Home / Tư vấn - Chia sẻ / Để con ham mê đọc sách…

Để con ham mê đọc sách…

Trong một bài thơ của mình, nhà thơ Bằng Việt đã viết: “Những trang sách suốt đời đi vấn nhớ – Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu”… Đúng vậy, những cuốn sách thời ấu thơ không những mang đến cho ta bao kiến thức về thế giới này mà còn là những người bạn đồng hành thân thiết, quan trọng trong suốt thời niên thiếu, ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách và tâm hồn ta.

Ngày nay, thời đại bùng nổ thông tin, con trẻ dường như ngày càng ít đánh  bạn với sách. Nhiều bố mẹ cho rằng tivi, internet… là nguồn cung cấp kiến thức chủ yếu cho các em rồi, chúng không đọc sách cũng chẳng sao. Quan niệm ấy thật ra chưa thỏa đáng, bởi lẽ, khác với nguồn thông tin từ mạng internet, những cuốn sách là những người bạn của các em đã được bố mẹ chọn lựa và ủng hộ. Đọc sách đúng cách sẽ nâng cao tầm hiểu biết của trẻ, cho trẻ khả năng nắm bắt nhanh nhạy các vấn đề xã hội, bồi dưỡng về ngôn ngữ và cảm thụ cái đẹp, dạy trẻ cách tập trung và rèn luyện trí nhớ. Vì vậy, dạy trẻ đọc sách là việc làm cần thiết.

Thế nhưng, dạy trẻ bằng cách đồng hành cùng trẻ, thì hiệu quả còn tốt hơn nữa. Trẻ không còn là đối tượng cho sự “dạy đọc sách” mà là “đối tác” của bạn rồi. Các bạn đặc biệt chú ý thời điểm bé tròn 1 tuổi, khi bé lớn lên nhiều, nhận biết màu sắc hình ảnh tốt, bàn tay cũng đã hết vụng về, đã tự tin hơn rồi, là lúc bạn cần cho trẻ làm quen với sách, nếu chưa làm điều này trước đó.

Mỗi một đứa trẻ có sự phát triển về nhận thức, tư duy, tình cảm khác nhau nên quả là khó đặt ra ranh giới cụ thể cho Sách đối với từng lứa tuổi. Ở đây, chúng tôi nói đến những điểm chung nhất của các bé mà bố mẹ cần chú ý khi hướng dẫn bé đi vào thế giới tuyệt diệu của Văn học.

 Đọc sách từ sớm. Đọc sách không nhất thiết phải đợi đến khi trẻ biết chữ. “Đọc” là nghe, là xem, là nhìn, là hiểu và tưởng tượng… Bạn hãy đọc sách cho trẻ nghe từ khi trẻ còn bé, từ 3 tháng tuổi chẳng hạn. Đưa ra cho trẻ thấy một cuốn sách nhiều màu sắc, bạn bắt đầu đọc, nghĩa là nói chuyện với trẻ. Trẻ sẽ lắng nghe bạn, chưa cần biết trẻ hiểu được đến đâu, những âm thanh vui vẻ, dịu dàng từ người mẹ luôn làm trẻ thích thú, nhưng màu sắc xanh đỏ trong cuốn sách làm trẻ lôi cuốn và hành động giở sách của mẹ khiến trẻ chú ý. Bạn hãy chọn những cuốn sách to, nhiều màu, hình vẽ to rõ. Tuy nhiên, đây là việc làm để tạo thói quen ban đầu, chưa cần đưa sách cho trẻ cầm, nguy hiểm cho trẻ và cả… cho quyển sách nữa!!!

 

Em bé và cuốn sách bằng vải. Ảnh: Mẹ Trang

Khi trẻ bắt đầu biết chơi đồ chơi, bạn hãy sắm cho trẻ sách bằng vải để trẻ tập giở sách. Bạn thực hiện hành động đọc sách của mình trước mặt trẻ, trẻ sẽ bắt chước rất nhanh.

Cuốn sách đầu đời của con

Từ 8, 9 tháng tuổi trở đi, bạn bắt đầu cho trẻ xem sách bằng bìa cứng. Xin giới thiệu với các bạn cách làm một cuốn sách đơn giản cho trẻ, không tốn nhiều công sức mà mang đến nhiều thích thú hơn cả sách mua sẵn nữa:

– Bạn chọn mua những tấm bìa cứng, cắt theo hình vuông, tròn, oval hoặc chữ nhật. Thường thì chỉ cần khoảng 5 đến 7 tờ là đã được một cuốn sách rồi (2 bìa, còn lại là  ruột).

