, 2015

 

The post Nói với con về tình yêu appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>
Tiếng Việt nơi xa xứ http://docsachcungcon.com/tieng-viet-noi-xa-xu/ Tue, 08 Feb 2022 07:44:41 +0000 http://docsachcungcon.com/?p=22668   Vốn từ không đủ, cảm giác về ngôn ngữ không đủ để chia sẻ những gần gũi về tâm hồn giữa các thế hệ là tình trạng dễ thấy trong các gia đình Việt Nam sống xa quê hương. Vậy phải làm gì để các thế hệ lớn lên ở nước ngoài có mong ...

The post Tiếng Việt nơi xa xứ appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>
Câu chuyện tiếng Việt cho trẻ em Việt kiều phải được quan tâm một cách “thức thời” hơn, nghĩa là chú trọng phương pháp hơn là các nội dung rình rang, nhiều việc mà việc giữ gìn cảm xúc rung động với tiếng Việt không đạt hiệu quả như mong muốn.

 

Vốn từ không đủ, cảm giác về ngôn ngữ không đủ để chia sẻ những gần gũi về tâm hồn giữa các thế hệ là tình trạng dễ thấy trong các gia đình Việt Nam sống xa quê hương. Vậy phải làm gì để các thế hệ lớn lên ở nước ngoài có mong muốn sử dụng tiếng Việt như một thứ tiếng có cảm xúc, sinh động trong cuộc sống?

Chiều gần cuối năm, bố mẹ của một người bạn gọi điện nhờ tôi dịch cho hai bác câu chuyện giữa ông bà và những đứa cháu ở nước ngoài. Mẹ các cháu người bản địa, bố người Việt. Bố bận bịu không dạy con tiếng Việt, lãng đi chút thôi mà thời gian trôi vèo: các con đã lớn mà vốn tiếng Việt ít ỏi quá. Cuộc trò chuyện xa xôi khiến ông bà vừa mừng vừa tủi. Nhìn hai đứa cháu một trai một gái nhớn nhao, xinh đẹp, thấy vui. Nhưng những ề à mắng yêu nựng nịu của bà, những hỏi han nghiêm nghị của ông – tất cả đều đã được cắt ngắn gọn đi qua phiên dịch viên bất đắc dĩ là tôi, dù thông tin được đảm bảo chuyển tải đầy đủ. “Tủi quá cháu ạ! Rồi đây chúng nó lấy vợ lấy chồng thì chắc chắn các bác không còn liên quan gì đến cuộc sống của chúng nữa rồi!”

Nỗi lòng của ông bà Việt thấy mất mát, xa cách với cháu nội cháu ngoại, thật sự không phải là một câu chuyện hiếm, và cũng không mới. Ngay cả với các phụ huynh, những chia sẻ về cuộc đời – một cảm xúc, một chạnh lòng, một linh cảm, một quyến luyến, một ngậm ngùi…- bằng tiếng Việt với con cũng dần trở nên ít ỏi và khó nhọc. Vốn từ không đủ, cảm giác về ngôn ngữ không đủ để diễn giải những gần gũi về tâm hồn.

 

Trẻ em Việt Nam ở Stuttgart và các thành phố lân cận tương tác với các “phù thủy” bằng tiếng Việt tại Trại Mùa thu do Hội người Việt ở Stuttgart phối hợp với CLB Đọc sách cùng con (Hà Nội) tổ chức năm 2018.

 

Bố mẹ muốn nhưng con chưa muốn

Tôi có hỏi chuyện người bạn tôi, trách nhẹ anh rằng sao không dạy con tiếng Việt. Nghe anh phân bua tôi mới hiểu, biết bao rào cản khiến dù muốn, dù cố gắng đến mấy, học tiếng Việt vẫn là “nhiệm vụ bất khả thi” đối với nhiều gia đình Việt ở nước ngoài.

Trước hết, đó là… nhu cầu của đứa con. Mong muốn chính đáng của bố mẹ (muốn con học tiếng Việt, giao tiếp bằng tiếng Việt) không phải lúc nào cũng trùng khớp với nhu cầu học của trẻ em và thanh thiếu niên Việt kiều. Thời lượng tiếp xúc với tiếng Việt của các em không nhiều, các em lại sinh ra, lớn lên ở nước ngoài và hoàn toàn hòa nhập với văn hóa bản địa, từ đó xuất hiện tâm lý học đối phó hoặc miễn cưỡng.

Thái độ của các phụ huynh đối với việc học tiếng Việt của con cũng nằm ở hai thái cực. Một là quá sốt sắng dẫn đến ép buộc, thiếu phương pháp gợi mở khiến con trở nên sợ, ngại nói tiếng Việt. Hoặc ở chiều ngược lại, các phụ huynh có tâm lý “buông xuôi”, chấp nhận việc con chỉ coi tiếng Việt là tiếng của cha mẹ, ông bà chứ không còn là “của mình”.

Với những địa phương có ít người Việt và sống không tập trung về mặt địa lý thì các bố mẹ cũng gặp lúng túng trong việc dạy con tiếng Việt ở nhà. Với lứa tuổi tiền tiểu học và tiểu học, bố mẹ còn có những ảnh hưởng nhất định. Khi trẻ lớn hơn, không nhiều gia đình duy trì được việc học tiếng Việt của con em mình.

Các cơ sở, trung tâm, trường, nhóm lớp dạy tiếng Việt ở nước ngoài, dù đã rất cố gắng và có nhiều sáng kiến để bền bỉ duy trì các lớp học thì vẫn luôn đối mặt với những vấn đề về giáo trình, người dạy, phương pháp. Chưa có một phương pháp nào được xác lập với sự nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu, mong muốn, khó khăn của người học, đặt người học ở vị trí trung tâm để tìm một hướng tiếp cận đúng.

Các nhóm lớp học tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài nếu phân loại theo trình độ ngôn ngữ sẽ vấp phải khó khăn về sự không đồng đều về lứa tuổi và nhận thức xã hội, rất khó tổ chức hoạt động học chung trên cùng một ngữ liệu nếu không được thiết kế phù hợp. Ngược lại, nếu phân loại theo lứa tuổi thì trình độ ngôn ngữ lại chênh lệch, cũng là một rào cản lớn đối với công việc của các thầy cô.

Trong quá trình học tiếng Việt, thách thức lớn nhất là hỗ trợ các em hình thành động lực học. Ở các cấp độ đầu tiên, nếu người dạy quá chú trọng việc nhận mặt chữ, luyện âm, vần, ghép từ, tô chữ… mà không quan tâm tổ chức hoạt động sư phạm sẽ tạo tâm lý buồn chán cho người học. Vì thế, phương pháp dạy tiếng Việt cho đối tượng này phải dựa trên nguyên tắc “Tạo động lực” – hỗ trợ người học nảy sinh nhu cầu học tự thân, từ đó sẵn sàng tham gia các hoạt động học và tìm kiếm thêm các ngữ liệu mới mẻ bên ngoài, không chỉ chăm chăm phụ thuộc vào một bộ sách nào đó.

Nghiên cứu một số bộ giáo khoa tiếng Việt cho người nước ngoài gần đây, tôi nhận thấy, ở các bộ dành cho trẻ em, nguyên tắc “tạo động lực” đang vắng thiếu. Người biên soạn mặc định việc “phải học” để thiết kế bài học. Vì thế, sách có kiến thức mà thiếu các nhiệm vụ, hoạt động học phù hợp với tâm lý trẻ, giúp tạo niềm vui học và nảy sinh nhu cầu tiếp tục học.

Người học tiếp cận tiếng Việt như tiếp cận một ngoại ngữ nhưng lại có hậu thuẫn hoặc có thể gọi là “môi trường ngôn ngữ nhỏ” – chính là một hoặc một vài người thân nói tiếng Việt, cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Các cuốn SGK chưa khai thác được môi trường này như một không gian văn hóa bao bọc đứa trẻ, phục vụ cho việc học.

TS. Nguyễn Thụy Anh dạy tiếng Việt thông qua câu chuyện về dấu chân sinh thái tại Trại Mùa thu 2018. Chị cũng là tác giả của bộ sách Chào tiếng Việt (Nxb Giáo dục, 2022) dành cho thanh thiếu niên Việt Nam sống ở nước ngoài.

 

Chơi hay học?

Trong một buổi tọa đàm về phương pháp dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, tôi thị phạm trò chơi “Con thỏ ăn cỏ…” mà tôi vẫn chơi với các em trong quá trình học. Thống nhất với các em: chụm các ngón tay của bàn tay phải đưa ra trước và nói “con thỏ” – danh từ; đưa vào miệng nói “ăn cỏ”, đưa lên đầu nói “ rồi đi chơi”, đưa vào tai nói: “và đi về hang” – động từ. Đó là cách diễn tả một module ngữ pháp bằng động tác cơ thể, một thế mạnh của trẻ em. Và cứ như vậy, chúng tôi thay các danh từ vào chỗ “con thỏ”, các động từ được lắp phù hợp theo các động tác. Các bạn nhỏ rất hào hứng tham gia, cùng nhau nghĩ trước, viết ra, cố thuộc các danh từ, động từ ấy để đến lượt mình thực hiện nhanh nhẹn. Trên hết là, các em cười khúc khích. Niềm vui tiếng Việt bắt đầu ngấm vào các em qua những hoạt động học như thế. Ấy vậy mà một thầy giáo nhận xét: “Đấy chỉ là chơi thôi. Học thì phải khác chứ!”. Tôi hiểu rằng, các thầy cô vẫn băn khoăn đặt nặng câu chuyện kiến thức mà coi nhẹ định hướng năng lực. Các buổi tập huấn, tọa đàm vẫn xoay quanh nội dung dạy, dạy sao cho đúng kiến thức tiếng Việt, nghe trình bày về cái hay cái đẹp của tiếng Việt, văn hóa Việt mà ít đề cập đến phương pháp và kỹ thuật tổ chức hoạt động học.

Nhân đây, tôi xin chia sẻ với các thầy cô dạy tiếng Việt ở nước ngoài đôi chút về phương pháp dạy tiếng Việt bằng cách tổ chức hoạt động học. Trong đó, tôi muốn nhấn mạnh rằng, phương pháp tiếp cận trẻ thông qua trò chơi, nhiệm vụ cụ thể sẽ giúp học sinh có mong muốn sử dụng tiếng Việt như một thứ tiếng có cảm xúc, sinh động trong cuộc sống.

Tạo cảm xúc tiếng Việt: Chúng tôi tiết chế lượng kiến thức về ngôn ngữ trong cấp độ đầu tiên, cho phép các em dùng ngôn ngữ thứ nhất để chia sẻ cảm xúc khi học tiếng Việt. Chúng tôi sử dụng động tác cơ thể, âm nhạc và giáo cụ trực quan để giúp các em phân biệt thanh điệu.

Một cách khác nữa để đưa tiếng Việt đến gần hơn với cuộc sống của các em là tổ chức các hoạt động yêu thích của người học trong sự diễn giải bằng tiếng Việt: lễ hội Halloween; các cuộc thi vẽ; nhảy múa; các bữa tiệc vui; làm thủ công, khâu vá, nấu bếp; hoạt động STEM, STEAM… và đặc biệt là tổ chức trại hè, trại thu, trại đông để các em mỗi năm có những khoảng thời gian được tắm mình trong tiếng Việt với thời lượng đậm đặc hơn, cảm xúc được đẩy mạnh và tạo một cộng đồng thân thiết để chia sẻ.

