Home / Tư vấn - Chia sẻ / Những-đứa-trẻ-thi

Những-đứa-trẻ-thi

Thằng bé con tôi, 7 tuổi, học lớp Hai. Cứ mỗi lần ngồi làm bài ở nhà, lại lẩm bẩm: “Không biết viết thế này có thể được 10 không nhỉ?”. Anh họ nó, đương học lớp 8 một trường rất oách, mỗi lần đến chơi đều được bà và các bác đưa ra làm gương cho các em, rằng đi học ngày nào cũng có điểm 10, nhưng đến tối thì ông bố toát mồ hôi ngồi… học tiếng Pháp vì muốn có đủ vốn ngoại ngữ để kèm con. Bên hàng xóm, chiều chiều tôi lại nghe véo von câu hỏi, kiểu như: “Hôm nay con được mấy điểm? Hả, sao lại 6? Hôm qua hai mẹ con đã luyện thuộc lòng kỹ thế rồi cơ mà???”. Một bà mẹ có con sắp thi đại học thì than: “Thằng bé là học sinh giỏi nhưng cấm có thích đọc thêm, tìm thêm tài liệu tham khảo. Nó bảo cứ những gì cô dạy mà “tương” vào mới được điểm cao, đọc thêm rồi nói chệch đi vừa phiền phức mà chưa biết chừng bị trừ điểm!”

 

Học vì cái gì?

Câu hỏi thật là buồn cười, là thừa, vì đã biết bao năm nay người ta đã xác định cho trẻ rất nhiều mục đích của sự học rồi. Và nữa, “học cho ấm vào cái thân mày chứ bố mẹ có được nhờ gì đâu!”. Nhưng “ấm cái thân” là chuyện của “nhiều lâu sau”, của lúc nào đó vào đại học, đi du học, chứ còn bây giờ, nếu nghe các câu chuyện thường ngày xảy ra xung quanh tôi đây, có cảm giác, học chỉ để đạt điểm cao, học chỉ để cuối năm đạt học sinh giỏi, học để bố mẹ đi họp phụ huynh về ngẩng cái đầu thật cao, đưa cái bằng khen ra vui sướng!

Tôi bảo con tôi: “Con đừng nghĩ đến điểm, con cứ làm cho tốt bài toán này đi. Trình bày đẹp, chữ rõ ràng, đáp số đúng. Mẹ nhìn rất thích. Mẹ nhìn bài của con chứ không ngắm điểm cô viết vào đây đâu mà lo.” Nhưng nó vẫn băn khoăn: “Thế nhỡ đúng hết mà cô vẫn cho ít điểm thì sao?”

Thì sao?

Tôi không trả lời được câu hỏi của nó vì câu hỏi đó vô lý quá. Không hiểu điều gì đã khiến trẻ con trở thành những người học vụ điểm như vậy? Niềm vui của quá trình thu nhận kiến thức, tìm hiểu bài học gần như không còn nữa, chỉ còn một kiểu học đối phó. Học để ngày mai cô kiểm tra. Học để hôm sau thi giữa học kỳ. Học để có nhiều điểm cao, được học sinh giỏi, đúng như chỉ tiêu đặt ra của lớp, của trường. Tôi tự hỏi, vì sao những đứa trẻ mới bước vào những năm đầu tiên của bậc tiểu học đã phải trải qua 4 kỳ thi một năm, ấy là chưa kể đến cái gọi là “Kiểm tra chất lượng” đầu năm. Muốn hay không muốn, chúng phải làm sao để vượt qua những kỳ thi ấy. Về mặt tâm lý, chúng không còn là những đứa trẻ chuẩn bị tinh thần đón nhận thông tin, cùng cô giáo tìm hiểu những điều mới lạ nữa, mà là những-đứa-trẻ-thi!

Những-đứa-trẻ-thi có những-bố-mẹ-thi và những-ông-bà-thi. Đó là những người, cứ thấy con về là quan tâm hỏi: “Hôm nay được điểm mấy?”. Điểm cao thì khen, thì thưởng. Điểm thấp thì mắng, thì phạt.

Những-đứa-trẻ-thi lại có những-thày-cô-giáo-thi. Các thày cô thi đua với nhau, lớp nọ với lớp kia, trường nọ với trường kia, xem ở đâu nhiều học sinh giỏi hơn. Giờ đây, chuyện học sinh giỏi không còn là quý giá lắm như ngày xưa nữa. Có lớp cuối năm đến 97% là học sinh giỏi. Cứ “bị” học sinh tiên tiến là cô trò, bố mẹ thở dài thườn thượt rồi.

