Sugiyama Tsuyoshi – Câu lạc bộ Đọc sách cùng con http://docsachcungcon.com docsachcungcon.com Thu, 28 Jan 2021 10:51:28 +0000 en-US hourly 1 https://wordpress.org/?v=5.5.11 Không giới hạn trong sáng tác và thưởng thức nghệ thuật http://docsachcungcon.com/khong-gioi-han-trong-sang-tac-va-thuong-thuc-nghe-thuat/ Thu, 28 Jan 2021 09:32:56 +0000 http://docsachcungcon.com/?p=21894 Nghĩ ngợi về VỞ KỊCH “NỮ CA SĨ HÓI ĐẦU” (EUGENE IONESCO) – LUCTEAM và CẬU VANYA (ANTON CHEKHOV) – Nhà hát Tuổi Trẻ. Đi xem kịch phi lý của LucTeam cùng cô bạn thân, cả hai đều không cho rằng đây là vở kịch khó hiểu. Đơn giản là nó được hiểu bằng cảm ...

The post Không giới hạn trong sáng tác và thưởng thức nghệ thuật appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>
Nghĩ ngợi về VỞ KỊCH “NỮ CA SĨ HÓI ĐẦU” (EUGENE IONESCO) – LUCTEAM và CẬU VANYA (ANTON CHEKHOV) – Nhà hát Tuổi Trẻ.

Đi xem kịch phi lý của LucTeam cùng cô bạn thân, cả hai đều không cho rằng đây là vở kịch khó hiểu. Đơn giản là nó được hiểu bằng cảm giác, trải nghiệm, kinh nghiệm và tư duy của mỗi khán giả, và vì thế, hiểu kiểu gì mà chẳng đúng: đúng-là-mình! Thích hay không thì lại là chuyện khác. Hiểu có thể thích. Hiểu cũng có thể không thích!

Cách xử lý sân khấu, ánh sáng, đạo cụ tối giản nhưng đều mang tính biểu tượng (cái tủ cũng là cánh cửa, những chiếc ghế đồng màu từ thấp đến cao, chiếc lục lạc đeo vào chân người phát ra âm thanh theo mỗi bước đi, trang phục tay áo dài màu nhàn nhạt trung tính, giống nhau như đồng phục…). Tuy nhiên, biểu tượng cho cái gì, vì sao lại thế, có gì kết nối những thứ rời rạc ấy với nhau không… thì mỗi người sẽ nghĩ một kiểu. Và cũng chính vì thế mà vở kịch dừng rồi lại vẫn sẽ tiếp tục diễn trong đầu mỗi khán giả. Họ có thể thú vị, ngỡ ngàng, hân hoan vì sự “dằn vặt đeo bám” ấy. Họ cũng có thể khó chịu bực mình vì cảm giác không rõ ràng, không thoả mãn, không được… dứt điểm ấy! Cảm giác này tôi cũng có được hôm đi xem “Cậu Vanya” do anh Sugiyama Tsuyoshi dựng cho nhà hát Tuổi Trẻ! Chỉ mỗi một nhân vật nhang nhác con khỉ hay con King Kong thôi mà mỗi người luận một phách rồi. Mà ai luận cũng đều có lý thế. Nhưng mà, hoá ra, mục đích của đạo diễn lại nằm chính ở cái cảm giác đó của từng khán giả. Họ có thể thích hoặc không. Nhưng họ không thể thờ ơ! Và vẫn phải nghĩ về vở kịch ít nhất là những ngày sau đó!

Vở kịch “Nữ ca sĩ hói đầu”. Ảnh: VOV.VN

Trở lại với “Nữ ca sĩ hói đầu”, thói quen xem kịch nói kinh điển với những tình tiết, lời thoại, tuyến nhân vật cứ tuần tự phơi bày ra trên sân khấu, có hỗ trợ của đạo cụ, ánh sáng, phục trang… để kể một câu chuyện cụ thể của một số nhân vật cụ thể và những thông điệp cũng hết sức… cụ thể, đã khiến tôi xem thể loại kịch dựng theo kiểu ước lệ biểu hiện thế này mà mệt đứ đừ, căng thẳng đầu óc và rã rời toàn thân. Cũng có đôi lúc định buông xuôi không nhìn không nghe nữa, những tưởng có thể chìm vào một cơn ngủ, thì một nhân vật mới lại xuất hiện, sân khấu xáo trộn đôi chút và tiết tấu vở kịch thay đổi cũng đôi chút. Chỉ thế thôi nó cũng đủ làm người xem mừng rỡ, hồi hộp dự đoán về diễn biến tiếp theo…

Chưa có cơ duyên được hỏi chuyện kỹ đạo diễn Trần Lực, nhưng qua câu chuyện hôm trước anh Sugi chia sẻ, thì tôi hiểu, để thực hiện những tác phẩm thế này, họ cần một ekip say nghề, và sẵn sàng vượt qua mọi giới hạn mà con người, kể cả nghệ sĩ, thường đặt ra cho mình. Giới hạn bởi kịch bản gốc, bởi bối cảnh xảy ra câu chuyện, bởi trang phục và tính cách nhân vật bị quy định theo kịch bản văn học, và bởi cả những định kiến của bản thân mình nữa.