Sử dụng các ngữ liệu được lựa chọn từ ngôn ngữ và văn hóa bản địa: những bài thơ, câu chuyện, vở kịch, bức tranh, bài hát… đều có thể là chủ đề để chia sẻ bằng tiếng Việt. Mời các nhân vật đặc biệt (nhà thơ, đạo diễn, dịch giả, họa sĩ, nghệ sĩ nước bản địa….) đến giao lưu và các em lần lượt đóng vai trò người phiên dịch.

Thiết kế kể chuyện, đọc thơ và diễn tiểu phẩm tương tác, tạo cơ hội tham gia và sáng tạo cho các bạn trẻ: Học sinh thực hiện các thao tác nghe, nói, đọc, đoán từ, diễn tả từ bằng ngôn ngữ cơ thể và sáng tạo cái kết cho câu chuyện cổ tích, tiểu phẩm…

Học từ cùng các ca khúc tiếng Việt với phương pháp “màn hình karaoke” vui nhộn bằng bìa màu, hát theo từ khóa quan trọng chứ không phải đọc lời cả bài hát. Quá trình nhớ lời bài hát với gợi ý là các động tác cơ thể cũng là quá trình tăng vốn từ và học cấu trúc ngữ pháp.

Và học tiếng Việt thông qua các môn nghệ thuật như múa, hát, vẽ, đàn…

Một nhóm-lớp học tiếng Việt không nhất thiết giữ nguyên cách phân nhóm lớp suốt cả năm học mà thay đổi linh hoạt. Lúc thì chia nhóm học theo trình độ bằng nhau nhưng lứa tuổi khác nhau. Bấy giờ, cần thiết kế các bài tập, dự án sao cho lứa tuổi nào cũng có nhiệm vụ phù hợp. Nhóm học sẽ phân công nhau thực hiện, có sự chia sẻ, hỗ trợ giữa các em. Với một số nội dung khác, giáo viên chia lại nhóm theo lứa tuổi để có mối quan tâm chung nhưng trình độ ngôn ngữ có sự chênh lệch. Khi trả bài, học sinh có trình độ tiếng Việt khá hơn sẽ giúp đỡ học sinh có trình độ thấp hơn bằng cách kết đôi, kết ba trong nhóm hoạt động.

 

Tôn vinh tiếng Việt

Gần đây, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng dự thảo Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhằm khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ, học tập và gìn giữ tiếng Việt. Thật là một thông tin đáng mừng. Có một ngày để hướng tới, để cổ vũ câu chuyện tiếng Việt ở nước ngoài, hẳn chúng ta sẽ có thêm nhiều cá nhân và đoàn thể chăm sóc đến tiếng Việt cho thế hệ người Việt trẻ. Tuy nhiên, tôi cũng mong rằng, câu chuyện tiếng Việt cho trẻ em Việt kiều phải được quan tâm một cách “thức thời” hơn, nghĩa là chú trọng phương pháp hơn là các nội dung rình rang, nhiều việc mà việc giữ gìn cảm xúc rung động với tiếng Việt không đạt hiệu quả như mong muốn.

 

TSGD Nguyễn Thụy Anh

Bài viết đăng tải trên https://khoahocphattrien.vn/

The post Tiếng Việt nơi xa xứ appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>
Bảo vệ con trước vấn nạn bạo lực học đường – Điều tiên quyết là lòng tin! http://docsachcungcon.com/bao-ve-con-truoc-van-nan-bao-luc-hoc-duong-dieu-tien-quyet-la-long-tin/ Thu, 04 Nov 2021 09:23:55 +0000 http://docsachcungcon.com/?p=22536 Cùng con nhận diện bạo lực học đường Theo TS Nguyễn Thụy Anh, phụ huynh nên làm thế nào để bảo vệ con an toàn và ngăn chặn kịp thời BLHĐ? TS Nguyễn Thụy Anh: Điều tiên quyết để bảo vệ được con là lòng tin. Tin tưởng vào cảm giác, cảm xúc của con khi ...

The post Bảo vệ con trước vấn nạn bạo lực học đường – Điều tiên quyết là lòng tin! appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>
Vì trẻ em – Những câu chuyện về giáo dục luôn nhận được sự quan tâm của xã hội, trong đó bạo lực học đường (BLHĐ) đã và đang là vấn nạn nhức nhối. Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thuỵ Anh đã có những chia sẻ với “Vì trẻ em” về vấn đề này.

Ảnh: Cô Thụy Anh cùng các học sinh lớp Nghĩ và Viết tại CLB Đọc sách cùng con

Cùng con nhận diện bạo lực học đường

Theo TS Nguyễn Thụy Anh, phụ huynh nên làm thế nào để bảo vệ con an toàn và ngăn chặn kịp thời BLHĐ?

TS Nguyễn Thụy Anh: Điều tiên quyết để bảo vệ được con là lòng tin. Tin tưởng vào cảm giác, cảm xúc của con khi con thấy lo lắng, bất an. Tin tưởng vào lời kể của con, từ đó tìm hiểu thêm vấn đề con gặp phải. Lòng tin của người thân giúp trẻ không ngại nói ra cả những nỗi sợ mơ hồ. Phụ huynh thường xuyên trò chuyện để cùng con nhận diện BLHĐ: thế nào là đùa nhả, thế nào là bắt nạt; những tình huống nào tiềm ẩn mối họa, giải quyết chúng thế nào… Cùng trẻ mô tả tình huống hoặc đọc các cuốn sách có mô tả tình huống thử thách, thảo luận để tìm ra phương án hoá giải, cùng chơi các trò chơi giúp trẻ kiên nhẫn hơn trong các vụ bất hòa…

Với các mối nguy hiểm ẩn trong mạng xã hội (MXH), bố mẹ chuẩn bị kỹ năng để con bình tĩnh đối mặt với các vấn đề có thể nảy sinh thông qua các câu hỏi: Nếu một người nhắn tin hẹn gặp riêng con, con sẽ làm gì? Có ai được quyền đánh mình không? Bố mẹ chuẩn bị cho con các kiến thức cơ bản để bảo vệ mình khi tham gia MXH…

CLB Đọc sách cùng con của TS có đưa đề tài này vào thảo luận để trang bị thêm kỹ năng cho trẻ em không?

TS Nguyễn Thụy Anh: Chúng tôi thiết kế nhiều trò chơi quan sát, nhận diện BLHĐ, đồng thời cùng các bạn nhỏ thảo luận về những “bí kíp” ứng xử khi bị bắt nạt dưới dạng thơ, văn vần hoặc biểu tượng dễ nhớ. Chúng tôi cũng hướng dẫn các em diễn đạt gãy gọn ý kiến của mình, kiểm soát cảm xúc và giọng nói, giữ thái độ bình tĩnh – bình thản trước kẻ bắt nạt.

Theo TS, khi nhà trường chú trọng việc bố trí phòng tư vấn cho riêng HS thì có thể giảm bớt được vấn nạn BLHĐ không?

TS Nguyễn Thụy Anh: Hiện có nhiều trường đã làm được việc này. Đây là việc không chỉ nên mà rất cần thực hiện ở các trường phổ thông. Cả người lớn lẫn trẻ em đều cần được nói ra những lo âu, bức xúc, bất an trong lòng mình. Người có chuyên môn hoặc được đào tạo ban đầu về tâm lý học đường sẽ biết cách dẫn dắt để HS nói và biết cách lắng nghe. Các ấm ức được hóa giải, những nguy cơ lệch chuẩn về tâm lý sẽ được phát hiện, giáo viên có điều kiện hiểu HS và hỗ trợ các em kịp thời hơn.

Chương trình giáo dục phổ thông mới góp phần thay đổi thái độ của học sinh

Thưa TS Nguyễn Thụy Anh, chị mong đợi thế nào về việc đổi mới sách giáo khoa (SGK) theo Chương trình giáo dục phổ thông mới?

TS Nguyễn Thụy Anh: Tôi kỳ vọng nhiều vào những đổi mới trong phương pháp biên soạn SGK theo định hướng phát triển năng lực sẽ giúp các thầy cô có cách tiếp cận khác hơn với học sinh (HS), cho các em chủ động hơn trong học tập, giảm bớt áp lực về kiến thức, hỗ trợ hướng dẫn về phương pháp, từ đó có động lực trải nghiệm cuộc sống cùng với những kiến thức được học. HS có cơ hội được tự mình rút ra kinh nghiệm mới, bài học mới, tạo được bộ giá trị tinh thần bền vững.

Trong chương trình có môn Đạo đức, Giáo dục công dân. Bên cạnh đó, còn có hoạt động giáo dục được chú trọng thiết kế từ Sinh hoạt dưới cờ cho đến các tiết trải nghiệm riêng theo chủ đề và sinh hoạt lớp. Đó là Hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Cá nhân tôi cũng tham gia làm chủ biên SGK Hoạt động trải nghiệm ở tiểu học. Chúng tôi quan tâm đến tất cả những vấn đề thực tế trong cuộc sống của các em, trong đó có nạn BLHĐ, bắt nạt. Nếu môn học Đạo đức giúp trẻ nhận được bài học về chuẩn mực trong ứng xử thì với Hoạt động trải nghiệm, chúng tôi đề xuất những hoạt động để HS “va chạm” nhiều nhất với tình huống thực tế, chia sẻ thật về những vấn đề có thật của các em, từ đó thầy cô hiểu các em hơn để hỗ trợ kịp thời.

Với thực trạng hiện tượng đánh nhau, bắt nạt vẫn còn tồn tại, chúng tôi đưa ra phương án xử lý từ gốc rễ: đó là các hoạt động giúp hình thành cảm xúc tôn trọng, yêu thương, gắn bó giữa các thế hệ HS trong trường. Ví dụ, chủ đề “Anh em một trường” với hoạt động làm quen, kết bạn, kết nghĩa giữa anh chị lớp trên và các em lớp dưới, tạo dựng tủ sách “Anh em”, chú trọng đến việc chào hỏi nhau trong trường, giao lưu giữa các lớp, cùng viết nhật ký tình bạn, cùng chơi trò chơi tiếp sức, cùng nhận nhiệm vụ chung giữa các lớp lớn nhỏ, khơi gợi cảm xúc quý mến, ngưỡng mộ hoặc sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ. Tiếp sau đó mới là các hoạt động quan sát, nhận biết về các mâu thuẫn trong quan hệ bạn bè, thảo luận các phương án xử lý tình huống, xác định những người mình hoàn toàn tin tưởng để tâm tình hoặc hỏi ý kiến lúc khó khăn. Rồi những trò chơi, bài tập hướng dẫn HS giải tỏa cảm xúc tiêu cực, biết kiểm soát cảm xúc, biết giãi bày và đặt mình ở vị trí người khác mà suy xét, biết cảnh báo và nói “không” đúng lúc… cũng sẽ khiến các em hay bắt nạt lẫn các em hay bị bắt nạt biết mình cần làm gì để điều chỉnh mình trong các mối quan hệ xã hội.

Bên cạnh các hoạt động riêng ở lớp, HS còn được giao lưu ở quy mô toàn trường với các nhân vật – khách mời khác nhau. Mỗi con người thú vị với câu chuyện cuộc đời lao động và sáng tạo của mình cũng sẽ góp phần thay đổi thái độ của các em đối với mọi người và lối sống của mình. Tôi tin rằng, bộ giá trị các em dần thấm được thông qua việc chia sẻ thực tế như vậy sẽ rất bền vững.

