Home / Tư vấn - Chia sẻ / Lãng mạn là một phẩm chất? Tốt hay xấu?

Lãng mạn là một phẩm chất? Tốt hay xấu?

Một phụ huynh phàn nàn với tôi, rằng con của chị mới học lớp Hai mà lúc nào cũng mơ màng, học hành có vẻ không tập trung, đã bắt đầu quan tâm đến bạn trai và thích nói đến những hoàng tử sẽ đi trên con tàu có những cánh buồm đỏ thắm đến với cô bé. Chị kể về những cuốn sách mà cô bé được bố mua cho từ hồi biết đọc,cho rằng, chính chúng là nguyên nhân gây ra sự lơ đễnh trong học tập và những phiền toái từ những cảm xúc nồng nhiệt của cô bé trong mọi chuyện.

Tôi nghĩ, chúng ta phải bình tĩnh xem lại trước khi “kết tội” những cuốn sách kinh điển hiền hậu kia.

Trong buổi đọc sách cùng Andersen với những ngày văn học châu Âu ở Việt Nam vừa rồi, tôi nhớ có một bà mẹ giải nghĩa từ “lãng mạn” là mơ mộng viển vông. Ở góc độ nào đó, có lẽ đúng: lãng mạn hay mơ mộng thực chất cũng chỉ là một trò chơi của trí tưởng tượng. Đó cũng là những cảm xúc hoặc phẩm chất có được cùng trí tưởng tượng. Nó diễn ra dựa trên những trải nghiệm của con người, đồng thời cũng vượt qua những trải nghiệm hiện thực để con người tự xây dựng cho mình một hệ thống hình tượng và ý tưởng mới, dựa trên những khái niệm đã có. Thế nhưng, thực sự lãng mạn hay mơ mộng có “viển vông” và vô bổ không thì còn phải bàn.

Bãi cỏ đầy chong chóng  tại EcoCamp 2014 đợt 1 do CLB Đọc sách cùng con tổ chức

Lãng mạn là một phẩm chất

Từ “lãng mạn” trong từ điển tâm lý hoặc từ điển phổ thông có cách giải nghĩa khác nhau. Nhưng với tôi, lãng mạn là một phẩm chất không dễ mà có được và cần phải hiểu rộng thêm ra – đó là sự tinh tế của con người khi nhìn thế giới, năng lực đồng cảm, khả năng nhìn ra những vẻ đẹp, khả năng nghe,nhìn, cảm nhận thế giới bằng mọi giác quan nhanh và nhạy hơn người khác để từ đó có được một phẩm chất quan trọng: năng lực rung động.

Lẽ đương nhiên, không phải ai cũng có năng lực ấy. Có những người bước ra đường hàng ngày mà không biết đầu ngõ nhà mình có một cây bàng thay lá theo mùa. Có những người nhìn trời mưa chỉ biết ca thán mà không được đôi lần cảm thấy sự thú vị của một cơn mưa kéo đến bất chợt làm giải tỏa sự oi bức cũng như những ấm ức bực bội của một ngày làm việc bỗng trở nên nhẹ nhõm.

Nhưng cũng lại là lẽ đương nhiên, ngay cả một phẩm chất quan trọng cũng có thật và giả, giống y như viên đá quý vậy. Có sự lãng mạn giả tạo do con người muốn mình trở nên khác biệt, đã khoác lên người chiếc áo mơ mộng không vừa. Họ có thể nghe nhạc,thưởng hoa, mơ màng nói những câu chuyện xa xôi… chỉ để chứng tỏ mình muốn xa lánh thực tế cực nhọc với đầy rẫy những trách nhiệm, công việc phải thực hiện.

Lãng mạn đúng nghĩa như một phẩm chất của con người phải thật sự là một năng lực- nội lực của con người ấy, không chỉ thể hiện qua bề nổi bên ngoài. Phẩm chất này nếu có thể hình thành ở một đứa trẻ sẽ nó sống không vô cảm với thiên nhiên, con người, trau dồi sự ý tứ, tinh tế mà bố mẹ vẫn thầm mong muốn ở nó, trong mọi việc. Đứa trẻ sẽ dễ dàng đưa ra các quyết định trong những tình huống khó khăn. Đơn giản vì trí tưởngtượng giúp nó hình dung diễn biến tương lai tốt hơn,nhanh hơn, để có thể cân nhắc hơn thiệt đúng sai và“nhìn” được những hướng giải quyết sớm hơn người không có nhiều tưởng tượng.

Lãng mạn không chỉ dừng lại ở năng lực cảm nhận thế giới, năng lực rung động mà còn là yếu tố hình thành năng lực thể hiện cảm xúc và sáng tạo.

