Home / Tin Tức / TS Nguyễn Thụy Anh: ‘Các em nhỏ không thờ ơ với sách’

TS Nguyễn Thụy Anh: ‘Các em nhỏ không thờ ơ với sách’

Trong 5 năm vừa qua “Câu lạc bộ Đọc sách cùng con” đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành thói quen đọc sách ở trẻ và tạo được một cộng đồng đọc sách.

Câu lạc bộ Đọc sách cùng con là một tổ chức xã hội, hoạt động trong lĩnh vực tuyên truyền và hỗ trợ văn hóa đọc cho cộng đồng, do Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh thành lập 6/6/2010 tại Hà Nội.

Câu lạc bộ hoạt động theo tiêu chí hoàn toàn phi lợi nhuận, với một nhóm trí thức, giáo viên, nhà văn, nhà thơ, dịch giả… và cộng tác viên đã tiến hành những chương trình Đọc và cổ xúy việc đọc sách trong cộng đồng, xây dựng kỹ năng sống, kỹ năng xã hội cho các em nhỏ, qua đó chia sẻ và tư vấn với các bậc phụ huynh về các vấn đề liên quan đến tâm lý lứa tuổi và kỹ năng tiếp cận con trẻ trong nhiều trường hợp cụ thể.

– Chị có thể giới thiệu một số hoạt động trong mùa hè này của Câu lạc bộ Đọc sách cùng con?

– Hè này, Câu lạc bộ Đọc sách cùng con vẫn tiếp tục tổ chức 2 trại hè xa thành phố cho các bạn nhỏ. Đây là trại hè thường niên có tên EcoCamp, nơi các em sẽ được vui chơi, hoạt động thể thao, trải nghiệm cuộc sống… để có một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa. Năm nay chủ đề của trại là Nước và Bài ca những con sao biển. Các em sẽ đọc sách, học và thí nghiệm, tìm hiểu thông tin theo chủ đề, đồng thời tham gia các hoạt động giao lưu với bạn bè mới, các chú hải quân và các văn nghệ sĩ… Bên cạnh đó, câu lạc bộ vẫn duy trì các hoạt động đọc sách, kỹ năng sống, mỹ thuật tại trụ sở chính ở phòng 104 – K7 – Khu tập thể Bách khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Cụ thể đầu tháng 6 sẽ tổ chức khai giảng Lớp mỹ thuật Gia đình Ếch cốm dành cho trẻ em từ 5-12 tuổi.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

–  Các nhà xuất bản liên tục in sách mới cho thiếu nhi thế nhưng nhiều phụ huynh và dư luận xã hội lại phàn nàn các em ngày càng thờ ơ với việc đọc sách. Chị nghĩ thế nào về mâu thuẫn này?

– Tôi nhìn thấy nỗ lực của các nhà xuất bản trong việc này: cố gắng có thêm nhiều ấn phẩm hay, thú vị, hợp ý các độc giả nhỏ tuổi để các bạn không còn thờ ơ nữa. Thực ra, tôi cho rằng các em không thờ ơ với sách mà đơn giản là đang có nhiều điều cản trở việc sách và các em được tự do, hồ hởi đến với nhau. Chẳng hạn, chọn sách nào phù hợp với các em, đề tài nào em quan tâm, có thời gian nào dành riêng cho việc đọc không trong cả một ngày lúc nào cũng học và học?

Trong thời đại của truyền thông nghe nhìn, sẽ không hợp lý khi bắt trẻ em phải luôn luôn chú tâm vào sách. Người lớn cũng không thể vì chỉ nhìn thấy các em xem ti vi, chơi điện tử hay dùng máy tính mà nghĩ rằng các con đã thờ ơ với sách. Trẻ em vẫn thích sách, nhưng chúng ta phải chấp nhận rằng sách chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống của trẻ. Làm thế nào để phần nhỏ đó không mất đi, trở nên thú vị hơn, đó là lúc cần sự góp sức của người lớn.

Câu lạc bộ Đọc sách cùng con ngay từ ngày đầu mở ra đã có khoảng 200 gia đình đăng ký tham gia. Điều đó cho thấy rằng bố mẹ rất quan tâm đến việc đọc sách của con. Trong 5 năm vừa qua chúng tôi đã tạo được một cộng đồng đọc sách. Đọc sách là hoạt động cá nhân, nhưng ban đầu để có niềm đam mê phải hình thành cộng đồng đọc sách để kích thích lẫn nhau. Vấn đề của chúng ta hiện nay là làm sao giới thiệu được những cuốn sách hay đến cho những đứa trẻ. Sách hay mang đến nhưng các em thờ ơ  thì phải có cách “gợi”.

Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh.

– Lứa tuổi 10 -15 có Nguyễn Nhật Ánh; lứa tuổi 5-10 có tác giả nào? Chị có cho rằng văn học trong nước đang thiếu những tác phẩm hấp dẫn các em tuổi 5-10 ?

