Home / Tư vấn - Chia sẻ / Cầu vồng tuổi thơ

Cầu vồng tuổi thơ

Docsachcungcon.com: Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bố mẹ bài viết “Cầu vồng tuổi thơ” của TSGD Nguyễn Thuỵ Anh để cùng tìm hiểu một số phương pháp dạy trẻ nhận biết màu sắc.

Các phương pháp dạy trẻ nhận biết màu sắc.

Nguyên tắc của chúng ta:

  1. Không nóng vội: Giới thiệu màu sắc với trẻ phải thật điềm tĩnh, chậm rãi, không giục giã, không hối thúc trẻ. Thường thì một lần bạn nên dạy trẻ 2 màu tương phản – và lặp đi lặp lại các bài tập trong vòng 2 tuần…
  2. Sáng tạo: Cách dạy phải thật sáng tạo, không nhàm chán. Bạn có thể dùng lời kể của mẹ, dùng lời thơ, dùng hình trong những cuốn sách tô màu, dùng các quả bóng bay nhiều màu, dùng những hình ảnh gần gũi hàng ngày như bông hoa trong bình hoa của nhà mình, màu bàn ghế, giường tủ, cùng bé nhìn bầu trời, cùng bé nhìn cây cỏ trong vườn… Đặc biệt quan trọng là dạy con qua các trò chơi.
  3. Chỉ dạy trẻ lúc trẻ có hứng thú, tâm trạng thoải mái và vui vẻ. Chớ nên ép buộc cùng ngồi bàn như người lớn
  4. Không chê bai trẻ nếu trẻ nói sai. Sửa lại cũng nhẹ nhàng, vui vẻ hoặc thậm chí nói sang chuyện khác, một lúc sau mới quay lại chủ đề này. Khen tặng nếu con nói đúng.
  5. Không cần kiểm tra bài kiểu như: “Màu gì đây? – Sai! Đỏ chứ!”
  6. Đừng ngại giới thiệu với bé những sắc độ khác nhau của một màu: khi bé bắt đầu biết nói, bạn có thể giúp bé phân biệt những màu như màu xanh lá cây và màu xanh da trời, da cam và màu vàng, đỏ và hồng, nâu và xám, màu đậm và màu nhạt hơn…
  7. Mỗi đứa trẻ có cách thể hiện những kiến thức học được theo kiểu của mình. Bạn đừng vội thấy con không trả lời mình mà kết luận là bé không biết gì! Rất có thể sau một thời gian nữa, bạn sẽ phải ngạc nhiên khi thấy những gì bạn dạy bé đã lĩnh hội được từ lúc nào không biết!

Giới thiệu các bài tập thực hành với bé

Bắt đầu từ đâu?

Ngay từ khi mới ra đời, em bé đã có phản ứng rất nhạy cảm với màu sắc sặc sỡ. Điều này là có thật. Song không phải lúc nào trang trí phòng, giường của bé bằng đủ các màu sắc lòe loẹt khác nhau cũng là điều hay. Bạn hãy để ý xem bé có phản ứng nhìn lâu nhất với màu sắc nào thì trong một quãng thời gian dài hãy chỉ treo trên đầu giường bé những đồ chơi có màu đó cùng1 đến 2 màu khác tương phản. Ví dụ: Đỏ, trắng, đen; hoặc; vàng, nâu hay xanh, đỏ.

Bé từ 1 tuổi đến 2 tuổi: Học tên của các màu

Bóng lăn hoặc bóng bay

Sử dụng bóng lăn với trẻ bé hơn, bóng bay với trẻ lớn hơn, có thể tung bóng cùng bạn được. Những buổi đầu bạn dùng bóng màu đỏ và màu xanh (hoặc đỏ và đen, đỏ và trắng). Bạn ngồi cách xa bé một đoạn, lăn bóng vào lòng bé, vừa lăn vừa nói:

– Mẹ lăn cho Bé bạn bóng Đỏ này!
Khi bé chụp được quả bóng. Bạn đề nghị:
– Bé cho mẹ bạn Đỏ đi!

Sau khi mấy lần như thế với bạn Đỏ, chuyển sang làm vậy với bạn Xanh. Cuối cùng thì cùng lúc lăn từng bạn:

Bạn Đỏ này, bạn Xanh này! Khi bé bắt được cả hai bạn rồi, mẹ lại đề nghị;
Cho mẹ bạn Đỏ! (bé lăn bạn Đỏ)
Cho mẹ bạn Xanh! (Bé lăn bạn Xanh)

Sau 1, 2 tuần, khi bạn chắc chắn rằng con đã nhận biết tốt hai màu thì có thể chơi bóng với 2 quả bóng, trong đó một quả mang màu cũ mà bé đã biết, quả kia mang màu mới. Với trường hợp trên, bài thứ 2 chúng tôi sẽ đưa bé màu Đỏ và Đen. Bài thứ 3 có thể màu Đen và Vàng. Sau đó bạn thử lặp lại bài tập với 3 quả bóng, 4 quả bóng….