Xin cảm ơn TS Thuỵ Anh.

“Nạn nhân của BLHĐ, từ chuyện bị bắt nạt, tẩy chay, trêu chọc ác ý đến việc phải chịu những tổn thương về tinh thần hoặc bị xâm phạm thân thể… đều có thể ở trong tình trạng stress, căng thẳng kéo dài, hoảng sợ và rối loạn lo âu, có thể dẫn tới trầm cảm. Điều này tiềm ẩn những nguy hiểm không nhỏ cho sức khoẻ tâm thần của các em, đồng thời khiến sức khỏe thể chất cũng gặp vấn đề, cản trở việc học tập, sinh hoạt, vui chơi…”

TS Nguyễn Thụy Anh

– Thực hiện: Hồng Nga, Vì trẻ em –

The post Bảo vệ con trước vấn nạn bạo lực học đường – Điều tiên quyết là lòng tin! appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>
Gặp lại tác giả được đưa vào SGK: Nhà văn Thụy Anh – vui cùng tiếng Việt http://docsachcungcon.com/gap-lai-tac-gia-duoc-dua-vao-sgk-nha-van-thuy-anh-vui-cung-tieng-viet/ Mon, 19 Jul 2021 04:30:37 +0000 http://docsachcungcon.com/?p=22394 Thụy Anh là tác giả bài Tia nắng đi đâu, trang 124 sách Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (NXB Giáo dục VN 2020): “Buổi sáng thức dậy Bé thấy buồn cười Có ai đang nhảy Một bài vui vui   Đó là tia nắng Nhảy trong lòng tay Nhảy trên bàn học Nhảy trên ...

The post Gặp lại tác giả được đưa vào SGK: Nhà văn Thụy Anh – vui cùng tiếng Việt appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>
(Thethaovanhoa.vn) – Trong loạt bài “Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa”, tôi đã viết về các tác giả “đại thụ” khả kính như Định Hải, Trúc Thông, Vân Long… Tôi cũng đã viết về các tác giả trẻ măng và đáng yêu như Cao Nguyệt Nguyên, Văn Thành Lê, Võ Thu Hương…Nhưng lạ nhất là người tôi viết kỳ này, nhà văn Thụy Anh! Chị là tác giả tin cẩn trao tác phẩm cho những người làm sách giáo khoa, đồng thời cũng chính là một soạn giả sách giáo khoa!

Thụy Anh là tác giả bài Tia nắng đi đâu, trang 124 sách Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (NXB Giáo dục VN 2020):

“Buổi sáng thức dậy

Bé thấy buồn cười

Có ai đang nhảy

Một bài vui vui

 

Đó là tia nắng

Nhảy trong lòng tay

Nhảy trên bàn học

Nhảy trên tán cây

 

Tối, đến giờ ngủ

Sực nhớ, bé tìm

Tìm tia nắng nhỏ

Ngủ rồi. Lặng im…

 

Bé nằm ngẫm nghĩ:

– Nắng ngủ ở đâu?

– Nắng ngủ nhà nắng!

Mai lại gặp nhau.”.

 

“Thơ là Bé. Bé là thơ. Cùng nhau lớn dần!!!”

Bài thơ được lấy từ tập thơ Ngày xưa, ngày nay, ngày sau… (NXB Trẻ, 2016) một tập thơ khá khác lạ so với các tập thơ viết cho thiếu nhi trước đây – chữ in để đọc ít hơn tranh vẽ để nhìn ngắm. Trên trang bìa, tác giả thơ Thụy Anh và tác giả tranh Kim Duẩn đứng bên nhau, họa sĩ không phải giấu mình vào trang cuối sách như xưa. Và đọc thơ thì thấy đúng như tác giả “tuyên ngôn” ở  bìa 4, thơ này “… kể mọi điều trong cuộc sống của bé, dễ hiểu, hồn nhiên, như chính tiếng cười khúc khích của bé vậy! Thơ là Bé. Bé là thơ. Cùng nhau lớn dần!!!”.

Bài Tia nắng đi đâu là thơ theo tuyên ngôn này. Rất “khúc khích” vì được viết theo nhịp vè 4/4 kiểu “con vỏi con voi”. Hình ảnh thơ nhảy nhót trong nhịp cười kia, tạo ra điệu luân vũ ở khổ thơ thứ 2, khổ thơ hay nhất. Trong luân vũ này, Bé thật là lớn- có quyền trẻ em mà, Bé ngửa bàn tay để  đồ vật, cỏ cây bắt đầu giao hòa bằng điệu múa của 4 chân bàn, 5 ngón tay dưới 1 tán cây. Vui hả hê rồi, mệt rồi thì lim dim hỏi, và trả lời mà như chưa trả lời “Nắng ngủ nhà nắng”.

Trong bộ giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống, nhà văn Thụy Anh cùng tác giả Nguyễn Thanh Bình, chủ biên sách Hoạt động trải nghiệm 2. Ở trang 60 sách có bài Bầy cáo trong đêm bài thơ mà chủ biên Thụy Anh dựa theo yêu cầu dạy trẻ đi đường không sợ lạc lối đã phóng tác theo tứ rất hay của nhà thơ Nga Vladimir Orlov, biến bài thơ phương Tây thành bài đồng dao Việt Nam, các em vừa đọc thơ vừa di chuyển đội hình hàng 1 như kiểu chơi “rồng rắn lên mây”:

“Mẹ cáo dặn:

“Này các con

Nhớ bám theo

Cái đốm trắng

 

Đó là đốm

Trên đuôi ta

Đường còn xa

Đường rất tối

 

Đuôi chỉ lối

Cho cáo đi

Nối đuôi nhau

Không sợ lạc!”.

Cũng trong sách này ở trang 82 Thụy Anh lại có bài thơ đố Đoán xem … mẹ tớ làm nghề gì?như cách đố của văn học dân gian.

“- Mẹ tớ cầm phấn trắng

Viết lên tấm bảng đen

Dáng hiền hậu, thân quen

Thuộc hàng trăm đứa trẻ!

– Mẹ cậu đoán quá dễ:

[cô giáo] đấy mà!

 

– Mẹ tớ làm ra gạo

Gieo mạ, cấy lúa non

Ai đến bữa, xới cơm

Cũng nghĩ về mẹ tớ!

– Chúng tớ đoán ngay nhé

Mẹ cậu là [nông dân]!

 

– Mẹ tớ luôn vội vã

Chạy cứ ríu cả chân

Vì người bệnh đang cần

Ăn cũng không đúng bữa!

– Cậu không phải nói nữa:

[bác sĩ] đúng không?”.

 

Về thơ viết cho thiếu nhi của Thụy Anh, đúng như bà Lê Phương Liên, nguyên Trưởng ban văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam nhận định: “Có  năng khiếu và bút lực văn chương, Thụy Anh lại là người được đào tạo bài bản nhất về tâm lý giáo dục trẻ em trong đội ngũ các nhà văn nhà thơ viết cho thiếu nhi hiện nay ở nước ta. Vì thế thơ thiếu nhi của Thụy Anh  xuất phát từ cách nhìn của trẻ em, rất sinh động, hồn nhiên không giáo dục áp đặt. Với quan niệm thơ ca như thế, chương trình thơ thiếu nhi Việt Nam hiện đại Reo vang bình minh diễn ra ở sân Thái Học của Văn Miếu -Quốc Tử Giám Hà Nội vào Ngày thơ Việt Nam 2016 do Thụy Anh đạo diễn đã thành công tốt đẹp!”.

Người bắc cầu văn hóa Việt – Nga

Cô gái Hà Nội Nguyễn Thụy Anh sau khi tốt nghiệp trường chuyên PTTH Amsterdam, có 17 năm học và trải nghiệm ở Nga để thành tác giả Thụy Anh. Cho nên nước Nga là để tài cô đeo đuổi và có nhiều thành công. Năm 2011 sách Olga Berggoltz của tôi được giải dịch thuật Hội Nhà văn Hà Nội và được văn giới đánh giá cao. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Giờ đây, thơ Olga Berggoltz lần đầu tiên xuất hiện bằng tiếng Việt qua một tập sách riêng với đầy đủ chân dung, tiểu sử và thơ qua những chặng đường số phận của bà. Người đồng hành của Olga Berggoltz trên đất Việt là dịch giả Thụy Anh – người đã được thơ bà quyến rũ, dẫn dắt đến với cuộc đời bà để sẻ chia cuộc sống, đồng cảm tâm hồn, khát khao tình yêu”.

Nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên: “Lần này, dịch giả Thụy Anh lại cho chúng ta thấy một vẻ đẹp Nga khác, tự tin, đầy bản lĩnh, ngoan cường và có lúc không kém phần quyết liệt qua thi phẩm và những tài liệu ghi chép của Olga, trong đó có cuốn Nhật ký cấm mà trước đây chưa có điều kiện công bố. Trong một chừng mực nhất định, có thể coi dịch giả Thụy Anh như một người đồng sáng tạo ra thi phẩm Olga”.

Ở thể loại văn học hư cấu, Thụy Anh có những truyện ngắn hay về nước Nga. Trong Gió trắng, một cô gái Nga đã đối đầu với bọnmafia để rồi nhận cái chết cho nhân tình người Việt của mình được sống và anh ta mải làm ăn quên người xưa lúc nào không hay.

Truyện Cây cải Tasken còn buồn hơn. Xin đọc đoạn kết: “Chiều mùa Đông có nắng. Tuyết rơi lấp lánh khắp nơi. Tôi đánh xe về sau buổi giao hàng, đi chậm chậm dọc con đường quen thuộc, thì thốt thấy một cánh tay lính mặc áo rằn ri thò ra từ fortochka bé xíu ngay tầng 1 của dãy nhà xam xám với những ô cửa sổ đầy song sắt thô rỉ. Trại lính! Thế mà mọi ngày tôi không để ý.

 “Ây, này…”. Chủ nhân của cánh tay lính gọi tôi. Tôi ra khỏi xe, đến gần ô cửa. Cậu lính còn rất trẻ, gần như còn là một chú bé, đầu húi cua ngắn, mặt non choẹt, gầy guộc, dí mũi vào cửa sổ, đang mỉm cười với tôi qua tấm kính mờ hơi nước. Cậu ta nháy mắt ranh mãnh: “- Cho xin mấy đồng đi!”. Không đợi tôi phản ứng, cu cậu ròng xuống một ống bơ sữa bò được khoét hai lỗ cân đối, nối dây gai nâu”.

Buồn không? Tôi đọc Cây cải Tasken của Thụy Anh và hiểu thêm câu ca dao thuộc từ khi nằm nôi nghe mẹ ru: “Ai làm cho cải tôi ngồng/ Cho dưa tối khú, cho chồng tôi chê”. Chưa đọc,  chữ “ai” chỉ hiểu là ông trời là thời tiết, đọc rồi mới biết “ai” còn là thời cuộc nữa!

Là người bắc cầu văn hóa Việt – Nga tác giả Thụy Anh xứng đáng với Giải thưởng của Quỹ trẻ em Liên bang Nga 2017, Giải thưởng Sợi chỉ kết nối các ngôn ngữ của Hội Nhà văn Liên bang Nga, 2018.