– Tôi không cho rằng văn học trong nước đang thiếu những tác phẩm hấp dẫn cho lứa tuổi 5-10, chỉ có điều những tác giả gần đây chưa tạo được một vệt tác phẩm khiến … “xôn xao” truyền thông – dù sao bây giờ cũng là thời đại của truyền thông và chúng ta đánh giá hiệu quả các tác phẩm cũng thông qua các kênh truyền thông là chính. Theo quan sát của tôi, các bạn nhỏ tương đối quan tâm đến các câu chuyện của nhà văn Trần Đức Tiến, Đỗ Bích Thuý, Phong Điệp, Nguyễn Đình Tú, Võ Thu Hương, Thân Phương Thu, Nguyễn Thị Việt Nga… Tuy nhiên, để trở thành một tác giả chiếm trọn tình cảm của các em hẳn không đơn giản và điều này sẽ được chứng minh qua thời gian. Một điều quan trọng nữa là kênh đưa sách đến với độc giả, làm sao chính việc đọc của lớp độc giả mới có thể quay lại kích thích được các tác giả trong nước. Điều này càng khó khi tồn tại một sự “cạnh tranh” khốc liệt các thể loại sách trên thị trường, trong đó có sách nước ngoài với minh họa rất đẹp và nội dung phong phú được chuyển ngữ.

– Bộ sách gồm bốn cuốn kể chuyện cho bé bằng thơ Nhim nhỉm nhìm nhim, Mẹ Hổ dịu dàng, Ngày xưa, ngày nay, ngày sau… và Vui cùng tiếng Việt cho thấy trong chị luôn có một đứa trẻ thơ hồn nhiên. Con người chị như thế hay đó là chủ ý của chị khi viết cho bạn đọc nhí?

– Trong bất kỳ người lớn nào cũng có một đứa trẻ, chỉ trong những bối cảnh nhất định thì đứa trẻ đó “lộ diện”. Người thường chơi với trẻ, yêu trẻ hoặc viết cho trẻ thì đứa trẻ trong mình luôn có điều kiện được lên tiếng, reo vui, đưa chính tác giả trở lại tuổi thơ. Điều này nằm ngoài ý thức của người viết. Chỉ có thể chia sẻ, thấu hiểu bọn trẻ chứ không thể… giả vờ là trẻ nhỏ được.

Bìa bộ sách kể chuyện cho bé bằng thơ.

–  Chị có chia sẻ gì với những bà mẹ có con không chịu đọc sách hoặc chỉ hứng thú đọc những cuốn truyện tranh?

– Một trong những điều cần nhất mà các mẹ cần phải nhớ là … quyền được không thích cái này hay quyền được thích cái kia ở một con người nói chung và ở một đứa trẻ nói riêng. Chúng ta chỉ có thể lôi cuốn trẻ bằng cách này hay cách khác (mà việc đầu tiên có thể làm là chính đam mê đọc sách từ bố mẹ, ông bà…), chứ không thể thay đổi tình thế bằng cách phê phán, kêu ca, cấm đoán hoặc tệ hơn là áp đặt và ép buộc.

Nhiều bậc phụ huynh ngày nay cho rằng, đọc truyện tranh, nhất là truyện tranh nước ngoài hoặc những ấn phẩm trình bày một cách kỳ lạ thì… không phải là đọc sách! Đó là một quan niệm có đôi chút cực đoan. Truyện tranh với trẻ con theo đúng nhu cầu lứa tuổi rất có lợi cho trẻ, đương nhiên cần lựa chọn nội dung vui nhộn, trong sáng . Có rất nhiều bộ truyện tranh hấp dẫn các em ở hình ảnh sắc sảo, hài hước, nội dung kích thích được tưởng tượng, bay bổng. Tính giáo dục của sách không nhất thiết nằm ở các cốt truyện có tính giáo huấn, cái này đúng cái kia sai mà thông điệp về giá trị sống, về bài học nhân văn, mỹ học..v..v.. đôi khi đến với các em rất nhẹ nhõm, hóm hỉnh.

– Những bạn nhỏ ở ngoại tỉnh có cách gì để có thể tham gia các hoạt động của câu lạc bộ?

– Câu lạc bộ và cá nhân tôi 3 năm nay có các hoạt động chia sẻ phương pháp vận hành câu lạc bộ sách và quy trình tiến hành các buổi đọc sách cho nhiều trường, thôn bản… ở một số tỉnh, thành phố như Điện Biên, Quảng Trị, Hà Giang… Tôi hy vọng nhiều câu lạc bộ sách và các cộng đồng đọc sách được duy trì sẽ lôi cuốn được nhiều bạn nhỏ. Đó cũng là giá trị chia sẻ cộng đồng củaCâu lạc bộ Đọc sách cùng con.

Phan Thúy Hà (Theo zing.vn)

About admin2

Scroll To Top