“Cậu Vanya” là vở kịch thuộc hàng kinh điển của Chekhov và tôi đi xem vở này ở Nga khá nhiều lần. Bất ngờ thay, với dạo diễn người Nhật lần này, tôi lại bừng hiểu nhiều điều trong triết lý của nhà văn – nhà viết kịch người Nga mà cách xử lý không gian nghệ thuật của người Nga đã từng khiến tôi bối rối. Đương nhiên, một phần nằm ở hạn chế – ranh giới về ngôn ngữ và không gian văn hoá.

Tôi cho rằng, điểm thú vị ở “Cậu Vanya” của nhà hát Tuổi Trẻ chính là sự… xoá mờ mọi ranh giới, giới hạn, đúng như khẩu hiệu của “Không Tường”! Một bối cảnh Nga mà cũng không Nga; những con người, nhân vật đã vượt qua được tính dân tộc mà tiến đến tính nhân loại; thời gian cũng không đặc trưng cho thời đại nào cả; và ngôn ngữ – thậm chí, ngôn ngữ cũng đan xen nhuần nhuyễn giữa Việt và Nhật, có cảm giác, nếu có thêm vài thứ tiếng nữa, vài diễn viên “đa quốc gia” nữa cũng chẳng sao, vì mỗi người trong số họ đã là một chi tiết của tổng thể câu chuyện được diễn đạt không chỉ bằng ngôn ngữ. Sân khấu hai lớp; những chi tiết ước lệ mang tính biểu đạt nội tâm và tính biểu tượng cao; ngôn ngữ hình thể; những đạo cụ kỳ lạ như máy quay, lá khô, cát, xe cút-kít… – tất cả chính là những “gợi ý” cho liên tưởng mạnh mẽ của người xem khiến tư tưởng của Chekhov chưa bao giờ lại bật lên rõ nét đến thế, cho dù, tôi cũng xin lưu ý, những câu thoại đắt nhất vẫn được giữ nguyên trong chủ trương tối giản ngôn ngữ của đạo diễn.

Ở vở kịch của LucTeam, có lẽ tôi cũng đã thấy một phong cách mang tính “Không Tường”, với nghĩa, không giới hạn. Một nghệ sĩ rất trẻ sáng tác lời đọc Rap đáng yêu cực kỳ, như thể cố gắng lý giải mọi diễn biến kỳ cục của vở kịch – anh được quyền tung tẩy với âm nhạc của mình! Một nữ nhạc sĩ lần này chỉ có nhạc tham gia mà lần diễn sau, đạo diễn “hứa” chị sẽ xuất hiện trên sân khấu. Có nghĩa là, không có gì bị khuôn chặt, đóng đinh, trình tự không được đảo lộn cả. Ngược lại! Người ta có thể thêm bớt nhân vật, thay đổi chút lời thoại… Thế giới trong các vở kịch bỗng như lỏng lẻo trong các chuỗi sự kiện, chỉ chặt chẽ bởi một logic nội tại, xuyên suốt, được đạo diễn chi phối bằng… điều khiển từ xa, cho phép mỗi diễn viên thể hiện nhân vật theo cách mà, cứ mỗi một đêm diễn, họ phải trưởng thành lên cùng nhân vật, hiểu anh ta hơn và cũng ngày càng chủ động hơn trong việc hoá thân vào anh ta, đem một phần con người mình chia sẻ với anh ta vậy…

À, thật sự tôi chỉ nói được những cảm giác mơ hồ của mình về vở kịch, nhưng tôi thích thú với những khám phá mới mẻ mà các đạo diễn cho tôi cơ hội có được khi xem kịch. Không phải khám phá ý nghĩa sâu xa gì của tác phẩm, mà khám phá ra ở mình khả năng chịu đựng cái mới, cái lạ, và khả năng tiếp nhận nó, dù ì ạch, căng thẳng, rã rời như… bị đánh.

May sao, từ lâu tôi tin rằng, thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật không nhất thiết chỉ có mục đích thư giãn và giải trí.

Thuỵ Anh

Xin dẫn thêm link bài viết về “Cậu Vanya” ở nhà hát Tuổi Trẻ:

The post Không giới hạn trong sáng tác và thưởng thức nghệ thuật appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>