– Bạn dùng keo (hồ) dán gáy từng tờ vào nhau, biên độ khoảng 1- 2 cm. Bên ngoài dùng băng dính màu dán lại – gáy sách đã hoàn thành. Nếu muốn làm sách hình tròn và oval thì nên khâu 1 điểm rồi dán 1 mẩu băng dính làm gáy sách. Chú ý không nên dùng ghim dập, nguy hiểm cho bé.

– Hai tờ ngoài cùng bạn có thể dùng giấy bìa màu hoặc dán thêm giấy màu để làm bìa sách. Dùng bút dạ viết đầu đề của sách do bạn tự nghĩ ra. Chủ đề thật vô số kể, nhưng hay nhất vẫn là cuốn sách mà các bé là nhân vật chính, như: “Dế mèn phiêu lưu ký” (bé Dế), “Mít ở nhà bà ngoại”, “Đốm và các bạn”, “Chôm Chôm đi học”, “Buổi sáng của bé Tép”… Ngoài ra, bạn có thể dùng cuốn sách để dạy con những kỹ năng theo bạn là cần thiết mà bé nhà bạn vẫn “bảo thủ” chưa chịu lĩnh hội như ngồi bô, gọi tè, vâng dạ, mặc quần áo, tự xúc ăn. Ngoài nhân vật chính là bé, nhân vật phụ rất nên là một vật mà bé yêu thích như gấu bông, cái chăn quen thuộc, cái gối ôm yêu quý…

– Nội dung sách: bạn đừng cầu toàn. Nếu bạn là họa sĩ hay cô giáo, bạn có thể vẽ tốt thì khỏi phải nói, nhưng nếu bạn ít khi cầm đến bút vẽ thì chỉ cần cắt trong họa báo ra vài hình ảnh đẹp và hợp với ý tưởng của bạn rồi dán vào sách. Bạn hãy tin đi, bé sẽ không thắc mắc tại sao bố (mẹ) dán xộc xệch hay vẽ nguệch ngoạc đâu! Tuy nhiên, nên chọn hồ tốt kẻo bé lại nảy sinh ý thích lấy móng tay cậy tác phẩm của bạn ra đấy. Hình ảnh là chính, chữ nghĩa là phụ nhưng rất cần thiết để ai cũng có thể đọc sách cho bé nghe mà nội dung thống nhất, tránh kiểu bố kể một đằng, mẹ đọc một nẻo. Dưới mỗi bức tranh, bạn hãy ghi ngắn gọn bằng chữ in hoa câu chuyện của mình. Kỳ công hơn nữa, bạn hãy đặt văn vần cho câu chuyện. Không cần phải hay, thậm chí hơi buồn cười, nhưng cần nhất là rõ ràng, không khó hiểu. Tôi lấy ví dụ: Bé Dế nhà tôi hay sợ bác sĩ. Tôi tìm trong tạp chí có ảnh một em bé đang há mồm to cho bác sĩ khám, dán vào “sách” và ghi: “Khi cu Dế ốm – Bác sĩ đến thăm – Há miệng to ra – Để bác sĩ khám – A a a a”. Chỉ đơn giản thế thôi mà rất hiệu nghiệm. Sau này khi đã biết nói, bé đọc vanh vách câu thơ con cóc ấy của tôi và tất nhiên là có đỡ ngại bác sĩ hơn một chút. Bé rất yêu một đồ vật trong nhà là cái máy giặt. Bé hay đến nhìn và …vuốt ve máy giặt. Tôi cũng lấy trong tờ quảng cáo máy giặt một cái và ghi: “Quần áo Dế bẩn – Đến lúc phải thay – Dế nhờ máy giặt – Nhớ nhé! Giặt ngay!” Cứ mỗi lần giở đến trang này là bé sung sướng như gặp người quen vậy. Và một trong những từ đầu tiên bé nói được rõ nhất là từ: “nhớ nhé”… Với cách này, bạn có thể “làm” sách để dạy bé bất kỳ điều gì từ chào hỏi, đi đứng đến màu sắc, hình khối. Sách không làm quá dày, chú ý độ tuổi càng nhỏ càng ít trang.

– Sách đã hoàn thành. Đối với sách hình chữ nhật và vuông, hãy lấy kéo cắt 2 mép góc nhọn của sách thành đường lượn cho an toàn khi bé đọc.

– Để sách trên bàn ăn của bé để bé tự chú ý và tự đề nghị bạn đọc cho, gợi tính tò mò cao hơn là bạn vui sướng cầm tác phẩm của mình đọc ngay cho bé.

Từ 2 đến 2 tuổi rưỡi trở ra là lúc bạn bắt đầu chọn lựa sách đọc thật sự cho bé. Làm cho bé một kệ sách hoặc tủ sách để bé biết đọc xong nên để sách ở đâu. Có thể gọi đó là “nhà của các bạn sách”.

