Trẻ con – Câu lạc bộ Đọc sách cùng con http://docsachcungcon.com docsachcungcon.com Sun, 16 Dec 2018 11:01:31 +0000 en-US hourly 1 https://wordpress.org/?v=5.5.11 Bệnh thành tích – “Nhân tố bí ẩn” phá hoại cuộc sống tinh thần con người http://docsachcungcon.com/benh-thanh-tich-nhan-to-bi-an-pha-hoai-cuoc-song-tinh-than-con-nguoi/ Sun, 16 Dec 2018 11:01:31 +0000 http://docsachcungcon.com/?p=17214 Con trai tôi sinh ở Nga, tròn 6 tuổi thì về Việt Nam đi học lớp 1. Tôi còn nhớ, cháu vấp phải rất nhiều rào cản về tâm lý, sốc về cách học, cách ứng xử ở môi trường học đường Việt Nam… Thôi thì cũng dễ hiểu. Đơn giản vì bé chưa quen ...

The post Bệnh thành tích – “Nhân tố bí ẩn” phá hoại cuộc sống tinh thần con người appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>
Con trai tôi sinh ở Nga, tròn 6 tuổi thì về Việt Nam đi học lớp 1. Tôi còn nhớ, cháu vấp phải rất nhiều rào cản về tâm lý, sốc về cách học, cách ứng xử ở môi trường học đường Việt Nam… Thôi thì cũng dễ hiểu. Đơn giản vì bé chưa quen và chưa được chuẩn bị tâm lý, kỹ năng tốt để bước vào một lớp học 50-60 học sinh thay vì 30 học sinh như ở Nga…

Thế mà, tôi không ngờ rằng, những bạn nhỏ Việt Nam khi sang học ở “Tây” cũng chịu nhiều áp lực không kém.

✍ÁP LỰC CỦA SỰ… KHÔNG THÀNH TÍCH

Năm vừa rồi, tôi có dịp nghe câu chuyện của một bạn nhỏ theo bố mẹ sang Đức. Cháu bị stress nặng vì những thứ xung quanh “không giống ở nhà”. Trước hết, không ai để ý quá đến thành tích của cháu! Cháu đã quen được tung hô: cuối tuần khen thưởng vì điểm giỏi, ông bà tự hào khoe với bạn bè hàng xóm về cô cháu gái giải nọ giải kia trong các cuộc thi. Tên cháu xuất hiện trên báo chí. Ở trường, hơi tí là được nhắc tên, tuyên dương, quà, thay mặt các bạn phát biểu nọ kia. Nghĩa là, thành tích của cháu phải được ghi nhận, được xếp hạng, được ngưỡng mộ! Nhưng ở đây thì không! Ở châu Âu, họ cần học sinh vượt được bản thân, thành tích phải so sánh với thành tích của chính mình trước đó. Tất cả những cố gắng vượt bậc của cô bé hòng chứng minh năng lực của mình trội hơn các bạn, giờ rơi vào hẫng hụt. Ở nhà, bố mẹ cũng không có thói quen đem điểm của con đi khoe đây đó. Báo chí không quá quan tâm. Điểm số cũng chỉ được cho để đánh giá nỗ lực của trò, phương pháp tiếp cận của thày…

Thế là cô bé sốc. Mọi giá trị dường như thay đổi. Cô đã mất khá nhiều thời gian để làm quen với phong cách “sống không vì thành tích”, và dần cũng thấy êm ấm trở lại…

✍SỐNG THEO CHỈ TIÊU, HỌC VÌ THÀNH TÍCH

Lại nói câu chuyện ở Việt Nam, tôi nhớ, trong các cuộc họp phụ huynh đầu năm, các thày cô giáo thường thông báo chỉ tiêu % học sinh giỏi, tiên tiến cho các bố mẹ biết và lấy đó để tạo động lực cùng nhau cố gắng “đủn mông con” (nói một cách tếu táo!). Cô giáo của con tôi nói: “Tôi đã đăng ký 97% học sinh giỏi, tính ra là chỉ được phép có X học sinh khá thôi, nên rất cần sự hỗ trợ của bố mẹ!”.

Các cô giáo rất tốt, yêu trẻ, nhưng đồng thời cũng chân thành tin vào con số phần trăm nhà trường áp xuống, cô giáo quyết tâm theo. Từ đó mà luôn có nguy cơ nảy sinh nhiều bất cập trong ứng xử học đường, do cô quá lo lắng, sốt ruột cho con số tròn trịa cần đạt đến.

Còn phụ huynh thì nghĩ gì về điều này? Tôi nhớ, khi Bộ giáo dục và đào tạo áp dụng phương án không chấm điểm trong đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học, chúng tôi có tham gia thảo luận trên một diễn đàn trực tiếp của đài tiếng nói Việt Nam. Quá nửa các phụ huynh gọi đến thắc mắc, không hài lòng, mong muốn có điểm, có xếp thứ, có thi đua… Ở góc độ nào đó, tôi rất hiểu băn khoăn của các bố mẹ. Họ lo sợ sự cố gắng của con mình không được đánh giá đúng mức, bạn học giỏi và chăm chỉ bị đánh đồng với bạn học yếu hơn và lười hơn…

Việc thi đua, báo cáo thành tích, khoe kết quả-thành quả hoàn hảo đã ăn sâu vào tư duy của chúng ta trong mọi câu chuyện ứng xử xã hội chứ không chỉ ở trường học nữa. “Con gà tức nhau tiếng gáy!”- Xa xưa thì so bì nhau từ bánh pháo Tết nhà nào “hoành tráng” hơn. Giờ thì, tôi chứng kiến, có những bác về hưu còn kèn cựa nhau về số tiền nộp ủng hộ Quỹ vì người nghèo: “Bà A nộp 200 nghìn thì mình phải nộp 300, bà A mà lên 300 thì mình 400…”.

