Home / Tư vấn - Chia sẻ / An toàn khi sử dụng mạng xã hội

An toàn khi sử dụng mạng xã hội

Ảnh: internet

Cô Thuỵ Anh thân mến, cháu muốn hỏi cô làm sao để dùng mạng xã hội an toàn ạ. Theo cô, cháu nên sử dụng mạng xã hội như thế nào để không bị ảnh hưởng bởi các nguồn thông tin không tốt và không bị “bắt nạt” trên mạng xã hội ạ?

Bàn Thị Dương (bangduong2512@gmail.com)

———————————————————

Em Dương thân mến,

Một người bắt đầu tham gia mạng xã hội mà có sự băn khoăn như em thì người ấy thật sự chín chắn đấy. Thậm chí, không phải người lớn nào cũng có sự chín chắn như vậy.

Có người bảo: “Ôi dào! Nghĩ mà làm gì nhiều! Đến đâu hay đến đó!”… Thế nhưng, công nghệ thay đổi chóng mặt, thói quen và những mối quan tâm của chúng ta cũng thay đổi, nhanh hơn cả sự chuẩn bị về tâm lý nữa! Vì thế mới có nhiều chuyện đau lòng đáng tiếc xảy ra như có bạn trẻ bị comment không thiện chí, hạ nhục trên mạng xã hội… đến mức bị trầm cảm hoặc những bạn trẻ bị những người bạn-mạng dụ dỗ, xúi bẩy làm điều xấu..v…v

Cô xin chia sẻ với em một số kinh nghiệm nhỏ của cô về vấn đề này qua hình thức đặt câu hỏi nhé!

  1. Trang cá nhân của mình trên mạng xã hội là thế giới riêng của mình, mình muốn nói gì, post gì cũng được phải không? Cứ nói thoải mái, đưa tin gì thật “hot” để “câu view” – nhiều người like càng tốt, sai thì xoá, chẳng sao cả – có đúng không?
  2. Mình có nên luôn luôn cập nhật địa điểm mình đang có mặt trên mạng xã hội?
  3. Có phải bất kỳ thông tin gì thú vị, giật gân đọc được ở trang khác, ở tường người khác, mình cũng nên chia sẻ lên trang của mình?
  4. Khi tranh luận trên mạng xã hội, mình dùng ngôn ngữ càng ấn tượng mạnh mẽ càng tốt, “nói bậy”, “đệm” một chút mới ngầu. Nó chẳng ảnh hưởng gì đến hình ảnh của mình ngoài đời, đúng không?
  5. Trên mạng xã hội, năm châu bốn bể là anh em. Cứ add và chat thoải mái, khoe ảnh thoải mái, có gì mà phải sợ. Đằng nào thì cũng có gặp nhau thật đâu mà lo. Nghĩ vậy có đúng không?
  6. Nếu có ai đó nhắn tin riêng tâm sự với mình qua mạng thì mình có nên nhận lời và tâm tình với họ không? Vui mà!
  7. Nếu có người bạn trên mạng xã hội hẹn gặp mặt mình ở đâu đó thì mình nên nhận lời chứ?
  8. Khi hai người tranh cãi trên mạng xã hội, đó là việc của hai người, không ảnh hưởng đến ai khác cả. Có đúng vậy không?
  9. Có những người mình thấy khó chịu, không thích họ, gặp mặt thì mình lại không nói ra hay “mắng mỏ” gì họ được. May quá, có mạng xã hội để trút. Mình có nên kể xấu họ, nặng lời mạt sát hoặc thêu dệt đôi chút để bõ ghét không?
  10. Có nên chia sẻ mọi cảm xúc của mình trên trang mạng xã hội không? Trang cá nhân giống như nhật ký của mình mà, có gì mà ngại, đúng không?
  11. Có nên đặt một nick name lạ để tha hồ nói năng, tung tin thất thiệt trên mạng không? Ai mà tìm ra mình chứ!
  12. Đôi khi, mình post ảnh xấu xí kỳ dị của người khác lên mà cười cợt cho vui cũng có sao?! Ảnh chụp ngoài đường, có gì hài hước cứ tung lên để cư dân mạng bàn tán chơi, chẳng ảnh hưởng đến ai. Có đúng vậy không?
  13. Một ngày nên vào mạng xã hội bao nhiêu thời gian?
  14. Có rất nhiều trang mạng nhạy cảm ghi +18, nhưng ai cấm mình vào xem! Mình có thể ngó vào một chút được không? Ai biết được mình đã xem những hình ảnh đó, sợ gì! Có phải làm vậy mới là “cool”, người lớn, không bị chê là trẻ con không?