Thế giới nội tâm con người phong phú cho họ khả năng sáng tạo dồi dào. Chẳng hạn, cùng một sự kiện sinh nhật mà một người chỉ biết tổ chức theo một khuôn mẫu có sẵn: bánh kem, nến, thiệp chúc mừng…, đến nỗi không còn phân biệt nổi sinh nhật năm nào với năm nào. Còn một người khác mỗi năm lại biến sự kiện ấy thành một niềm vui đặc biệt, theo nhiều kiểu khác nhau, khiến người ta có thể ghi nhận:sinh nhật năm 14 tuổi, sinh nhật năm 20 tuổi… như những mốc thời gian đáng nhớ.

Cách thể hiện cảm xúccủa mình với một người, với nhiều người, với một sự kiện cũng vậy. Người lãng mạn sẽ tưởng tượng ra nhiều cách khiến người khác cũng phải rung động theo họ. Mà khả năng sáng tạo này là vô biên với những trải nghiệm và cá tính riêng của từng người, không thể bắt chước. Trong các hoạt động nghề nghiệp tương lai, khả năng này đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng tới sự thành công trong sự nghiệp. Còn trong cuộc sống riêng tư, phẩm chất lãng mạn sẽ giúp vượt qua sự nhàm chán, tẻ nhạt của những công việc thường nhật để sống đầy đủ, hạnh phúc hơn. Đôi khi nó cũng giúp ta nhìn thấy những tươi sáng sẽ đến để kiểm soát được cảm xúc mỗi khi gặp điều u ám. Đó chẳng phải là mộtphẩm chất tuyệt vời sao?!

Các bạn nhỏ đang hái chè tại EcoCamp 2014 đợt 1 do CLB Đọc sách cùng con tổ chức

Vậy làm gì để có được phẩm chất này? Và mức độ của nó trong cuộc sống?

1. Sống gần thiên nhiên, hòa mình với thiên nhiên – là một cách đơn giản, hiệu quả nhất. Với bọn trẻ ngày nay, mỗi lần có điều kiện đến với thiên nhiên, hãy đề nghị chúng quan sát từng chi tiết: nắng, lá, màu sắc.. , lắng nghe phân biệt những âm thanh, cảm nhận bằng tay những thân cây, đất, cỏ, gai sắc…, và khi về đến nhà, đôi khi hãy nhắc lại khung cảnh mà chúng đã từng đến, để năng lực tưởng tượng có dịp phát triển. Đương nhiên đó chỉ là những gợi ý như trò chơi khi ở cạnh thiên nhiên. Chỉ riêng việc đến một nơi có núi, có rừng, có cỏ cây hoa lá đã khiến mắt nhìn rộng mở, tinh thần khoáng đạt hơn rồi.

2. Khuyến khích sự đồng cảm. Thường xuyên khuyến khích con nghĩ đến cảm giác của người bên cạnh, hoặc một người mà con nhìn thấy. Cảm nhận được cảm xúc của người khác là một năng lực không dễ có được. Nó cho con bạn sự tinh tế cần thiết cho cả cuộc sống lẫn công việc. Ngay từ nhỏ, hãy giúp con gọi tên những cảm xúc nó trải qua, để xác định một khái niệm: con đang VUI vì…, con đang BUỒN vì…, mẹ hiểu vì sao con GIẬN DỖI…, chắc là con đang SỢ lắm..v..v.. Từ khái niệm về một cảm xúc, trẻ có thể hóa thân vào những vai diễn cho các cảm xúc khác nhau để trải nghiệm trong tưởng tượng nhiều cảm xúc khác. Đó là những bước đầu tiên của sự đồng cảm. Và cũng là bước nhỏ đầu tiên của việc hình thành phẩm chất lãng mạn.

3. Sự tinh tế của các giác quan: Nghe, ngửi, sờ, nhìn, nếm… – ngay từ nhỏ, đừng hạn chế các em bé sử dụng các giác quan của mình thật tốt. Sự tinh nhạy của giác quan cũng giúp cho việc cảm nhận cuộc sống thi vị hơn, là yếu tố tạo nên phẩm chất lãng mạn. Hãy xây dựng các bài tập, trò chơi rèn luyện các giác quan. Chẳng hạn, khi còn còn nhỏ, tích cực cho các bạn cảm nhận nóng, lạnh, êm, ấm, mượt, góc cạnh, buốt, ram ráp… qua bàn tay. Lớn lên một chút, dùng mắt đã phán đoán được cảm giác, dùng ngôn ngữ để mô tả cảm giác ấy. Cho đến một lúc nào đó, chỉ cần nhắc đến một đồ vật, bạn nhỏ đã ngay lập tức có sự tưởng tượng trong đầu về sự vật đó, đi kèm với phản xạ của các giác quan.

