Home / Tin Tức / Đọc sách cùng con, lớn lên cùng con!

Đọc sách cùng con, lớn lên cùng con!

VOV.VN – TS Nguyễn Thụy Anh thông qua CLB Đọc sách cùng con để chia sẻ với các bậc cha mẹ phương pháp giáo dục trẻ

Một không gian ấm cúng, giống như gia đình, có ghế sopha, có bàn uống nước, những đồ chơi xinh xinh cho trẻ em và… cơ man nào là sách. Các bậc cha mẹ có thể đưa con mình tới đây đọc sách mỗi ngày, và dự các buổi sinh hoạt tập thể theo chủ đề vào thứ bảy, chủ nhật.

Một không gian gia đình

CLB Đọc sách cùng con là mô hình hoạt động xã hội phi lợi nhuận, nhằm hỗ trợ cho việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc, tập trung vào đối tượng trẻ em và gia đình của trẻ.

Đọc sách là kênh giao tiếp gần gũi giữa bố mẹ và conTS Nguyễn Thụy Anh, người sáng lập và điều hành CLB kể: Chị sống một thời gian ở nước ngoài, năm 2009 mới về nước. Đến năm 2010, khi con chị biết đọc, chị đưa cậu bé đi mua sách và để cho con tự chọn sách. Rồi sau đó, chị bất ngờ… choáng khi phát hiện con bắt chước theo sách, nói với mình bằng thứ ngôn ngữ kinh khủng kiểu như: “hay á, hay cái đầu mẹ ấy!”.Lúc đó chị mới để ý thấy các bố mẹ khác cũng phàn nàn như vậy. Con của họ đọc truyện tranh, mê truyện tranh, và bỗng trở nên nói năng cộc lốc như ngôn ngữ trong khá nhiều cuốn truyện tranh.Rồi trong khi trao đi đổi  email qua lại với các bạn học ngày xưa, giờ cũng là các bậc cha mẹ, họ cũng thường bàn luận với nhau về việc chọn sách cho con đọc. Thế là chị nảy ra ý định tạo ra một nơi để các bậc cha mẹ chia sẻ những thông tin về sách với nhau, mua cho con cuốn nào thực sự tốt cho lứa tuổi của con; tiến đến là nơi các bố mẹ trao đổi phương pháp giao lưu với con, hiểu và giáo dục con cho đúng cách.

 

TSGD Nguyễn Thụy Anh

Ngành chuyên môn của TS Nguyễn Thụy Anh là phương pháp giáo dục, nên chị cũng muốn bằng cách nào đó chia sẻ phương pháp giáo dục trẻ em với mọi người.

Thông qua đọc sách, cha mẹ có thể nói với con được nhiều điều. Thụy Anh thấy được điều này chính qua câu chuyện của mình. “Hồi tôi còn học lớp 7, lớp 8 gì đó, bố tôi có lần thấy tôi đọc sách. Ông nhìn cuốn sách và bảo: bố không tin con có thể đọc hết cuốn sách đó trong vòng có nửa tiếng đồng hồ. Tôi liền tìm cách chứng minh… Về sau tôi hiểu đó là cách bố “khích” tôi. Bố đặt câu hỏi về từng chi tiết trong sách, mình trả lời được, thì cụ khen ngợi. Mình càng tự hào, càng say sưa, càng muốn chia sẻ với bố…”

Mô hình CLB Đọc sách cùng con không chỉ thu hút các cháu nhỏ và chủ yếu, thông qua các cháu nhỏ, hướng tới cha mẹ các cháu. CLB sở dĩ được bài trí như gia đình, bởi TS Nguyễn Thụy Anh cho rằng, trẻ hiện nay gắn bó với trường học quá nhiều. Sáng, chiều học bán trú ở trường, tối và ngày nghỉ lại đi học thêm, các cháu về nhà chỉ để ngủ, dần bị thiếu đi không gian gia đình, cảm xúc gia đình và những phút giây ở bên cha mẹ.

