Home / Tư vấn - Chia sẻ / Chuyện con trai, con gái

Chuyện con trai, con gái

 Có phải con trai thì phải thích màu xanh, con gái thích màu hồng?

Có phải con trai thì khoẻ, con gái thì yếu?

Có phải con trai thì không được khóc? Và chỉ con gái mới rửa bát, quét nhà?

Chuyện giáo dục giới tính là một vấn đề không đơn giản trong thời đại mới này. Chỉ cần “vượt quá ranh giới mong manh” của thông tin là bố mẹ trở thành người áp đặt vô lý, bỏ qua mọi thể hiện cá tính của con. Nhưng nếu không dạy con thì liệu con có thể bị lệch lạc giới tính chăng?

Theo thiển ý của tôi, bố mẹ cần quan sát và nương theo cá tính của đứa trẻ để chia sẻ, dùng các câu chuyện, trò chơi để phân biệt giới tính và các hành vi tương ứng.

Một số nguyên tắc chia sẻ:

1. Liên minh giới tính:

Từ bé, tạo liên minh “Bố và con trai”, “Mẹ và con gái” với những điểm nhấn như đồ đôi (cùng kiểu và màu váy, phụ kiện; cùng kiểu và màu áo phông, quần sooc). Mẹ thì thầm rủ con gái cùng làm một điều bí mật để tặng sinh nhật bố. Bố rủ con trai cùng làm một món quà cho mẹ… Cho dù, về nguyên tắc giới tính thì bố và con gái, mẹ và con trai sẽ có những đồng cảm, nương nhẹ nhau, nhưng khi làm một việc đặc trưng giới tính riêng thì bố nên rủ con trai, mẹ nên rủ con gái. Điều này là một cách khẳng định trực quan: con gái thuộc liên minh của mẹ, con trai thuộc liên minh của bố mà không phải áp đặt bằng lời.

Ngoài ra, khi các con đến tuổi biết chơi với bạn ở trường mầm non, bố mẹ chủ động kết nối, tạo liên minh cha mẹ các bạn nữ, cha mẹ các bạn nam để thi thoảng rủ nhau đi chơi, chụp ảnh, cà phê, cùng mua đồ, cùng đến các nơi trải nghiệm, tạo cộng đồng cùng giới tính cho con.

2. Đồ đạc, hành vi đặc trưng giới tính:

Bố hướng dẫn con trai, mẹ hướng dẫn con gái những vấn đề vệ sinh cá nhân đặc trưng giới tính ngay từ khi con lên 2, 3 tuổi, các cách đứng ngồi, ý tứ… Đến tuổi lên 4, 5, các con cũng nên bắt đầu mặc đồ lót đặc trưng giới tính của mình.

3. Phá cách cá tính:

Tuy nhiên, cũng sẽ có những lúc các cô bé nằng nặc đòi mặc theo mốt tomboy, các cậu bé lại quan tâm đến làm bếp. Có sao không! Không sao. Đó sẽ là những trải nghiệm thú vị. Bố mẹ chỉ cần … nín thở theo dõi, sẵn sàng hỗ trợ, cho lời khuyên khi cần. Sau mọi phá cách, thử nghiệm, các con sẽ trở về đúng là mình cùng những định hướng nhẹ nhàng mà bố mẹ đã làm thời con còn bé. Về màu sắc cũng vậy, không nhất thiết áp đặt con “phải” thích hay dùng màu này, màu kia vì là con trai hay con gái. Hãy tôn trọng cảm nhận của con!

anh chuyen con trai con gai

Câu chuyện giới tính (ảnh: internet)

4. Phân công việc nhà:

Cho các con biết khái niệm trách nhiệm của thành viên trong gia đình và sự phân công công việc – mỗi người một việc – chứ không phải con gái thì làm việc nhỏ, việc bếp núc, con trai là việc… khác.

5. Không định kiến:

Thường người ta hay nói: “Con trai phải mạnh mẽ, không được khóc!” hoặc “Con gái phải dịu dàng!”, rồi “Con là con trai, con phải nhường bạn!”… Nhắc lại những điều này dễ rơi vào tình trạng khắc sâu định kiến xã hội, đôi khi khiến trẻ sống không đúng bản tính, tạo áp lực tâm lý cho đứa trẻ, không cản trở trẻ tin vào sự khác biệt đáng yêu của mỗi người. Mỗi đứa trẻ được quyền thể hiện cá tính, cảm xúc thật của mình. Các bạn nhỏ cần phải hiểu, dù là trai hay gái, nam hay nữ, các con đều đáng được tôn trọng như nhau và tuân theo các chuẩn mực đạo đức chung. Con trai hay con gái đều không được làm tổn thương nhau cả thể chất lẫn tinh thần. Không cổ suý cho việc con gái sau này khi lấy chồng phải răm rắp nghe lời chồng, phải phục vụ và hy sinh, nhẫn nhịn vì gia đình, vì chồng con! Việc chia sẻ, tìm cách hiểu nhau, giúp đỡ, hỗ trợ nhau, đặc biệt là tôn trọng nhau – cần đến từ hai phía.

6. Quy tắc ứng xử xã hội:

Tuy không sa vào các định kiến xã hội, bố mẹ vẫn nên giới thiệu cho các con những quy tắc ứng xử xã hội được xã hội văn minh đặt ra để thực hiện ở các quốc gia nói chung. Ví dụ, theo phép lịch sự, giới thiệu phụ nữ trước, nhường đường, nhường lời cho phụ nữ trước. Con trai mở cửa xe, cửa ra vào mời phụ nữ lên xe, bước vào, bước ra – đó gọi là lịch sự, là “ga-lăng”. Vì thế, nếu cần nhường đồ chơi cho bạn gái hay nhường cuốn sách cho bạn đọc trước thì đó là phép lịch sự chứ không phải áp đặt “bắt buộc phải nhường!”. Nhường hay không, thể hiện mình là người lịch sự hay không – hoàn toàn là lựa chọn riêng của con!

TSGD Nguyễn Thuỵ Anh (Bài đã đăng trên Tạp chí Cầu Vồng, 11/2019)

About admin2

Scroll To Top