tin tức – Câu lạc bộ Đọc sách cùng con https://docsachcungcon.com docsachcungcon.com Thu, 04 Nov 2021 09:24:36 +0000 en-US hourly 1 https://wordpress.org/?v=5.5.11 Bảo vệ con trước vấn nạn bạo lực học đường – Điều tiên quyết là lòng tin! https://docsachcungcon.com/bao-ve-con-truoc-van-nan-bao-luc-hoc-duong-dieu-tien-quyet-la-long-tin/ Thu, 04 Nov 2021 09:23:55 +0000 http://docsachcungcon.com/?p=22536 Cùng con nhận diện bạo lực học đường Theo TS Nguyễn Thụy Anh, phụ huynh nên làm thế nào để bảo vệ con an toàn và ngăn chặn kịp thời BLHĐ? TS Nguyễn Thụy Anh: Điều tiên quyết để bảo vệ được con là lòng tin. Tin tưởng vào cảm giác, cảm xúc của con khi ...

The post Bảo vệ con trước vấn nạn bạo lực học đường – Điều tiên quyết là lòng tin! appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>
Vì trẻ em – Những câu chuyện về giáo dục luôn nhận được sự quan tâm của xã hội, trong đó bạo lực học đường (BLHĐ) đã và đang là vấn nạn nhức nhối. Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thuỵ Anh đã có những chia sẻ với “Vì trẻ em” về vấn đề này.

Ảnh: Cô Thụy Anh cùng các học sinh lớp Nghĩ và Viết tại CLB Đọc sách cùng con

Cùng con nhận diện bạo lực học đường

Theo TS Nguyễn Thụy Anh, phụ huynh nên làm thế nào để bảo vệ con an toàn và ngăn chặn kịp thời BLHĐ?

TS Nguyễn Thụy Anh: Điều tiên quyết để bảo vệ được con là lòng tin. Tin tưởng vào cảm giác, cảm xúc của con khi con thấy lo lắng, bất an. Tin tưởng vào lời kể của con, từ đó tìm hiểu thêm vấn đề con gặp phải. Lòng tin của người thân giúp trẻ không ngại nói ra cả những nỗi sợ mơ hồ. Phụ huynh thường xuyên trò chuyện để cùng con nhận diện BLHĐ: thế nào là đùa nhả, thế nào là bắt nạt; những tình huống nào tiềm ẩn mối họa, giải quyết chúng thế nào… Cùng trẻ mô tả tình huống hoặc đọc các cuốn sách có mô tả tình huống thử thách, thảo luận để tìm ra phương án hoá giải, cùng chơi các trò chơi giúp trẻ kiên nhẫn hơn trong các vụ bất hòa…

Với các mối nguy hiểm ẩn trong mạng xã hội (MXH), bố mẹ chuẩn bị kỹ năng để con bình tĩnh đối mặt với các vấn đề có thể nảy sinh thông qua các câu hỏi: Nếu một người nhắn tin hẹn gặp riêng con, con sẽ làm gì? Có ai được quyền đánh mình không? Bố mẹ chuẩn bị cho con các kiến thức cơ bản để bảo vệ mình khi tham gia MXH…

CLB Đọc sách cùng con của TS có đưa đề tài này vào thảo luận để trang bị thêm kỹ năng cho trẻ em không?

TS Nguyễn Thụy Anh: Chúng tôi thiết kế nhiều trò chơi quan sát, nhận diện BLHĐ, đồng thời cùng các bạn nhỏ thảo luận về những “bí kíp” ứng xử khi bị bắt nạt dưới dạng thơ, văn vần hoặc biểu tượng dễ nhớ. Chúng tôi cũng hướng dẫn các em diễn đạt gãy gọn ý kiến của mình, kiểm soát cảm xúc và giọng nói, giữ thái độ bình tĩnh – bình thản trước kẻ bắt nạt.

Theo TS, khi nhà trường chú trọng việc bố trí phòng tư vấn cho riêng HS thì có thể giảm bớt được vấn nạn BLHĐ không?

TS Nguyễn Thụy Anh: Hiện có nhiều trường đã làm được việc này. Đây là việc không chỉ nên mà rất cần thực hiện ở các trường phổ thông. Cả người lớn lẫn trẻ em đều cần được nói ra những lo âu, bức xúc, bất an trong lòng mình. Người có chuyên môn hoặc được đào tạo ban đầu về tâm lý học đường sẽ biết cách dẫn dắt để HS nói và biết cách lắng nghe. Các ấm ức được hóa giải, những nguy cơ lệch chuẩn về tâm lý sẽ được phát hiện, giáo viên có điều kiện hiểu HS và hỗ trợ các em kịp thời hơn.