Mang lại điều gì cho trẻ?CLB Đọc sách cùng con ra đời ngày 6/6/2010, đúng kỷ niệm ngày sinh của văn hào Nga vĩ đại Puskin. Buổi sinh hoạt đầu tiên, dự đoán khoảng 20-30 bố mẹ tham gia, nhưng không ngờ sự truyền tin trên mạng đã dẫn tới kết quả khoảng 200 người đã đến. Điều đó cho thấy rằng nhu cầu về việc đọc sách, hướng dẫn con đọc sách và một cộng đồng đọc sách vẫn hiển hiện trong xã hội, chứ không phải là văn hóa đọc không còn.  TS Nguyễn Thụy Anh tổ chức các buổi trò chuyện với cha mẹ, và các hoạt động vui chơi cho trẻ xung quanh việc đọc sách. Tại CLB, các cô phụ trách sẽ hướng dẫn các cháu đọc. Các cô cùng các cháu tạo ra không khí xung quanh câu chuyện và thông qua các trò chơi, giúp các con giao tiếp tốt hơn, học văn tốt hơn và cảm nhận cuộc sống ngày càng tinh tế hơn.

Các bé học kể chuyện bằng hình thức diễn rối

TS Nguyễn Thụy Anh cho biết: “Chúng tôi thiết kế các buổi đọc sách có chuyên môn, tăng các hoạt động có mục đích lôi cuốn khiến các con thích đọc, xây dựng thói quen đọc sách, kỹ năng đọc sách cho trẻ, nhằm mấy mục đích thế này:

Thứ nhấttăng sự tập trung của trẻ, cái đó sẽ giúp việc học ở trên lớp tốt.

Thứ haităng khả năng ngôn ngữ, trong đó có phản xạ về ngôn ngữ, vốn từ và cách sử dụng ngôn ngữ. Trên thực tế nhiều cháu tham gia sinh hoạt đều thì việc sử dụng ngôn ngữ khá hơn hẳn, phản xạ nhanh hơn, nói chuyện gãy gọn hơn.

Thứ ba là dạy các con cảm nhận về cuộc sống này, thông qua đọc sách. Khi ta nói 1 từ gì đó trong sách, trẻ phải tưởng tượng được những hình ảnh xung quanh từ đó chứ không chỉ đơn giản là giải nghĩa của từ. Ví dụ, hỏi các con xem nghe từ “chăn” các con nghĩ đến gì? Thì ngoài điều căn bản là cái chăn dùng để đắp cho ấm, các con đã trả lời rằng các con nghĩ đến: len, dạ, ấm áp, đi ngủ, cuộn tròn, mẹ (người đắp chăn cho mình)… Như thế thì cảm xúc mới phong phú và trẻ sẽ học được từ vựng. Khi học ở trên lớp về từ, trẻ không chỉ thuộc một giải nghĩa khô khan mà có cảm nhận bằng các giác quan, sẽ hiểu bài ở trường nhanh hơn.

Thứ tưluyện trí  nhớ. Có những bài tập trong lúc đọc sách là để luyện trí nhớ.

Thứ năm luyện sự tưởng tượng.

Thứ sáuluyện tư duy quan sát, so sánh, , liên tưởng, phân tích, trong đó có tư duy logic. Nếu trẻ có tư duy logic tốt, sẽ học tốt hơn”. Và như vậy, chị kết luận: “Tôi muốn làm sao để 3 bên: nhà trường, xã hội, gia đình… hỗ trợ được nhau để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ”.Qua gần 4 năm hoạt động, đến nay CLB Đọc sách cùng con có khoảng 500 gia đình đăng ký thành viên nhận thông tin chia sẻ online, khoảng 80 thành viên gia đình đến sinh hoạt thường xuyên.

