Bầu trời trong quả trứng – Câu lạc bộ Đọc sách cùng con http://docsachcungcon.com docsachcungcon.com Thu, 19 Oct 2017 02:56:03 +0000 en-US hourly 1 https://wordpress.org/?v=5.5.11 Nhớ chị Xuân Quỳnh http://docsachcungcon.com/nho-chi-xuan-quynh/ Wed, 11 Oct 2017 04:55:38 +0000 http://docsachcungcon.com/?p=13852 Tôi còn nhớ vào những năm đầu thập niên 80 ở thế kỷ trước, khi tôi mới về NXB Kim Đồng , đó lại là lúc nhà thơ Xuân Quỳnh viết cho thiếu nhi rất sung sức. Tôi thường được gặp chị vui vẻ dắt cháu Quỳnh Thơ đến nộp bản thảo ở NXB Kim ...

The post Nhớ chị Xuân Quỳnh appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>
Tôi còn nhớ vào những năm đầu thập niên 80 ở thế kỷ trước, khi tôi mới về NXB Kim Đồng , đó lại là lúc nhà thơ Xuân Quỳnh viết cho thiếu nhi rất sung sức. Tôi thường được gặp chị vui vẻ dắt cháu Quỳnh Thơ đến nộp bản thảo ở NXB Kim Đồng. Hàng loạt những cuốn sách nhỏ Mẹ con con mối, Bao giờ con lớn, Mùa xuân trên cánh đồng, Vẫn có ông trăng khác, Bến tầu trong thành phố và đặc biệt là tập thơ Bầu trời trong quả trứng đã liên tiếp ra đời trong những năm 1980, 81, 82, 83, 85…

Chân dung nữ sĩ Xuân Quỳnh (Ảnh internet)

Các biên tập viên trực tiếp làm việc với chị Xuân Quỳnh ngày ấy là nhà thơ Định Hải, chị Lê Hồng Phấn, chị Lê Thị Dắt… Không khí biên tập rất vui đầm ấm, khi có bản thảo mới của chị Xuân Quỳnh mọi người đều chuyền tay nhau đọc, cùng chia sẻ tiếng cười đắc ý trước những câu chữ hay, độc đáo , thú vị… Tôi còn nhớ, cháu Quỳnh Thơ ( thường gọi thân mật là Mí) có học vẽ ở Cung thiếu nhi Hà Nội, cháu vẽ rất đẹp giầu tưởng tượng và sáng tạo. Bởi vậy tập thơ “Bầu trời trong quả trứng” bản in đầu tiên, chị Xuân Quỳnh có đề nghị : “ Cho Mí vẽ bìa và minh họa”! NXB Kim Đồng đã ưng thuận và thế là có được một cuốn sách rất độc đáo, rất thiếu nhi…

Tập thơ Bầu trời trong quả trứng đã nhận được giải thưởng chính thức của Hội đồng văn học thiếu nhi  Hội Nhà văn Việt Nam ngày ấy là một dấu ấn  rất có ý nghĩa không chỉ riêng với nhà thơ Xuân Quỳnh mà còn với cả nền THƠ THIẾU NHI Việt Nam. Các nhà thơ Phạm Hổ, Định Hải… những người lãnh đạo Hội đồng văn học thiếu nhi hồi đó đã có “con mắt xanh” nhìn ra giá trị nổi bật hiếm có của tập thơ này. Nhà thơ Xuân Quỳnh đã được biết đến như là một nhà thơ tình yêu với chất giọng nữ tính đầm thắm với những bài thơ nổi tiếng: Thuyền và biển, Sóng… đã làm rung động hàng triệu trái tim người đọc, trong đó có tôi. Từ khi còn là một thiếu nữ chưa hề chạm đến ngưỡng cửa tình yêu , trong một đêm trăng tôi đã được nghe một người bạn gái đọc bài thơ Thuyền và biển, bài thơ đã khiến tôi rung động hết cả tâm can, lời thơ như khích lệ tôi hãy đi ra biển! Thủa ấu thơ tôi đã được một ông già thông thái bảo rằng “Văn học như biển cả”, thế rồi sau này như theo một định mệnh tôi đã đi ra “Biển Văn học” bằng một con thuyền nhỏ “văn học thiếu nhi”. “Con thuyền nhỏ” của tôi có “Thơ văn thiếu nhi của chị Xuân Quỳnh”, đó là một nguồn năng lượng không ồn ào tỏa khói, mà là một “nguồn năng lượng xanh thắm” ngọt ngào trong tâm hồn, khiến mình trở nên thân mật vui vẻ hóm hỉnh như tính nết nhà thơ Xuân Quỳnh vậy. 

