Home / Bài Viết / Đọc sách cùng con ngay cả khi con đã lớn, tại sao không?

Đọc sách cùng con ngay cả khi con đã lớn, tại sao không?

Nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng đọc sách cùng con chỉ cần thiết khi con chưa biết đọc. Khi con đã có thể tự đọc rồi, hãy để chúng tự đọc các cuốn sách mà chúng thích và chúng muốn. Tôi, một phần đồng ý, một phần muốn chia sẻ một cách tiếp cận khác: Hãy giúp con mình trở thành những người ham mê đọc sách hơn nữa bằng cách đọc cùng chúng, thậm chí ngay cả khi con đã đọc thông, viết thạo.

Theo một báo cáo gần đây với tựa đề “Đọc sách trong gia đình và Trẻ em” (Kids & Family Reading Report) của Scholastic, có một vài con số ấn tượng: Hơn một nửa số trẻ tuổi từ 0 – 5 (khoảng 54%) được nghe đọc sách ở nhà; trong khi đó, trẻ em ở độ tuổi 6 – 8, cứ 3 em mới có 1 em (tức là khoảng 34%) và con số này lại khiêm tốn hơn với trẻ ở độ tuổi 9 – 11, cứ 6 em mới có 1 em (tức là khoảng 17%). Điều đó có nghĩa là khoảng 66% trẻ khi đã biết đọc thì bố mẹ cũng tự động “từ chức”, không đọc sách cùng chúng nữa. Dù rằng đây là con số nghiên cứu ở nước ngoài, nhưng tôi đồ rằng, ở Việt Nam cũng có tình trạng tương tự, dù chắc chắn về mặt con số là không giống nhau. Chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt hơn thế. Và chúng ta cần làm tốt hơn thế.

Với tư cách là một phụ huynh, tôi thấy rằng tôi không phải là một người đọc sách thay cho em bé của tôi, mà là một người truyền cảm hứngtạo động lực cho con đọc sách. Cũng cần phải nói thêm rằng, điều này phụ thuộc vào quan điểm của từng cha mẹ. Nếu bạn cho rằng đọc sách là hoạt động thường ngày tại nhà thì bạn vẫn đọc sách cùng con trẻ – ngay cả khi chúng đã đủ lớn và tự biết đọc. Đọc sách cần phải được tạo thành thói quen, chỉ khi thực hành và thực hành liên tục, bạn và con bạn sẽ “đôi bên cùng có lợi”, đều trở thành những “khách hàng thân thiết” của thế giới sách.

Vậy nên, dù con cái đã lớn, đã đọc trôi chảy tất cả các cuốn sách, nhưng bố mẹ vẫn có thểnên cùng đọc với chúng. Tại sao?

Bởi vì khi đọc sách cùng con, bạn có thể dừng lại và thảo luận với chúng về các từ vựng mà có thể chúng đã “bỏ lỡ” ở lần tự đọc của chúng. Điều này sẽ giúp trẻ nhớ và biết cách sử dụng từ trong bối cảnh phù hợp.

Bởi vì khi đọc sách cùng con, bạn có thể dừng lại và chia sẻ những kiến thức sâu rộng hơn về một vấn đề được nêu lên ở trong sách. Nó sẽ giúp trẻ biết cách kết nối kiến thức của các môn học khác nhau.

Bởi vì khi đọc sách cùng con, bạn có thể tạo nên một “môi trường và không gian an toàn” để hỏi những câu hỏi khó hơn mà trẻ không hề sợ sệt, chia sẻ về những lo lắng hay thách thức với con. Điều này sẽ giúp bố mẹ nắm bắt tâm tư của trẻ, trẻ sẽ tự tin và biết cách thể hiện cảm xúc của mình.

Bởi vì khi đọc sách cùng con, bạn có thể “đo lường” được tình yêu sách vở của chúng và đưa ra những gợi ý giúp chúng ham mê đọc sách hơn trong tương lai. Đây là nền tảng quan trọng để bạn không bỏ lỡ bất kỳ giai đoạn phát triển nào của con trẻ.

Bởi vì khi đọc sách cùng con, bạn và con đang làm một việc cùng nhau, hoàn toàn dành thời gian đó cho nhau mà chẳng bị bận tâm bởi việc gì khác. Nhất là trong xã hội hiện nay, nó sẽ giúp gắn kết các thành viên trong gia đình hơn.

Bởi vì khi đọc sách cùng con, bạn có thể cho con thấy bạn yêu thích đọc sách tới mức nào. Tình yêu đọc sách từ bố mẹ sẽ có ảnh hưởng tích cực đến các thành viên nhí trong nhà.

Và hơn hết cả, bởi vì khi đọc sách cùng con, bạn sẽ thấy, con bạn thực sự vui vẻ.

Hồi tôi tham gia khoá học “Giáo dục vì Sự phát triển Bền vững” ở Nhật Bản trong khoảng 2 tuần, tôi có tham dự một tiết học “Phát triển Bền vững” của các em học sinh lớp 8 ở Kesennuma. Chủ đề thảo luận được đặt ra là: “Năng lượng hạt nhân – Ủng hộ hay Phản đối”. Lớp học được chia thành hai phe, phe ủng hộ và phe phản đối, mỗi bên đều cố gắng đưa ra các lý lẽ, thuyết thục bên còn lại, chứng minh tính đúng đắn cho ý kiến của phe mình. Chúng ta có thể học được gì từ tiết học này? Bạn hoàn toàn có thể thiết kế một tiết học như vậy với em bé của mình, về vấn đề mà cả hai đều đang quan tâm. Đó cũng chính là một cách đọc sách cùng con hữu hiệu.

Có thể bạn sẽ “phàn nàn” với tôi rằng, trong nhịp sống hiện đại bận rộn như thế này, khi nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn thường trực, nhất là khi bạn có nhiều hơn một đứa con, thì được “giải thoát” khỏi việc dạy dỗ một đứa đã có thể tự đọc là một niềm sung sướng, hà cớ gì lại phải tốn thêm thời gian cho chúng. Nhưng tôi có lời mời tới các bậc làm cha làm mẹ, trước hết hãy đọc và ngẫm nghĩ tất cả các “bởi vì” ở trên, lên thời gian biểu với con để tìm thời gian thích hợp cho việc đọc sách cùng nhau; sau đó, hãy bắt đầu bằng việc “thử”. Hãy làm thử. Hãy thử “hành động” và duy trì việc này thành thói quen, rất có thể sẽ đến lúc, đấy là khoảnh khắc vui vẻ và hạnh phúc nhất trong ngày của gia đình bạn.

Hiếu Nguyễn dịch

Tác giả: Allison McDonald

Nguồn: scholastic.com

About admin2

Scroll To Top