Đấy phải chăng chính là nguyên nhân của sự học đối phó?

Ngày mai có kiểm tra thì ta học. Không thì ta không cần để ý đến. Bài này có trong chương trình thi thì ta luyện. Không thì nhanh chóng cho ra khỏi đầu. Logic quá còn gì !

Một thời gian sau, đứa bé nhanh nhẹn thông minh, thích tìm tòi của ta bỗng trở thành một cậu chàng biết cách đối phó, « phản ứng nhanh » với các kỳ thi, với kiểu kiểm tra bài của cô, nắm được « tâm lý đối phương » để hành động hợp lý. Nhưng không còn nữa say mê. Không còn sự hồi hộp, hào hứng khi tìm ra một cách làm hay cho bài toán hay đọc được một bài viết thú vị, có thể làm tư liệu cho môn Giảng văn… Nhưng thế thì sao? Chẳng sao, vì bố mẹ, ông bà cần một đứa bé được nhiều điểm giỏi hơn là cần biết thái độ thực sự của nó đối với việc học. Chẳng sao, vì học kiểu ấy, nó dễ làm thày cô hài lòng hơn.

Có thể thay đổi ?

Tuy nhiên, nếu có phụ huynh nào thấy bức xúc vì cách học như thế của con thì cũng không phải là không có cách thay đổi, mặc dù thay đổi đến tận gốc rễ thì thật khó, cần nhiều điều kiện mà xã hội chưa đáp ứng được. Nhưng chí ít, về phía bố mẹ, chúng ta cũng có thể có những phương án sau :

  1. Đừng quá coi trọng điểm số. Con đi học về, thay vì hỏi điểm, bạn hãy hỏi con về niềm vui hay nỗi băn khoăn của nó trong ngày, đề nghị nó chia sẻ thông tin mới mà nó cảm thấy thú vị. Hãy là một người thực sự muốn đồng hành cùng con trên chặng đường thu nhận kiến thức.
  2. Không dùng các hình phạt cho điểm kém, cũng như không nhất thiết cứ khi con đạt điểm cao và chỉ khi có điểm cao mới « mua sách, mua quà, mua đồ chơi… ». Đừng để trẻ ngay từ nhỏ có cảm tưởng rằng, giá trị của bản thân mình chỉ nằm ở điểm số. Khi trẻ không có áp lực về điểm số, sẽ hạn chế được nhiều trạng thái tâm lý tiêu cực như sợ học, sợ đến trường, sợ lỗi – dẫn đến nói dối, cạnh tranh không lành mạnh giữa các bạn trong lớp..v.v…
  3. Nên xây dựng cho con một thói quen tự lập trong học tập :không ngồi kè kè bên cạnh mỗi khi con làm bài tập ở nhà. Tôi biết nhiều trường hợp, mẹ ngồi cạnh con từ năm lớp 1, tạo thành một phản xạ có điều kiện – suốt những năm học sau này, mẹ ngồi cạnh con mới học, mẹ đứng dậy con ngừng học ! Hãy để trẻ có « khoảng trời riêng » trong học tập, nơi nó được quyền « tự tung tự tác », dùng tờ nháp này mà không dùng tờ nháp kia, viết bằng bút này, vẽ bảng biểu kiểu nó thích mà không có ai theo dõi chằm chặp bên cạnh. Tư duy (quan sát, phân tích, so sánh, khái quát…) chỉ có thể phát triển được trong một không gian tự do nhất định.
  4. Hãy kích thích sức sáng tạo, sự tìm tòi học hỏi của con bằng nhiều cách. Nhưng tất cả các cách ấy hầu như đều dựa trên nguyên lý phát triển tâm lý của trẻ thông qua những phẩm chất đặc trưng: tò mò, trí tưởng tượng phong phú, khả năng liên tưởng…

* Chẳng hạn, ở lớp Một, con đang bắt đầu học viết. Không nhất thiết phải bắt con mỏi đừ tay hì hụi « lao động » trên trang vở sau một buổi học dài ở trường. Buổi tối, có những lúc hai mẹ con/ hai bố con nằm với nhau trước khi đi ngủ và thi viết lên trời : « Bầu trời trên kia là trang vở khổng lồ, mẹ và con là hai siêu nhân có thể viết lên nền trời. Đố con viết chữ Bà… ». Việc học chữ bỗng nhiên không còn là điều gì khó khăn và khiến con mất sức quá nữa !