Ngoài ra bạn có thể dùng chính màu áo, quần, mũ, khăn của bé đang mặc.

Ví dụ khi mặc quần áo cho bé mỗi ngày, bạn vừa làm vừa đọc: “Hôm nay bé Cún – Mặc áo đi chơi – Áo thì màu đỏ – quần thì màu nâu” Hoặc “Chiếc quần màu xanh – Đẹp ơi là đẹp – Chiếc áo màu vàng – Của thằng bé Cún!”. Chú ý không cần làm thơ hay, chỉ cần đọc sao cho vui vẻ, nhịp nhàng, nhấn mạnh tên của Màu. Với tuổi này, bạn đừng vội thêm những từ như màu xanh biếc, màu đỏ rực rỡ v.v. Nói sao cho ngắn gọn nhất, dễ hiểu nhất đó là màu gì.

Bé từ 2 đến 3 tuổi cần những bài tập phân biệt màu phức tạp hơn

Bạn chọn các con thú bông có một gam màu nhất định: ví dụ búp bê màu đỏ, gấu bông màu trắng, mèo màu xám, cáo màu vàng… Chọn cho mỗi con một mảnh vải cùng tông màu. Bạn hãy đề nghị con quàng khăn cho các em bé trước khi đi chơi cho khỏi rét! Nhắc con nhớ là các em thích đúng màu khăn của mình cơ, con đừng nhầm nhé. Mỗi khi bé đưa nhầm khăn, hãy giả vờ giọng thú bông hoặc búp bê mà nũng nịu; “Không, không, em mặc áo vàng, khăn em màu vàng cơ!” Nếu đúng thì reo lên; “Cảm ơn anh (chị) … Đúng là khăn em! Màu này là màu…. (ngân giọng ra để con cùng nói với bạn) Vàng! Lúc này bạn đã có thể dùng các màu như xanh lá cây, xanh da trời, vàng, da cam…một cách mạnh dạn.

Dùng các hình khối gỗ hoặc nhựa nhiều màu. Từ những hình khối này, bạn có thể bày ra nhiều trò. Ví dụ có thể cùng con xây nhà. Bạn là thợ xây, con là người giúp bạn đưa các viên gạch dựng nhà. “Nào, bác Cún mang cho tôi viên gạch màu Vàng nào! Viên gạch màu Xanh lá cây nào!”. Nếu bé hứng thú thì cứ tiếp tục xây cao… Bài học này chắc chắn sẽ khiến bé phân biệt màu nhanh hơn. Cuối cùng khi đã xây rất cao, bạn hãy cảm ơn chú thợ xây bé nhỏ thật nhiệt tình vào.

Ném vào đích: dùng các hộp màu khác nhau hoặc các chậu màu sắc khác nhau. Bạn có thể lấy giấy màu dán qua quýt lên cái chậu, cái rổ… bất cứ cái gì trong nhà có được, miễn là thể hiện được màu sắc rõ ràng. Chuẩn bị một số đồ vật nhỏ như trái bóng nhựa, các mẩu gỗ… dùng làm đồ để ném. Đứng cách một đoạn vừa đủ cho bé có thể ném trúng. Trò này cả nhà cùng chơi là vui nhất: Bố, mẹ, con hoặc là bà, mẹ và con.

Nếu có cả bố thì nên để người lớn bắt đầu trước để con biết cách bắt chước theo. Một người xướng, một người đánh giá. Ví dụ Mẹ xướng “Đỏ” thì Bố ném vào hộp đỏ. Mẹ kêu “Xanh lá cây” thì Bố ném vào hộp màu xanh lá cây! Cứ mỗi lần bố ném là con hô to: “Đúng” hoặc “Giỏi”! Nếu ném sai thì con hô: “Sai!” Chú ý thỉnh thoảng bố mẹ lại giả vờ nhầm để con có thể đánh giá đúng sai cho đều! Sau đó đến lượt Bé và Mẹ.

