Home / Tin Tức / Xây dựng văn hóa đọc – hình thành nhân cách của trẻ

Xây dựng văn hóa đọc – hình thành nhân cách của trẻ

Tamnhin.net.vn Trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản, đọc sách trở thành thói quen thường ngày, được Chính phủ khuyến khích với rất nhiều chính sách. Ở Việt Nam, nhiều bậc phụ huynh cũng đã quan tâm tới thói quen đọc sách cho con và coi đó như một trong những phương pháp giáo dục, hình thành nhân cách của trẻ.

Ở nước ta, việc hướng dẫn con tiếp xúc với sách ở giai đoạn đầu đời dường như bị bỏ ngỏ, trong khi đó, trẻ nhỏ rất cần tiếp xúc với văn hóa đọc, bởi sách như một công cụ truyền tải những thông điệp của tình yêu thương, hình thành nhân cách, mở rộng sự hiểu biết về ngôn ngữ. Đọc sách còn được coi như một công cụ rèn luyện các thao tác tư duy cho trẻ.

Phố Sách. Ảnh: Internet

Sẽ chẳng có thói quen nào tự nhiên mà có, tất cả đều phải được hình thành trên nền tảng cơ bản mà thói quen đọc sách cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Vì thế, để trẻ có thói quen đọc sách thì văn hóa đọc phải được trao truyền từ những người lớn trong gia đình, và gần nhất là các Bố Mẹ. Phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn (tamnhin.net.vn) trao đổi với Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” xung quanh câu chuyện này:

Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh. Ảnh từ fb nhân vật

PV: Trong xã hội hiện đại, việc hình thành văn hóa đọc rất cần thiết. Quan điểm của chị về giáo dục trẻ, đặc biệt là giáo dục nhân cách thông qua văn hóa đọc như thế nào?

TSGD Nguyễn Thụy Anh: Văn hoá đọc là thứ cần được xây dựng lâu dài, bền bỉ, cả xã hội tìm cách hỗ trợ để hy vọng, sự đọc, tự học cùng sách sẽ trở thành nền tảng phương pháp học tập của người Việt. Mọi vấn đề liên quan đến việc tạo thói quen đọc, hình thành sở thích đọc và rèn luyện kỹ năng đọc ở trẻ, cần được bắt đầu từ rất sớm.

Ngoài các phương pháp kể chuyện – trò chuyện tương tác để giúp trẻ phát triển khẩu ngữ, giao lưu cảm xúc từ tuổi nhỏ thì từ tuổi tiểu học trở lên, các kỹ năng đọc khác cần được hướng dẫn sớm, hỗ trợ trẻ trong việc tạo động lực đọc – “niềm vui đọc”, từ đó mới nói đến các câu chuyện thu hoạch kiến thức, thu nhận các giá trị tinh thần, điều chỉnh hành vi…Thói quen đọc sách từ bé sẽ giúp con bồi dưỡng tính cách, tâm hồn, từng bước vượt qua những giai đoạn khủng hoảng lứa tuổi, biết thể hiện lòng nhân ái, biết xây dựng ước mơ.

Ước mơ, hoài bão – nghe tưởng mông lung nhưng hoá ra lại là những yếu tố quan trọng để một con người sống hạnh phúc và có mục đích trong cuộc đời sau này. Và sách sẽ giúp trẻ điều đó. Vì thế, khái niệm “văn hoá đọc” mà gần đây được nói đến nhiều, thực chất lại là một trong những khía cạnh xã hội mà quốc gia nào cũng quan tâm.

Văn hóa đọc của người Việt giờ đây chỉ có thể xây dựng cùng sự tham gia của bố mẹ, không thể chỉ ở nhà trường hay trông đợi ở các hoạt động phong trào, bề nổi, hô hào, trưng bày, thi thố dù tất cả những việc đó đều cũng cần thiết. Bố mẹ Việt Nam hiện đại cần quan tâm đến việc đọc của con: con đọc hay không đọc, đọc những sách gì, có biết cách đọc để nhớ lâu, để hiểu biết hơn không… Đôi khi, ông bà đọc, bố mẹ đọc, tự nhiên con cháu cũng đọc mà không cần nài ép, bắt buộc.