Hình ảnh: Nhà văn Thụy Anh nhận giải thưởng Sợi chỉ kết nối các ngôn ngữ của Hội Nhà văn Liên bang Nga, 2018

 

Toàn tâm toàn lực vì tiếng Việt

Nhà văn Thụy Anh đang là chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con rất nổi tiếng. Đây là nơi các nhà văn viết cho thiếu nhi khắp nước thường lui tới đọc sách của mình cho các em nghe, nghe các em nói về sách của mình, trả lời những câu hỏi các em hỏi để viết cuốn sách của mình. Cùng đọc văn học Việt tức là cùng học nói hay tiếng Việt, viết hay tiếng Việt.

Tâm sự trên báo về lý do mình toàn tâm toàn lực vì tiếng Việt, bà Thụy Anh bộc bạch: “Tôi sống 17 năm ở Nga và từng có ý định định cư lâu dài. Chính vì thế, khi đã làm mẹ, giống như nhiều người Việt xa quê, tôi có một nỗi sợ – sợ con mình lớn lên sẽ không biết tiếng Việt, hoặc không thể tâm tình với cha mẹ bằng thứ tiếng Việt phong phú, thuần khiết. Tôi thậm chí còn trì hoãn việc cho con đến trường mầm non vì mong muốn con phải nói tốt tiếng Việt trước đã. Tôi còn làm thơ cho con nữa! Đó là khoảng thời gian tôi sáng tác được nhiều thơ cho trẻ em nhất, đặc biệt là những bài thơ mang âm hưởng đồng dao”.

Đây là bài thơ bà viết về tiếng Việt ngày ấy, về các dấu thanh:

“Lên cao là dấu sắc

Lúc lắc

Lúc lắc

 

Bè trầm là dấu huyền

Dịu hiền

Dịu hiền

 

Băn khoăn là dấu hỏi

Mệt mỏi

Mệt mỏi

 

Trúc trắc là dấu ngã

Vội vã

Vội vã

 

Buồn thiu là dấu nặng

Im lặng

Im lặng

 

Tiếng gì mà hay thế

Như là một trò chơi

Em xóa những con dấu

Đọc được một từ vui.”.

Từ CLB nhỏ xinh đặt ngay trong nhà mình mà hấp dẫn bạn đọc cả nước nhà văn Thụy Anh tạo niềm tin để được mời đi gieo chữ “vui” kia bên Ba Lan rồi bên Đức…và bằng những đóng góp này mới đây bà được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là 1 trong 20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng năm 2021.

Nói về tiếng Việt, nhà văn Thụy Anh chẳng bao giờ hết chuyện. Bà vui vẻ đưa tôi xem bản mẫu bộ “kinh sách” tiếng Việt mới của mình – Chào tiếng Việt, NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành gồm 6 cuốn. Xin chúc mừng!

 

Vài nét về nhà văn Thụy Anh

Sinh tại Hà Nội năm 1974, tên khai sinh là Nguyễn Thụy Anh, có bằng tiến sĩ giáo dục học sau thời gian du học tại Nga. Ngoài nhiều sách viết chung, bà còn là tác giả của 15 đầu sách các loại (trong đó có bộ Nói sao cho con hiểu – NXB Trẻ, gồm 34 quyển). Bà đang là chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con, Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam.  Bà đã nhận nhiều giải thưởng văn học trong nước và Giải thưởng của Quỹ trẻ em LB Nga 2017, Giải thưởng Sợi chỉ kết nối các ngôn ngữ của Hội Nhà văn LB Nga 2018; được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là 1 trong 20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng năm 2021. Hiện bà sống tại Hà Nội.

 

Trần Quốc Toàn

Bài viết đăng tải trên thethaovanhoa.vn  ngày 14/7/2021.

 

The post Gặp lại tác giả được đưa vào SGK: Nhà văn Thụy Anh – vui cùng tiếng Việt appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>
Tôn trọng con từ bữa bột đầu tiên http://docsachcungcon.com/ton-trong-con-tu-bua-bot-dau-tien/ Fri, 25 Jun 2021 03:14:35 +0000 http://docsachcungcon.com/?p=22361 Những năm gần đây, báo chí đăng tải rất nhiều thông tin về các trường hợp hành hạ, ngược đãi trẻ em mà lý do nói ra thì nghe đầy yêu thương – muốn trẻ ăn hết suất, lên cân… Trẻ bị dọa, bị đánh, bị bóp miệng đổ thức ăn vào bắt nuốt, bị ...

The post Tôn trọng con từ bữa bột đầu tiên appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>
Những năm gần đây, báo chí đăng tải rất nhiều thông tin về các trường hợp hành hạ, ngược đãi trẻ em mà lý do nói ra thì nghe đầy yêu thương – muốn trẻ ăn hết suất, lên cân… Trẻ bị dọa, bị đánh, bị bóp miệng đổ thức ăn vào bắt nuốt, bị cho vào thang máy đi một mình vì không chịu ăn.
Những thông tin đau lòng ấy cho thấy trong câu chuyện nuôi dạy trẻ vẫn có nhiều lệch lạc do thiếu hiểu biết mà ra, cộng với những áp lực người lớn áp đặt lên nhau mà xã hội ta bỗng trở nên một xã hội vô cảm với trẻ em mà không mấy ai nhận thức được. Bố mẹ nghi ngờ cô giúp việc không cho ăn hết suất hay… ăn vụng của cháu. Ông bà phê phán bà mẹ trẻ không biết nuôi con, để cho mẹ thì béo con thì gầy nhom, “thôi đưa đây chúng tôi nuôi cho, đảm bảo vài tháng là… vỗ béo được thằng bé”…
Ra đường, đứa bé này bị chê là còi, đứa bé kia được khen là “dài rộng, mẹ nuôi khéo”… Thế là, những áp lực từ đám đông cứ vô tình dồn nén lên những người lớn, mà họ thì quyết định việc đối xử với đứa trẻ như thế nào. Vì yêu thương, họ muốn trẻ ăn được nhiều, khỏe, chóng lớn. Cho đến lúc, vì sợ đám đông mà họ ép trẻ ăn nhiều hơn, đủ và hơn suất, để không ai kêu mình nuôi con vụng, không ai còn so sánh con mình với ai nữa… Người giúp việc sợ mất việc, các cô giáo trường mầm non sợ bị phê bình… Và đứa trẻ họ nuôi, cho dù hôm đó hơi yếu mệt, cho dù nó không hề thích cái món bột nêm nếm khó ăn thì cũng không được cãi! Nó bị nhồi cho đến trớ ra, khóc, quay mặt đi…
Cảnh ấy đâu phải là hiếm ở các nhà. Đôi khi chính những người thân của bé vô tình đàn áp tinh thần bé khi đến bữa ăn mà không biết.
💎Xin hãy tôn trọng con, ngay từ bữa bột đầu tiên!
Chúng ta đã nói nhiều đến khái niệm “tôn trọng trẻ” như tôn trọng một người đã trưởng thành, nghĩa là tôn trọng quyền được nói, được tham gia của trẻ, ngay cả trong quá trình bố mẹ nuôi dạy đứa bé. Thế nhưng, nếu ngồi kiểm điểm lại mới giật mình, không phải ai, không phải lúc nào chúng ta cũng làm được điều ấy. Nói một cách khác, rất nhiều đứa trẻ của chúng ta, ngay cả khi chúng được yêu thương nhất, lại không có được sự tôn trọng cần thiết.
Trẻ cần cảm thấy mình được tôn trọng để chính chúng cũng biết cách tôn trọng mình, nhận ra giá trị của mình, đánh giá bản thân đúng mức. Điều này vô cùng quan trọng. Nó quyết định hành vi đúng đắn, phù hợp của trẻ trong các tình huống khác nhau của cuộc sống.
Biểu hiện của sự không tôn trọng đó là gì?
1. Không tin vào cảm xúc, cảm giác của trẻ. “Con mệt, con không muốn ăn” – Mệt gì mà mệt, ăn cho xong đi rồi nghỉ! “Con sợ” – Có thế mà cũng sợ, có gì đâu mà phải sợ?!. “Con không muốn”, “Con không thích” “Con không thấy ngon…- Rất nhiều khi chúng ta phản bác lại sự chia sẻ cảm xúc ở trẻ để thuận tiện hơn cho bố mẹ.
Thìa bột đầu tiên trẻ nhè ra, ta lại đẩy vào, không chút thận trọng. Và cứ thế với những thìa bột tiếp theo. Bố mẹ ép hoặc lừa trẻ xem tivi để nuốt dần từng thìa bột. Và thế là, khi dạ dày trẻ quen với lượng bột nó ăn hàng ngày, thì trẻ lại ăn theo phản xạ có điều kiện, và nó đã không còn tin vào cảm xúc, cảm giác của mình đối với món ăn, bữa ăn nữa. Không hiếm trẻ ăn như không biết no, ăn đến khi trớ ra mới biết mình đã no. Và đây có lẽ cũng không phải là điều bố mẹ mong đợi.
2. Quát nạt, nói chuyện kẻ cả với con hoặc mỉa mai, khích bác. Đứa trẻ luôn hiểu, bố mẹ – người lớn đứng trên cao và nó ở dưới thấp. Bằng lòng với việc này, trẻ khó có được sự tự tin khi phải giải quyết vấn đề một cách độc lập, khi đến tuổi teen và vị thành niên, nó cần ra quyết định và chịu trách nhiệm về sự quyết định của mình. Nếu lúc đó, con chúng ta e ngại, không quyết đoán, phân vân và sợ hãi – thì một phần lỗi là ở chính phong cách ứng xử của bố mẹ, người thân trong suốt quá trình lớn của nó.
3. Vào phòng con mà không gõ cửa. Không gian tự do của con, cho dù bố mẹ có quản lý thì vẫn cần những thỏa thuận mang tính nguyên tắc để đảm bảo cảm giác được tôn trọng. Nhiều người coi nhẹ, tặc lưỡi: “Dào ôi, nó còn bé, biết gì!”, không biết rằng, chỉ một cử chỉ gõ cửa trước khi vào phòng con cũng có thể mang lại cho nó cảm xúc tích cực, sự tin tưởng vào giá trị của mình như một thành viên trong gia đình, sự cảm kích vì đã được tôn trọng. Hành động giản dị, thông điệp sâu sắc.
4. Mắng mỏ con khi có mặt đông người, nhất là có bạn của con. Biết dừng lại, biết im lặng đúng lúc – đó là cách bố mẹ thể hiện sự tôn trọng nhân phẩm của con. Lòng tự trọng của một con người, sự tin cậy lẫn nhau giữa bố mẹ và con cái bắt đầu từ câu chuyện này, nếu bố mẹ luôn có ý thức giữ thể diện cho đứa trẻ.
5. Trêu chọc, đùa nhả với trẻ, ôm hôn, cù, chọc lét, béo má… khi nó tỏ ra không thích, không muốn chơi. Đây cũng là một biểu hiện của sự thiếu tôn trọng trẻ. Từ thiếu tôn trong đến “quấy rối”, hay “bạo hành” thực ra cũng không mấy xa.
6. Nói những lời đùa ác, khó nghe hay ghép cặp đôi trẻ… Chẳng hạn: “Ôi sắp có em, Bông chuẩn bị ra rìa rồi, bố mẹ không yêu nữa đâu!”, “Thằng cu này là con nuôi, bố mẹ nhặt ở thùng rác về đấy chứ…”..v.v.. Và biết bao lời nói vô tình khác nữa khiến trẻ âm thầm khó chịu, đau khổ, còn người lớn thì cười thú vị, không biết rằng, đó có thể là những đám mây tối rầm ám ảnh trẻ suốt một thời thơ ấu.
7. So sánh trẻ với “con nhà người ta”. Việc so sánh hoặc đơn giản chỉ có ngầm ý so sánh khi cứ kể lể bạn này làm được cái này, bạn kia làm được cái kia, rồi “con nhà người ta” thế này thế nọ – tất cả đều cho thông điệp thiếu tôn trọng. Mỗi người có một tốc độ lớn, tốc độ ăn, nhịp độ sống, tiếp thu, học… khác nhau. Và xin những người lớn hãy tôn trọng tốc độ ấy, nhịp độ cá nhân ấy của mỗi con người để đứa trẻ được yên tâm lớn đúng-là-mình.
8. Không cho quyền lựa chọn. Ngay cả chuyện ăn uống hay bất kỳ chuyện gì, quyền được lựa chọn ngay từ khi còn bé xíu là thông điệp về sự tôn trọng. Bố mẹ đã chọn cho con tất cả – con cứ việc làm theo. Không gì tước đi sự mất tự tin và lòng tự trọng của con người bằng sự “đặt đâu ngồi đấy” như vậy. Nếu bố mẹ nhớ lại tuổi thơ của mình, chắc cũng luôn muốn giành cho mình quyền lựa chọn chứ?
9. Và tất nhiên rồi, đánh trẻ – dù với sự yêu thương như người lớn thường lý giải, đôi khi là chống chế và ngụy biện cho hành vi mất kiểm soát của mình, thì vẫn cứ cho thông điệp thiếu tôn trọng. Đấy là chưa kể, trong nhiều trường hợp, đó là hành vi vi phạm quyền trẻ em hoặc vi phạm pháp luật.
 Quay lại câu chuyện về bữa ăn, chỉ cần một chút tôn trọng là xử lý được vấn đề. Người mẹ có thể lắng nghe cảm giác của con, quan sát để biết con phản ứng tích cực với món nào, loại rau nào, thịt cá gì…
Thay vì ép, có thể “mời”, bằng cách thay đổi cách nấu, cách trình bày, cho trẻ tham gia vào quá trình nấu hoặc sơ chế, hoặc bày biện. Có thể tạo cảm xúc vui thích, mong đợi bữa ăn bằng nhiều cách. Chẳng hạn, trước khi ăn bữa chính, hạn chế bánh kẹo, ăn vặt. Cho con ăn đúng giờ để tạo phản xạ đói. Khi nấu, kể câu chuyện rau củ khiến bé háo hức chờ đợi đến khi nấu xong, có thể cùng bé đặt tên từng món ăn một cách kỳ lạ, thú vị… Và dù thế nào mặc lòng, hãy kiên nhẫn và tôn trọng cảm giác về vị giác, cảm xúc về món ăn của trẻ. Lý do trẻ biếng ăn thì có nhiều, nhưng nếu không có bệnh lý, trẻ sẽ không biếng ăn mãi. Vì thế, kiên nhẫn vẫn là một phương án tốt.
Câu chuyện ăn uống chỉ là cái cớ để nói về thái độ ứng xử của người lớn đối với những đứa trẻ của mình mà thôi. Nếu ta học cách tôn trọng nhau và tôn trọng trẻ, làm gì cũng nghĩ đến cảm xúc của “đối tác” thì sẽ hạn chế được nhiều những sự việc hiện vẫn làm dư luận xã hội ồn ào lên bấy nay.
Một đứa bé còn ẵm ngửa, phải phụ thuộc vào người chăm bẵm; một em bé đã biết tự lập hơn… cho đến các bạn trẻ tuổi mới lớn, rồi tuổi vị thành niên – thảy đều là những-con-người với tố chất riêng của mình vốn có từ khi mới sinh ra, những khả năng thiên bẩm, những tính cách “trời sinh”, chúng đều đòi hỏi được tôn trọng. Mà việc thể hiện tôn trọng đầu tiên trong xã hội này là … hãy tìm hiểu kỹ về quyền trẻ em!
Những thông tin ngắn gọn về Quyền trẻ em rất dễ dàng có thể tìm ra qua mạng, thế nhưng, cho dù Việt Nam là một trong những quốc gia thông qua công ước quốc tế về Quyền trẻ em sớm nhất thì không nhiều người dân Việt Nam hiểu biết về quyền trẻ em thấu đáo và đúng bản chất vấn đề. Chẳng thế mà vẫn có một bộ phận quá lớn những người lớn đòi “đánh mới nên người” và những vụ việc bạo hành, xâm hại… vẫn xảy ra thường xuyên, không giảm sau những bức xúc, cảnh báo của dư luận. Chẳng thế mà người ta vẫn bàn tán về những đứa trẻ một cách không cẩn trọng trên báo hoặc mạng xã hội, với những thông tin chưa được hoàn toàn kiểm chứng.
💎 Ngay cả khi có lỗi, thì một đứa trẻ vẫn có quyền được bảo vệ về sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần và nhân phẩm.
Mong sao những người lớn đang nuôi dạy những đứa trẻ, cho chúng ăn, quyết định những hoạt động khác của chúng… luôn nhớ rằng, mình đang nuôi dạy một-con-người. Một Con Người viết hoa và chỉ có thể được viết hoa khi được tôn trọng và ý thức được lòng tự trọng của mình.
TSGD. Nguyễn Thụy Anh

