Home / Tư vấn - Chia sẻ / Phương pháp giáo dục có tên “Hạnh phúc”

Phương pháp giáo dục có tên “Hạnh phúc”

TTCT – Một cuộc tranh luận sôi nổi đang diễn ra trên các diễn đàn giáo dục Mỹ kể từ khi một trích đoạn của hồi ký Khúc chiến ca của mẹ Hổ (Battle Hymn of the Tiger Mother) của bà Amy Chua được tờ Wall Street Journal trích đăng. Nhiều trường học Mỹ đã đưa đề tài này vào lớp học.

 

Hạnh phúc của gia đình mẹ Hổ

Tôi rất nhớ một cuộc trò chuyện giữa tôi và một người bạn đồng môn cách đây đã gần 20 năm. Anh từng rất nổi tiếng ở trường chuyên cấp III với nhiều thành tích cực kỳ đáng nể – giải thưởng học sinh giỏi và được xuất ngoại. Sau, anh theo học một trường ĐH danh tiếng – học viện kinh tế mang tên G.V. Plekhanov (Nga). Tôi không thể quên được câu anh nói: “Tất cả những thành tích của anh là của mẹ anh!”. Đúng vậy. Anh có người mẹ tuyệt vời, chăm cho con từng li từng tí, hy sinh những thú vui riêng để kèm cặp con ngày nhỏ, mời thày phụ đạo, xoay xở đủ đường để kiếm tiền cho anh được học những thày giáo giỏi giang nhất, đấu tranh với tất cả – từ con người đến môi trường, đến những cơn lười nhác quen thuộc của một đứa trẻ – để anh lên tới đỉnh cao như thế này. Khi anh sang Nga du học, mẹ cũng sắp xếp công việc cơ quan để có cơ hội sang với anh, “vừa là chăm sóc, vừa để kiểm soát” – anh kể.

 Thế nhưng anh bảo tôi, rằng anh chưa bao giờ cảm thấy thực sự vui – anh không được chơi những trò chơi trẻ nhỏ; khi các bạn đi lao động công ích 2 ngày ở Ba Vì, anh là người ở lại Hà Nội; và nói chung, “anh không có tuổi thơ”. Có những lúc, anh cố gắng chỉ vì mẹ anh! Anh học nhảy cóc và tốt nghiệp sớm. Trước khi anh về nước, tôi hỏi anh sẽ làm việc ở đâu, anh bảo, nhiều nơi họ mời về lắm, (vì anh rất siêu mà!), nhưng mà, “tùy… mẹ anh!”

 Khi ấy, tôi cảm thấy khâm phục, kính trọng người mẹ của anh, đồng thời có chút ái ngại.

 Phương pháp của người mẹ ấy, người Việt Nam, cũng không khác mẹ Hổ là bao!

Học – rèn luyện vì cái gì?

Trong một talk show trên VTV2, nhà tâm lý giáo dục, giáo sư Hồ Ngọc Đại đã từng đặt câu hỏi này cho các bậc phụ huynh khi nói chuyện về việc học của trẻ. Và các bậc phụ huynh nhiều người đã lúng túng.

Rõ ràng, trước khi bàn về phương pháp, ta cần biết chắc mục đích. Mục đích mới là quan trọng, sẽ chi phối tất cả các hành vi giáo dục.

Qua những phản hồi được in trong cuốn sách “Phương pháp 0 tuổi” của giáo sư Phùng Đức Toàn, tôi hiểu rằng ngay trong số những cha mẹ người Trung Quốc cũng có những quan niệm rất khác nhau, cho dù họ cùng theo một phương pháp dạy sớm mà giáo sư Phùng Đức Toàn hướng dẫn. Có những người làm theo “phương pháp 0 tuổi” chỉ để khoe thành tích, rằng con tôi, từng đấy tuổi, đọc được bao nhiêu chữ, thuộc được bao nhiêu từ tiếng Anh, đọc được bao nhiêu bài thơ, diễn bao nhiêu bài hát… Nhưng cũng có người đặt mục đích rõ ràng cho việc dạy con, như Lại Thục Linh, mẹ của cô bé Điền Thần chẳng hạn., qua việc dạy kiến thức và cả kỹ năng sống, mẹ và con gửi gắm được cho nhau “tình yêu hai chiều”. Và chỉ có thế, đứa trẻ mới cảm thấy hạnh phúc với lượng kiến thức khổng lồ nó đang nắm giữ. Nghiêm túc nhưng không khắc nghiệt, dường như mẹ Điền Thần không hề phải dùng đến 10 quy tắc mà mẹ Hổ nêu ra.