Bây giờ, em hãy thử cùng các bạn mình trả lời những câu hỏi trên. Nghĩ kỹ và nghĩ trước về những điều có thể xảy ra từ một lời nói, hành động của mình trên mạng xã hội – đó cũng là cách tự bảo vệ mình rồi đó!

Để em có lời giải đáp đúng nhất cho mình, cô chỉ lưu ý em một vài điểm thế này:

  • Khi chúng ta tham gia mạng xã hội, cho dù không ai nhìn thấy mình, mình cũng không thể hoàn toàn “giấu mặt”. Mọi lời nói, hành động của mình đều vẫn thể hiện con người mình và mình vẫn phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì mình post. Khi cần, người ta vẫn dễ dàng tìm ra mình ở ngoài đời với mọi thông tin đầy đủ về mình. Vì thế, hãy thận trọng. Đưa tin sai, tin giả, tin tự tạo dựng, tin vu khống, tin khiến cộng đồng hoang mang – đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
  • Trên mạng, không phải tin nào cũng… đáng tin. Rất nhiều “fake news” được tạo dựng vì nhiều mục đích. Chính vì thế, phải tỉnh táo. Chúng ta “share” lại tin giả là chúng ta tiếp tay cho người xấu đấy!
  • Sức lan toả của mạng xã hội rất kinh khủng. Sau một vài phút, vài giờ, thông tin có thể được “share” chóng mặt, mình không thể kiểm soát được. Kể cả khi em để chế độ chỉ bạn bè mình mới đọc được thì bạn bè cũng có thể chia sẻ ra bên ngoài. Những tin bài, hình ảnh em đưa lên mạng trong lúc nóng giận, vội vàng hoặc chỉ là đưa lên “thử phản ứng” của bạn bè, nếu sau đó em ân hận rút lại, xoá đi, thì chúng vẫn tồn tại ở đâu đó nếu có người nhanh chóng lưu lại, chụp lại màn hình.
  • Mỗi lời nói xấu của em trên mạng về một người khác, cho dù là bông đùa, đều có thể ảnh hưởng tiêu cực sâu sắc đến người khác. Đã có trường hợp bạn trẻ phải chuyển trường, phải đau khổ hoặc thậm chí, có ý định tự tử vì những bàn tán thiếu thiện chí trên mạng xã hội.
  • Những thông tin cụ thể về mình như hình ảnh, cập nhật địa điểm mình đến, mọi ngõ ngách trong nhà mình … đều có thể bị bọn xấu lợi dụng. Vì thế, hãy tiết chế và thận trọng trong việc chia sẻ với cả thế giới những gì riêng tư của em.
  • Không phải nhẫu nhiên mà nhiều nội dung trên mạng người ta để +16 hoặc +18. Chắc chắn, đó là vì chúng có thể ảnh hưởng không tốt đến các em ở độ tuổi nhỏ hơn mà chính các em cũng không biết được. Những thay đổi về tâm lý, hooc-môn, những kích thích về sinh lý… từ đó tạo nên những ám ảnh hoặc hành vi lệch chuẩn. Thậm chí, nhiều thanh thiếu niên phạm tội chỉ từ những khuyến khích trên mạng. Nếu chúng ta tỉnh táo nghĩ đến tương lai của mình, nếu chúng ta muốn sống lành mạnh, hồ hởi với cuộc đời, thì hãy dừng lại, tìm một hoạt động thể thao, bạn bè bên ngoài chứ không đắm mình vào không gian ảo. Nhiều điều chỉ cần tặc lưỡi “thử” – thử xem, thử làm theo, “thử một lần mất gì!” – nhưng sau đó ân hận, rút lại đã không kịp nữa.