The post Tôn trọng con từ bữa bột đầu tiên appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>
Lòng biết ơn có đến từ… sách giáo khoa? http://docsachcungcon.com/long-biet-co-den-tu-sach-giao-khoa/ Mon, 11 Jan 2021 05:43:42 +0000 http://docsachcungcon.com/?p=21801 Sớm cuối tuần thức dậy, chợt nghe mùi cơm thơm và tiếng xào nấu lách cách trong bếp vọng ra, tôi sực nhớ, hôm qua mẹ ghé chơi, ngủ lại. Và người mẹ gần 80 tuổi của tôi đã tặng cô con gái một buổi sáng được ngủ nướng trong cái cảm giác trở lại ...

The post Lòng biết ơn có đến từ… sách giáo khoa? appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>
Sớm cuối tuần thức dậy, chợt nghe mùi cơm thơm và tiếng xào nấu lách cách trong bếp vọng ra, tôi sực nhớ, hôm qua mẹ ghé chơi, ngủ lại. Và người mẹ gần 80 tuổi của tôi đã tặng cô con gái một buổi sáng được ngủ nướng trong cái cảm giác trở lại tuổi thơ êm ái vô bờ…

Hình ảnh: Các thủy thủ nhí EcoCamp gửi biếu cụ Bùi Bội Khâm món bánh do chính tay mình làm.

Tôi nhớ, ngày còn nhỏ, có lần cãi bướng với mẹ, bị mắng, tôi đã giận mẹ không để đâu cho hết. Tuổi nổi loạn, tôi đầy ắp những suy nghĩ bực bõ, chống đối. Nhưng một sáng mùa Đông tinh mơ tờ mờ đất, tôi bỗng tỉnh giấc sớm. Có ánh đèn dầu nhập nhoạng từ bếp hắt ra và tiếng gõ thân bếp trấu nhè nhẹ. Rồi mùi cơm thơm ấm áp dâng lên trong không gian trong vắt của ngày rét. Tôi bỗng thấy lòng chùng lại, rơm rớm nước mắt vì thương xót, cảm động, biết ơn. Thời ấy, chúng tôi vẫn ăn cơm buổi sáng cho chắc bụng rồi mới đi học. Mẹ thường nấu cơm cho vào liễn, ủ trong chăn bông rồi vội vã đi dạy. Cá cũng kho trước rồi, trong chiếc nồi con méo mó. Dăm thân cá nhỏ kho khô, đậm mùi mắm, tiêu, nằm im trong nồi chờ đợi. Trưa đi học đi làm về, mẹ chỉ nấu thêm tí canh là mấy mẹ con có bữa ấm ngon lành. Thời bao cấp, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, nhưng cái cảm giác êm ái này, đối với tôi, dường như chỉ thời ấy mới rõ nét đến thế. Bao giờ nhớ lại, lòng tôi cũng tràn ngập biết ơn…

Lòng biết ơn của một đứa trẻ, nó đến không chỉ từ bài học luân lý, nhắc phải biết ơn. Cũng không chỉ từ câu tục ngữ, ca dao xưa. Càng không phải từ những tấm băng-rôn khẩu hiệu to tát với những từ khoá “biết ơn”, “đền đáp công ơn”… người đi trước, cha mẹ ông bà, thầy cô… Không phải từ việc ai đó hướng dẫn trẻ làm tấm thiệp tặng mẹ tặng cô như một hoạt động giáo dục giờ đây đã trở thành quá quen thuộc! Tôi ngỡ rằng, lòng biết ơn sẽ đến từ những khoảnh khắc bé nhỏ khi các giác quan được kích hoạt. Ánh mắt bắt gặp vài giọt mồ hôi trên trán cô giáo, thấy nụ cười khích lệ của cô. Đôi tai nghe và nhớ mãi giọng nói vỗ về của mẹ, tiếng thìa quấy cốc sữa lanh canh khi con ốm… Cảm giác mơn man, dễ chịu khi má mẹ áp vào trán con đo độ nóng, khi bàn tay ram ráp xoa lưng. Và những làn hương cũ, những mùi vị ký ức … tất cả đều khiến những cảm xúc lay động mạnh mẽ, kể cả những đứa trẻ bị “dán nhãn” là vô tâm vô tình nhất.

Tôi nghĩ đến câu chuyện này khi chúng tôi bàn về việc dạy trẻ “thể hiện lòng biết ơn” trong sách giáo khoa mới. Một bài học hay một hoạt động giáo dục với một ý “xanh rờn” của cái gọi là yêu cầu cần đạt sẽ là gánh nặng cho thầy cô và học sinh nếu nó bất chấp logic nội tại của cảm xúc, thái độ dẫn dắt hành vi con người. Dường như, mỗi con người sinh ra mặc định đã mang một trách nhiệm là phải biết ơn một ai đó, nhiều ai đó!

Khi đưa vào sách giáo khoa nội dung “thể hiện lòng biết ơn bằng lời nói, bằng việc làm thiết thực”, tôi thiển nghĩ, các tác giả soạn chương trình, soạn sách hãy nghĩ đến cảm nhận của đứa trẻ trước khi đưa ra các nhiệm vụ liên quan quá trực diện đến hành động cảm ơn. Hãy giúp trẻ rung động từ những quan sát hằng ngày, từ việc thu lượm thông tin, từ sự đặt mình vào các tình huống khác nhau để trải nghiệm cảm xúc. Lòng biết ơn được nhen nhóm và cũng cần được nuôi dưỡng. Nó không nên bị dẫn dắt thô bạo!

Hình ảnh: Lời cảm ơn được thể hiện bằng nhiều các khác nhau.

Lòng biết ơn đừng bao giờ là một nhiệm vụ, một bắt buộc, một gánh nặng. Vì thế, lòng biết ơn cũng không thể đến từ một chỉ dẫn, một câu lệnh! Nó tinh tế hơn nhiều! Nó là sự giác ngộ, một cảm nhận, một vỡ lẽ, một bâng khuâng… Nó là cả quá trình. Từ sự để ý quan sát vẻ bề ngoài của một người, cách người ấy ứng xử, những gì người ấy làm… đến những tư liệu liên quan, cơ duyên được tìm hiểu, giao lưu, phỏng vấn, khảo sát… Với những câu chuyện về truyền thống – truyền thống dân tộc, truyền thống nhà trường, những nhân vật lịch sử, lại càng cần được tiếp cận nhiều hướng – sáng tạo hơn, lắng đọng hơn.