Chương trình giáo dục phổ thông mới góp phần thay đổi thái độ của học sinh

Thưa TS Nguyễn Thụy Anh, chị mong đợi thế nào về việc đổi mới sách giáo khoa (SGK) theo Chương trình giáo dục phổ thông mới?

TS Nguyễn Thụy Anh: Tôi kỳ vọng nhiều vào những đổi mới trong phương pháp biên soạn SGK theo định hướng phát triển năng lực sẽ giúp các thầy cô có cách tiếp cận khác hơn với học sinh (HS), cho các em chủ động hơn trong học tập, giảm bớt áp lực về kiến thức, hỗ trợ hướng dẫn về phương pháp, từ đó có động lực trải nghiệm cuộc sống cùng với những kiến thức được học. HS có cơ hội được tự mình rút ra kinh nghiệm mới, bài học mới, tạo được bộ giá trị tinh thần bền vững.

Trong chương trình có môn Đạo đức, Giáo dục công dân. Bên cạnh đó, còn có hoạt động giáo dục được chú trọng thiết kế từ Sinh hoạt dưới cờ cho đến các tiết trải nghiệm riêng theo chủ đề và sinh hoạt lớp. Đó là Hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Cá nhân tôi cũng tham gia làm chủ biên SGK Hoạt động trải nghiệm ở tiểu học. Chúng tôi quan tâm đến tất cả những vấn đề thực tế trong cuộc sống của các em, trong đó có nạn BLHĐ, bắt nạt. Nếu môn học Đạo đức giúp trẻ nhận được bài học về chuẩn mực trong ứng xử thì với Hoạt động trải nghiệm, chúng tôi đề xuất những hoạt động để HS “va chạm” nhiều nhất với tình huống thực tế, chia sẻ thật về những vấn đề có thật của các em, từ đó thầy cô hiểu các em hơn để hỗ trợ kịp thời.

Với thực trạng hiện tượng đánh nhau, bắt nạt vẫn còn tồn tại, chúng tôi đưa ra phương án xử lý từ gốc rễ: đó là các hoạt động giúp hình thành cảm xúc tôn trọng, yêu thương, gắn bó giữa các thế hệ HS trong trường. Ví dụ, chủ đề “Anh em một trường” với hoạt động làm quen, kết bạn, kết nghĩa giữa anh chị lớp trên và các em lớp dưới, tạo dựng tủ sách “Anh em”, chú trọng đến việc chào hỏi nhau trong trường, giao lưu giữa các lớp, cùng viết nhật ký tình bạn, cùng chơi trò chơi tiếp sức, cùng nhận nhiệm vụ chung giữa các lớp lớn nhỏ, khơi gợi cảm xúc quý mến, ngưỡng mộ hoặc sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ. Tiếp sau đó mới là các hoạt động quan sát, nhận biết về các mâu thuẫn trong quan hệ bạn bè, thảo luận các phương án xử lý tình huống, xác định những người mình hoàn toàn tin tưởng để tâm tình hoặc hỏi ý kiến lúc khó khăn. Rồi những trò chơi, bài tập hướng dẫn HS giải tỏa cảm xúc tiêu cực, biết kiểm soát cảm xúc, biết giãi bày và đặt mình ở vị trí người khác mà suy xét, biết cảnh báo và nói “không” đúng lúc… cũng sẽ khiến các em hay bắt nạt lẫn các em hay bị bắt nạt biết mình cần làm gì để điều chỉnh mình trong các mối quan hệ xã hội.

Bên cạnh các hoạt động riêng ở lớp, HS còn được giao lưu ở quy mô toàn trường với các nhân vật – khách mời khác nhau. Mỗi con người thú vị với câu chuyện cuộc đời lao động và sáng tạo của mình cũng sẽ góp phần thay đổi thái độ của các em đối với mọi người và lối sống của mình. Tôi tin rằng, bộ giá trị các em dần thấm được thông qua việc chia sẻ thực tế như vậy sẽ rất bền vững.

Xin cảm ơn TS Thuỵ Anh.

“Nạn nhân của BLHĐ, từ chuyện bị bắt nạt, tẩy chay, trêu chọc ác ý đến việc phải chịu những tổn thương về tinh thần hoặc bị xâm phạm thân thể… đều có thể ở trong tình trạng stress, căng thẳng kéo dài, hoảng sợ và rối loạn lo âu, có thể dẫn tới trầm cảm. Điều này tiềm ẩn những nguy hiểm không nhỏ cho sức khoẻ tâm thần của các em, đồng thời khiến sức khỏe thể chất cũng gặp vấn đề, cản trở việc học tập, sinh hoạt, vui chơi…”

TS Nguyễn Thụy Anh

– Thực hiện: Hồng Nga, Vì trẻ em –

The post Bảo vệ con trước vấn nạn bạo lực học đường – Điều tiên quyết là lòng tin! appeared first on Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

]]>