Home / Bài Viết / Khi con đến tuổi dậy thì

Khi con đến tuổi dậy thì

Câu chuyện về tuổi dậy thì là một câu chuyện dài mà chúng ta đã đả động đến trong rất nhiều bài viết. Trong 3 lứa tuổi khủng hoảng của một đứa trẻ thì đây có thể là giai đoạn khủng hoảng mạnh nhất, nhiều dằn vặt nhất và để lại nhiều ấn tượng cả tích cực lẫn tiêu cực nhiều nhất trong ký ức. Giai đoạn khủng hoảng dậy thì này của trẻ không chỉ là lúc trẻ chịu đựng khủng hoảng mà còn là lúc trẻ bắt đầu biết tự đánh giá bản thân cao hơn và chuẩn bị cho quá trình tự lập phía trước: tự lập trong tư duy, trong sinh hoạt, trong các quyết định nghề nghiệp.

Thời gian gần dây tôi có cơ hội tiếp xúc nhiều với các bạn trẻ 13-14 tuổi, gặp gỡ các bố mẹ của họ và cảm nhận được rất rõ những vấn đề của các gia đình – trong đó có nhiều vấn đề chung: chuyện các mối quan hệ bạn bè mới mẻ của trẻ, bố mẹ thích hay không thích bạn của con, đánh giá sai hoặc định kiến…; chuyện con bỗng nhiên hay cãi và phản ứng mạnh khi bố mẹ phê phán hay cằn nhằn nhiều; hoặc đôi khi tranh cãi và buồn bực chỉ bắt đầu chỉ là một thông điệp từ bố mẹ hoặc từ đứa con được đưa ra và bị hiểu sai. Chính vì thế, trong bài viết này, tôi muốn bàn đến một vài vấn đề chung của tuổi dậy thì. Nắm được những điều làm nên sự “khủng hoảng” của các em trong tâm lý thì người lớn cũng dễ dàng hỗ trợ, hóa giải chúng cùng các em. 

 Băn khoăn về cái “Tôi” trong khi chưa hoàn toàn hiểu hết mình

Thời kỳ này, các cô cậu bé vấp phải một vấn đề là họ luôn bị ngợp (ngại, sợ) những người lớn. Dường như uy tín của người lớn, những kinh nghiệm của người lớn luôn luôn là sự cản trở các cô cậu thể hiện mình, mà nhiệm vụ của các cô cậu bé tuổi này đặt ra là PHẢI SỐNG KHÁC ĐI so với thời kỳ trước đó, nếu không thì làm sao mà đi đến trưởng thành được? Vì vậy, họ thường:

SỢ HÃI

HOANG MANG

KHÔNG TIN TƯỞNG VÀO BẢN THÂN

 —–> BỰC BỘI, CÁU GIẬN

Một mặt những bực bội cáu giận này khiến khoảng cách giữa trẻ và bố mẹ lớn thêm, điều đó khiến bố mẹ buồn phiền mà cũng chính các cô cậu bé cũng không biết làm sao. Một mặt, đó là cú hích khiến cho những đứa trẻ của chúng ta phải vùng vẫy để tìm đường đi tiếp, giải quyết những vấn đề của mình, tự tìm hiểu bản thân và tìm ra một quyết định mới. Đó là những quyết định gì?

  1. Trẻ phải khẳng định sự TỰ LẬP, KHÔNG PHỤ THUỘC của mình: tự giải quyết các vấn đề của mình; xem xét lại một loạt CÁC GIÁ TRỊ (tình bạn, tình yêu, trách nhiệm…); tìm ra các nguồn thông tin và các nơi có thể khẳng định vị trí và cái “tôi” của mình, ngoài bố mẹ và người thân. Lúc này, BẠN BÈ, THÀY CÔ đối với trẻ rất quan trọng, uy tín của bạn bè lớn dần lên so với trước đây. Trước, trẻ hay nói, bố mẹ tớ bảo, giờ sẽ có niềm tin lớn đối với một vài người bạn thân nào đó.
  2. Trẻ cần có sự sẵn sàng cho việc… trưởng thành và ngày càng trở nên tự tin hơn khi NHẬN THỨC VÀ ĐÁNH GIÁ ĐƯỢC BẢN THÂN
  3. Trẻ bắt đầu hướng tới việc XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH LÂU DÀI CHO CUỘC ĐỜI VÀ NGHỀ NGHIỆP để có thể hăm hở đi theo con đường mình chọn. Rất sai lầm nếu ở thời điểm này, bố mẹ hoàn toàn quyết thay cho con.
  4. Trong mọi hành động của mình, trẻ cần học được cách TỰ KIỂM SOÁT CẢM XÚC, ĐIỀU KHIỂN ĐƯỢC CHÍNH KIẾN VÀ CÓ TRÁCH NHIỆM CÁ NHÂN – đây là những khái niệm rất quan trọng.

