Home / Bài Viết / Quyền giáo dục cơ bản của Trẻ em

Quyền giáo dục cơ bản của Trẻ em

Công ước các quyền của trẻ em (1989) thừa nhận rằng giáo dục là quyền của mọi trẻ em. Bản Tuyên bố Thế giới về Giáo dục cho mọi người (1990) và Hội nghị Thượng đỉnh vì Trẻ em (1990) đã khẳng định rằng tầm nhìn mở rộng về quyền giáo dục cơ bản là nền tảng cho việc học tập của mọi cá nhân.

Nếu chúng ta cho rằng giáo dục cơ bản là quyền thiết thân của trẻ em, điều đó có hàm ý gì?

1. Quyền được là trẻ con, được vui chơi và hưởng sự vui chơi, được bảo vệ khỏi sự bóc lột lao động trẻ em, quyền được có đủ thời gian để đến trường và ở lại trường, làm bài tập, và học hỏi. Quyền được có một ngôi nhà và một gia đình; quyền được có một ngôi trường gần nhà, được có những người giáo viên yêu quý trẻ em và say mê dạy học, có quyền được hưởng một nền giáo dục không chỉ trang bị cho các em để bước vào tuổi trưởng thành mà còn, và quan trọng nhất là, cho các em một tuổi thơ hạnh phúc.

2. Quyền được học trong trường và bên ngoài nhà trường. Quyền được tò mò, được hỏi và được trả lời, có quyền nghi vấn, tư duy và tranh luận, có quyền mắc lỗi, có quyền được người khác hỏi ý kiến và được tham dự, có quyền biểu đạt bản thân một cách tự nhiên và tự do, được người khác lắng nghe và tôn trọng ý kiến, có quyền bất đồng ý kiến, tưởng tượng và sáng tạo, có quyền học để học. Có quyền được có lòng tự trọng, được cha mẹ và thầy cô đặt vào mình nhiều điều trông đợi, có quyền cảm thấy vừa tự tin vừa được thách thức về năng lực của bản thân, cần nhận được sự khen ngợi và khích lệ cho những tiến bộ dù là nhỏ nhất.

3. Có quyền được liên tục học tập, ngay từ lúc chào đời, một sự liên tục không nhân nhượng bất cứ hạn chế nào ngoài chính mối quan tâm và năng lực học của trẻ. Bởi lẽ nền tảng của nhân cách và tri thức được hình thành từ những năm đầu tiên của cuộc đời, và đó cũng là thời đoạn diễn ra sự phát triển nhận thức quan trọng nhất và kỳ diệu nhất, quyền thiết thân nhất về giáo dục cơ bản của trẻ em chính là quyền được có một khởi đầu thuận lợi cho cuộc sống. Quyền có một tuổi thơ gieo những hạt mầm tốt đảm bảo cho sự lớn khỏe và phát triển trong tương lai.

4. Quyền được có một nền học tập thoáng mở, ở nhà, ở trường, trong đời sống hàng ngày, trong vui chơi, trong tương tác với bạn bè, thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, và trong việc các em tự khám phá thế giới. Quyền được hưởng thụ thư viện, sân tập thể thao, bảo tàng, công viên, vườn bách thú, rạp xiếc; quyền được tiếp cận sách vở, báo chí, truyện tranh dung tưởng, chuyện cổ tích, bách khoa toàn thư, từ điển, băng hình video, phim, và tác phẩm nghệ thuật; quyền được học không chỉ ở người lớn mà còn cả những trẻ em khác. Quyền được học không chỉ ở người khác mà còn học từ chính trải nghiệm và sai lầm của bản thân, từ suy ngẫm và bàn luận.

5. Quyền được tới trường và ở trường đủ thời gian cần thiết để phát triển tri thức, kỹ năng, và thái độ cần thiết để sinh tồn, quyền được hiểu biết về cơ thể của bản thân và bảo vệ sức khỏe của chính mình, quyền được học về văn hóa và gốc rễ của mình; được biểu đạt bản thân bằng cách nói và viết; được tự cân nhắc và giải quyết những vấn đề cơ bản của đời sống hàng ngày; quyền được hiểu kỹ hơn về chính mình và về thế giới xung quanh; quyền được bảo vệ môi trường; quyền được đón nhận những giá trị công lý và đoàn kết; được biết về những quyền và nghĩa vụ của mình; quyền được xây dựng nền tảng cho lòng tự trọng và niềm tự tin, và quyền được tiếp tục học nữa, học mãi.

6. Quyền được có một nền giáo dục thiết kế đặc biệt cho trẻ em, trong đó tất cả mọi điều, từ quan hệ, nội dung và phương pháp, kiến trúc và không gian, lịch học và thời khóa biểu, các quy tắc và chuẩn bị — đều được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu của trẻ em chứ không phải của người lớn. Quyền có một nền giáo dục tôn trọng tri thức, cách nhìn nhận, và ước mơ của trẻ. Một nền giáo dục dựa trên niềm vui, âm nhạc và vui chơi, ngạc nhiên và khám phá, vận động và tiếng cười; tất cả những điều đó không phải là những phụ phẩm kéo theo mà chính là những nguyên liệu gốc cần được sử dụng trong giảng dạy và học tập.