Hình ảnh: Những món quà sáng tạo để bày tỏ lòng biết ơn từ các thủy thủ EcoCamp.

Hẳn có người sẽ bảo, thế thì lâu quá, cái lòng biết ơn ấy đến bao giờ mới có được nếu cứ phải đợi trải nghiệm, quan sát, tìm hiểu! Và thế là, sách giáo khoa sẽ có dòng lệnh nhẹ bẫng như lông hồng: “Thể hiện lòng biết ơn…” mà học sinh còn ngơ ngác chưa kịp cảm nhận được thứ cảm xúc không hề đơn giản ấy!

Giáo dục là cả quá trình mưa dầm thấm lâu, không thể “đi tắt đón đầu”, không thể tăng tốc bất ngờ. Giống như thân cây cần toả rễ bám sâu vào lòng đất, những rễ cọc rễ chùm, rễ nào cũng cần đủ về thời gian, vừa về không gian, để chúng đón chất dinh dưỡng mà thật sự lớn lên.

THUỴ ANH

The post Lòng biết ơn có đến từ… sách giáo khoa? appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>
Tôn trọng, công bằng và yêu thương http://docsachcungcon.com/ton-trong-cong-bang-va-yeu-thuong/ Wed, 14 Mar 2018 09:52:44 +0000 http://docsachcungcon.com/?p=15316 Khi câu chuyện về vụ cô giáo phạt học trò quỳ, rồi phụ huynh ép cô giáo quỳ chưa hết nóng thì tuần này, câu chuyện nữ sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Đức Mậu (Quỳnh Lưu, Nghệ An) tự tử vì bị phát tán clip hôn bạn trai trong lớp học lên mạng lại ...

The post Tôn trọng, công bằng và yêu thương appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>
Khi câu chuyện về vụ cô giáo phạt học trò quỳ, rồi phụ huynh ép cô giáo quỳ chưa hết nóng thì tuần này, câu chuyện nữ sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Đức Mậu (Quỳnh Lưu, Nghệ An) tự tử vì bị phát tán clip hôn bạn trai trong lớp học lên mạng lại khiến nhiều người hết sức lo lắng về chuyện ứng xử trong học đường. Thế giới học đường đang tiềm ẩn nhiều sự bất an và đáng báo động? Có nên hạn chế học sinh sử dụng điện thoại di động và mạng xã hội? Quan niệm yêu cho roi cho vọt liệu có còn đúng trong môi trường giáo dục ngày nay.

Tham gia Diễn đàn kỳ này, TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh góp thêm một góc nhìn thẳng thắn.

Hành vi lệch chuẩn của trẻ – hệ quả cách ứng xử của người lớn 

Tôi cho rằng, chúng ta đang chưa thật sự quan tâm đến trẻ em hoặc ứng xử xã hội chưa thỏa đáng trong câu chuyện bảo vệ trẻ em, chỉ khi “có chuyện” mới phát biểu, bàn tán, và các biện pháp xử lý hầu như chạy theo hướng “xử lý khủng hoảng truyền thông” để dư luận dịu đi, mọi việc lắng xuống chứ chưa nhìn nhận đến tận cùng nguyên nhân của sự việc mà chân thành tìm hiểu bản chất vấn đề, đưa ra giải pháp cho những sai lầm, thiếu sót tận gốc rễ.

Khi nhắc đến “quyền trẻ em”, vẫn quá nhiều người lớn thốt lên: cho chúng lắm quyền quá rồi bắt nạt người lớn, hỗn láo… Trên thực tế, mọi hành vi lệch chuẩn của trẻ đều có thể là hệ quả của chính cách ứng xử hàng ngày của những người lớn với chúng và với nhau.

Tôi cho rằng, cần tổ chức thêm nhiều hội thảo, các chương trình truyền thông cung cấp cho những người lớn, những bố mẹ trẻ các kiến thức cơ bản về tâm sinh lý trẻ, hướng dẫn họ phân biệt được giữa “tôn trọng” và “chiều thái quá”, giữa “yêu thương” và “chiều vô nguyên tắc”, giữa “nghiêm khắc” và “khắc nghiệt”… Bên cạnh đó, hướng dẫn họ cách bảo vệ trẻ em nói chung và đứa trẻ nhà mình nói riêng. Không chỉ có hành vi xâm hại từ bên ngoài mới là nguy hiểm. Nguy hiểm có thể tiềm ẩn trong mọi mối quan hệ, trong áp lực mà chính người lớn vô tình tạo ra cho trẻ, trong các thông tin trẻ tiếp cận trên mạng hoặc những thông tin của trẻ được/bị đưa lên mạng. Mỗi một vấn đề, một nội dung đều cần thiết kế các tình huống đi kèm và được truyền thông rộng rãi để các phụ huynh tiếp cận, tiếp thu và dễ dàng biết cách đối mặt với những tình huống khó.

Cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong học đường.

Đừng bỏ mặc trẻ với mạng xã hội

Có lần, tôi đề xuất những câu hỏi mà bố mẹ nên cùng con đặt ra khi quyết định cho con tham gia mạng xã hội. Một số ý kiến của phụ huynh cho rằng “lắm chuyện”, “lằng nhằng”, “cứ kệ nó rồi tự nó biết”… Tôi cho rằng, chính vì tâm lý “kệ” ấy mà con chúng ta có thể rơi vào những tình huống xấu mà ta không lường trước được. Nó có thể là nạn nhân bị phát tán thông tin trên mạng. Nó cũng lại có thể là người quay và phát tán thông tin của người khác mà không hề biết, việc đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến thế nào. Cả phụ huynh lẫn các em nhỏ đều cần được biết về quyền trẻ em, về những quy định của pháp luật về những vấn đề liên quan trong ứng xử với việc tôn trọng nhâm phẩm của mình và của người khác.

Kiến thức về việc bảo vệ trẻ em không đơn giản: từ những nguy hiểm nhìn thấy được như đồ điện trong gia đình, cháy nổ, hoá chất, nước sôi… đến nguy cơ xa xôi khác như xâm hại, bị bắt nạt, bị gây áp lực, bị lăng nhục trước đám đông, bị ép học… đến mức trầm cảm… Vậy thì, tôi nghĩ, hãy tin tưởng vào các chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục, cho họ được cơ hội chia sẻ để mỗi người có thể trang bị cho mình kiến thức nền trong việc nuôi dạy con, bảo vệ con, đặc biệt là các ông bố, bà mẹ trẻ. Trong mỗi trường học mà có được một góc hoặc phòng tư vấn tâm lý học đường, hay một số điện thoại hotline chia sẻ với học sinh trong lúc khó khăn, trong khi tuyệt vọng nhất, thì nhiều trường hợp đáng tiếc đe dọa tính mạng trẻ có thể được hóa giải.

Yêu cho roi cho vọt: Không phải là phương pháp giáo dục hay

Quay lại việc “yêu cho roi cho vọt” có phải là phương pháp giáo dục không, tôi vẫn cho rằng, ở thời buổi văn minh hiện đại, khi ngành sư phạm, tâm lý giáo dục phát triển mạnh mẽ, tiến bộ, thì không những đánh trẻ không còn là phương pháp (dù là phương pháp tồi!) nữa mà không được quyền dùng nó trong nhà trường hoặc tiến tới, cả ở nhà.

Tôi nhớ dạo trước, một trang báo mạng mở cuộc tranh luận về chuyện đánh hay không đánh trẻ? Kết quả là 67% ý kiến đòi đánh. Tôi thấy thật đáng buồn cho khái niệm quyền trẻ em, quyền con người và quan niệm, hiểu biết về tâm lý, phương pháp giáo dục ở người lớn. Đó là phụ huynh thì có thể thông cảm, bởi họ không được học nghiệp vụ sư phạm và cái lý thuyết “yêu cho roi cho vọt” đã bị hiểu sai lệch theo nghĩa đen, ăn quá sâu vào tâm trí. Nhưng còn giáo viên – những người được học về tâm lý lứa tuổi, có phương pháp giáo dục – mà vẫn lười nhác không thể tìm cách tiếp cận khác? Nếu họ không có gì hơn việc đe nẹt, hạ nhục hoặc xâm phạm thân thể của trẻ, đó là những giáo viên kém chuyên môn, không có lòng tin vào chính mình, thiếu hiểu biết về đứa trẻ, không màng đến tự trọng của người. Từ đó, họ đánh mất tự trọng của mình, trong nhiều trường hợp có thể vô tình (vì thiếu hiểu biết) mà phạm tội.

Nhiều thầy cô, cha mẹ phản hồi với ý này của tôi rằng chắc tôi không có con hoặc không đi dạy nên mới nói vậy. Tôi thấy buồn khi nghe mọi người có phản ứng tiêu cực như thế. Giá họ bình tĩnh lắng nghe, tìm hiểu xem có phương pháp nào khác hơn không, thì các chuyên gia sẵn sàng chia sẻ! Chúng ta có thể trao đổi lại để hoàn thiện hơn ứng xử của mình. Tôi vừa là cô giáo, vừa là phụ huynh, tôi quá đồng cảm với bức xúc của các bố mẹ, khó khăn của các giáo viên chứ! Nhưng chính vì thế mà cần cùng nhau tìm cách chứ không phải mặc định, không cách nào khác hơn là mắng, là đánh, là đuổi học… Có rất nhiều phương pháp có thể cho kết quả tốt dựa trên các nguyên tắc: thỏa thuận, cho phép lựa chọn, thưởng phạt phân minh, phản hồi tích cực ở mỗi biểu hiện tiến bộ của trẻ, trao quyền, bày tỏ sự tin tưởng, và trên hết là tôn trọng, công bằng, yêu thương.

Ai cũng đã từng là đứa trẻ. Mong những người lớn nhớ lại tuổi thơ để hiểu hơn nỗi lòng của chúng. Đương nhiên, chúng ta cũng không phải là “tiên” để không bao giờ nóng giận, không sai, luôn kiềm chế được cảm xúc! Chỉ cần chúng ta hiểu rằng, chỉ riêng góc nhìn vấn đề này thay đổi là chúng ta đã có cơ hội bảo vệ con mình, là mọi điều sẽ ổn.

Những hình phạt như đánh, mắng dữ dội, mỉa mai, đem bêu trước trường, đuổi ra khỏi lớp, trừ điểm, đuổi học là những hình thức tương đối nặng và có khả năng tạo được cảm giác sợ, xấu hổ, từ đó trẻ sẽ nhớ mà có thể không dám lặp lại nữa. Nhưng trên thực tế, những cách phạt này có thể đem đến cho trẻ cú sốc về tâm lý, nhẹ hơn là cảm xúc rất tiêu cực khiến trẻ mất hứng thú với việc học, với tập thể. Tệ hơn nữa, trẻ có thể tự đánh giá mình thấp đi, cảm thấy mình mất giá trị trước cộng đồng.

Những hình phạt có vẻ như đơn giản: đứng lên, đứng góc lớp, đứng ngoài cửa lớp, chép phạt… tưởng chừng không có vấn đề gì, rất “phổ biến” nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây áp lực tâm lý, ảnh hưởng đến hành vi của trẻ không kém các hình phạt vừa nêu trên – nếu không đi kèm với những điều kiện khác.

