Home / Giới thiệu sách / Herstory – Cuộc đời 50 người phụ nữ gây chấn động thế giới (Katherine Halligan, Sarah Walsh minh họa, Nhã Nam & NXB Thế giới, 2019)

Herstory – Cuộc đời 50 người phụ nữ gây chấn động thế giới (Katherine Halligan, Sarah Walsh minh họa, Nhã Nam & NXB Thế giới, 2019)

Phái đẹp là một mỹ từ dành cho những người phụ nữ, nhưng họ cũng bị coi là phái yếu. Dù vậy, lịch sử đã ghi nhận những người phụ nữ làm được nhiều điều phi thường mà không cần đến cơ bắp. Tác phẩm “Herstory – cuộc đời 50 người phụ nữ gây chấn động thế giới” của tác giả Katherine Halligan và họa sĩ Sarah Walsh sẽ minh chứng cho điều đó.

Cuốn sách giới thiệu theo năm chủ đề: Niềm tin và sự dẫn đường; Tưởng tượng và sáng tạo; Trợ giúp và chữa lành; Tư tưởng và giải pháp; Hy vọng và vượt qua. Trong số năm mươi cái tên ấy, có những người được lưu danh sử sách nhưng cũng nhiều gương mặt không được nhắc tên.

Ngôi vị đế vương từ trước đến nay luôn ghi tên những người đàn ông, thế nhưng Nữ hoàng Elizabeth I (1533 – 1603) đã mở ra một trang sử mới về sự cầm quyền của phụ nữ. Trị vì trong 45 năm, bà đã mang lại sự thịnh vượng và bình an cho nước Anh, bảo trợ cho nghệ thật và hành trình khai phá Tân Thế Giới, khởi đầu đế chế tồn tại hàng trăm năm.

Vượt qua mọi định kiến, không phân biệt màu da hay sắc tộc, những người phụ nữ từ xa xưa vẫn bất chấp tất cả để đứng lên. Họ dám cưỡi ngựa, cầm kiếm và đấu tranh đến tận cùng. Đó là chỉ huy quân đội Pháp – Jeanne D’arc (khoảng 1412 – 1431), thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ – Indrira Gandhi (1917 – 1984), người phụ nữ đầu tiên trị vì đất nước Trung Quốc – Hoàng đế Võ Tắc Thiên (624 – 705 sau CN), pharaoh Ai Cập hùng mạnh – Hatshepsut (1504 – 1458 sau CN).

Christopher Columbus được biết đến là người đã tìm ra châu Mỹ nhưng ít ai biết rằng nữ hoàng Tây Ban Nha Isabella I (1451 – 1504) đã tự bỏ tiền chu cấp cho nhà thám hiểm khai phá tuyến giao thương mới đến Đông Ấn. Thực tế, vùng đất đó nay là Tây Ấn. Nhà thám hiểm bản địa châu Mỹ Sacajawea (1788 – 1812) đã nói: “Chỉ khi bỏ công sức để tìm tòi khám phá, bạn mới thực sự cảm thấy kinh ngạc về những điều kỳ thú mở ra trước mắt”. Vì thế hãy luôn giữ niềm tin và dũng cảm phá bỏ giới hạn để nhìn ra thế giới.

Theo đuổi con đường nghệ thuật là một quá trình trường kỳ, cần sự kiên nhẫn và đầu tư. Thời đại ngày nay đã giúp phụ nữ có thể tham gia vào mọi lĩnh vực mà họ lựa chọn. Thế nhưng từ xưa, phụ nữ không dễ dàng khi theo đuổi đam mê. Nếu được gia đình ủng hộ, tạo điều kiện thì là một may mắn. Tuổi thơ Coco Chanel (1883 – 1971) không được ở cạnh gia đình. Mẹ bà mất sớm, còn bố là thương nhân nay đây mai đó nên đã gửi con ở cô nhi viện nhờ các xơ chăm sóc. Đó là khoảng thời gian để bà trùm của làng thời trang thế giới có cơ hội làm quen với may vá, thêu thùa quần áo. Tuy bắt đầu kiếm sống bằng nghề ca sĩ phòng trà nhưng nhận ra đây không phải là thế mạnh, Coco Chanel chuyển sang làm mũ và dần dần phát triển đế chế thời trang. Bà đã dẫn đầu thế giới thời trang, giải phóng phụ nữ khỏi những bộ đồ gò bó nhưng vẫn giữ sự trang nhã, lịch sự.