PV: Đánh giá của chị về văn hoá đọc của giới trẻ Việt Nam? Liệu có đáng bi quan, lo ngại không?

TSGD Nguyễn Thuỵ Anh: Về văn hoá đọc của Việt Nam, người khen kẻ chê. Riêng tôi thì, tôi không lạc quan cũng chẳng bi quan. Ta có những người cả năm chưa đọc được một cuốn sách thì cũng có hàng dài mấy ngàn thiếu niên rồng rắn, trật tự xếp hàng đón nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, thần tượng của chúng. Ngay cả việc chọn sách để đọc, giới trẻ cũng có lý do riêng trong việc tìm đến với những tác phẩm “dễ dãi”, có tính “thị trường” khiến người lớn lo ngại. Thời đại nghe nhìn, tốc độ, đương nhiên, lựa chọn nhiều nhất là những tác phẩm – ấn phẩm có nhiều tranh ít chữ hoặc truyện tranh, những cuốn sách không quá dày, trình bày bắt mắt. Một số bạn đọc ngôn tình.

Tuy vậy, đó là hiện tượng đa số chứ không phải tất cả. Gần đây, thị trường sách ngày càng xuất hiện nhiều ấn phẩm thú vị cho độc giả nhỏ tuổi và độc giả trẻ của Kim Đồng, NXB Trẻ, Nhã Nam, NXB Phụ nữ… Chất lượng sách cho thấy chất lượng người đọc. Họ đã đòi hỏi cao hơn, lựa chọn kỹ hơn. Bên cạnh đó, các NXB, nhà sách rất chịu khó tổ chức các buổi ra mắt sách, giao lưu tác giả tác phẩm để kết nối độc giả-sách-nhà văn. Vậy rõ ràng, văn hoá đọc đang chuyển động và phát triển cùng cuộc sống.

PV: Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ có khi nào khiến cho văn hóa đọc lu mờ? Phải chăng Câu lạc bộ (CLB) đọc sách cùng con do chị là chủ nhiệm, ra đời là nhằm khơi gợi tình yêu với việc đọc ở trẻ và để “níu kéo” lâu hơn câu chuyện đọc sách, trong sự cạnh tranh với iPad, iPhone?

TSGD Thụy Anh: Đọc thì cũng có nhiều cách đọc. Đọc trên mạng, ebooks… cũng là một hình thức rồi đây các bạn trẻ sẽ dùng nhiều. Cho nên trên thực tế, sự phát triển về công nghệ chỉ làm thay đổi hình thức và phương pháp đọc chứ không thể xoá đi văn hoá đọc nói chung. Tuy vậy, tôi vẫn tin tưởng rằng, dù con người bận rộn và “công nghệ” đến đâu, dù hàng ngàn vạn cuốn sách được số hoá cho thuận tiện phục vụ bạn đọc hiện đại, thì một khi con người còn tràn đầy cảm xúc, sách giấy vẫn có chỗ đứng của nó.

Các quốc gia phát triển cũng đau đầu lo ngại về văn hoá đọc của giới trẻ, lo họ sống ảo, đọc mạng internet nhiều hơn là sờ đến cuốn sách giấy – nhưng rõ ràng, sách giấy vẫn tồn tại, vẫn được in ấn phát hành, vẫn nhiều hội chợ sách được tổ chức, vẫn có hiệu sách đẹp, sách vẫn được lựa chọn là món quà tặng nhau… Mọi hình thức tồn tại của việc “đọc” hay “xem” đều tất yếu sẽ thay đổi theo thời đại và luôn có mặt tích cực của nó. Văn học giờ đây cần cả sự cổ vũ và hỗ trợ của công nghệ và các bộ môn nghệ thuật khác như phim ảnh, kịch nói… và cả báo chí truyền thông.