Tuổi nhà trẻ, mẫu giáo

Sách gì? Các em nên đọc sách chữ to, hình ảnh tương đối to. Tuy bé chưa đọc được, bé vẫn nhìn vào những con chữ. Font chữ nhỏ quá rất hại mắt của trẻ. Tuổi này, bạn hãy lựa sách có cốt truyện nhưng không quá dài, làm sao phù hợp với nhận thức của trẻ. Tốt nhất là những truyện hoặc thơ ngụ ngôn về loài vật, những mẩu chuyện có cốt truyện rõ ràng nhưng đơn giản kể về con mèo, con chuột, cái xẻng, cái chổi… tất cả những gì gần gũi chung quanh bé vì bé vẫn còn đang ở tuổi tìm hiểu thế giới xung quanh mà. Với lứa tuổi này, những bài thơ ngắn của Phạm Hổ, Võ Quảng, Phan Thị Vàng Anh… chắc chắn sẽ làm bé thích mê. Nhưng một điều lưu ý bố mẹ là nên chọn cho bé những cuốn có hình vẽ đẹp và dễ nhìn, không rối mắt vì quá nhiều chi tiết, không đơn giản vài ba nét chấm phá mà thật rõ ràng, con mèo ra con mèo, con chuột ra con chuột… chứ đừng như trường hợp của bạn tôi, mua cho con cuốn “Cô bé quàng khăn đỏ” của một nhà xuất bản nọ, xem xong cháu hỏi mẹ: “Mẹ ơi, đây là con chuột chứ không phải con chó sói đâu mẹ ạ, chú họa sĩ vẽ nhầm!!!!” .  Ngoài ra bạn nên tìm mua những cuốn sách giáo dục, vừa học vừa chơi, những cuốn sách rèn luyện sự tập trung và trí tưởng tượng thông qua những bài tập bằng hình ảnh. Về những cuốn sách như thế chúng tôi xin đề cập tỉ mỉ hơn ở một bài viết khác.

Thời điểm đọc sách. Bạn có thể cùng đọc với bé bất kỳ lúc nào bé thích. Song nếu tạo được thói quen đọc sách cho bé nghe trước khi đi ngủ thì rất hay vì bé sẽ chờ đợi thời điểm ấy như chờ đợi một niềm vui ngày nào cũng có. Sau mỗi câu chuyện nhẹ nhàng, bé có thể ngủ được dễ dàng hơn. Nhẹ nhàng – nghĩa là không có gì đáng sợ! Bạn hãy tránh đọc về mụ phù thủy hay con chó sói… cho bé nghe vào buổi tối.

Các cách đọc sách:

– Cách 1: Cùng “xem” sách với bé bằng những câu hỏi. Khi còn bé, trẻ đọc sách thường chú ý đến các chi tiết hình vẽ mà không để ý cốt truyện. Bé có thể nhìn ra hình con chim bay trên trời mà họa sĩ chỉ vẽ sơ qua điểm thêm vào cốt truyện cho vui thôi. Tất cả đều làm bé quan tâm. Nên chăng bạn hãy hỏi bé về những chi tiết ấy: Con chim bay đi đâu thế nhỉ? Con chim có kịp bay về tổ với mẹ chim không? Ôi, cái cây này to quá, không hiểu bạn nào trồng nó thế hả con? A, mẹ Gấu à? Thế ai tưới cái cây mà nó mọc nhanh thế?….

– Cách 2: Kể chuyện bằng hình ảnh. Dù cốt truyện in ra thế nào, bạn cũng có thể kể một câu chuyện mới do bạn nghĩ ra làm bé thích thú. Chỉ cần một chút tưởng tượng. Bé ngay lập tức sẽ bắt mạch tưởng tượng cùng bạn để làm nên một câu chuyện rất hay đấy. Hãy lái câu chuyện vào một quỹ đạo quen thuộc của bé như có đả động đến bé, đến các anh chị họ, đến các bạn ở nhà trẻ v. v..

– Cách 3: Đọc nguyên văn truyện in trong sách. Cố gắng đọc diễn cảm như kể chuyện cho bé, thay đổi giọng điệu, tiết tấu của lời thoại. Có thể đọc đi đọc lại một câu chuyện trong khoảng 2 tuần nếu thấy bé vẫn hào hứng nghe. Sau đó có những câu bạn đọc nửa chừng, kéo dài giọng để bé tự thêm các từ kết thúc. Với cách đọc này thì khó áp dụng với trẻ 3 tuổi trở xuống, vì các bé hay sốt ruột hoặc thích chỗ nào thì dừng mãi hay mẹ đang đọc dở lại nhất định đòi giở trang.