Việc của người lớn trong thời điểm này không phải là chạy theo giải quyết từng việc một cho con, cũng không phải khẳng định với con là bố mẹ là người đáng tin cậy để con dựa vào mà phải khuyến khích con quen dần với việc tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình bằng cách:

  1. Đề nghị con chọn một công việc trong gia đình và giữ đúng nguyên tắc, không làm hộ, không tặc lưỡi bỏ qua một vài hôm con ngại không làm.
  2. Khen ngợi, khuyến khích những năng lực cá nhân của con và tìm cách để những khả năng đó được phát triển, có ích cho gia đình và cộng đồng. Chẳng hạn, con có khả năng đá bóng, khuyến khích con tham gia đội bóng của trường hoặc đi dạy bóng đá tình nguyện cho các em nhỏ mồ côi. Con có khả năng Toán tốt, bố mẹ đề nghị con hỗ trợ việc lên kế hoạch chi tiêu hoặc ghi chép, tính toán các bước thực hiện một công việc hay dự án nhỏ nào đó. Con có khả năng tiếng Anh, bố mẹ đề nghị con dạy cho em hoặc cho con tham gia các buổi đọc sách tiếng Anh cộng đồng..v..v… Qua những hoạt động ấy, trẻ nhanh chóng khẳng định và tin vào khả năng của bản thân, chuẩn bị cho các bước quyết định nghề nghiệp tiếp theo.
  3. Khi có vấn đề nho nhỏ xảy ra như con đánh mất tiền, làm hỏng gì đó… thì khuyến khích con đưa ra giải pháp của riêng mình chứ không vội vàng xử lý hộ con. Ví dụ: con có thể đi làm thêm để trả lại số tiền đánh mất hoặc nhận một việc gì đó về nhà làm. Bố mẹ hãy kiên nhẫn đứng bên ngoài hỗ trợ khi cần thiết.
  4. Luôn tỏ ra cần sự giúp đỡ của con và tự hào về những sáng kiến của con, dù nhỏ nhất. Luôn hỏi ý kiến con các việc nho nhỏ trong gia đình.

Cảm giác cô đơn là một vấn đề khác nữa của tuổi dậy thì

 Cảm giác cô đơn này thường đến với các em nếu trước đó gia đình, môi trường của các em có nhiều khuôn phép, công thức khép kín và khi bắt đầu bung phá để hòa mình vào môi trường bạn bè bỗng trở nên quan trọng đối với tuổi teen, các em gặp khó khăn không lý giải được, những vấn đề nhỏ bỗng trở nên phức tạp – bạn bè không giải quyết được những xích mích…v..v… Muốn hỗ trợ con vượt lên cảm giác có thể có này, bố mẹ nên:

  1. Khuyến khích con có cái nhìn tích cực về sự vật, sự việc, con người. Nếu con mới chỉ biết phê phán thì hãy đặt những câu hỏi để con khám phá được những mặt hay, mặt thú vị của những người hoặc những sự việc gây cho con khó chịu. Chẳng hạn, nhận xét về chú hàng xóm: “Chú này công nhận hay xả rác lung tung, nhưng nếu mình nhắc nhở thì chú ấy thu dọn ngay mà lại không tự ái. Tính dễ chịu ghê!”. Hoặc: “Trời xầm xì quá, thế này là chúng ta không đi chơi bóng theo kế hoạch được. Nhưng cũng có cái hay là có thời gian ở nhà, bố con mình cùng xem một bộ phim mới. Lâu lắm rồi không xem…”
  2. Năng nói lời khen chân thành và khuyến khích con nhận lời khen đó. Chẳng hạn: “Bác Nhật bảo con khéo tay là đúng đấy vì con khủng long con nặng cho em Bon rất đẹp. Theo bố, con không nên chối khi bác khen mà nhận nặn thêm mấy con khủng long nữa cho các anh chị nhà bác, cũng hay mà”.
  3. Khuyến khích con nói ra điều mình mong muốn bằng cách: cứ mỗi tháng hoặc mỗi quý, cả nhà chơi trò: “Tôi muốn…” (Con muốn… Bố muốn… Mẹ muốn…). Nói được ra mong muốn của mình cũng là một kỹ năng tốt để tự hiểu bản thân, đồng thời biết cách cho người khác hiểu mình, không bắt người ta đoán già đoán non mà mình không đạt được lại dễ cảm thấy khó chịu.
  4. Nếu ai đó làm một điều gì mình chưa được hài lòng thì cũng hướng dẫn con cách nói ra điều ấy một cách xây dựng, không khiến người ta tự ái. Đây là một “bài tập” luyện sự tinh tế, đồng thời cũng không giữ lại trong lòng những ấm ức, bực bội, khó chịu.