CLB Đọc sách cùng con với cái tên nhấn mạnh “cùng con”, khi lập ra, tôi chỉ hy vọng có thể thông qua con để tiếp cận bố mẹ, trao đổi những vấn đề nuôi dạy trẻ và các công cụ đọc hiểu, đọc tương tác. Hoạt động đọc là cách bố mẹ và con cái đến gần nhau hơn, là cái cớ để họ chia sẻ, giao lưu cảm xúc. CLB Đọc sách cùng con đã tham gia nhiều dự án trao lại công nghệ, tập huấn cho các anh chị sâu vùng xa để cùng lập mạng lưới CLB Đọc sách, từ đó hoạt động bền bỉ, lâu dài, chậm mà chắc! Ở đâu thì không biết, ở CLB, trong mấy năm gần đây, các thày cô giáo giới thiệu được rất nhiều đầu sách tốt, hay, đẹp tới các gia đình. Các phụ huynh tin tưởng ở sự công tâm, trung dung trong các phần giới thiệu của CLB chứ không là công cụ PR cho riêng đơn vị làm sách nào – những cuốn sách đáng đọc được chia các nhóm tuổi và được đọc kỹ, được viết phân tích, có các lời khuyên chu đáo về cách đọc, cách “chơi” cùng ngôn ngữ và nội dung tác phẩm.

TS Nguyễn Thụy Anh: Học và hành luôn đi song song nhằm khởi gợi trí tưởng tượng và sự sáng tạo của con trẻ

PV: Là chuyên gia giáo dục, gắn bó với con trẻ, Tiến sĩ có lời khuyên gì dành cho các bậc phụ huynh trong câu chuyện “đọc sách cùng con”?

TSGD Nguyễn Thuỵ Anh:  Ở Việt Nam, nhiều bậc phụ huynh cũng đã đã quan tâm tới thói quen đọc sách cho con và coi đó như một trong những phương pháp giáo dục, hỗ trợ việc hình thành nhân cách của trẻ. Nhưng điều tôi muốn lưu ý trên hết là: đọc sách còn là cầu nối giao lưu giữa các thành viên trong gia đình!

Tặng con cuốn sách với vài dòng đề tặng thân thương; cùng bàn bạc về cách ứng xử của nhân vật nào đó trong sách; đọc cho nhau nghe mẩu trích đoạn hay vào một buổi tối rảnh rỗi của cả nhà; gọi nhau bằng tên nhân vật trong sách…  đó chẳng phải là những điều thú vị, những kỷ niệm nhỏ của gia đình mà sách có thể mang tới hay sao?! Không-ép-buộc, nhất là trong việc đọc, mọi việc đều khơi gợi con thông qua cảm xúc tích cực: các trò chơi, đố vui, những chia sẻ, những câu chuyện thủ thỉ hàng ngày… Đọc sách hay dạy con đều là những việc tuy khó nhưng cũng giản dị như cuộc sống hàng ngày vẫn chảy trôi, như đứa trẻ đang lớn lên cạnh mình một ngày trở thành một con người trưởng thành với tất cả những vui buồn yêu ghét, những ưu điểm có những dấu ấn của giáo dục gia đình trong đó.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh

Nguyễn Thụy Anh bảo vệ luận án Tiến sĩ Giáo dục học tại Hội đồng khoa học trường Đại học Tổng hợp sư phạm Moskva (Nga) năm 2002. Chị tham gia vào rất nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ, tư vấn cho sự phát triển toàn diện về trí tuệ và nhân cách cho trẻ nhỏ ngay từ những năm đầu đời. Là cố vấn giáo dục cho dự án “Em học sống xanh”. Là người sáng lập và là Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con. Đây là một hình thức sinh hoạt cộng đồng phi lợi nhuận, có sự ủng hộ và tham gia của nhiều nhà sư phạm.

Minh Anh (Theo tamnhin.net)

About admin2

Scroll To Top