* Thường xuyên đặt câu hỏi phản biện những lúc có điều kiện tìm hiểu bài vở của con, « bắt » trẻ phải suy nghĩ mà không bằng lòng với những kết luận một chiều của sách giáo khoa. « Theo con, vì sao…. ? Thế nhỡ…. ? Trong trường hợp…. ? Giả sử…. thì…. ? ».

* Đưa ra nhiều tình huống lấy từ cuộc đời thực để cùng con hiểu sâu sắc bài học, khiến con thấy hưng phấn vì bài học của con liên quan mật thiết đến cuộc sống đời thường chứ không phải là lý thuyết suông. « Một lần, bố đi trên đường và thấy….. Đố con vì sao ? ». «Hôm nọ mẹ đọc báo thấy có mẩu tin thế này… Theo con,… ? »

* Thi thoảng cả nhà cùng tham gia một thực nghiệm nào đó mà con đã học trên lớp, cùng đọc tác phẩm có trong chương trình của con, cùng đi xem vở kịch có nói đến vấn đề con phải học, cùng sưu tầm những hiện vật theo đề tài trong bài học của con..v..v.. Những chia sẻ một cách ngang hàng như vậy trong việc học có tác dụng gấp nhiều lần so với việc bố mẹ chỉ đóng vai người kiểm tra, thúc ép, nhắc nhở, thưởng phạt… trong quá trình con đi học.

* Thay vì lưu giữ các bằng khen, bố mẹ có thể lưu giữ những cuốn vở cũ của con, một vài bức tranh, bài thủ công, một số tờ nháp có ghi lại cách giải một bài toán. Qua vài năm đưa ra, cùng nhau vui mừng khi thấy con đã trưởng thành. Trẻ thấy bố mẹ trân trọng quá trình lao động của mình, sẽ trở nên có trách nhiệm hơn với việc học.

* Lập cho con một sổ Nhật ký hoặc Trang blog, để đến một lúc nào đó, con có thể viết những gì con muốn kể, muốn lưu lại, quan sát được, nói lên ý kiến của mình. Việc này tưởng chừng không quan hệ gì đến việc học, thậm chí có người còn cho rằng, sẽ gây hại, làm ảnh hưởng đến học tập. Nhưng theo quan điểm của tôi, việc trẻ từ độ tuổi cấp Trung học cơ sở trở lên, có blog hay nhật ký sẽ kích thích khả năng lập luận, tự đánh giá các hành vi của mình ở trẻ. Trẻ có thể phát biểu ý kiến, ghi lại những gì thấy thú vị, đôi khi là khoe các thành tích của mình. Tuy nhiên, nếu là blog trên mạng thì bố mẹ phải kín đáo theo dõi, có những liên hệ tích cực, những đối thoại vui vẻ… để điều chỉnh con khi con thể hiện mình trên mạng.

 

 

Con xung phong đi học… vì học rất là vui!

  1. Tạo niềm vui học tập. Học mà không thấy niềm vui thì dễ rơi vào tình trạng học đối phó. Vì thế, hãy hướng dẫn con thấy được niềm vui thông qua cảm nhận thú vị, thiết thực mà quá trình học tập mang đến. Chẳng hạn, con đã biết tính nhẩm tốt – khi đi chợ, nhờ con tính những phép tính đơn giản, và tỏ ra hài lòng khi con tính đúng, nhờ con cầm tiền trả cho người bán hàng. Con đã biết viết – nhờ con thay mặt cả nhà viết vài dòng cho bà khi sinh nhật bà. Con đang học môn tập đọc – hãy thu băng, đĩa một số truyện, thơ con đọc để gửi tặng các bạn khiếm thị. Với những cô cậu học trò trung học cơ sở và trung học phổ thông, bố mẹ có thể nhờ tìm hiểu một vấn đề nào đó mà « bố mẹ vì lâu không học đã quên » : Bạn của bố chuẩn bị đi Anh. Con tìm hiểu cho bố một số thông tin về nước Anh. Ghi ra một số câu hội thoại dê dễ để bác ấy học thuộc mà sử dụng…
  2. Và cuối cùng, vẫn cứ là tư tưởng của phụ huynh và quan niệm của thày cô giáo. Nếu bản thân bố mẹ, thày cô vẫn chạy theo thành tích, coi trọng bề nổi phù phiếm – chỉ quan tâm đến kết quảđược thể hiện bằng điểm số mà coi nhẹ phương pháp học tậpquá trình học tập…của trẻ thì việc cố công  thay đổi thái độ học tập của trẻ quả là vô vọng !

 TSGD Nguyễn Thụy Anh

About admin2

Scroll To Top