Những kỷ niệm vui buồn

CLB mang đến cho TS Thụy Anh nhiều niềm vui nhưng đôi khi cũng có những rắc rối, buồn bực. Một kỷ niệm mà chị tâm sự, đến giờ nhắc lại vẫn thấy… áy náy. Ngay buổi sinh hoạt đầu tiên của CLB, chị đã làm mất một cuốn sách. Đó là cuốn sách to, nặng, có những hình rất đẹp mà chị mang từ Nga về, để minh họa khi nói chuyện. Mải trò chuyện với các phụ huynh, loáng một cái, chị không còn thấy cuốn sách đâu. Mà cuốn đó… trẻ con không thể nào bê đi được. Không biết làm sao, chị liền viết thư hỏi các bậc cha mẹ đã đến tham dự, xem có ai… mang cuốn sách về không. Chẳng có ai trả lời.  Chị đâm ra áy náy vì mình đã hỏi thế, khiến cho những người không cầm cuốn sách cảm thấy bận lòng. Chị buồn không phải vì cuốn sách mua đắt tiền, lại mất công mang từ xa xôi về, mà vì cuốn sách đó là kỷ niệm, chị rất quý, muốn chia sẻ với những người khác…CLB thời gian đầu hoạt động miễn phí, về sau thì có thu một khoản phí nhỏ để chi phí điện, nước, người hướng dẫn trẻ em… Và vì thế, chị rất chạnh lòng khi có ai đó nghi ngờ rằng những buổi trò chuyện về sách ở CLB chẳng qua nhằm mục đích… bán sách thu tiền (!).Có những ngày hè nóng nực, vì yêu trẻ, chị bỏ tiền mua hoa quả bày ra cho các cháu đến dự ăn cho mát. Có những bà mẹ ngăn con mình không ăn, e rằng “đồ miễn phí thì không đảm bảo”. Là người cả nghĩ, những chuyện linh tinh như vậy nhiều khi cũng làm chị thấy buồn buồn.

 

Những trò chơi sinh hoạt tập thể sôi nổi

Nhưng bên cạnh đó, chị được sự ủng hộ hết mình của nhiều người. Các nhà văn, như Lê Phương Liên, Hữu Việt, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Xuân Thuỷ, Phong Điệp…; nhà giáo Vũ Thế Khôi, nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm, dịch giả Vũ Phong Tạo… đến với CLB thường không phải với tư cách một nhà văn, mà như những ông bà, cha mẹ của trẻ. Các nhà văn thường xuyên ủng hộ CLB sách để làm quà tặng cho các cháu nhỏ.

Nhiều hoạt động của CLB được tạp chí Tia Sáng và Cà phê Trung Nguyên hỗ trợ kinh phí tổ chức, thường là những khoản kinh phí nhỏ thôi nhưng rất hữu ích.

TS Nguyễn Thụy Anh: Luôn sẵn sàng chia sẻMô hình CLB Đọc sách cùng con có sự lan tỏa đến các địa phương khác. Nhiều người tâm huyết với việc đọc sách đã liên hệ với TS Nguyễn Thụy Anh, nhờ chị tư vấn để triển khai CLB đọc sách ở địa phương họ. Chị Vy ở Hội An, hay nhóm Không Gian Đọc ở Thái Bình… là những ví dụ thành công về việc này. Ở các tỉnh, trình độ của hướng dẫn viên còn hạn chế vì chưa được đào tạo, cơ sở vật chất cũng kém hơn, nhưng sự nhiệt tình lại rất lớn. Nếu ở thành phố, người lớn chỉ tham gia CLB nếu có con, cháu tham gia; còn ở tỉnh, có nhiều người con cái họ đã lớn rồi, họ vẫn sẵn sàng nhiệt tình đến với CLB.Gần đây, TS Nguyễn Thụy Anh tham gia vào dự án của tổ chức World Vision, huấn luyện đọc sách cho trẻ em các địa phương miền núi, vùng sâu. Chị đã đến một số huyện miền núi ở Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Quảng Trị, Điện Biên… Ở những nơi này, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nhưng mọi người  rất nghiêm túc và cầu thị. Làm việc với các trẻ em vùng cao, ban đầu, chị cũng soạn những câu hỏi khá dễ, nhưng sau đó phát  hiện được ra rằng các em rất nhanh ý và thông minh.