  • Việc ai đó nhắn tin riêng hoặc hẹn gặp mặt, cho dù có thể là người bạn đơn thuần thấy những điều gần gũi giữa em và bạn mà muốn tiếp cận gần hơn, cô vẫn khuyên phải thận trọng. Ta vẫn tôn trọng bạn nhưng cũng hãy có các động tác đề phòng cần thiết. Chẳng hạn, kể cho một người bạn thân nghe về người bạn trên mạng. Giả sử có gặp gỡ, cũng nên gặp cùng nhóm bạn của mình. Đừng làm gì hoàn toàn “một mình” – đó là nguyên tắc. Trong khi trò chuyện, nếu có dấu hiệu của sự “moi thông tin”, thiếu đứng đắn, nhất định phải kể ngay với một người lớn mà em tin cậy. Điều này ngăn chặn những sự việc đáng tiếc xảy ra. Em hãy lưu ý là, những gì mình nói trong các chat room, inbox không hoàn toàn riêng tư. Nội dung đó có thể bị chụp lại, copy và lợi dụng khi cần thiết.
  • Việc kiểm soát thời gian vào mạng của mình cũng là việc nên làm để tự bảo vệ mình! Bảo vệ sức khoẻ, tinh thần cho mình! Việc này cả người lớn cũng cần lưu ý chứ không chỉ các em đâu! Đôi khi, xem lại lịch sử vào mạng và tham gia mạng xã hội của mình, ta mới giật mình thấy, ta tốn quá nhiều thời gian cho những thứ bên trong màn hình! Thế cũng có nghĩa là, ta tự giảm bớt thời gian đi dạo, trò chuyện với người thân, bạn bè, chơi thể thao, đọc sách, học bài, và… ngủ! Vì thế, cả cô và em, ai cũng nên tỉnh táo. Và trong lúc còn ở trạng thái tỉnh táo, chưa nghiện mạng xã hội, rất nên đặt ra luật cho chính mình: Nên vào mạng những giờ nào? Vào bằng thiết bị nào? Nên đặt chuông nhắc thời gian hay không? Nếu mình mềm yếu, không mạnh mẽ mà dứt ra được, có nên nhờ người bên ngoài (bố mẹ, bạn) nhắc không? Khi thoát ra khỏi mạng mà vẫn bứt rứt khó chịu, có nên cất điện thoại, máy tính vào nơi nào đó, khoá lại hoặc nhờ bố mẹ giữ để mình khỏi … tặc lưỡi ngó vào thêm? Những việc này thoạt nghe thì buồn cười, tưởng là vớ vẩn nhưng thực ra sẽ giúp ta chiến thắng được bản thân, tiết kiệm được thời gian, giúp ta được sống cân đối giữa thời gian bên ngoài và trong mạng. Suy cho cùng, cuộc sống trên mạng đầy màu sắc thú vị nhưng vẫn là công nghệ dẫn dắt chúng ta. Khí trời, ánh sáng tự nhiên, vạn vật cựa mình thay đổi quanh ta, mùi hương của cuộc sống, những âm thanh rộn ràng hoặc êm ái của gió, cây, chim chóc… đó là điều ta có thể bỏ lỡ. Ta cũng bỏ lỡ cả hơi ấm có được khi người thân bạn bè ngồi bên nhau, chạm vai nhau, những cảm xúc không lời nhiều khi phải cảm nhận chứ không nói ra được. Đằng này, ngồi cạnh nhau mà tay vẫn bấm điện thoại, tâm trí còn ở những miền xa khác mà các trang mạng mở ra cho chúng ta. Sống bên nhau, ở cạnh nhau mà thời gian dành cho nhau ngày càng ít đi! Dành thời gian nhiều cho công nghệ, máy móc, ta hoàn toàn có thể biến thành một người máy luôn ngồi một chỗ với những… ngón tay hoạt động, đầu óc hoạt động, nhưng các giác quan mòn dần… Hãy bảo vệ mình trước cả điều này nữa, em nhé! Đáy cũng là điều cô phải tự nhắc mình nữa đấy.

Cảm ơn em về một câu hỏi hay.

Và chúc mừng em đã có ý thức bảo vệ mình trước khi tham gia thế giới mạng đầy lôi cuốn, nhiều ích lợi và cũng có những mặt trái của nó!

Thân mến,

Cô Thuỵ Anh.

About Chang Che It

Scroll To Top