Home / Tư vấn - Chia sẻ / “Bí kíp” cho những nhà lãnh đạo trẻ

“Bí kíp” cho những nhà lãnh đạo trẻ

Hỏi: Thưa cô Thụy Anh, hiện tại em đang là một học sinh lớp 9. Em đảm nhận chức vụ lớp trưởng của lớp và Liên đội trưởng của trường. Vì vậy, em phải làm nhiệm vụ quán xuyến, nhắc nhở hoạt động của các bạn và phải thường xuyên yêu cầu các bạn làm việc. Những điều này đôi khi gặp khó khăn vì tâm lí tuổi mới lớn, các bạn thường không thích bị ai đó yêu cầu làm gì, đặc biệt là với bạn bè cùng trang lứa. Cô là một chuyên gia tư vấn giáo dục trẻ em, hiểu được tâm lí của lứa tuổi chúng em, vậy nên em mong cô tư vấn giúp em cũng như toàn thể độc giả của VH&TT làm thế nào để đề nghị các bạn làm việc một cách hiệu quả mà các bạn vẫn vui vẻ, thoải mái và không cảm thấy bị ức chế.

Em xin chân thành cảm ơn!

Vũ Thị Phương Thủy

Lớp 9D – THCS Nguyễn Cao – huyện Quế Võ – Bắc Ninh.

Trả lời:

Phương Thuỷ thân mến,

Đọc câu hỏi, cô vừa vui vừa… thương em. Một học sinh lớp 9 làm “cán bộ” đã phải “nghĩ ngợi”, suy tư hơn các bạn khác để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, đây cũng là điều có ích cho mình, khi mình băn khoăn tìm một phương pháp làm việc hiệu quả, có nghĩa là em đang tập dượt để trở thành một người làm việc giỏi trong tương lai đấy!

Cô vui vì câu hỏi của em thật “trúng”! Đôi khi, các thày cô chưa hiểu hết được cái khó của cán bộ lớp! Với các bạn cùng trang lứa, làm sao để nói mà họ nghe và làm theo?! Hồi cô còn bé, cô thấy các cán bộ lớp đôi khi phải… “dỗ-doạ-dử”! Tức là nói ngon ngọt nhẹ nhàng không xong phải ra oai quát nạt, không được lại… hạ giọng ngon ngọt, hứa hẹn nhiều hơn, thật mệt mỏi!

Ảnh: internet

Việc em nắm được “tâm lý tuổi mới lớn” là đã giải quyết được một nửa vấn đề rồi đấy! Em lại còn nói được rất đúng đặc điểm của chính lứa tuổi mình: không thích bị ai yêu cầu, điều khiển, áp đặt và… kiểm soát! Vậy, thay vì “bị” làm, ta hãy khiến mọi người có cảm giác “được” làm, là mọi điều sẽ ổn, em ạ! Cụ thể, cô thử đưa ra những hướng suy nghĩ sau về những cái “được” ấy nhé:

  1. ĐƯỢC THAM GIA Ý KIẾN: Thay vì giao việc, em hãy đưa vấn đề để các bạn THẢO LUẬN. Đừng sợ mất thời gian hoặc bị… phá bĩnh! Nếu em thật sự tôn trọng đóng góp của các bạn, họ thấy thật sự ý kiến của họ mà hay là được nghe theo, các bạn em sẽ sôi nổi tham gia ý kiến. Chỉ cần 10 phút họp chớp nhoáng, đưa ra vấn đề, em đã tạo được một “team” của mình. Ví dụ: thày cô giao dọn vệ sinh sân trường và cầu thang để chuẩn bị đón chào 20/11. Em họp đưa ra “đề bài”, đưa trước các vấn đề em nghĩ dưới dạng câu hỏi : cần chia mấy nhóm để dọn vệ sinh những địa điểm nào trong trường và ai bao quát nhóm; đạo cụ- trang bị thế nào; thời gian tiến hành công việc; phương pháp báo cáo kết quả công việc (ghi chép dưới dạng nhật ký hay phân công một bạn chụp ảnh, quay clip trước, trong và sau quá trình làm việc?)… Sau khi có ý kiến của các bạn, em cho “vote” – bình chọn ý kiến nào khả thi nhất từng mục, ghi lại thực hiện. Đừng quên cảm ơn và bày tỏ sự thích thú với những sáng kiến của các bạn.
  2. ĐƯỢC RA QUYẾT ĐỊNH: Hãy chia nhóm và thống nhất nhóm trưởng. Từ đó, mình không can thiệp vào việc điều hành nhóm đó. Có điều gì cần biết, em chỉ hỏi nhóm trưởng. Điều này phát huy được sự chủ động của các bạn, họ thấy em thực sự TIN họ.
  3. ĐƯỢC “TOẢ SÁNG”: Em là người hiểu các bạn mình, biết ai giỏi cái gì, nên tạo điều kiện để những cá nhân thể hiện khả năng riêng. Ví dụ, bạn giỏi vẽ lo việc vẽ, bạn giỏi văn lo việc viết tường thuật, bạn nhảy giỏi lo tập động tác flashmob cho phần nghỉ giữa giờ…
  4. ĐƯỢC VUI VẺ: Công việc phải nghiêm túc nhưng cũng vui vẻ, vì đó là đặc điểm của tuổi học trò mà. Hãy nghĩ đến các khía cạnh hài hước khi làm việc, chớ lúc nào cũng căng thẳng, phê phán hoặc thậm chí… quát tháo nhau, các em nhé!
  5. ĐƯỢC PHẢN HỒI: Sau mỗi hoạt động, đừng để nó trôi qua không có phản hồi. Việc họp lại 10-15 phút thông báo kết quả, hỏi các bạn tự đánh giá cong việc của mình thế nào, thông báo cho họ biết đánh giá khen chê của các thày cô là điều rất cần thiết. Chỉ lưu ý: nêu điều tích cực trước, những khó khăn nêu sau để đề nghị các bạn đưa ra ý tưởng khắc phục. Em có thể đặt câu hỏi dưới dạng này:

