Tôi còn nhớ vào một ngày cuối mùa xuân, đầu tháng 4 năm 1989, nhà thơ Phạm Hổ gọi điện thoại tới Ban biên tập NXB Kim Đồng, giọng ông xúc động nghẹn ngào : “Anh Đoàn Giỏi mất…”. Thật là quá đột ngột với chúng tôi, tưởng như hình ảnh nhà văn Đoàn Giỏi với tẩu thuốc ngậm trên môi, thoáng một nụ cười ngạo nghễ, giơ tay chào tạm biệt mọi người để lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh, như còn hiển hiện… thế mà chuyến đi của ông về thăm lại quê hương Nam bộ đã là chuyến đi xa mãi mãi…
Nhà văn Đoàn Giỏi
…Tôi được đọc Đoàn Giỏi từ bản in đầu tiên 1957, từ những ngày mới biết chữ. Văn của Ông hoàn toàn mới lạ với người Hà Nội ngày ấy. Nhờ Đoàn Giỏi mà người đọc được thả hồn vào tận nơi xa xôi mờ mịt đằng sau Vĩ tuyến 17… Để biết cây đước Cà Mau, những dòng kênh rạch dọc ngang, tiếng chèo động nước rổn rảng… Để rồi trí tưởng tượng đưa mình đến con sông Tiền, sông Hậu mêng mang… Thấp thoáng xanh biếc lá dừa nước bay trong gió, văng vẳng tiếng đàn kìm và giọng ca vọng cổ đâu đây… Ngày ấy chưa có ti vi, chưa có phim ảnh gì nhiều… Cuốn Đất rừng phương Nam với cuộc phiêu lưu hấp dẫn hồi hộp của chú bé An đã đến với học trò miền Bắc thập kỷ 60, 70… như một món quà kỳ diệu thỏa lòng mơ ước bay cao bay xa… Khi đất nước còn bị chia cắt Bắc Nam, Đất rừng phương Nam là một lời vẫy gọi nóng bỏng, thôi thúc hàng triệu trái tim thanh thiếu niên muốn ra đi, muốn được đặt chân đến tận mũi Cà Mau, đến rừng U Minh để mà biết được những chuyện kỳ lạ của một vùng rừng ngập mặn, để được gặp gỡ với những con người nhân hậu hào phóng. Không phải chỉ có Đất rừng phương Nam, nhà văn Đoàn Giỏi còn có một loạt các truyện ký, tùy bút như Ngọn tầm vông, Cây đước Cà Mau, Cá bống mú, Chim bay trên trời HàNội, Tiếng gọi ngàn… Những cuốn sách đã được viết trong nỗi nhớ da diết vời vợi của người Nam Bộ xa quê. Tình cảm đó đã được chia sẻ, được nhân lên trong trái tim người đọc: người miền Nam tập kết và cả người miền bắc chưa từng biết vùng châu thổ sông Cửu Long… Sẽ có bạn thắc mắc rằng vì sao một nhà văn Nam Bộ lại sớm chiếm được cảm tình với người dân Hà Nội vốn đã quen với văn phong lịch lãm của Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan… Chúng ta hãy cùng nhớ lại rằng nhà văn Đoàn Giỏi tập kết ra Bắc, sống ở Hà Nội và bước vào con đường văn học lúc ông mới ngoài 30 tuổi (Nhà văn Đoàn Giỏi sinh năm 1925), trong bài viết “Nguyễn Huy Tưởng – một người thầy – một người bạn – một người anh“, Đoàn Giỏi đã bộc bạch cảm xúc: “Điều anh (Nguyễn Huy Tưởng) luôn nhắc nhở tôi là chú trọng sắc thái địa phương nhưng đừng có abusé (lạm dụng) ngôn ngữ…“
Tác phẩm “Đất rừng phương Nam” do NXB Kim Đồng phát hành các năm
Với lời khuyên chí tình như thế nhà văn Đoàn Giỏi đã sáng tạo ra một lối văn riêng, văn chương trong Đất rừng phương Nam thật đậm đà phong vị Nam bộ, nhưng hoàn toàn hòa nhập cùng một dòng chảy chung của ngôn ngữ Việt Nam. Đoạn mở đầu Đất rừng phương Nam: “Có lẽ từ hôm trước bước lên xóm chợ này, mình đã bắt đầu cuộc sống lưu lạc rồi chăng? Những đêm giật mình thức giấc nằm nghe tiếng gió rít thê lương từ các cánh đồng xa mông quạnh và lắng nghe tiếng nước chảy ào ào dưới chân cầu nước… bắc ra con kênh thẳng tắp chạy dài vô tận trước ngôi chợ này, tôi vẫn thường vơ vẩn nghĩ vậy…“