Tập thơ “Bầu trời trong quả trứng” (Xuân Quỳnh, NXB Kim Đồng, 2014)

Chị Xuân Quỳnh đã làm thơ với những cảm hứng say đắm với tình yêu. Khi chị trở thành người mẹ thì thiên chức làm mẹ bỗng đánh thức trong chị một nguồn cảm hứng mới TÌNH YÊU CON. Chị làm thơ cho cả ba con Tuấn Anh, Minh Vũ, Quỳnh Thơ (Chùm thơ xuân cho ba con nhỏ  nhiều bài thơ khác…). Với cậu con út bé nhất chị có phần thương nhiều hơn thì phải. Có lẽ những bài như: Bầu trời trong quả trứng, Con yêu mẹ, Truyện cổ tích về loài người, những bài thơ hay nhất của thơ thiếu nhi Việt Nam đã ra đời trong một khối tình yêu con (cháu Quỳnh Thơ) nhưng vượt lên trên tình yêu riêng cho con mình, chị đã đạt tới những phát hiện khái quát cho tuổi thơ, đạt đến sự đồng cảm rung động của nhiều bà mẹ và nhiều cháu nhỏ.

 Bầu trời trong quả trứng là một bài thơ lạ và hay đến mức kỳ lạ. Tác giả đã hóa thân thành một em bé, một “lòng đỏ trứng gà”, “một bào thai” để tưởng tượng ra sự ra đời của mình… Từ việc ngủ yên ổn trong quả trứng-Lòng mẹ “Không có gió có nắng/ không có lắm sắc mầu…”, em bé biết đập vỡ vỏ trứng và bước ra đời với gió lộng, nắng reo, con cắt , con diều, có bão có mưa có no có đói… Khi ấy giữa đói rét lo sợ có lúc em bé nghĩ sao không quay lại cái vỏ trứng đó? Để rồi em lại nhận ra ra rằng “Tôi đâu còn như xưa/ Tôi ngày nay đã lớn…” Kết thúc bài thơ, tác giả đã để cho em bé dõng dạc nói với Trời xanh : “ Này trời xanh tôi ở/ Biết rắng tôi lớn khôn”. Bài thơ như một câu chuyện kể sinh động đầy hình ảnh, đầy tình yêu thương mà lại thấm đẫm một triết lý dấn thân, biết khổ mà lại ở một tư thế tự giải thoát!

Bài Con yêu mẹ  như một câu chuyện hỏi đáp giữa mẹ và con muôn thủa, và Xuân Quỳnh đã là người sáng tạo. Bắt đầu từ một cõi mênh mông…

Con yêu mẹ bằng ông trời

Rộng lắm không bao giờ hết

Thế thì làm sao con biết

Là trời ở những đâu đâu

Trời rất rộng lại rất cao

Làm sao con tìm thấy mẹ?

Chúng ta có khá nhiều bài thơ , bài hát về mẹ yêu con, nhưng Con yêu mẹ thì mới chỉ có Xuân Quỳnh. Chị đã làm một phép nghịch đảo, một lối đùa vui, một chút dí dỏm hóm hỉnh và chính vì thế mà bài thơ đi vào lòng người đọc. Từ cõi mênh mông của bầu trời, chị đã dắt bạn đọc về sự gần gụi, những so sánh của Con được thu hẹp lại dần “Yêu mẹ bằng Hà Nội”, rồi “yêu mẹ bằng trường học” và cuối cùng gần gụi nhất:

À mẹ ơi có con dế

Luôn trong bao diêm con đây.