Những đứa trẻ hôm nay phải chịu đựng các hình phạt hạ nhục như quỳ gối, “bị bêu” trước lớp… rồi lớn lên cũng lại có lúc đổ lỗi cho hoàn cảnh để đánh đổi lòng tự trọng, niềm kiêu hãnh làm người mà quỳ gối, bởi ngay ở trên ghế nhà trường, người ta đã không dạy chúng tôn trọng chính mình.

TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh

Hoàng Thu Phố (Theo báo Đại Đoàn Kết)

The post Tôn trọng, công bằng và yêu thương appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>
Phụ huynh ép giáo viên quỳ gối: Chúng ta đang quên những đứa trẻ http://docsachcungcon.com/phu-huynh-ep-giao-vien-quy-goi-chung-ta-dang-quen-nhung-dua-tre/ Fri, 09 Mar 2018 03:48:45 +0000 http://docsachcungcon.com/?p=15180 Theo TS Nguyễn Thụy Anh, trong xã hội hiện đại, roi vọt là phương pháp giáo dục tồi. Những giáo viên đã học nghiệp vụ sư phạm không thể hạ nhục hoặc xâm phạm thân thể của trẻ. Câu chuyện nữ giáo viên trường Tiểu học Bình Chánh, Long An, áp dụng biện pháp xử ...

The post Phụ huynh ép giáo viên quỳ gối: Chúng ta đang quên những đứa trẻ appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>
Theo TS Nguyễn Thụy Anh, trong xã hội hiện đại, roi vọt là phương pháp giáo dục tồi. Những giáo viên đã học nghiệp vụ sư phạm không thể hạ nhục hoặc xâm phạm thân thể của trẻ.

Câu chuyện nữ giáo viên trường Tiểu học Bình Chánh, Long An, áp dụng biện pháp xử phạt học sinh vi phạm nội quy bằng hình thức quỳ gối, sau đó bị phụ huynh bắt quỳ ngược lại nhận được sự quan tâm của dư luận trong thời gian gần đây.

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, chủ nhiệm CLB “Đọc sách cùng con”, có bài viết nêu quan điểm cá nhân về vấn đề này.

Ứng xử xã hội với việc bảo vệ trẻ em

Trong câu chuyện có từ khoá “quỳ”, “quỳ gối” tuần qua, ban đầu, dư luận phẫn nộ vì trẻ bị bắt quỳ, nhưng rất nhanh chóng, làn sóng phẫn nộ hướng vào phụ huynh đã bắt cô giáo quỳ để trả giá cho hành vi phi giáo dục của mình mà quên bẵng đi những đứa trẻ. Tôi tìm kiếm bằng Google thì hầu hết các kết quả chỉ nói về sự việc sau. Còn có muốn hiểu rõ hơn hoàn cảnh, bối cảnh diễn ra sự việc đầu tiên: cô bức xúc gì, trò đã làm gì khiến cô phải phạt…, thì lật mỏi tay không thấy. Cũng không ít ý kiến cho rằng, cô giáo sai thì cũng có sai, nhưng ai mà chẳng từng dùng đòn roi dạy trẻ, cũng là chuyện “thường ngày ở huyện” thôi. Thậm chí, tôi còn thấy một số thày cô hồn nhiên “giật status” rằng “thời còn đi dạy, tôi đã bạt tai, đã…, đã… – có sao không? Thế bọn chúng mới nên người như ngày nay!”…

TS Nguyễn Thụy Anh trong hoạt  động cùng CLB “Đọc sách cùng con”. Ảnh: NVCC.

 Vậy roi vọt, hành hạ thân thể, đay nghiến chửi bới… có phải phương pháp giáo dục không?

Tôi xin nói ngay, theo quan điểm của tôi, là không. Và nếu ở thời đại văn minh này, ai đó vẫn cho rằng roi vọt là phương pháp thì đó là một phương pháp tồi. Nguyên lý của nó là đòi hỏi sự thay đổi hành vi và thái độ thông qua việc làm đau về thể xác: một là để “nhớ đời”, hai là để “biết sợ”. Khi người lớn phải “ra tay” như thế với trẻ, người ấy đang cảm thấy bất lực, không biết ứng xử thế nào để có hiệu quả giáo dục hoặc không kiềm chế được cơn nóng giận. Trẻ con bây giờ cũng không phải trẻ con xưa – những đứa trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ và cảm xúc của họ, không dám cãi một lời. Trẻ con giờ có đủ thông tin hơn, biết về quyền trẻ em, dám nói, có khái niệm khác về mối quan hệ giữa mình và bố mẹ, giữa mình và cô giáo, có bộ giá trị tinh thần của riêng mình – chẳng hạn: danh dự; tự trọng… Các hành động như tát vào má, bắt quỳ, véo tai, dúi đầu – đều là những “nhục hình” mang thông điệp hạ thấp giá trị đứa trẻ. Và đó là điều tối kỵ trong giáo dục. Còn chưa kể đến các vấn đề của các lứa tuổi khủng hoảng. Trẻ con tuổi mới lớn thường nhạy cảm, đôi khi thái quá và cực đoan, nghi ngờ giá trị của chính mình, từ hình thức đến nội tâm. Chính vì thế mới có hiện tượng trẻ tự tử vì những chuyện cãi vã và đồn đại, chuyện hiểu nhầm không đâu…

Mấy năm trước, Vietnamnet mở cuộc tranh luận về chuyện đánh hay không đánh, có đến 67% đòi “đánh” – thật đáng buồn cho khái niệm quyền trẻ em, quyền con người và trình độ về phương pháp giác dục Việt Nam!

Nếu đó là các bậc phụ huynh thì có thể thông cảm: họ không được học nghiệp vụ sư phạm và cái lý thuyết “Yêu cho roi cho vọt” bị hiểu sai lệch theo nghĩa đen!

Nhưng còn giáo viên, những người được học về tâm lý lứa tuổi, giáo học pháp… mà vẫn lười nhác không thể tìm cách tiếp cận khác hơn là đe nẹt, hạ nhục hoặc xâm phạm thân thể của trẻ, thì đó là những giáo viên kém chuyên môn, không có lòng tin vào chính mình, thiếu hiểu biết về đứa trẻ, không màng đến tự trọng của người, từ đó cũng đánh mất tự trọng của mình, trong nhiều trường hợp có thể vô tình (vì thiếu hiểu biết) mà phạm tội.

TS Nguyễn Thụy Anh  cho rằng roi vọt, hành hạ thân thể, đay nghiến chửi bới là phương pháp giáo dục tồi. Ảnh: NVCC.

Những đứa trẻ quỳ và những người lớn quỳ

Những đứa trẻ hôm nay phải chịu đựng các hình phạt hạ nhục như quỳ gối, “bị bêu” trước lớp… rồi lớn lên cũng lại có lúc đổ lỗi cho hoàn cảnh để đánh đổi lòng tự trọng, niềm kiêu hãnh làm người mà quỳ gối, bởi ngay ở trên ghế nhà trường, người ta đã không dạy chúng tôn trọng chính mình.

Trích bài viết cũ -Câu chuyện những hình phạt, Thuỵ Anh, tạp chí Mẹ và bé:

QUYỀN ĐƯỢC SAI VÀ QUYỀN ĐƯỢC SỬA LỖI.

Trẻ con vẫn là trẻ con và vì thế, khác với người lớn, nó có quyền được sai và quyền được tìm cách không sai nữa. Người lớn thay vì nhăm nhăm tìm lỗi hay tệ hơn, bắt những đứa trẻ bơi móc lỗi của nhau – hãy cho trẻ biết thiện chí của mình thông qua việc… đưa ra các hình phạt. Nhân đây, tôi cũng xin nêu quan điểm của mình về việc sử dụng các bạn Sao đỏ và cán bộ lớp như những công cụ phát hiện và báo cáo sai phạm của các bạn. Cán bộ lớp chỉ nên cùng các bạn làm việc nhóm, giao nhiệm vụ cho các bạn, kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ, nhắc nhở các bạn tuân thủ kỷ luật chứ không thể biến thành công cụ điều hành về kỷ luật của cô giáo.

Ngược lại, nếu đã có thỏa thuận trước thì bất kỳ bạn nào cũng có thể phát hiện ra lỗi sai của một bạn khác, thông báo công khai và cô giáo sẽ xử lý những tình huống đó. Đôi khi “bạo lực học đường” lại bắt đầu từ những câu chuyện “quyền lực” giữa những đứa trẻ.

Theo tôi, để các hình phạt có tác dụng thật sự đối với trẻ, khiến trẻ hiểu rõ vì sao bị phạt, cách không lặp lại lỗi sai và thấy mình được tôn trọng, giá trị của đứa trẻ không bị hạ thấp, cần phải tuân thủ một số nguyên tắc sư phạm . Đứa trẻ có cơ hội được chịu TRÁCH NHIỆM sẽ không mang cảm giác đeo đẳng của một “bị cáo” – là cảm xúc tiêu cực mà không đứa trẻ nào đáng phải chịu!

Lưu ý, khi đưa ra các hình thức phạt đối với trẻ, người lớn cần chú ý đến:

– đặc điểm lứa tuổi. Không nên coi là lỗi nếu sai phạm đó là phản ứng tự nhiên của lứa tuổi. Chẳng hạn, với những bạn lớp 1, 2 mới đến trường, các bé chưa tập trung được lâu, có thể ngủ gục, có thể đứng lên ngồi xuống

– bé được nhắc nhở nhưng không nên bị phạt. Những đứa trẻ tuổi dậy thì (13, 14) do sự thay đổi về tâm sinh lý, các em có thể trở nên ít nói, lầm lì hoặc ngược lại hay cười mà người lớn coi là “vô duyên”. Với lứa tuổi đó, những phản ứng giao tiếp với giáo viên kiểu như thế dễ bị coi là hỗn, tuy nhiên các thày cô có thể nhắc nhở, giải thích bằng hình thức nào đó để trẻ hiểu được cảm giác của người đối diện, thay đổi hành vi ứng xử, chứ cũng không nên phạt các em vì lỗi này.

– những cảm xúc tự nhiên không kiềm chế được: khóc vì buồn, đấm vào tường vì cáu, ngại ngùng không muốn thể hiện..v.v. cũng không phải là lý do bị phạt.

– sự vụng về vì ít trải nghiệm: làm vỡ cốc nước, đánh rơi quả cầu dạy học của cô giáo, làm đổ nước vào vở của bạn khác..v.v.

Trong khuôn khổ nhà trường, việc thưởng phạt luôn cần thiết. Tuy nhiên, phải công bằng, minh bạch và thấu hiểu để trẻ có thể “học qua những lỗi sai”, không sợ sai, không sợ sửa sai, vui vẻ, hạnh phúc với cuộc đời đến trường của mình.

Theo zing.vn

The post Phụ huynh ép giáo viên quỳ gối: Chúng ta đang quên những đứa trẻ appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>
Giáo dục giới tính và thái độ của người lớn http://docsachcungcon.com/giao-duc-gioi-tinh-va-thai-cua-nguoi-lon/ Thu, 17 Nov 2016 03:27:48 +0000 http://docsachcungcon.com/?p=10919 TTCT – LTS: Giáo dục giới tính, nếu nhìn từ học đường, cần những chương trình bài bản, có tổ chức cho tuổi thiếu niên thì từ góc độ gia đình và xã hội, có thể thông qua những hoạt động thường ngày, rất bình thường cho trẻ em ngay từ tuổi mẫu giáo. Chưa ...