– Cách 4: Kể lại câu chuyện trong sách cùng bé. Hãy coi như bạn quên mất cuốn sách ở nhà, trên đường đi du lịch bằng ôtô chẳng hạn, bạn cùng trẻ kể lại nội dung cuốn sách mà trẻ vẫn đọc. Bạn hãy giả vờ quên hay nhầm lẫn một chi tiết nào đó để trẻ sửa lại. Điều này kích thích trí nhớ và niềm vui đọc sách của con bạn rất nhiều.

Và còn nhiều cách khác mà bạn có thể nghĩ ra cho bé của mình, dựa vào ý thích và thói quen của trẻ. Luôn nhớ, bé là người quyết định đọc sách thế nào. Đôi lúc bé chỉ ngắm nhìn cái bìa sách mà di di tay vào đó, cũng là…. đọc sách!

Những trang sách đầu tiên kể cho bé nghe về tình bạn

 

Với các bé lớn hơn, từ lớp 1 cho đến lớp 6

Sách gì? Đó là những cuốn sách đã mở rộng đề tài hơn. Đó là câu chuyện về một cô bé đi học, đến trường thế nào, kết bạn ra sao, cố gắng thế nào để có điểm cao… Đó có thể là cuốn thơ của Trần Đăng Khoa với Góc sân khoảng trời đầy mơ mộng hay những mẩu chuyện nhẹ nhàng viết cho trẻ em của Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn. Đó cũng có thể là cuốn truyện tranh Đôrêmôn vui nhộn hoặc những quyển truyện cổ tích Việt Nam và thế giới mong mỏng, đáng yêu mà nhà xuất bản Kim đồng đã in tặng tuổi thiên thần của em. Ngoài hình ảnh, bố mẹ hãy cất công đọc qua để chọn cho các em những cuốn có cách hành văn giản dị, trong sáng, đúng ngữ pháp (tiếc thay hiện nay không phải cuốn sách nào cho trẻ em cũng đạt được tiêu chí trên!) và nội dung lành mạnh, không bạo lực và nhất là không có những lời lẽ không đẹp khiến các em vô tình học phải thói xấu. Với trẻ đã lên lớp 4, 5, 6, bạn bắt đầu cho con làm quen với những cuốn ít hình nhiều chữ nhưng nội dung phong phú và lôi cuốn như Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Cuộc phiêu lưu của Mít đặc và Biết tuốt (N.Nosov), Những tấm lòng cao cả (Edmondo De Amicis), Truyện cổ Andersen, Truyện cổ Grim…

Bạn kích thích niềm ham mê đọc sách cho trẻ bằng cách:

– Thường xuyên cùng trẻ đi nhà sách, hiệu sách. Mua sách truyện làm phần thưởng cho trẻ khi có dịp.

– Cùng trẻ lập thư viện riêng, có đánh số, có tủ sách đẹp và thứ tự theo ABC…, thậm chí có thể làm thẻ đọc cho cả nhà và các cô bác, anh chị họ, để bé làm thủ thư (một cuốn sổ nhỏ, vài ba tấm bìa con con ghi tên tuổi, ngày giờ mượn sách, tên cuốn sách và tác giả, hãy tập cho trẻ thói quen nhớ tên tác giả cuốn sách)

– Khuyến khích bé nói ra suy nghĩ của mình sau khi đọc được một cuốn truyện hay nào đó. Không chỉ hỏi: “Con nghĩ thế nào về…” mà bạn có thể dùng cách đố trẻ: “Đố con biết tại sao…” Bạn có thể đố trẻ nhớ được một số chi tiết đặc biệt khi tác giả tả một đồ vật, con người hoặc sự vật “Đố cả nhà trong cuốn này Tô Hoài tả dế mèn có đôi càng thế nào? Xem ai nói ra trước nhé!”. Một tháng một lần cả nhà cùng nhau ngồi đọc sách chung quanh chén trà, đĩa bánh… Mẹ đọc con nghe, con đọc bố mẹ nghe. Đây chính là lúc cả nhà cùng đọc những cuốn sách dày và ít hình ảnh như đã nêu ở trên, đọc theo từng chương, mỗi lần một chương… Những buổi sinh hoạt gia đình như thế sẽ làm bé phấn khởi và thêm háo hức đến với từng trang sách.

– Khuyến khích trẻ làm thẻ đọc sách ở thư viện của trường hoặc phường xã. Động viên trẻ tham gia các cuộc thi kể chuyện do trường lớp và các câu lạc bộ tổ chức. Lớn lên một chút, trẻ có thể tham gia các buổi giao lưu với các nhà văn, nhà thơ … và biết đâu, con bạn sẽ bắt đầu viết những vần thơ, những truyện ngắn đầu tiên của mình từ rất sớm.

Không kỳ vọng con trở thành nhà văn, nhà thơ, chỉ mong tâm hồn con, cuộc sống của con trở nên phong phú cùng những cuốn sách đáng yêu mà thôi.

TSGD Nguyễn Thụy Anh

About admin2

Scroll To Top