Home / Tư vấn - Chia sẻ / Những câu hỏi khó của trẻ (giáo dục giới tính)

Những câu hỏi khó của trẻ (giáo dục giới tính)

– Mẹ ơi, sao bạn Hoa lại ngồi tè?- Mẹ ơi, sao con trai lại có “chim”, còn con gái thì không?- Vì sao buổi trưa, con trai phải ngủ riêng, con gái phải ngủ riêng? Con thích nằm cạnh bạn Hoàng cơ, mà cô không cho!

Đây là những câu hỏi mà tôi đã từng được nghe con trai tôi, và con gái của người bạn tôi đặt ra cho bố mẹ, khiến các vị phụ huynh mặt nghệt ra mất mấy phút để suy nghĩ rất lung. Những câu hỏi khó, và ngay cả việc chọn một thái độ phản ứng thích hợp đối với những tò mò chính đáng như thế của trẻ cũng không phải là dễ dàng.

Ngày nay, chúng ta thường nghe đến thuật ngữ “giáo dục giới tính”. Đây đó, nghe trẻ tiểu học đã hỏi bố mẹ những câu rất “khoa học” về kinh nguyệt, và giao hợp, sinh nở, phá thai, bao cao su…

Chuyện đó cũng chẳng có gì khó hiểu. Trên tivi, trên các phương tiện truyền thông khác, người ta nhắc đến những từ này như cơm bữa. Ở trường học, các con đã được tiếp xúc với những tài liệu nói về giới tính, về bộ phận sinh dục của con người. Song, các bậc làm cha làm mẹ vẫn không khỏi hoảng sợ và bối rối khi nghe những câu hỏi khó của con.

Bản chất của giáo dục giới tính đối với trẻ Mẫu giáo lớn và tiểu học

Theo tôi, đối với trẻ Mẫu giáo và tiểu học, ý nghĩa giáo dục giới tính không nằm trong việc giới thiệu tỉ mỉ về bộ phận sinh dục, về các quá trình phát triển giới tính của con người. Điều ấy không cần thiết và trẻ cũng chưa đủ sức để hiểu vấn đề một cách sáng sủa. Giáo dục giới tính ở đây cần hiểu là xác lập cho trẻ một khái niệm chung về sự khác nhau giữa nam và nữ, hiểu được mình thuộc giới tính nào và cách thể hiện giới tính ấy trong cuộc sống. Trẻ cần được biết về cơ thể mình, cũng như những nguyên tắc xử sự tương tác với giới khác. Đôi khi chỉ đơn giản là ý niệm con trai rất nên “ga-lăng” với con gái, hay con trai không nên đánh bạn gái, hoặc con gái ở nơi công cộng cần phải có tác phong kín đáo. Ở một số trường tiểu học nước ngoài, người ta đề nghị bố mẹ cho con gái để tóc dài, con trai để tóc ngắn, con gái nhất thiết phải mặc váy, con trai mặc quần, đặc biệt không khuyến khích bé trai đeo hoa tai v.v. Có người cho như thế là áp đặt, nhưng chí ít, đó cũng là cách xác lập cho trẻ một “định nghĩa” về bản thân, tránh một phần nào những lệch lạc giới tính phát sinh (không bẩm sinh).

Thái độ của người lớn

Thày cô, bố mẹ chớ bỏ qua những câu hỏi khó của trẻ. Lờ đi, thậm chí còn mắng: “Hỏi vớ va vớ vẩn!”. Theo tôi, bố mẹ phải là nguồn thông tin chính xác và tin cậy nhất cho con, đừng để các bé phải quay ra tò mò tìm hiểu từ các “nguồn” khác. Với những câu hỏi ngây thơ ấy, bố mẹ hãy gắng tìm cách lý giải vừa “không sai”, vừa có một đôi chút tưởng tượng, bằng một câu chuyện nhỏ chẳng hạn. Ví dụ, để giải thích vì sao có được con, bạn có thể nói về tình cảm của bố và mẹ, rằng bố rất yêu mẹ và đã tặng mẹ một… hạt ngọc tình yêu rất đẹp. Trong bụng mẹ, có một cái túi nhỏ dành để giữ, nuôi dưỡng cái hạt ấy lớn dần lên..v..v. Ở tuổi này, trẻ con có thể gặng hỏi bạn nhiều điều, nhưng chúng cũng nhanh chóng cảm thấy hài lòng nếu được nhận một câu chuyện sinh động. Việc mô tả tỉ mỉ “như sách” những vấn đề giới tính ở đây là không cần thiết.