– Trong hoạt động vừa rồi, bạn thích nhất (hài lòng nhất) với việc nào?

 – Nếu được nói, “Tôi rất tự hào…” thì các bạn chọn tự hào về điều gì? (Các bạn lần lượt nói: Tôi tự hào vì… )

– Theo bạn, có điều gì còn chưa được hoặc có thể làm tốt hơn?

– Nếu được làm lại, bạn đề xuất giải quyết việc đó thế nào?

Lưu ý là mọi điều các bạn đóng góp, em phân công một bạn thư ký ghi lại biên bản, ngoài ra chính em cũng viết lên bảng hoặc vào tờ giấy to từ khoá của những vấn đề đó. Chẳng hạn: Có bạn phàn nàn về việc không đúng giờ của các bạn khác, em viết to: GIỜ GIẤC. Có bạn nói, không ai chuẩn bị nước và đồ ăn nhẹ khiến đang hoạt động thì mệt, lần sau phải lưu ý, thì em ghi to: ĐỒ ĂN NHẸ.

Với cách làm này, các bạn vừa hào hứng vì mình được nghe, được đóng góp công sức và cả chất xám nữa cho việc chung, em thì được chia sẻ công việc, không phải một mình lo lắng nữa. Một cái đầu không thể bằng nhiều cái đầu được, phải không em? Nhưng nhiều cái đầu cũng dễ khiến mỗi người một ý, không ai chịu ai, vì thế, vai trò thủ lĩnh rất quan trọng, em ạ. Em là người chốt lại vấn đề, phân công thủ lĩnh nhóm, phân công thư ký theo dõi, ghi chép. Và em hãy tin tưởng vào họ, như các thày cô đã tin em vậy.

Nhiều trường hợp các bạn không nhiệt tình với một việc nào đó, em cứ phải hô hào, nhắc nhở, rất mệt. Những lúc đó, càng cần phải THẢO LUẬN để đi đến THOẢ THUẬN. Đó là các bước:

– Đặt câu hỏi. (Vì sao? Nên thế nào? Đề xuất gì?)

– Hỏi ý kiến chung của tập thể. (Đề nghị các bạn lựa chọn giải pháp. Giải pháp nào nhiều người đồng ý thì ghi lên bảng)

– Thoả thuận. (Đạt được thoả thuận bằng cách đưa ra các chi tiết cụ thể. Các bạn đồng ý theo cách này rồi chứ? Nếu đồng ý thì bắt đầu làm vào lúc nào? Khi nào thì phải xong? Nếu không xong thì sao? Đề xuất thưởng phạt- các bạn tự đề xuất, đôi khi chỉ là phạt phải nhảy lò cò quanh trường hay dọn vệ sinh lớp một tuần… )

Các bước nói trên luôn được ghi lại. Việc ghi chép khiến các bạn em tự phải tôn trọng lời phát biểu của chính mình, không nói chỉ để cho vui hoặc đùa cợt.

Và cuối cùng, đừng quên cảm ơn lẫn nhau trong mỗi việc được hoàn thành tốt. Nếu có thể, em báo cáo để các thày cô chính thức khen các bạn, nhắc đến tên từng người đã tỏ ra hợp tác, nhiệt tình. Chỉ cần khen những ai đáng khen, còn những bạn chưa tham gia, hay chọc phá, các em bàn luận trong khi PHẢN HỒI chứ không cần đưa ra để các thày cô phê bình, như thế sẽ gây căng thẳng không cần thiết. Các em có thể lôi cuốn các bạn vào công việc chung bằng chính sự sôi nổi, tôn trọng, vui vẻ của những nhân tố tích cực. Đó gọi là, lấy tích cực để gọi tích cực, em ạ.

Cô chúc em nghĩ thêm được nhiều phương án thú vị hơn và hợp hơn để áp dụng với tập thể của mình. Nếu có gì hay, nhớ viết thư chia sẻ với cô nhé! Cảm ơn Phương Thuỷ nhiều!

Cô Thuỵ Anh (Theo tạp chí Văn học & Tuổi trẻ)

About admin2

Scroll To Top