Home / Tư vấn - Chia sẻ / Stress ở trẻ mầm non – Có hay không có?

Stress ở trẻ mầm non – Có hay không có?

Không nhiều bố mẹ nghĩ đến chuyện, đứa con bé bỏng của mình cũng có thể phải chịu nhiều áp lực từ cuộc sống bên ngoài hoặc từ chính những cảm xúc trái ngược trong mình và bị stress. Trẻ hay khóc, giật mình mơ hoảng khi ngủ. Trẻ giật mình sợ hãi ban ngày. Trẻ cắn móng tay. Trẻ tè dầm. Trẻ hét lên khi giao tiếp, dễ cáu kỉnh bực bội, nổi nóng trong nhiều hoàn cảnh… Nhiều người nghĩ đến các nguyên nhân khác như … yếu thận, khó chiều, hư. Tuy nhiên, chỉ một trong những triệu chứng nói trên thôi cũng đã là tiếng chuông cảnh báo, con có thể đang căng thẳng, lo lắng, stress. Trẻ có thể nhận được áp lực từ nhiều nguồn: việc học; việc phải “ngoan” trên lớp, ở nhà; gặp phải cô giáo quá nghiêm; bố mẹ quá kỳ vọng; giận dỗi với bạn bè; bị trêu chọc bắt nạt ở trường…

Bất luận là nguyên nhân nào, mọi dạng stress có thể khiến trẻ mất tập trung, học kém đi, sức đề kháng yếu đi, dễ ốm.

Vậy bố mẹ phải làm gì?

Thay vì giận dữ, ra hình phạt thì bố mẹ hãy bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân và hãy cùng con vượt qua stress!

anh stress o tre mam non

Ảnh: internet

  1. TRÒ CHUYỆN cùng con, giữ tông giọng nhẹ nhàng, không cao giọng, gằn giọng, để con có thể cảm nhận được tình yêu của bố mẹ, và sự bình an.
  2. Cùng con GỌI TÊN CẢM XÚC – là việc cần làm. Để chuẩn bị cho việc này, bố mẹ hãy thường xuyên lý giải và gọi tên chính xác các cảm xúc của mình ngay từ khi con còn nhỏ. Ví dụ: “Mẹ vừa được khen làm việc giỏi. Mẹ vui quá!”; “Bố thấy trời tối rồi mà mẹ chưa về, bố lo lắng quá!”… Các từ ngữ mô tả cảm xúc, trạng thái ở mọi sắc độ cần được thường xuyên sử dụng trong cuộc sống một cách tự nhiên, mỗi ngày tăng dần độ khó (vui, sung sướng, thích, phấn khởi, hạnh phúc…; sợ, lo sợ, sợ hãi, hoảng hồn, hoảng sợ…), để đến khi cần thiết, bố mẹ có thể cùng trẻ nói về cảm xúc mà trẻ đang có – điều đó giúp trẻ bình tĩnh hơn trong mọi trường hợp.
  3. Khi có những BIẾN ĐỘNG, SỰ KIỆN đặc biệt trong cuộc sống của trẻ như rời mầm non lên lớp Một, chuyển nhà, nhà có người thân đi công tác, nhà có chuyện buồn, thậm chí thay đổi người chăm sóc trẻ, thay cô giáo mới…, trẻ cũng có thể cảm thấy căng thẳng. Bố mẹ cần tỏ ra KIÊN NHẪN với con trong những trường hợp này. Trẻ có thể quấy hơn, “hung hăng” hơn, nóng nảy bất thường, không làm được những gì con trước đó đã làm để tự lập. Nếu biết rõ nguyên nhân, hãy chia sẻ cùng trẻ, làm trẻ yên tâm, đừng áp dụng những nguyên tắc cứng nhắc của việc dạy trẻ tự lập vào lúc này. Sau khi được giải toả, được an ủi, trẻ sẽ trở lại quỹ đạo bình thường.

  4. Hãy hướng dẫn trẻ cách GIẢI TOẢ ÁP LỰC, STRESS, cùng trẻ GIẢI PHÓNG NĂNG LƯỢNG để tái tạo năng lượng tích cực. Cùng con chạy nhảy, nô đùa ngoài thiên nhiên; cùng con hát những bài hát vui; cùng con tập thở sâu; hướng dẫn con biết kể chuyện, tâm sự khi có điều làm con bất an; hướng dẫn con vẽ ra, viết ra như nhật ký; đôi khi cho phép con hét to hoặc cùng con hét to ở nơi vắng vẻ, trút mọi điều khó chịu, nhận niềm hưng phấn mới…
  5. Đừng quên những VA CHẠM XÚC GIÁC VỪA ĐỦ như ôm vai, vuốt tay, xoa đầu, má chạm má, má chạm trán… có tác dụng tạo cảm xúc tích cực, an thần.
  6. NĂNG LƯỢNG TÍCH CỰC đến từ những nhân vật TÍCH CỰC, các sự kiện vui vẻ, các câu chuyện có hậu… Hãy năng cùng trẻ đi xem bảo tàng, kịch; tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ; gặp gỡ những con người thú vị, giỏi giang hoặc vui nhộn. Điều này sẽ giúp cả con cả bố mẹ có được góc nhìn lạc quan, vui tươi về cuộc sống.
  7. Đừng quên nhắc nhiều lần, hoặc ít nhất một ngày một lần, rằng “bố mẹ yêu con”. Tin chắc mình được yêu, biết thể hiện yêu thương với những người xung quanh là “vũ khí” mạnh nhất chống lại stress ở trẻ.

Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, ta không thể tránh được hoàn toàn những cảm xúc tiêu cực, những căng thẳng, va chạm, xung đột luôn có, nhưng ta có thể đối mặt, chiến thắng chúng, vượt qua stress. Bố mẹ hiểu trẻ, sẵn sàng chia sẻ để trẻ hiểu mình – đó là chìa khoá để cả nhà làm chủ được cảm xúc, giữ được cân bằng cho mỗi thành viên trong gia đình, đồng hành cùng trẻ trong quá trình lớn lên và từng bước trưởng thành.

TSGD Nguyễn Thuỵ Anh

About admin2

Scroll To Top