Thế nhưng, cũng có những hiện tượng khác ở trẻ khiến bố mẹ không thể không lo lắng, thậm chí có người còn kêu lên rằng xã hội làm con mình hư hỏng quá sớm! Xin đơn cử một vài ví dụ và đề xuất cách giải quyết:

1. Hiện tượng ghép đôi trong lớp học: Thuở bé, tôi còn nhớ, chúng tôi cũng từng gán ghép bạn nọ với bạn kia, rồi tự nhận nhau là vợ là chồng, chơi trò đám cưới, bố mẹ, con cái. Đừng vội phản đối các con. Trước tiên hãy quan sát. Nếu thấy trẻ thể hiện hồn nhiên như trong mọi trò chơi khác, thì đó cũng chỉ là một kiểu chơi của chúng mà thôi. Chúng bắt chước và mô phỏng mọi hoạt động trong cuộc sống của người lớn mà chúng vẫn được chứng kiến. Điều này không đáng sợ. Chỉ có điều, tránh chuyện “chế” – chế diễu chúng, khiến chúng xấu hổ khi bạn trai bạn gái chơi thân với nhau, khiến chúng coi đó là bất thường. Ngược lại, cũng tránh sự tự gán ghép từ phía cha mẹ. Thấy con trai chơi thân với bạn gái là gán ngay đó là vợ, là chồng, đôi khi lại cười cợt khiến chúng xấu hổ, hoang mang.

2. Những thể hiện bất thường: hay sờ bộ phận sinh dục, đôi khi có hiện tượng giống như thủ dâm. Hiện tượng này cũng không có gì đáng lo ngại. Sự phát triển về tính dục của cơ thể trẻ có thể bắt đầu rất sớm. Một bé trai ngay từ khi còn nhỏ, bộ phận sinh dục đã có thể cương cứng như người lớn. Đến khi tình cờ có một sự cọ xát, động chạm với một vật nào đó, hay đơn giản là bé được bày cách rửa ráy… và nhận được những cảm giác thích thú nhất định, bé sẽ lặp lại việc này, như một kinh nghiệm mới mẻ. Thái độ của bố mẹ thích hợp nhất là: theo dõi, nhưng lờ đi. Chớ mắng, đánh hoặc có những nhận xét vội vàng về con (“Nó lớn sớm, bé tí đã biết…”)..v..v Chỉ có điều, mỗi khi nhận thấy con có những hành động như thế, bạn hãy khéo léo đánh lạc hướng con bằng nhiều cách – bằng một trò gì đó mà con đang rất thích, rất quan tâm. Ngoài ra, bạn cần:- Tạo điều kiện cho con hoạt động nhiều hơn ngoài trời, giải phóng năng lượng của trẻ.- Khi tắm rửa cho con, thay quần áo, không bao giờ đùa cợt khiến con cảm thấy xấu hổ về cơ thể mình. Không “lêu lêu” trẻ khi trẻ “cởi truồng” để đi vệ sinh. Khi trẻ tò mò nhìn cơ thể của bạn khác, cũng hãy nén nhịn mà không mắng là “dơ”, là “vô duyên”. Ở tuổi này, đó là những khám phá lành mạnh và cần thiết. Thái độ không hợp lý của người lớn, chỉ một lần thôi, cũng đủ làm trẻ hiểu sai về cơ thể mình, thậm chí nếu thành hệ thống, trẻ sẽ có những tổn thương nhất định trong tâm lý giới tính, ảnh hưởng đến cuộc sống sau này.- Khi rửa ráy bộ phận sinh dục cho trẻ, làm dứt khoát và không quá kỹ.

3. Khi trẻ “học” được những điều “cấm kỵ” ở bên ngoài: con nghe được những câu chuyện “bậy” từ người lớn, vô tư kể với cả nhà, thái độ của bạn thế nào? Mắng át đi? Trẻ càng tò mò thích thú, vì thấy gây được sự chú ý của người khác. Bạn hãy bình tĩnh nghe trẻ nói rồi đáp bằng một giọng thờ ơ nhất: “Ừ, nhưng mẹ chẳng thấy chuyện này có gì hay cả.”, rồi lập tức chuyển đề tài: “À, thế còn bức tranh khủng long hôm qua con vẽ, con đã tìm thấy chưa?…”

… Chủ đề giáo dục giới tính cho trẻ là một câu chuyện khó và có biết bao vấn đề cần nói. Trong khuôn khổ một bài viết nhỏ, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều: Bố mẹ hãy là những người gắng hiểu được con, uốn nắn cho con trong việc này một cách khéo léo chứ không cung cấp thông tin một cách thô vụng, khô khan và phản ứng với mong muốn tìm hiểu bản thân của trẻ một cách thô bạo. Con bạn cần được lớn lên lành mạnh trong sự hiểu biết cần thiết về những điều tưởng chừng là “đáng xấu hổ” theo như quan niệm cổ hủ một thời.

 

TSGD Nguyễn Thụy Anh

About admin2

Scroll To Top