anh herstory

Herstory – Cuộc đời 50 người phụ nữ gây chấn động thế giới

Một người hoàn toàn khỏe mạnh và bình thường rèn luyện trở nên phi thường đã gặp nhiều khó khăn, thì những người không may mắn còn phải nỗ lực gấp nhiều lần. Hellen Keller (1880 – 1968), nhà văn, nhà hoạt động xã hội đã vượt qua khuyết tật để giúp đỡ người khác. Bà quan niệm: “Dù thế giới này có ngập tràn khổ đau thì chiến thắng vẫn đợi ta phía trước”. Hellen Keller là người khiếm thị – khiếm thính đầu tiên nhận bằng cử nhân và được vinh danh trong lễ tốt nghiệp tại trường Cao đẳng Radcliffe (nay thuộc đại học Harvard). Trong thành công của người phụ nữ ấy không thể không nhắc đến cô giáo Annie Sullivan (1866 – 1936), người đã kiên nhẫn dạy Helen lĩnh hội mọi kiến thức dù bà phải đối diện với việc mất thị lực.

Lòng tốt không phải lúc nào cũng được đón nhận khi Mary Seacole (1805 – 1881) muốn giúp đỡ những binh lính ở Krym đối mặt với dịch bệnh. Bà đã tự mở khách sạn để chữa trị cho họ, xông pha ra chiến trường để chăm sóc thương binh ngay dưới làn đạn.

Khoa học được coi là mảnh đất của đàn ông nhưng phụ nữ cũng đã đạt được những thành tựu khiến cả thế giới kính nể. Lập trình viên đầu tiên của thế giới là một người phụ nữ đầy mộng mơ Ada Lovelace (1815 – 1852). Thật tiếc vì bà không được chứng kiến thành quả của mình, phải gần 100 năm sau thì điều ấy mới trở thành hiện thực.

Đi tiên phong trong nghiên cứu khoa học còn có Rosalind Franklin – nhà hóa học khám phá ra cấu trúc ADN, người tìm kiếm Mary Anning đã thay đổi quan điểm về hóa thạch hay người phụ nữ đầu tiên du hành vào vũ trụ Valentina Tereshkova…

Người phụ nữ trẻ nhất trong cuốn sách này là Malala Yousafzai (sinh năm 1997) và cô vẫn đang tiếp tục đấu tranh quyền học tập cho phụ nữ và trẻ em tại quê hương Pakistan. Cô là người trẻ nhất nhận được giải Noel Hòa Bình (2014) nhưng đã ngay lập tức dùng số tiền thưởng để thành lập một trường trung học dành cho các bé gái ở đất nước mình. Sử dụng ngôn từ làm vũ khí, chiến binh Malala đã khiến cả thế giới thán phục vì điều đó.

Nếu nhà thám hiểm Bồ Đào Nha (sau đó nhập tịch Tây Ban Nha) Ferdinand Magellan (1480-1522) là người đầu tiên thực hiện chuyến viễn dương vòng quanh thế giới, thì Amelia Earhart (1897 – 1973) đã quyết tâm dùng máy bay để chinh phục điều đó. Thế nhưng thần may mắn đã không mỉm cười, phi hành đoàn mất liên lạc và chính phủ Mỹ bỏ cuộc trong việc tìm kiếm họ khi chuyến bay còn dang dở. Tai nạn thật đáng tiếc nhưng có lẽ Amelia Earhart sẽ không hối hận về quyết định của mình: “Tôi hoàn toàn nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn. Nhưng tôi muốn làm điều đó, đơn giản chỉ bởi vì tôi muốn”.

50 người phụ nữ là 50 câu chuyện khác nhau ở các thời đại, nhưng có lẽ họ có nhiều điểm chung. Họ dám bước ra khỏi trật tự xã hội đương thời, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sau này.

Cò Trắng (Viết cho CLB Đọc sách cùng con)

About admin2

Scroll To Top