TS Thụy Anh hướng đọc sách cùng các bạn nhỏ ở Điện Biên

Điều chị mong muốn là sau khi dự án kết thúc, việc dạy đọc cho trẻ em ở vùng sâu vùng xa này vẫn tiếp tục. Nếu muốn kết quả bền vững đó, theo chị, cần đầu tư tốt vào con người, tập huấn kỹ năng cho các cô giáo. Phải làm sao huy động được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các tổ chức khuyến học ở địa phương.

Hiện nay trên khắp các tỉnh thành, hầu như nơi nào cũng có quỹ khuyến học. Quỹ này có hoạt động phổ biến là phát phần thưởng cho các em học sinh khá, giỏi vào các dịp cuối năm. Kinh phí hạn hẹp nên phần thưởng hầu hết chỉ loanh quanh bim bim, vở viết, mà bọn trẻ dù nhận được cũng không thấy quý. Hơn nữa, các em học sinh khá, giỏi thì ở lớp cũng có phần thưởng rồi, việc khuyến học cần hướng tới các em chưa giỏi, khuyến khích các em cố gắng hơn. Cách làm như vậy thật hình thức, không đi vào thực chất. Phần kinh phí này nếu tổ chức các hoạt động nâng cao văn hóa đọc (vốn không đòi hỏi nhiều kinh phí), thì sẽ hiệu quả và thiết thực hơn. 

TS Nguyễn Thụy Anh chia sẻ với các phụ huynh cách dạy con học môn vănCác bậc cha mẹ và cả các cô giáo thường đến với CLB Đọc sách cùng con để trao đổi ý kiến với TS Nguyễn Thụy Anh về phương pháp dạy trẻ, từ cách phát âm sửa nói ngọng, đến việc dạy trẻ lòng trung thực hoặc xử lý các mối quan hệ ở trường… “Sắp tới tôi muốn lập phòng tư vấn cho các cháu tuổi teen. Đây không chỉ là phòng tư vấn về các vấn đề tâm lý bất thường của trẻ, mà còn là nơi trẻ nói được về những vấn đề riêng tư mà đôi khi các cháu thấy khó chia sẻ với ai”- TS Nguyễn Thụy Anh cho biết./.

Nhận xét về CLB Đọc sách cùng con

* Nơi rèn luyện những kỹ năng sống (Nguyên Bình)

* Một không gian lý tưởng với nội dung thông tin hữu ích cho mẹ và bé và cả gia đình (Nguyễn Thị Ngà)

* Sau khi tham gia buổi toạ đàm về nuôi dưỡng trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tâm hồn, được TS thuỵ Anh giới thiệu về tâm lý chăm sóc trẻ nhỏ và giới thiệu trang CLB Đọc sách cùng con, tôi thấy đây là trang FB rất hữu ích và cần thiết đối với mỗi bà mẹ đang chăm sóc trẻ nhỏ (thể chất và tâm hồn). Cảm ơn TS Cao Thị Hậu và TS Nguyễn Thuỵ Anh rất nhiều vì đã cung cấp nhiều kiến thức hữu ích cho mọi người. (Nguyen Hong Phuc)

* Câu lạc bộ Vì Hòa Bình xin chân thành cảm ơn sự hỗ trợ từ phía CLB Đọc sách cùng con trong chương tình Đông ấm tình thương 2013 diễn ra tại trường tiểu học Vừ A Dính, xã Động Quan, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái (VPV Club).

Cảo Thơm/VOV online (Bài viết từ năm 2014 )

About admin2

Scroll To Top