Thành tích, những con số định lượng – về bản chất không xấu và có lý do để tồn tại. Chúng cho mỗi cá nhân cơ sở để tự đánh giá bản thân, tạo động lực hành động. Tuy nhiên, nói để thấy, cả xã hội vẫn còn câu nệ thành tích, lấy thành tích làm đồ trang sức cho mỗi cá nhân, mỗi tập thể thì thành tích kiểu ấy biến thành sự hình thức, phần nhiều là giả tạo, không chân thực, khiến con người bị lệ thuộc vào sự tròn trịa của con số, sự đẹp đẽ giả dối của sản phẩm, mọi mức độ, tiêu chí đánh giá và tự đánh giá đã không còn hợp lý, không còn cho kết quả đáng tin nữa. Và để chạy đua thành tích, người ta tạo áp lực cho mình và cho nhau.

Đó là một trong những nguyên nhân đáng kể cho nhiều câu chuyện buồn và ác nhiều năm nay chúng ta biết đến, mỗi năm thậm chí biết đến nhiều hơn. Đó là việc đánh, tát học trò, bắt quỳ; ép trẻ ăn dẫn tới bạo hành thể xác, đe dọa hoảng loạn về tâm lý; hiện tượng chì chiết đay nghiến, bạo hành tinh thần đối với trẻ trong gia đình và nhà trường; việc dạy trẻ cách đối phó khi có lỗi do lo sợ ảnh hưởng đến thi đua của lớp!

anh benh thanh tich

Ảnh minh họa: “Lại điểm 2!”, hoạ sĩ Phiodor Reshetnikov, Nga.

✍“MẸ ƠI, SAO ĐỎ NGHIÊM LẮM, TỔ TRƯỞNG GHÊ GỚM LẮM!”

Tôi nhớ, có lần, con trai bé bỏng của tôi năm ấy học tiểu học đã hồn nhiên khoe: “Hôm nay con và Việt đi học muộn, bị Sao đỏ ghi tên. Con nhanh trí nói con tên là Việt, còn Việt thì nói tên con, thế là… lừa được Sao đỏ!!!”. Vẻ hồn nhiên hí hửng của con làm tôi bật cười. Nhưng sau đó, tôi buồn. Việc đặt ra Sao đỏ để học sinh tự quản, rồi cho phép các Tổ trưởng, lớp trưởng có quyền khiển trách, đánh các bạn… là một “biến thể lệch lạc” của bệnh thành tích dẫn đến bạo lực học đường.

Việc xếp thứ hạng thi đua của các lớp khiến cho cả cô cả trò không còn sợ lỗi sai mà chỉ sợ người ta bắt được lỗi sai, trẻ không còn nhận thức được hành vi của mình có gì chưa ổn để điều chỉnh mà chỉ lo lắng tìm cách biến báo, che giấu, đổ lỗi đổ tội quanh. Kết quả là chúng ta sẽ có một lớp trẻ nhiều người không dũng cảm, không dám nhận lỗi, luôn tìm cách biện minh cho những sai phạm, không tự đánh giá được chỗ còn yếu của mình, từ đó khó mà thay đổi, sáng tạo, nhận bài học quý từ những lỗi sai – những yếu tố dẫn đến sự trưởng thành và thành công!

✍PHẢI LÀM SAO?

Thành tích vẫn quan trọng, điểm số vẫn cần thiết nếu biết nhìn chúng hợp lý và tiếp cận vấn đề đúng mực. Điểm số là để học sinh và thày cô tự đánh giá hoạt động học tập-dạy học của mình. Thành tích là sự “ganh đua” giữa mình-hôm-qua và mình-hôm-nay, những con số sẽ cho ta niềm vui, như một phản hồi tích cực cho mọi cố gắng.

Một bạn nhỏ lớp Một tôi quen, cuối học kỳ mang giấy khen, phần thưởng về, thờ ơ chẳng chút vui mừng. Bạn bảo, cả lớp là học sinh giỏi! Thế nhưng, bạn rất hào hứng phấn khích khi tôi khen chữ O của bạn đã tròn hơn hẳn chữ O mấy tháng trước. Bạn trình bày dài dòng về cách đưa tay để nét đầu và nét cuối của vòng tròn gặp được nhau. Đó cũng là thành tích, nhưng là thành tích mà con người cá nhân tự đặt mục tiêu cho mình để hướng tới. Thật hạnh phúc, không có bóng dáng của bạo lực, bạo hành!

Hãy xoá bỏ việc áp đặt chỉ tiêu thành tích từ bên trên, bên ngoài. Hãy để mỗi cá nhân, mỗi tập thể tự đưa ra mục tiêu hành động cho mình, học cách tự đánh giá hoạt động của mình một cách trung thực.

Khi không còn chạy theo những giá trị ảo, giả, ta sẽ biết nâng niu những giá trị “người” hơn!

TSGD NguyễnThuỵ Anh (Bài đăng trên http://baoquocte.vn)

The post Bệnh thành tích – “Nhân tố bí ẩn” phá hoại cuộc sống tinh thần con người appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>