Home / Giới thiệu sách / Nhà văn Lê Phương Liên: “Vichia Maleev ở nhà và ở trường” lưu giữ “một cái đẹp không bao giờ trở lại”

Nhà văn Lê Phương Liên: “Vichia Maleev ở nhà và ở trường” lưu giữ “một cái đẹp không bao giờ trở lại”

Nhân dịp ấn bản mới “Vichia Maleev ở nhà và ở trường” của nhà văn Nicolay Nosov do TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh dịch vừa được tái bản, VOV2 đã có cuộc phỏng vấn với nhà văn Lê Phương Liên về tác phẩm văn học gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ độc Việt Nam này.

Bà có thể chia sẻ cảm nhận, tình cảm của mình với văn học thiếu nhi của nước Nga?

Thế hệ của chúng tôi là thế hệ đọc sách của những năm 1960, lúc đó, có rất nhiều sách hay của nền văn học thiếu nhi Liên Xô cũ được NXB Kim Đồng chọn dịch. Một trong những tác giả đem lại ấn tượng sâu sắc và tươi vui mãi trong tâm hồn tôi chính là Nicolay Nosov. Tôi được biết là ở Liên Xô cũng như ở nhiều nước, trong những thư viện thiếu nhi có hẳn một phòng đọc riêng của Nicolay Nosov để các em có thể có thể vừa đọc sách, vừa cười khúc khích, chia sẻ niềm vui chung. Một trong những tác phẩm của Nicolay Nosov mà thế hệ chúng  tôi đều rất thích đó là cuốn “Vichia Maleev ở nhà và ở trường”, ngoài cuốn “Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn”. Những nhân vật của Nicolay Nosov đã đi theo chúng tôi suốt cuộc đời về sau,  và luôn luôn động viên chúng tôi trong nhiều tình huống của cuộc đời.

Hai tác phẩm của nhà văn Nicolay Nosov từng gắn bó với nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam

Nền văn học thiếu nhi Nga nói chung và các tác phẩm của nhà văn Nicolay Nosov đã được rất nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam yêu mến. Bà có thể chia sẻ những suy nghĩ, cảm nhận của bà về cuốn “Vichia Maleev ở nhà và ở trường” ?

Khi biết tin Nhà xuất bản Kim Đồng sẽ tái bản cuốn sách này, tôi rất vui và rất hi vọng cuốn sách sẽ lại chiếm được tình cảm của một thế hệ bạn đọc mới. Và quả đúng là như vậy, bởi việc tái bản sách của Nhà xuất bản Kim Đồng lần này có nhiều điểm mới. Người dịch lần này là TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh – người đã sống và học tập làm việc tại Nga gần 20 năm. Chính vì vậy sự am hiểu tiếng Nga và cuộc sống, nhà trường Nga của dịch giả Thụy Anh rất sâu sắc. Điểm thứ hai là ấn bản này được dịch từ nguyên bản tiếng Nga. Tôi được biết là ấn bản do Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản trong những năm 1960 không phải dịch từ tiếng Nga. Thời đó, do sự thiếu thốn về giấy và để đáp ứng trình độ của độc giả lúc đó, có nhiều đoạn lược dịch, không được trọn vẹn, cách phiên âm tên nhân vật được Việt hóa cao.  Ở bản dịch này, Thụy Anh đã dịch sát theo nguyên bản. Bản dịch kế thừa được cái hay của bản dịch cũ, giữ nguyên cách đọc tên Vichia Maleev theo cách cũ để các độc giả đã từng đọc không cảm thấy xa lạ, và giữ được bản sắc Nga đậm đà trong tác phẩm. Hình như trong những tác phẩm trước chúng tôi chưa hiểu rõ được về gia cảnh của Koschia, cảm giác bơ vơ khi cậu bé lang thang trên đường phố. Trong bản dịch này, người dịch đã làm toát lên được tâm trạng của nhân vật. Các bản dịch trước đây dường như chỉ quan tâm tới tình tiết, diễn biến của câu chuyện mà chưa quan tâm một cách đầy đủ đến diễn biến nội tâm của nhân vật. Rất nhiều đoạn được bổ sung đầy đủ sâu sắc hơn, thể hiện sống động cách sinh hoạt của nhà trường ở Liên Xô một thời. Chẳng hạn, đoạn miêu tả về thư viện trong nhà trường, tôi có cảm giác nó mới mẻ và sinh động hơn hẳn so với những bản dịch cũ.

