Home / Bài Viết / Cuộc sống rất cần “Những tấm lòng cao cả”

Cuộc sống rất cần “Những tấm lòng cao cả”

Với riêng tôi, không có cuốn truyện nào hay nhất, cũng không có những áng văn nào là tuyệt vời nhất vì mỗi cuốn sách mang lại cái nhìn riêng, cảm nhận riêng cho mỗi người. Trong kho tàng truyện tranh và sách văn học của mình, tôi đã đọc và yêu thích truyện “Những tấm lòng cao cả” của nhà văn Ý Edmondo de Amicis.

Mỗi ngày trôi qua là những trang nhật ký về những bài học, những bỡ ngỡ của cậu Enricô – bé mới lớn. Cậu không quá nổi trội so với các bạn cùng trang lứa, bố cậu là nhà báo và cậu có một gia đình thật tuyệt vời. Cuộc sống của cậu chìm đắm trong tình yêu thương vô bờ bến và những bài học làm người của bố mẹ. Trong suốt 10 tháng liền của năm học lớp 3, cậu đã ghi chép lại những cảm tưởng, những câu chuyện cảm động mà cậu được tận mắt chứng kiến hay được biết qua những câu chuyện đọc hàng tháng. Qua ghi chép ấy, ta có thể thấy tình cảm thân thương mà cậu dành cho trường học và gia đình.

Đó là sự kính trọng, mến yêu và nể phục của cậu đối với những thầy cô giáo quên cả bản thân, dành cuộc đời và lẽ sống của mình cho học trò như cụ giáo Crôxetti chỉ nghỉ hưu khi đã ngoài 80 tuổi, cô giáo lớp 1 của Enricô gắng gượng đến cùng dù đau ốm cũng không bỏ trường học hay thầy Pecbôni cương nghị mà nhân từ… Những thầy cô giáo ấy cả đời cống hiến, sống thiếu thốn nhưng trong lòng chỉ có ước mơ duy nhất là học trò thành đạt và không bao giờ quên mình…Những người bạn học của Enricô  quả là những người bạn hết sức tuyệt vời, đã đem lại cho cậu không ít bài học bởi lẽ “Học thầy không tày học bạn”. Cậu bé Coretti hàng ngày dậy từ 5h sáng để đi vác củi cho bố mẹ mà không hề than vãn một lời, vẫn luôn tươi vui, hoạt bát, tranh thủ mọi thời gian để có thể vừa học, vừa làm, vừa chăm sóc mẹ ốm. Cậu con trai mặc dù bị bố đánh đập nhưng không hề than vãn một tiếng, vẫn không ngừng bênh vực bố, không ngừng cố gắng học tập dù rằng nhiều khi cậu đến trường với cái bụng rỗng không, và chính cậu đã làm cho người bố nát rượu của mình thay đổi. Điều này quả là rất khó khăn!

Tháng nào, bố hay mẹ của Enricô cũng “nói chuyện” với cậu một cách nghiêm túc bằng cách viết thư cho cậu, thư thì khuyên răn, thư thì cảnh cáo hay trách mắng. Bố của cậu luôn khuyến khích cậu mời bạn bè về chơi để có thể kết thân và học hỏi từ họ, cũng như cho phép cậu ra ngoài để tìm hiểu cuộc sống và bố mẹ luôn là tấm lương cho cậu bé noi theo.Những câu chuyện đọc hàng tháng đã được thầy Pecbôni chọn lọc là những bài học vô cùng quý giá. Cậu bé Mario đi biển, khi tàu bị đắm đã khảng khái nhường chỗ trên xuồng cấp cứu cho người bạn mới quen vì bạn còn có bố mẹ đang chờ đón, còn cậu thì côi cút. Cậu bé Maccô vượt hàng trăm dặm với bao khó khăn, tủi nhục, đớn đau để đi tìm mẹ và đã đem lại hy vọng sống gần như đã tắt lịm trong người mẹ khốn khổ này…

 

Trong những câu chuyện thường nhật tại trường học, ở nhà Enricô, nhà các bạn của cậu và cả trên đường phố đã có những bài học thực sự cảm động và ý nghĩa. Đó là sự quả cảm quên mình của cậu bé lớp 2 Robetti liều mình cứu em bé lớp vỡ lòng thoát chết. Cậu đã bị xe đè nát chân nhưng khi tỉnh dậy chỉ hỏi một câu: “Cặp sách của cháu đâu rồi?”. Chứng kiến cảnh những người lớn chăm chỉ trong lớp học buổi tối mặc dù cả ngày đã vất vả làm việc nhưng vẫn quyết tâm học để biết đọc, biết viết, là học sinh, chúng ta nghĩ sao đây?

“Những tấm lòng cao cả” là một trong những tác phẩm được hầu hết các độc giả nhỏ tuổi yêu thích vì thông qua đó tác giả  đã nói lên tấm lòng của mình với cuộc sống. Đọc xong cuốn truyện này, tôi đã hiểu thêm tâm sức của “những người chở đò”, hiểu thêm sự cần thiết và quan trọng của mối liên hệ giữa gia đình, nhà trường, xã hội, để những học sinh như chúng tôi nên người và trở thành một công dân tốt.

Phạm Phương Linh 

Lớp 7A8 trường THCS Lômônôxôp, Hà Nội

Bài viết tham dự cuộc thi viết về “Cuốn sách yêu thích của em” do báo Phụ nữ thủ đô phát động

About DuongMy

Scroll To Top