7. Quyền được có một nền giáo dục chất lượng và thực tiễn, hướng tới việc học, hiểu biết rõ về tầm quan trọng không chỉ của khối lượng mà còn cách thức và những nội dung mình sẽ được học. Quyền được hưởng một nền giáo dục hoàn toàn vắng bóng định kiến và thành kiến, một nền giáo dục đấu tranh chống phân biệt chủng tộc và kỳ thị giới, tôn trọng sự khác biệt và thừa nhận giá trị của ngôn ngữ và văn hóa riêng của chính trẻ em; một nền giáo dục nhấn mạnh những gì trẻ em biết và có thể làm, chứ không phải những gì trẻ không biết và không thể làm; một nền giáo dục ưu tiên sự hợp tác hơn là năng lực, đối thoại hơn là độc thoại, việc làm hơn là lời nói; một nền giáo dục nhằm đạt được ước mơ cơ bản của bất kỳ một phụ huynh tử tế và bất kỳ một giáo viên có đạo đức nào: trẻ em và người học phải trở nên tốt đẹp hơn chính bản thân họ.

8. Quyền được có những điều kiện học tập tối thiểu cần thiết để trẻ có thể tận dụng được nhà trường và các cơ hội giáo dục khác, và phát triển trọn vẹn khả năng của trẻ. Quyền được có một nền giáo dục cơ bản hỗ trợ mỗi em trai và em gái trong việc đòi hỏi cộng đồng và xã hội của mình cung cấp cho các em không chỉ trường học miễn phí, giáo viên được đào tạo, chương trình học thực tế và những tư liệu học tập cần thiết, mà còn cả những điều kiện kinh tế, xã hội, và thương yêu không thể thiếu được: dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, nhà ở đảm bảo, và trên hết, lòng tôn trọng, tình yêu thương và nâng đỡ về tình cảm, và một môi trường chung ổn định, an toàn, thanh bình.

9. Quyền được có cha mẹ cũng được hưởng thụ nền giáo dục cơ bản, bởi vì điều này là tối quan trọng cho sự sinh tồn, bình an, giáo dục và triển vọng tương lai của trẻ. Quyền được có cha mẹ tiếp cận đầy đủ thông tin, nhận thức rõ về tầm quan trọng của giáo dục đối với cả con trai lẫn con gái, tôn trọng sự vui chơi của con, sẵn lòng đối thoại và thuyết phục thay vì trừng phạt. Quyền được có cha mẹ có học vấn, trân trọng nỗ lực học tập, biết phân biệt giữa giảng dạy có chất lượng và kém chất lượng, tham gia vào công việc nhà trường, và cùng thống nhất đòi hỏi một nền giáo dục có chất lượng. Quyền được có cha mẹ có kiến thức về quyền và nghĩa vụ của chính mình, và có sự tự tin và những kiến thức cơ bản để giúp con cái mình trưởng thành, học tập, và phát triển.

10. Quyền được có một nền thông tin đại chúng có trách nhiệm, chú trọng đến nhu cầu của trẻ em, có khả năng bổ sung và làm cho giáo dục được phong phú hơn: một mạng lưới truyền thông giúp kết nối trẻ ở thành phố với đồng quê và trẻ ở nông thôn với đô thị; mở mang tầm nhìn cho các em về thế giới và đưa các em tới những hiện thực khác, đất nước khác, và thời đại khác; mở ra cho các em thấy những khả năng và hạn chế của khoa học kỹ thuật hiện đại; cho các em thấy sự vĩ đại cũng như nhỏ nhoi của loài người; xây dựng cho các em năng lực thưởng thức nghệ thuật, khoa học và văn hóa thế giới; vun trồng một thiên hướng hòa bình, không bạo lực, vị tha, đoàn kết và công lý. Giáo dục cơ bản là quyền phổ quát. Quyền này hỗ trợ cho mọi trẻ em: trai và gái, giàu và nghèo, thành thị, nông thôn và những vùng xa, trẻ khuyết thiếu, trẻ phải đi làm, người bản địa và các dân tộc thiểu số, trẻ có gia đình và trẻ đường phố, và những ai phải ly tán vì chiến tranh.

Nguồn: Tin tức Giáo dục, bản tin giáo dục của UNICEF, 1995.

Trương Huyền Chi dịch 8/2007, hiệu đính 5/2010; chưa công bố.

Nguồn: http://www.facebook.com/truong-huyen-chi/quyen-duoc-la-tra-con/389697266684

Công ước các quyền của trẻ em (1989) thừa nhận rằng giáo dục là quyền của mọi trẻ em. Bản Tuyên bố Thế giới về Giáo dục cho mọi người (1990) và Hội nghị Thượng đỉnh vì Trẻ em (1990) đã khẳng định rằng tầm nhìn mở rộng về quyền giáo dục cơ bản là …

Review Overview

Graphics
Speed
Design
Sounds
Camera

Bad !!

Summary : Pellentesque habitant morbi tristique senectus et netus .

User Rating: Be the first one !
47

About admin

Scroll To Top