Home / Bài Viết / Nói với con về người khuyết tật

Nói với con về người khuyết tật

Trong cuộc sống, chúng ta gặp không ít người khuyết tật. Con bạn cũng có thể gặp một bạn bị khuyết tật khi ở trường, trên đường, lúc dạo phố, đi chơi. Bạn hãy sẵn sàng nhé, với bản tính tò mò vốn có, bé sẽ hỏi rất rất nhiều câu hỏi. Cách bạn trả lời trẻ sẽ ảnh hưởng đến cách trẻ nghĩ và đối xử với người khuyết tật. Đây cũng là một cơ hội bạn nuôi dưỡng và vun đắp thái độ biết yêu thương, sống hoà đồng và biết chấp nhận ở trẻ.

Nói với con thế nào về người khuyết tật?

Nhận ra và giải quyết sự tò mò của trẻ. Nếu bạn nhận ra trẻ đang nhìn chằm chằm vào một người khuyết tật, hãy làm chủ tình huống. Bạn có thể nói với trẻ “Mẹ/Bố nhận ra là con vừa nhìn vào một cô bé bước đi khó khăn hơn con. Cô bé bị liệt, vì vậy mà các cơ của cô bé hoạt động có khác một chút so với con”.

Đồng thời, bạn hãy chủ động hỏi han và bắt chuyện với người khuyết tật và khuyến khích con nói chuyện. Trẻ có thể hỏi những gì trẻ muốn sẽ tốt hơn là chỉ nhìn không chớp mắt và không nói gì cả.

Hãy nói đúng thực tế. Hãy tránh biểu lộ cảm xúc một cách thái quá hoặc đi quá sâu vào chi tiết. Nhìn thấy một người trên xe lăn, bạn có thể nói với con: Theo mẹ/bố nghĩ là người đó có vấn đề gì đó ở chân nên không đi được.

Chú ý cách dùng từ ngữ. Hãy cẩn trọng khi bạn miêu tả người khuyết tật với con. Tránh dùng những từ có tính chất xúc phạm như “què”, “chậm phát triển” hay “tàn tật”.

Khi con bạn nhìn thấy một người khuyết tật, đừng nói “Đừng có nhìn chằm chằm thế” hay “Đi tiếp đi”. Người khuyết tật sẽ thấy chạnh lòng nếu mọi người cố gắng tránh xa họ. Và như vậy, con bạn sẽ có một ấn tượng là con không thể hỏi bất kỳ câu hỏi gì. Thay vào đó, khi con bạn nhìn và hỏi “Có vấn đề gì với bà ấy vậy mẹ/bố?”, bạn có thể giải thích đơn giản rằng người đó có cách đi hoặc giao tiếp khác với mọi người một chút.

Nhấn mạnh sự tương đồng. Một đứa bé có thể bị khuyết tật nhưng nó vẫn là một đứa bé. Nói với con bạn rằng một người bạn cùng lớp hay một người hàng xóm bị khuyết tật thì vẫn có nhiều điểm chung với mọi người – ví dụ như có cùng độ tuổi, học cùng trường, hay có cùng môn thể thao yêu thích.

Dạy trẻ ý thức và nhạy cảm. Nếu con bạn bắt đầu hỏi những câu hỏi chi tiết, bạn có thể nhẹ nhàng nói với con rằng chúng ta có thể tìm câu trả lời khi về nhà. Cùng tìm đọc sách hoặc thông tin trên mạng về người khuyết tật. Bạn cũng chú ý không chỉ đưa ra những điều mà người khuyết tật không làm được mà hãy liệt kê cả những điều mà họ có thể làm được.

Nhấn mạnh với trẻ rằng một người có thể bị khuyết tật về thể chất nhưng tâm hồn thì không.

Không chấp nhận việc trẻ bắt nạt hoặc lấy người khuyết tật làm trò cười. Trẻ bị khuyết tật rất dễ bị bắt nạt hoặc bị đem ra làm trò cười. Đơn giản vì bắt nạt người khuyết tật bao giờ cũng dễ hơn. Nếu bạn nghe thấy con sử dụng những từ như “đồ câm”, “đồ chậm phát triển”, hãy giải thích ngay với con đó là những từ rất dễ gây tổn thương. Dạy con biết xin lỗi khi đã làm tổn thương cảm xúc một bạn nhỏ khác.

Trả lời các câu hỏi của con về người khuyết tật

“Tại sao bạn ấy không nói giống con?”. Hãy trả lời con theo cách mà con có thể hiểu: “Bạn ấy có vấn đề với các cơ vì vậy mà không dễ để nói một cách bình thường như con”.

“Bạn ấy bị chậm phát triển hay bị sao vậy ạ”. Hãy cho con biết từ “chậm phát triển” không phải là một từ nên nói. Nói với con rằng “Não của bạn ấy hoạt động theo một cách khác, vì vậy mà bạn ấy sẽ vất vả hơn con và các bạn khác trong việc nói chuyện hay học hành. Mặc dù vậy thì bạn ấy cũng giống như con và các bạn khác mà thôi”.

“Tại sao bạn ấy lại hành động như vậy?”. Bạn giải thích cho trẻ biết những người có khuyết tật ở bộ phận nào đó thỉnh thoảng sẽ gặp khó khăn với nhiều thứ. Ví dụ như một bạn nhỏ bị tự kỷ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi nói chuyện. Các bạn ấy rất hay la hét, không phải vì bạn ấy là người xấu, mà đơn giản là bạn ấy có quá nhiều suy nghĩ và cảm xúc mà chưa biết cách chế ngự và diễn đạt chúng thế nào cho phải.

“Tại sao bạn ấy không học ở trường như con?”. Giải thích với trẻ rằng có một số bạn nhỏ cần đến những ngôi trường khác để có nhiều điều kiện hơn giúp các bạn ấy đọc, viết, đi lại, nói chuyện và chơi với các bạn khác.

“Tại sao bạn ấy lại bị như thế?”. Hãy nói sự thực và giải thích rằng một số người khi sinh ra đã bị khuyết tật ở bộ phận nào đó, nhưng cũng có người bị khuyết tật sau một trận ốm hay một tai nạn.

Bạn có thể làm những gì khác?

Làm gương cho con về thái độ biết chấp nhận và hoà đồng bằng cách bắt chuyện với người khuyết tật, ở sân chơi, trường học, công viên…v.v.

Khuyến khích con kết bạn với trẻ em khuyết tật. Chủ động sắp xếp cho con chơi cùng các bạn hoặc tham gia vào các buổi giao lưu với trẻ em khuyết tật của nhà trường, ở khu vực sinh sống.

Mua cho con một số ấn phẩm về người khuyết tật. Nếu con bạn chưa có bất kỳ cuốn sách hay ấn phẩm gì về người khuyết tật thì đó là lúc bạn có thể thêm vào bộ sưu tập cho con mình.

Hãy thoải mái nếu lớp của con có bạn khuyết tật. Nhiều trường học sắp xếp trẻ khuyết tật vào cùng lớp với trẻ không khuyết tật. Bạn có thể sợ cô giáo chú tâm quá nhiều đến trẻ khuyết tật mà quên đi con bạn. Nhưng hãy tích cực! Con bạn sẽ có cơ hội chứng minh lòng tốt và sự trưởng thành của mình khi con có thể giúp các bạn ấy làm bài tập, đẩy xe lăn. Và một điều quan trọng hơn, con bạn sẽ có thêm những người bạn mới.

Hiếu Nguyễn dịch

Tác giả: Ziba Kashef

Nguồn: babycenter.com

About admin2

Scroll To Top