quên kiến thức – Câu lạc bộ Đọc sách cùng con https://docsachcungcon.com docsachcungcon.com Tue, 27 Apr 2021 08:08:59 +0000 en-US hourly 1 https://wordpress.org/?v=5.5.11 Vào phòng thi mất bình tĩnh và quên kiến thức, làm thế nào để khắc phục?… https://docsachcungcon.com/vao-phong-thi/ Tue, 27 Apr 2021 08:08:27 +0000 http://docsachcungcon.com/?p=22122 Ảnh: internet Cô Thuỵ Anh thân mến! Em không biết phải làm sao nữa, cứ ngồi vào phòng thi là em hay bị mất bình tĩnh và quên kiến thức, cô có thể tư vấn giúp em làm cách nào để khắc phục điều này không ạ? Mong được cô tư vấn. Phạm Kiều Loan ...

The post Vào phòng thi mất bình tĩnh và quên kiến thức, làm thế nào để khắc phục?… appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>

Ảnh: internet

Cô Thuỵ Anh thân mến! Em không biết phải làm sao nữa, cứ ngồi vào phòng thi là em hay bị mất bình tĩnh và quên kiến thức, cô có thể tư vấn giúp em làm cách nào để khắc phục điều này không ạ? Mong được cô tư vấn.

Phạm Kiều Loan (kieuloann2005@gmail.com)

——————————-

Kiều Loan thân mến!

Vấn đề của em có lẽ cũng là vấn đề chung của mọi người thôi. Bất kỳ ai, khi căng thẳng, mất bình tĩnh, đều có thể quên rất nhiều điều, nghĩ một đằng nói một nẻo, tay chân lóng ngóng, tim đập mạnh, bàn tay toát mồ hôi, ăn nói lắp bắp.

Có nghĩa là, vấn đề tâm lý ảnh hưởng đến trí nhớ của chúng ta, khiến hoạt động não bộ bị trì trệ. Vậy thì, chỉ có 2 cách để giải quyết việc này:

Một là: rèn luyện tinh thần rắn rỏi, bản lĩnh thi cử nói riêng và bản lĩnh ứng phó mọi tình huống bất ngờ, rèn sức chịu đựng sức ép, áp lực trong mọi hoàn cảnh;

Hoặc, cách thứ hai: làm sao cho kiến thức trong đầu được sắp xếp ngăn nắp chứ không nhồi nhét; học theo cách bền vững chứ không cấp tốc học gạo để đối phó với thi cử, để đến lúc “lâm trận”, trừ hao mọi cảm xúc hồi hộp, lo lắng, chúng ta vẫn còn lại những kiến thức đã trở thành của mình, không phải cố nhớ, nó sẽ tuôn ra tự nhiên.

Kiều Loan ạ,

Với cách thứ nhất, không phải lúc nào chúng ta cũng thành công. Cơ chế tâm lý của con người khá bí ẩn và chúng ta chỉ cải thiện phần nào những vấn đề liên quan đến việc chế ngự sự lo lắng, kiểm soát cảm xúc trước những tình huống căng thẳng. Khi gặp chuyện, đôi khi chúng ta có thể tưởng tượng mình như một người bên ngoài đứng sang một bên để nhìn vào vấn đề của mình, phân tích khách quan để tự trấn tĩnh. Ví dụ: Hít vào thở ra đều, sâu rồi tự nhủ: “Ta sợ hãi, căng thẳng. Nhưng ta đã bình tĩnh lại. Bài đã học, không có lý do gì phải sợ. Thả lỏng người, lần lượt nhớ lại từng mục như xem một cuộn phim trong đầu…Chỉ là một kỳ thi thôi mà”.

Để vững vàng hơn về mặt tâm lý, em nên ngủ sớm, để mình thảnh thơi 2 ngày trước khi thi. Một ngày trước khi thi, em xem lướt qua lại bài vở, đề cương, để “chụp ảnh” kiến thức – điều này có tác dụng trấn an rất tôt. Lúc này, chỉ xem chứ không phải nhồi vào đầu bằng mọi giá. Những hình ảnh rời rạc não mình chụp được sẽ loé lên trong đầu khi cần thiết.

Với cách thứ hai, em hãy chú ý đến phương pháp học. Mỗi con người đều có cách học riêng, cách ghi nhớ và ứng dụng kiến thức rất khác nhau. Những gì cô nói với em đây vừa là lý thuyết, đồng thời là những trải nghiệm cá nhân của cô, nhưng em mới là người quyết định con đường riêng của mình. Có người nhạy cảm với âm thanh, có người tiếp thu hình ảnh nhanh hơn. Có người trí nhớ lại phát triển cùng sự vận động cơ thể.

+ Em hãy lựa chọn cách học của mình, sao cho dễ nhập tâm nhất có thể. Đọc to lên; Vẽ sơ đồ tư duy; Đi đi lại lại để suy nghĩ; Viết lên những tờ bìa và dán lên khoảng tường trước bàn học… Những điều này em có thể bình tĩnh thực hiện ngay trong ngày chứ không đợi nhận đề cương thi cử và học thuộc đề. Càng “nạp vào” chậm rãi, kiến thức càng ăn sâu, khó quên.

+ Các con số, từ khoá quan trọng hãy viết vào tấm bìa và “chơi” với chúng. Hình ảnh của chúng sẽ giúp ích cho em trong khi thi. Ví dụ, nhặt con số 1945, em hãy nói ra tất cả các sự kiện liên quan mà em biết. Các từ khoá như “cách mạng”; “độc lập”, “nạn đói” có thể là gợi ý.

+ Đừng ngại sắm những chiếc bút màu để khi ghi chép, dùng bút màu khác nhau để nhấn mạnh những chi tiết cần nhớ, phân loại theo chủ đề. Em có thể vẽ sơ đồ tư duy đơn giản để khuyến khích não hoạt động có logic theo phương pháp diễn dịch hoặc quy nạp…

Cách làm này có thể giúp em tiếp thu kiến thức bền vững chứ không đối phó.

+ Em có thể học nhóm bằng cách phân công mỗi người tìm hiểu một chủ đề rồi chia sẻ lại, lắng nghe nhau, đặt câu hỏi chất vấn. Cách này vừa tiết kiệm thời gian lại tạo cảm xúc mạnh. Cảm xúc cũng là một yếu tố giúp ta nhớ kiến thức rất hiệu quả.

+ Đừng bao giờ ngại đặt câu hỏi cho thầy cô hoặc bày tỏ ý kiến của mình trong những buổi thảo luận chung. Những buổi hỏi chuyện, tranh luận sẽ “bắt” em phải nhớ kiến thức một cách tự nhiên , bền vững.

+ Em có thể cùng bạn sáng tác thơ, nhạc Rap hoặc kịch, điệu nhảy, tiểu phẩm ngắn về chủ đề mình đang học.

+ Học cái gì cũng nhìn xem, nó nằm ở mục nào trên sơ đồ tư duy, nằm trong những chuỗi sự kiện rộng hơn nào. Điều này giúp em nhớ kiến thức có hệ thống hơn.

Kiều Loan thân mến,

Khi đã cảm thấy vững vàng với kiến thức của mình, khi kiến thức hoàn toàn ngấm vào em, là của em thì có run mấy em cũng không thể quên.

Cô chúc em thành công trong mọi kỳ thi, vì thi cử cũng chỉ là một cách khuyến khích em thể hiện mình hiệu quả hơn mà thôi.

Thân mến,

Cô Thụy Anh.

The post Vào phòng thi mất bình tĩnh và quên kiến thức, làm thế nào để khắc phục?… appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>