Home / Bài Viết / Quản lý cơn giận dữ ở trẻ

Quản lý cơn giận dữ ở trẻ

Trong gia đình hiện tại của bạn có bao nhiêu đứa trẻ? Một con, hai con hay nhiều hơn thế. Hoặc rất nhiều gia đình sống nhiều thế hệ, nên ngoài con bạn thì còn có các cháu cũng sàn sàn tuổi nhau. Và tôi đồ rằng một cảnh tượng như thế này sẽ rất dễ xảy ra: lũ trẻ cùng nhau chơi nhưng rồi đến một lúc, một đứa gào khóc, những đứa còn lại cũng gào khóc theo, một buổi “hoà nhạc” không mong muốn bắt đầu: gào khóc, la hét và giận dữ.

 

Quản lý cơn giận dữ ở trẻ là như thế nào?

 Giận dữ là một cảm xúc tín hiệu. Nó thường xuất hiện nhằm phản ứng lại nguy hiểm, nhưng nó cũng là một dạng tự thể hiện bản thân và đôi khi đó là cách trẻ tuyên bố sự độc lập của mình. Rất nhiều thứ có thể là nguồn gốc của sự giận dữ ở trẻ, và nhiều khi kết quả của sự giận dữ ấy là sự tấn công. Trẻ có thể cào cấu, làm đau lẫn nhau. Với trẻ ở độ tuổi mầm non, giận dữ thường không chuyển thành sự phản kháng vì chúng đã được học cách kiểm soát những thôi thúc bốc đồng này. Dần dần, từ độ tuổi tiểu học, bố mẹ “mong đợi” con có thể thể hiện sự giận dữ của mình một cách “tinh tế” hơn như bĩu môi, hờn dỗi, rên rỉ.

Trẻ nhỏ có thể giận dữ vì rất nhiều thứ. Chúng còn nhỏ. Chúng không được phép làm những gì chúng muốn. Chúng cũng làm hỏng rất nhiều việc dù chúng rất cố gắng. Người lớn nói với chúng những gì chúng cần làm. Họ khoẻ hơn và vì vậy có thể sai khiến được trẻ con. Trẻ từ 3 đến 5 tuổi cảm nhận được nguy hiểm ngay cả khi chưa hiện hữu, hoặc có thể chúng phản ứng thái quá với nó. Chúng tìm kiếm sự bảo vệ bằng cách tấn công. Ở giai đoạn này, sự bốc đồng rất khó kiểm soát, khả năng dừng lại, lắng nghe, tìm kiếm sự đồng thuận dường như rất ít ỏi.

Điều này có vẻ như khá hiển nhiên nhưng với trẻ nhỏ, chúng cần học được rằng sự tức giận là một hiện tượng có thể kèm theo các cảm xúc nhất định và các biểu hiện vật lý đến cùng với tức giận như tim đập thình thịch, khó thở, cảm thấy người nóng lên. Bạn có thể giúp trẻ đang trong cơn nóng giận nhận ra và gọi tên cảm xúc: “Mẹ/Bố nhận ra rằng con đang rất giận dữ”. Con cũng cần bạn giúp nhận ra nguyên nhân gây nên các cảm xúc tiêu cực này như một trẻ khác giành mất món đồ chơi con yêu thích, con bị đau, một người lớn phá hỏng những dự định thú vị của con, một sự trừng phạt bất công, hoặc con không đạt được mục tiêu mà mình đề ra. Dần dần, với sự giúp đỡ của bạn, con nhận ra rằng tất cả những nguyên nhân này đều là các loại tình huống có thể khiến trẻ muốn la hét và đánh nhau.

Học qua ví dụ

 Hãy cho trẻ biết rằng quản lý sự tức giận của mình là một kỹ năng quan trọng cần có. Cùng với đó, bạn cũng cần cho trẻ biết rằng điều này không hề dễ dàng. Quản lý tức giận là cả một quá trình. Nó cũng không hề dễ dàng, ngay cả với người lớn trong việc học cách giải quyết xung đột. Trẻ sẽ quan sát cách bạn giải quyết sự tức giận của mình và học từ bạn. Cho con biết rằng trẻ giận dữ về một số việc trẻ làm là một cách cho trẻ thấy hậu quả hành động của mình. Khi con giận dữ với người khác, bạn có thể giúp trẻ nhận ra cảm xúc, dừng lại, kiềm chế sự xúc động và tìm kiếm giải pháp mang tính xây dựng. Nếu chính bạn cũng thất bại trong việc kiểm soát sự tức giận của mình, hãy thừa nhận lỗi lầm với trẻ.

Sự tác giận có thể dẫn đến nhiều tình huống khó xử, có thể để lại hậu quả khó lường. Chìa khoá giúp trẻ quản lý sự tức giận là hãy dạy trẻ đặt câu hỏi khi con giận dữ.