Bạn hãy lấy giấy màu cắt thành các bông hoa to có nhiều cánh. Bông hoa vàng, đỏ, tím, hồng, da cam.. Ví dụ bông hoa có 5 cánh thì bạn chỉ dán lên bảng hoặc lên tường 4 cánh. Bé phải chọn cho những bông hoa đó cánh hoa bị khuyết… Tương tự như vậy, bạn có thể dùng bài tập này để luyện các sắc độ của màu. Ví dụ: những cánh hoa tím nhạt, tím than, đỏ, hồng, vàng, da cam…

Dùng bút lông (cọ) hoặc bút dạ vẽ:

Từ 2 tuổi rưỡi đến ba tuổi, bạn đã có thể cho bé chơi với phấn màu hoặc màu nước. Trong khi cùng mẹ vẽ những bức tranh hoặc tô tượng bé sẽ học được nhiều điều kỳ diệu qua trò chơi với màu sắc. Bạn đừng bắt bé phải tô màu đẹp hoặc vẽ những bức tranh có hình, có khối. Chỉ cần bé có ý niệm rõ ràng về màu sắc thôi.

Ví dụ, hãy vẽ sẵn một ngôi nhà, có những bông hoa bên cạnh, chỉ thiếu lá và cỏ thôi. Bạn hãy nhờ bé vẽ giúp ít cỏ cho đẹp. Bé tự chọn màu.

Hoặc bạn vẽ sẵn vòng tròn có mắt mũi.. là ông mặt trời đang cười ở trên cao. Hãy nhờ bé vẽ các tia nắng của ông mặt trời. Bé cũng tự chọn màu.

Hãy dùng cuộc sống, thiên nhiên xung quanh làm bài học cho bé con của mình.

Điểm ôtô, xe máy: Nếu có dịp đứng ở đâu đó nhìn ra đường, có những chiếc xe máy hoặc ôtô đang vượt qua, bạn có thể cùng bé thi xem ai nói nhanh và đúng màu của xe… Cái này không nhất thiết nói chính xác. Hãy coi đó là trò vui để kích thích nhận biết màu của con, mang lại những giây phút cùng cười vui thoải mái cho mẹ và con. Bạn có thể giả vờ nói ríu cả lưỡi: “Xanh, xanh, đỏ, lại xanh, xanh da trời, xanh lá cây, đỏ, đỏ, đỏ, vàng… Ôi mẹ mệt quá!”.

Cùng nhau nhìn lên bầu trời xem hôm nay trời màu gì, có mây màu gì… Buổi đêm thì trời màu gì…

Từ 3 tuổi trở lên:

Con bạn đã hoàn toàn có khả năng nắm bắt màu qua ngôn ngữ. Đây là lúc bạn chêm những từ miêu tả màu sắc vào các câu chuyện kể cho bé: màu đo đỏ, xanh xanh, tim tím, đỏ tươi, đỏ thẫm, xanh biếc, xanh biêng biếc, tím ngắt… Và cả các ngữ so sánh: môi đỏ như máu, má đỏ hồng như quả táo chín, trắng tinh như hạt muối v.v. Bạn đừng e ngại bé bị quá tải! Bé có khả năng lớn hơn nhiều so với những gì cha mẹ nghĩ về bé đấy!

Tóm lại, với trí tưởng tượng riêng của mình, bạn sẽ nghĩ ra được rất nhiều bài tập về màu sắc để mang lại cho bé con những khái niệm ban đầu rõ ràng mà lại phong phú về thế giới sắc màu.

Ngược lại, với trí tưởng tượng của bé, bé sẽ mang đến cho bạn nhiều bài học thú vị khác mà người lớn không bao giờ biết tới nếu không có trẻ con, giống như tôi như thế này:

MÀU SẮC

Mẹ dạy con bài học về màu
Bài đầu tiên chỉ có xanh và đỏ
Đỏ là hoa và xanh là cỏ
Sắc màu nào cũng rõ cũng tươi

Mắt ngây thơ, trong trẻo, yêu đời
Con chỉ thích những màu sặc sỡ
Áo con mặc cũng vàng hớn hở
Chạy trong nhà như một chú gà con…

Hôm nay con đã biết nhiều hơn
Con thích ngắm màu da trời xanh ngắt
Con bảo trên kia có nhiều mây trắng
Và lo lắng vô cùng khi thấy bóng mây đen

Trời tối rồi, con thủ thỉ: “Màu êm”:
Êm dịu trăng lên và rất nhiều sao sáng
Trời có sao con gọi “màu lấp lánh”
Trời không sao con biết nói “nhờ nhờ”

Mẹ gửi cầu vồng vào những giấc mơ
Nghe xôn xao tiếng cười con vui vẻ
Và sáng ra chờ con khoe với mẹ
Những cái tên kỳ lạ của từng màu!

Bài học về màu này mẹ sẽ nhớ rất lâu….

TSGD Nguyễn Thụy Anh (Bài đã đăng trên Tạp chí Mẹ & Bé, tháng 3/2007)

About DuongMy

Scroll To Top