Mở ra là con thấy ngay.

Con yêu mẹ bằng con dế.

Cũng với phép nghịch đảo ấy Xuân Quỳnh sáng tạo ra bài thơ Truyện cổ tích về loài người :” Trời sinh ra trước nhất/ Chỉ toàn là trẻ con”…. Bài thơ như câu nói đùa như vè nói ngược đã khiến trẻ em và cả người lớn đều thấy hay… Từ tình yêu con trẻ , bản năng làm mẹ, Xuân Quỳnh trở thành một “nhà tâm lý” . Tâm lý trẻ em ưa thích tính hài hước và Xuân Quỳnh như bẩm sinh ra đã hài hước, chị đã làm cho Thơ thiếu nhi tràn đầy tiếng cười khúc khích.

Không chỉ có duyên với thơ thiếu nhi, Xuân Quỳnh còn có duyên kể chuyện, từ tuổi thơ của mình và tuổi thơ của các con có nhiều vất vả truân chuyên chị đã sáng tạo ra những Truyện ngắn thiếu nhi cảm động. Chị viết về những chuyện trong nhà, về bà nội, bà ngoại và ông nội ông ngoại bằng những chi tiết cười ra nước mắt. Những truyện ngắn Bà bán bỏng cổng trường tôi, Thầy giáo dạy vẽ, Người làm đồ chơi, Bà tôi, Cá chuối con… viết về số phận những người không may mắn, những người nghèo, phải mưu sinh vất vả… chị viết về họ (cả người và cả con vật đã nhân hóa) với lòng yêu thương, đồng cảm tinh tế và tôn trọng bằng cách nhìn không bi thảm mà lại lạc quan trong sáng. Có thể nói rằng những truyện ngắn nho nhỏ ấy, có giá trị bồi dưỡng vun đắp cho tình nhân bản trong trái tim các em nhỏ, đó chính là cái gốc của văn học thiếu  nhi. Nhà thơ Xuân Quỳnh quê ở làng La Khê xứ Đoài. “Thủa bé tôi sống ở làng…” trong Hội nghị Văn học thiếu nhi lần thứ nhất (1980) chị đã có một bản tham luận mở đầu như vậy. Từ thủa nằm nôi được sống với bầu không khí văn học dân gian nên chị đã là người kể chuyện cổ tích đặc sắc. Truyện Lưu Nguyễn, Sự tích Vịnh Hạ Long, Từ Thức gặp tiên… đều là những cuốn sách tuy mỏng mà mang vẻ riêng của nhà thơ Xuân Quỳnh. Chị đã vừa giữ được chất hồn nhiên dân dã của cốt truyện vừa truyền được cảm hứng với người đọc bằng giọng văn tinh tế của nhà thơ .

Cuốn sách tập hợp những truyện hay viết cho thiếu như của Xuân Quỳnh

Gia đình nhỏ của nhà thơ Xuân Quỳnh (Ảnh internet)

Nhà thơ Xuân Quỳnh ( 1942- 1988) đã xa trần thế gần ba mươi năm, cho đến nay Thơ tình yêu của chị vẫn được bạn đọc yêu quý, trong bài viết nhỏ này tôi chỉ muốn nói thêm với  về một phần thơ văn rất đẹp đẽ và thú vị của nhà thơ Xuân Quỳnh đóng góp cho văn học thiếu nhi Việt Nam. Thơ văn của Xuân Quỳnh vẫn đang đồng hành trẻ em Việt Nam hôm nay. Tôi hi vọng rằng các nhà nghiên cứu sau này sẽ còn đến với thơ văn Xuân Quỳnh để tìm thấy vẻ đẹp của những hạt ngọc quý còn nhiều tiềm ẩn.

Tháng 3 năm 2017

Nhà văn Lê Phương Liên (Một phần bài viết đã đăng trên báo Thời nay)

The post Nhớ chị Xuân Quỳnh appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>