  1. Dừng lại. Nếu trẻ cảm thấy mất kiểm soát, con nên tách ra khỏi người mà con cảm thấy họ làm con tổn thương. Con cũng nên rời khỏi căn phòng nơi làm con tức giận.
  2. Bình tĩnh. Dạy con sử dụng một số cách giúp lấy lại bình tĩnh khi con cảm thấy dấu hiệu của sự tức giận. Con có thể hít thở thật sâu, uống một cốc nước, hướng suy nghĩ sang việc khác như nghe một bài hát hoặc một câu chuyện hoặc đơn giản là chơi một mình.
  3. Nghĩ trước khi hành động. Khuyến khích trẻ tự vấn bản thân “Mình muốn chuyện gì xảy ra?”. Giải thích cho trẻ biết trả thù hay trả đũa không phải là điều nên làm. Thấu hiểu và làm những điều đúng đắn mới là điều nên.
  4. Cân nhắc đến cảm xúc của người khác. Trẻ có thể bắt đầu thể hiện sự đồng cảm vào khoảng 3 tuổi, nhưng chúng cần được giúp đỡ. Giúp con hiểu quan điểm của người khác cũng như con muốn mọi người hiểu con. Nếu trẻ có thể nhận ra tại sao người khác không thể hiểu cảm xúc của mình, con sẽ biết tìm ra cách khác để thể hiện ý kiến của mình rõ ràng hơn, hoặc con cảm thấy dễ dàng bỏ qua hơn.
  5. Tìm kiếm một giải pháp khả dĩ hơn. Việc nói rằng “Tôi ghét bạn và bạn là người xấu” sẽ khiến xung đột căng thẳng hơn. Vì vậy, nên tìm ra giải pháp mà tất cả mọi người có thể đồng ý. Lời xin lỗi luôn có ích.

Khi tức giận trở thành đánh nhau

 Khi cơn tức giận lên đến đỉnh điểm, rất có thể nó sẽ biến thành đánh nhau. Hãy sử dụng cơ hội này để giúp trẻ làm chủ sự phản kháng của mình, Dưới đây là một số gợi ý:

  • Dừng lại. Khi trẻ đánh nhau, điều cần thiết nhất là phải tách hai đứa trẻ đang đánh nhau ra. Khẳng định rằng trẻ sẽ an toàn, trẻ có thể học cách kiểm soát và bảo vệ bản thân mình.
  • Đặt ra giới hạn. Đưa ra luật và để trẻ biết có thể nói chuyện với ai khi không kiểm soát được mình: “Không đánh nhau, nếu bạn không dừng lại, con hãy dừng lại”.
  • Nghĩ đến hậu quả. Trẻ cần phải đối mặt với hậu quả các hành động của mình nếu trẻ học cách dừng lại và nghĩ trước khi hành động. Nếu con không thể chơi cùng nhau mà không làm đau nhau, thì các con không thể chơi cùng nhau. Nếu con có một cơ hội chơi khác, con hãy nhớ điều này.
  • Tha thứ. Trẻ cần biết rằng hành vi xấu không đồng nghĩa với con người xấu. Lời xin lỗi và sửa chữa sẽ giúp trẻ chuyển từ cảm xúc tiêu cực sang việc biết rằng mình đã sai và biết cách có thể làm tốt hơn.

Khi sự tức giận trở thành tiếng khóc cầu cứu

Một đứa trẻ có thể thường xuyên cáu kỉnh và dễ dàng bắt đầu một cuộc đánh lộn. Nếu loại hành vi này diễn ra nhất thời, nó có thể là một phản ứng với một sự thay đổi lớn trong gia đình, chẳng hạn như bố mẹ có thêm một em bé hoặc chuyển nhà. Hoặc nó có thể là dấu hiệu đầu tiên của một “bước nhảy” – thời điểm một đứa trẻ lặp lại hành vi của mình nhưng ở một “level” cao hơn. Khi hành vi này vẫn tồn tại và gây trở ngại cho các mối quan hệ với gia đình hoặc bạn bè thì đã đến lúc xem xét nguyên nhân có thể nghiêm trọng hơn: một mối đe dọa liên tục đến sự an toàn của trẻ, những căng thẳng sâu sắc hơn trong gia đình, chậm phát triển ngôn ngữ dẫn đến sự thất vọng ở trẻ, hoặc chậm phát triển các kỹ năng xã hội. Tất cả sẽ đem lại cảm giác tức giận và trầm cảm cho trẻ. Nếu bạn lo ngại về sự tức giận của con bạn, hãy nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ nhi khoa để được hỗ trợ quản lý tức giận tốt hơn ở trẻ.

Hiếu Nguyễn dịch

Tác giả: Molly Bang

Nguồn: scholastic.com

About DuongMy

Scroll To Top