Theo tôi, cái tài tình của đoạn văn này là người đọc thẩm thấu được dòng cảm xúc “tiếng nước”, “tiếng gió” trong một câu văn dài rộng miên man gợi tả miền sông nước Nam Bộ mà không hề có một tiếng địa phương nào xuất hiện. Tiếng nói Nam Bộ trong Đất rừng phương Nam chỉ xuất hiện ở những dòng đối thoại, trong lời của nhân vật. Trong những đoạn dẫn chuyện, miêu tả, lời tác giả hoàn toàn viết bằng một ngôn ngữ chuẩn mực tiếng Việt. Nếu đọc kỹ hơn nữa Đất rừng phương Nam ngoài những cảm xúc “vùng miền” ta bỗng nhận ra một chiều sâu trong tâm trạng của chú bé An (nhân vật chính) và vì thế ta mới cảm nhận được tầm vóc nhân văn của tác phẩm. Từ thủa ấu thơ trong tâm trí tôi vẫn văng vẳng câu văn tâm sự của An trong cuộc phiêu dạt: “Mình như chiếc lá rơi xuống dòng sông, nước trôi tới đâu mình đi tới đó…”. Phải chăng đó chính là nỗi niềm thương cảm của tác giả trước số phận của những đứa trẻ ngây thơ non nớt bị lâm vào cảnh bơ vơ trong cuộc chiến tranh. Chiến tranh thực sự là đau khổ, những đứa trẻ bị lạc khỏi bàn tay ôm ấp của mẹ cha, phải rời xa tổ ấm gia đình, đột nhiên phải đối mặt với những thử thách vượt quá sức chịu đựng của một tâm hồn non dại… Chiến tranh đâu phải là một cuộc đi chơi thú vị, một chuyến du lịch sang trọng… Chú bé An trong Đất rừng phương Nam thực sự bị lâm nạn, rơi vào cuộc phiêu bạt giang hồ… Tuy nhiên tác giả đã không đẩy nhân vật An đến bi kịch, đến thảm cảnh hay cái chết đau đớn, An đã tìm được hơi ấm của tình người trong miền rừng sâu thẳm ngập nước đó là tình mộc mạc nguyên sơ biết chia sẻ đùm bọc đứa trẻ trong loạn ly… Đó là tình nảy nở giữa cảnh ngộ bất thường trong cuộc kháng chiến vô cùng ác liệt…Đó cũng chính là cái Tâm của người viết- nhà văn Đoàn Giỏi.
Một số tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi đã xuất bản
… Là một người may mắn được gặp gỡ và được là học trò của nhà văn Đoàn Giỏi khi ông còn tại thế nên tôi cũng đã được trò chuyện với ông nhiều lần. Ông có một giọng nói Nam Bộ giầu âm sắc, nhưng rất dễ nghe. Khi học ở Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ – Quảng Bá ( 1974-1975) tôi là học viên được đưa tác phẩm thực tập của mình để ông góp ý… Mỗi khi đến ngôi nhà ở phố Cổ Tân, hai thầy trò ngồi đàm đạo bên ấm trà ông thường hay nhắc đến việc quan sát các con vật, đến các loài cá, những con rùa, những con chim bay di cư theo mùa… Giọng nói của ông đượm một nỗi niềm như muốn chia sẻ tình thương với cả những con vật, những cỏ cây không biết nói tiếng người… Ông bảo rằng : “Mình phải học tự nhiên, hiểu tự nhiên, theo tự nhiên…” Ông không nói nhiều về câu chữ, về cái “Vỏ” của chữ . Ông nói về “Hồn” của chữ, nhà văn Đoàn Giỏi cũng như nhà văn Võ Quảng đều nói rằng : ” Người có Tâm mới là người có Văn”.
Nghĩ đến văn Đoàn Giỏi, tôi thật tâm đắc với nhà văn Ma Văn Kháng trong bài viết có tựa đề “Đoàn Giỏi- Những trang văn nặng tình đất nước” đã có nhận xét : “…Ông (nhà văn Đoàn Giỏi) viết về thổ sản miền Nam hay như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng viết về thổ sản đất Bắc. Không phải là không có lý khi nhà thơ Hoài Anh gọi ông là cái gạch nối văn hóa thông minh giữa hai miền Nam- Bắc.”
Vào những ngày cuối Xuân sang Hạ khi những tiếng mưa rào đầu tiên vỡ òa trên phố phường Hà Nội, tôi chợt nhớ về mùa mưa phương Nam, nhớ về những trang văn đầu tiên đưa hồn tôi về Đất rừng phương Nam… Tôi bỗng nhớ về nhà văn Đoàn Giỏi.
Nhà văn Lê Phương Liên (Cuối mùa xuân 2017)
Theo báo Người Hà Nội