The post Giáo dục giới tính và thái độ của người lớn appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>

TTCT – LTS: Giáo dục giới tính, nếu nhìn từ học đường, cần những chương trình bài bản, có tổ chức cho tuổi thiếu niên thì từ góc độ gia đình và xã hội, có thể thông qua những hoạt động thường ngày, rất bình thường cho trẻ em ngay từ tuổi mẫu giáo.

Chưa bao giờ câu chuyện giới tính lại được nhắc đến nhiều như thời nay, đối với mọi lứa tuổi. Và việc giáo dục giới tính được quan tâm một cách tích cực, đôi lúc thái quá, khiến tôi tự hỏi không biết trước đây những tính nữ, tính nam hay thậm chí là các vấn đề của giới tính thứ ba không tồn tại hay sao mà chúng tôi vẫn sống hạnh phúc, không cần để ý tới chúng?

Gần đây, tôi được nghe rất nhiều chuyện của các bà mẹ hay kể cho nhau nghe. Họ hốt hoảng vì những thể hiện giới tính hay quan tâm đến tính dục (sex) một cách bất ngờ, lộ liễu và bất hợp lý ở những đứa con bé nhỏ trong độ tuổi mẫu giáo hoặc những năm đầu tiểu học. Những hành vi kỳ lạ, những lời trao đổi thì thầm qua lại về tình yêu, về “thích nhau”, về chuyện nam nữ… của các em bé khiến không ít bố mẹ bị sốc và chỉ biết tỏ thái độ bằng cách quát, mắng át đi.

Giáo dục giới tính thông qua việc trả lời câu hỏi của con

Những đứa trẻ từ khi bắt đầu làm chủ được ngôn ngữ thường khiến bố mẹ ong đầu vì những câu hỏi, trong đó có những câu hỏi khó. Chẳng hạn:

– Mẹ ơi, sao bạn Hoa lại ngồi tè?

– Vì sao buổi trưa con trai phải ngủ riêng, con gái phải ngủ riêng? Con thích nằm cạnh bạn Hoàng cơ, mà cô không cho!

Đó chính là những tìm hiểu đầu tiên về giới tính chính đáng cần được bố mẹ giải đáp rõ ràng, khéo léo, dễ hiểu chứ không phải lảng tránh hoặc lờ đi. Bắt đầu từ những hỏi – đáp như thế, bố mẹ có thể giáo dục giới tính cho con rất nhẹ nhàng và tự nhiên. Nếu bố mẹ có thói quen bỏ qua không đối mặt với những câu hỏi hóc búa của con hoặc những câu hỏi liên quan đến các vấn đề tế nhị như trên, không chóng thì chầy đứa trẻ sẽ tiếp cận nguồn thông tin khác để thỏa mãn tò mò của mình. Vô hình trung, đây chính là bước đầu tiên cho việc chính các phụ huynh bị sốc sau này khi bé con khoe những kiến thức thu nhặt được bên ngoài, từ các nguồn đáng tin hoặc chưa được kiểm chứng.

Thật ra, đứa trẻ rất dễ dàng thỏa mãn và nhanh chóng quên đi những băn khoăn khi được nghe một câu chuyện hợp lý và chứng kiến thái độ bình thản, không chút bối rối nào của cha mẹ. Theo tôi, đối với trẻ mẫu giáo và tiểu học, ý nghĩa giáo dục giới tính không nằm trong việc giới thiệu tỉ mỉ về bộ phận sinh dục, về các quá trình phát triển giới tính của con người. Điều này trẻ có thể được học muộn hơn một chút như một vấn đề khoa học.

Giáo dục giới tính cho trẻ ở tuổi mẫu giáo cần hiểu là xác lập cho trẻ một khái niệm chung về sự khác nhau giữa nam và nữ, hiểu được mình thuộc giới tính nào và cách thể hiện giới tính ấy trong cuộc sống thông qua các hành vi được coi là thích hợp. Trẻ cần được biết về cơ thể mình, cũng như những nguyên tắc xử sự tương tác với giới khác. Đôi khi chỉ đơn giản là ý niệm con trai rất nên “galăng” với con gái, hay con trai không nên đánh bạn gái, hoặc con gái ở nơi công cộng cần phải có tác phong kín đáo…

Giáo dục giới tính còn nằm ở chỗ: chỉ cho trẻ cách xác lập một định nghĩa về bản thân thông qua những câu chuyện tưởng chừng “xa xôi” về tình bạn, tình yêu, về những đồ vật mà em yêu thích, về màu sắc mà em thích dùng, những công việc mà bố (như đại diện cho tính nam) hay làm hằng ngày, những công việc mà mẹ (như đại diện cho tính nữ) hay làm thường ngày và em quan tâm đến công việc nào, thích làm việc nào hơn cả. Trẻ đồng thời cũng cần được biết cảm xúc yêu quý có thể có giữa nam và nữ, được biết vai trò của bố và mẹ như thế nào trong việc tạo dựng một gia đình và việc một đứa trẻ ra đời. Ở đây chỉ cần một chút khoa học và một chút tưởng tượng, bạn hoàn toàn có thể giải thích cho trẻ quá trình hình thành em bé như thế nào.

Ngoài ra, khi chúng ta hay nói đến việc chống kỳ thị những người đồng tính, thì việc cho các em biết về giới này cũng là một việc cần làm – cũng với thái độ bình thản, giản dị, để trẻ có thể tôn trọng sự khác biệt về giới tính của người khác như là tiếp nhận một hiện tượng xã hội hoàn toàn bình thường và đúng quy luật của tự nhiên. Chính những thông tin hoặc tín hiệu ẩn chứa nhiều thông tin như thế được đưa đến từ các nguồn tin an toàn là bố mẹ, thầy cô… sẽ dần tạo nên khái niệm về giới tính một cách đúng đắn ở đứa trẻ, dựa trên sự tiếp nhận về các giá trị quan trọng trong quan hệ xã hội như tình bạn, tình yêu – sẽ tránh được các phức tạp thường có khi trẻ đến tuổi dậy thì.

Giáo dục giới tính không thể đơn giản là một môn học tách biệt, mà trẻ phải được chuẩn bị để học môn học ấy bằng cách xây dựng một “phông” về cảm xúc, văn hóa, tri thức… từ khi còn nhỏ nhờ gia đình và xã hội, và cả từ thiên nhiên thông qua những bản năng vốn có của con người, sự tiếp nhận các vấn đề về giới tính qua việc bắt chước những người trong gia đình… Điều này chúng ta thấy rõ mỗi khi quan sát trẻ mẫu giáo chơi đồ hàng – trò vợ chồng, trò bố mẹ và con cái…

giao-duc-gioi-tinh

Minh họa: Vũ Đình Giang

Giúp trẻ tự bảo vệ mình

Tuy nhiên nói đến vấn đề giới tính, chúng ta cũng không thể không nói đến những nguy hiểm đến từ bên ngoài ảnh hưởng tới trẻ với vấn đề tính dục. Những thông tin về trẻ em bị xâm hại tình dục đã rung hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh và các nhà sư phạm – cần phải dạy trẻ điều gì để trẻ nhận biết các tình huống nguy hiểm và biết cách tự bảo vệ mình?

Đây là một việc khó, nhất là khi nói chuyện với trẻ lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học, bởi nếu không khéo chúng ta có thể làm mất đi sự trong trẻo, hồn nhiên vốn có khi trẻ nhìn thế giới và con người. Vậy có lẽ quan trọng hơn cả là dạy trẻ biết làm chủ cơ thể mình, rằng “không ai, ngoài con, được quyền va chạm vào cơ thể của con vì người khác có thể làm con đau”.

Với trẻ ở tuổi dậy thì, các con cần được học khái niệm “xâm hại tình dục” trong các giờ học chính khóa, cùng với các vấn đề về sinh trưởng của con người: những biểu hiện của nguy hiểm từ bên ngoài, đến từ một người khác và những hậu quả mang tới. Tiếp đó mới là các bài tập phòng tránh thông qua các câu hỏi trắc nghiệm, các bài tập lựa chọn tình huống để trẻ có thể biết cách tự bảo vệ mình ngay từ khi có những biểu hiện đầu tiên gợi lo lắng, chứ không phải đợi đến khi tình huống xảy ra đã quá rõ ràng và khó có lối thoát.

Ở đây, vai trò của bố mẹ hoặc giáo viên rất quan trọng. Họ phải vượt qua được cảm giác ngại ngùng khi bàn vấn đề này với trẻ và tỏ ra rất bình thản, đúng mực, không hoảng hốt. Thái độ đó khiến trẻ nhìn vấn đề một cách khoa học hơn và cũng không quá lo sợ khi nhìn ra thế giới. Thêm vào đó, người lớn phải có thái độ chấp nhận và đối mặt với bất kỳ vấn đề gì trẻ nêu ra, cũng lại một cách bình thản, để giữa trẻ và người lớn có thể có những thảo luận thật sự, chân thành, không e ngại, cũng không tự đánh lừa mình rằng “con/học trò của mình còn quá bé, chưa biết đến điều này đâu”!

Thái độ tôn trọng, bình tĩnh, tiếp nhận vấn đề và sẵn sàng cùng giải quyết bất kỳ vấn đề nào của trẻ là thái độ cần có trong giáo dục giới tính.

EU làm như thế nào?

Ở Hà Lan, hầu như mọi trường cấp II đều có các bài giảng về giáo dục giới tính – một phần của môn sinh học, hơn một nửa trường tiểu học có thảo luận về tình dục và tránh thai. Truyền thông đã khuyến khích đối thoại công khai và chương trình chăm sóc sức khỏe đảm bảo một cách tiếp cận bí mật và không phán xét. Hà Lan có tỉ lệ mang thai vị thành niên ở hàng thấp nhất thế giới, và cách tiếp cận của Hà Lan thường được các nước khác coi là hình mẫu.

Ở Thụy Điển, giáo dục giới tính trở thành chương trình bắt buộc trong giáo dục học đường từ năm 1956. Môn học được bắt đầu từ tuổi lên 7-10 và tiếp tục ở những lớp cao hơn, có liên hệ chặt chẽ với những môn như sinh học và lịch sử.

Ở Anh và Xứ Wales, giáo dục giới tính trong trường học không phải là môn bắt buộc do có nhiều bậc cha mẹ e ngại không muốn cho con tham gia. Chương trình nhắm vào việc giảng dạy hệ thống sinh sản, sự phát triển của bào thai và những thay đổi tâm sinh lý của tuổi thiếu niên, trong khi thông tin về việc ngừa thai và an toàn tình dục thì tùy ý và việc thảo luận về quan hệ tình dục thường được bỏ qua. Anh hiện là nước có mức có thai tuổi thiếu niên cao nhất châu Âu và giáo dục giới tính là vấn đề nóng bỏng trong chính phủ cũng như các báo cáo y tế.

Năm 2000, theo một nghiên cứu của Đại học Brighton, nhiều thiếu niên 14-15 tuổi thất vọng với nội dung các bài học giáo dục giới tính. Giới trẻ cảm thấy việc thiếu tin cậy đã ngăn cản họ đặt những câu hỏi cho thầy cô giáo về vấn đề phòng tránh thai. Một nghiên cứu năm 2008 của chương trình YouGov cho kênh 4 truyền hình cho biết: 3 trong 10 thiếu niên nói họ cần nhiều hơn kiến thức về tình dục và giáo dục giới tính.

TSGD Nguyễn Thụy Anh (Theo Tuổi trẻ cuối tuần)

The post Giáo dục giới tính và thái độ của người lớn appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>