4. Khuyến khích sáng tạo. Hãy gợi ý và khuyến khích đứa trẻ đưa ra những phương án của riêng mình trong mọi hoạt động học tập hoặc sinh hoạt. Cùng trẻ đặt ra những câu hỏi tình huống. Ví dụ, làm một bài toán, viết một bài văn…, có thể hỏi: Còn cách nào để giải bài toán này nữa không? Trong bài văn này, nếu ta thay từ này bằng một từ khác hay hơn, thì có thể là từ gì?… Những sự kiện của gia đình, hãy để các bé tham gia tích cực bằng việc giao cho bé phụ trách một việc vừa sức như trang trí một góc nhà, đưa một phương án nào đó gây bất ngờ cho mọi người, nghĩ ra một món quà độc đáo để chúc mừng người thân… Luôn có những buổi “họp bàn” theo phương pháp động não khiến trẻ dần có thói quen không ngừng suy nghĩ, tư duy để đưa ra những phương án thú vị hơn dựa trên những hiểu biết đã có.

5. Đọc sách, nghe nhạc, xem phim…– tất nhiên rồi, đó là thế giới tinh thần của trẻ.Đọc sách gì, nghe nhạc nào, xem phim nội dung thế nào –nếu có thể, hãy quan tâm đến điều này từ rất sớm.Tôi cho rằng, với các bạn nhỏ, sách và nhạc nên xuất hiện thật sớm trong cuộc đời chúng, sau đó mới là các sản phẩm nghe nhìn (hoạt hình, phim truyện, game).

Nhân nói đến những cuốn sách, tôi trở lại câu chuyện của người mẹ ở trên. Sách và thế giới mơ mộng của sách theo tôi hoàn toàn không có lỗi gì trong việc cô bé con lơ đãng, không tập trung. Đó là mộtvấn đề hoàn toàn tách bạch. Kể cả chuyện… quan tâm đến bạn khác giới cũng là câu chuyện riêng và cũng rất dễ hiểu đối với bạn nhỏ ở tuổi đó. Mối quan tâm, rung cảm với người khác giới có thể xuất hiện rất sớm. Mỗi độ tuổi một kiểu quan tâm khác nhau. Với em bé lớp 2, việc đọc sách thậm chí còn giúp em kiểm soát được những cảm xúc em đang có, điều chỉnh hành vi phù hợp với các tình huống.

6. Và cuối cùng, tôi nhấn mạnh một khoảng tự do – một thời gian cô đơn quan trọng mà đứa trẻ cần phải có trong ngày. Nó có thể ngồi ngắm một giọt nước cả nửa tiếng đồng hồ. Nó có thể nhìn ra ngoài cửa sổ mà nghĩ ngợi lan man. Nó có thể hí hoáy làm một việc gì đó do nó nghĩ ra mà bố mẹ thì cho rằng vớ vẩn. Nó có thể vẽ hoặc âm thầm sáng tác nhạc, thơ. Bất luận là điều gì, bố mẹ cũng cần phải tôn trọng một khoảng thời gian riêng tư như vậy của trẻ, không can thiệp, chỉ kín đáo theo dõi nếu có thể. Thời gian hoàn toàn rảnh rỗi, không áp lực học tập, không việc nhà, không phải trả lời những câu hỏi tò mò bất tận của mẹ, không bị em quấy…. là lúc đứa trẻ sắp xếp lại mọi cảm giác, khái niệm, trải nghiệm của mình một cách logic hơn, thả mình cho tưởng tượng và nhận được nhiều điều thú vị con người chỉ có được ở thời ấu thơ.

Bức tranh được tạo từ nguyên liệu thiên nhiên của bạn Thảo My (đội Pokemon) tại EcoCamp 2014 đợt 1 do CLB Đọc sách cùng con tổ chức

Câu chuyện về “mức độ” của sự lãng mạn sẽ không phải đặt ra nếu những năng lực đồng cảm, tưởng tượng… được thực sự trở thành bản chất con người chứ không phải giả tạo thì mỗi con người sẽ hành xử thật tự nhiên, thuận quy tắc giao tiếp, quy tắc cộng đồng, khiến “chất lãng mạn” chỉ làm đẹp thêm cuộc sống chứ không bao giờ là mối phiền phức khó chịu cho chính mình hoặc người khác.

TSGD Nguyễn Thụy Anh (Tạp chí Mẹ&Bé, 6/2014)

About admin2

Scroll To Top