Những băn khoăn về cơ thể mình

Đây là những băn khoăn chính đáng, những thay đổi kỳ lạ trong cơ thể khiến các em lo lắng, hồi hộp, thậm chí, sợ hãi. Đây là lúc các em đặc biệt có nhiều câu hỏi về sinh lý mà không biết hỏi ai và thường thì bạn bè chia sẻ với nhau, ngoài ra có thể tiếp cận các nguồn thông tin khác một cách lén lút, e dè. Vậy bố mẹ hãy chú ý, thời kỳ này, cố gắng tìm mua những cuốn sách nói về tuổi dậy thì, những cuốn sách trả lời nhiều câu hỏi của bạn trai, bạn gái mà các em có thể đọc một mình, không cảm thấy xấu hổ. Ngoài ra, hãy chủ động hướng dẫn các con (bố hướng dẫn con trai, mẹ hướng dẫn con gái) các vấn đề vệ sinh cá nhân, các vấn đề giới tính. Làm việc này một cách tự nhiên, không quan trọng hóa vấn đề.

 Những thông điệp bị hiểu sai

Trong giao tiếp hàng ngày, chúng ta liên tục đưa ra các thông điệp và nhận thông tin từ “đối tác”. Tất cả những thông điệp đó giúp cho chúng ta hiểu nhau và xử lý các tình huống một cách hài hòa, đồng thuận.

Khi đến tuổi dậy thì, với sự xáo trộn về tâm sinh lý, đứa trẻ có thể hoàn toàn hiểu sai thông điệp từ phía bố mẹ và nó có quyền có những kết luận riêng của nó. Sự hiểu nhau giữa bố mẹ và con cái không phải chỉ ở chỗ, đồng ý với nhau về quan điểm này nọ, về gu thẩm mỹ, về gu nghệ thuật..v..v. mà còn nằm ở những thông điệp truyền đi không được hiểu đúng ấy. Chẳng hạn, tôi lấy ví dụ của tôi: trong một thời gian dài bận bịu công việc, không gần gũi được con, tôi cảm thấy có lỗi và quyết định sắp xếp lại công việc của mình, bỏ đi một số việc, một số việc mang về nhà làm, thức rất khuya sau khi con ngủ. Thời gian con đi học về là luôn gặp tôi ở nhà, không làm gì ngoài làm việc nhà và nói chuyện với con, cho đến khi con ngủ. Tôi cũng không hề cho con biết về những vất vả sắp xếp của mình, chia sẻ mục đích của mình khi mình ở nhà nhiều hơn. Nhưng một lần, tôi nghe con tâm sự với bạn: Mẹ tớ không đi làm, chỉ ở nhà, có mỗi bố tớ làm việc thôi, mẹ tớ không kiếm ra tiền. Điều này làm tôi khá sốc. Không phải tôi lo việc cháu đánh giá mình làm hay không làm ra tiền mà thấy rõ, cháu không hề nhận được thông điệp mà mình muốn gửi. Đôi khi, có cả những hành động của bố mẹ cũng đem đến cho trẻ một thông điệp sai. Ví dụ: bố mẹ chỉ âu yếm, hiền dịu khi con ốm. Thông điệp: “Con nên ốm nhiều hơn để bố mẹ tỏ ra quan tâm đến con”.

 Và chính những thông điệp bị hiểu lệch lạc đi đã GÂY TỔN THƯƠNG  cho người trong cuộc chứ không phải chính thông điệp đó.

 Vì vậy, bố mẹ cần trò chuyện sao cho thông điệp gửi đến con đúng là điều bố mẹ cần nói.

Còn một vấn đề rất lớn nữa của tuổi dậy thì là xử lý các mối quan hệ xã hội mà khuôn khổ bài viết không cho phép tôi bàn tiếp ở đây. Chúng tôi xin trình bày vào số sau của Mẹ và Bé. Mong các độc giả đón đọc.

 TSGD Nguyễn Thụy Anh 

About admin2

Scroll To Top