Tôi được biết, sau khi phát hành một thời gian không lâu thì ấn bản này đã được tái bản.

Cuốn sách ra đời khoảng năm 1951 và được dịch ra hơn 100 thứ tiếng, chứng tỏ sức hấp dẫn của cuốn sách nói về cuộc sống, việc học tập và gia đình của những cô bé cậu bé Nga đối với bạn đọc nhỏ tuổi ở trên toàn thế giới. Cuốn sách cũng đã được dịch và giới thiệu tại Việt Nam hơn 50 năm trước. Vậy, theo bà cuộc sống của những cô bé cậu bé Nga hơn nửa thế kỉ trước có thể đem đến sự thích thú cho bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam hiện nay không ạ?

Tôi nghĩ rằng, cuộc sống và việc học tập của các em hiện nay rất khác xưa, với cách dạy học mới, sử dụng máy tính, không sử dụng bảng đen phấn trắng nữa, cách sinh hoạt của các em mang nhiều dấu ấn hiện đại mới, nhưng tại sao tác phẩm vẫn thu hút được các em, mang lại niềm vui, sự hứng thú của bạn đọc nhỏ tuổi? Tôi cho rằng, với hình ảnh quá khứ, kí ức của cha ông, hình ảnh trong nhà trường trong sáng, tình bạn, tình thầy trò, từ những sinh hoạt trong lớp học, làm bài tập ở nhà, các kì nghỉ hè… gần như là một câu chuyện cổ tích mà các em bây giờ muốn được biết, được tìm hiểu. Những câu chuyện đó sẽ khơi gợi trí tò mò, óc tưởng tượng của các em, mong muốn được tìm hiểu về quá khứ của cha mẹ, ông bà mình, xem nhà trường ngày xưa như thế nào. Tôi nghĩ là các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục và các em học sinh hiện nay cũng rất cần đọc để có một sự đối chiếu, so sánh giữa cuộc sống hiện đại và quá khứ, với một cái đẹp không bao giờ trở lại. Những hình ảnh về nhà trường, tình bạn, tình cảm giữa cô giáo và các em học sinh, thầy hiệu trưởng với các em dường như khó tìm thấy ở nhà trường hiện nay. Những hình ảnh được đưa vào tác phẩm văn học thường mang lại một sức sống lâu bền, được cảm nhận qua trí tưởng tượng, và lưu giữ trong tình cảm của người đọc. Tôi biết là hiện tại, trẻ em vẫn tìm đọc những tác phẩm như thế này bởi chúng tìm ở trong đó như tìm một giấc mơ.

Theo bà, ngoài sức hấp dẫn với thiếu nhi, các bậc phụ huynh có thể thấy phương pháp dạy dỗ con trẻ trong cuốn sách này như thế nào ạ?

Cuốn sách không chỉ dành cho các em, mà còn đặc biệt dành cho các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo.Các thầy cô và các bậc phụ huynh sẽ bắt gặp bóng dáng của mình ngày xưa, ở một thế giới trong sáng. Ở đó, tính nhân văn giữa con người với con người được nâng niu, được thể hiện bằng những hành động rất cụ thể. Trong cuốn sách, cô giáo đã cất công tìm hiểu tại sao Koschia lại lang thang bỏ học, nói dối, đó là tình tiết sư phạm mà các ông bố bà mẹ và các thầy cô giáo cần biết. Bản thân tôi cũng từng là một giáo viên, những câu chuyện về Koschia, về những buổi các em tập văn nghệ, tập làm xiếc, tình cảm của chúng với con chó con mèo… là những câu chuyện đã đi sâu vào tâm trí tôi. Khi tôi làm giáo viên, đứng trước nhiều sự việc, tôi lại nhớ đến những tình huống sư phạm trong cuốn sách để đưa ra cách ứng xử hợp lý trong tình huống của mình. Những người mẹ giống như mẹ của Koschia trong tác phẩm sẽ thấy mình phải quan tâm tới con hơn nữa. Tôi nghĩ, cuốn sách không chỉ thú vị với trẻ em mà còn hữu ích cho người lớn nữa.

Phùng Hà ghi (Theo Hoàng Hiệp – VOV2)

About admin2

Scroll To Top