Đọc những nguyên tắc của mẹ Hổ, tôi nhớ đến một thời, mỗi chúng tôi thường chọn học vì một điều gì đó: vì truyền thống gia đình, vì muốn bố mẹ được mát mặt, vì một chỗ làm ổn định, có đồng lương đủ sống, vì một tương lai đỡ vất vả hơn. Các ông bố bà mẹ đã khiến chúng tôi lo sợ vì nếu không vào đại học, con đường đời của chúng tôi tất khổ. Bây giờ, không biết đã qua cái thời như thế chưa, nhưng tư duy của cá nhân tôi và nhiều phụ huynh trẻ đã khác, không giống các bậc tiền bối. Con trẻ phải học vì chính bản thân chúng – nhu cầu, khả năng, khao khát tìm hiểu, ước mơ… Và học để trở nên có ích, để sống vui và ý nghĩa trong đời, để thể hiện được cái tôi của mình mà lại biết hành xử hài hòa trong quan hệ với cộng đồng.

Trẻ em là tờ giấy trắng?

 

Hai con gái của Mẹ Hổ bước đầu thành công trong âm nhạc. Chúng có năng khiếu, may thay! Bằng không, có lẽ mẹ Hổ có nghiêm khắc cách mấy cũng khó có được hai nghệ sĩ thực thụ.

Rèn luyện nhiều hơn bạn bè cùng lứa tuổi ở Mỹ, các con gái của Amy Chua có 10 nguyên tắc phải tuân thủ, trong đó có việc phải khước từ những hoạt động tập thể – vui chơi, đóng kịch…, thậm chí cả xem tivi và chơi điện tử. Có nghĩa là, những năm tháng non nớt của cuộc đời hai cô bé gắn liền với âm nhạc bác học – violin và piano. Họ không được phép trải nghiệm những màu sắc khác của cuộc sống.

Có thể, đó là số phận của hai cô bé.

Nhiều người cứ cho rằng, trẻ em là tờ giấy trắng, muốn viết vẽ gì lên cũng được. Tôi thì nghĩ, mỗi đứa trẻ khi ra đời đã có một điều gì đó rất bí ẩn trong con người rồi. Đó là tư chất, tố chất, tinh thần và tất cả những gì kết tinh từ tình yêu của bố mẹ, từ sự giao hòa của trời đất được định lượng bằng vị trí của những ngôi sao vào giờ phút chào đời. Vì thế mà không phải cha mẹ cứ muốn gì, kiên quyết thực hiện điều đó mà đã có kết quả tốt. Vậy dạy trẻ gì đây, “vẽ” gì đây lên trang giấy cuộc đời trẻ – hẳn các bố mẹ không thể không cân nhắc với việc trẻ có hợp, có cần, có thích những điều đó không? Việc phát triển năng khiếu của con và con khổ luyện thành tài có thật sự là điều duy nhất cha mẹ cần đạt được hay không? Những trò giải trí, những thú vui, những trải nghiệm bạn bè, xã hội có thực là điều vô bổ hay không? Tại sao bây giờ xã hội lại lo lắng về những đứa trẻ thiếu “kỹ năng sống”, những đứa trẻ trầm cảm hay vô cảm, thụ động bàng quan với mọi điều đang xảy ra xung quanh?

 Trong bài viết này, tôi sẽ không cố gắng chống lại các luận điểm của Mẹ Hổ, chỉ chia sẻ những suy nghĩ của một bà mẹ cùng nguồn gốc Á Đông. Với tôi, Tây hay Đông – dù khác biệt về văn hóa thì những người làm cha làm mẹ vẫn cùng hướng đến một điều quan trọng nhất – làm sao cho con mình được hạnh phúc. Và còn một điều quan trọng nữa, đó là làm sao để con mình biết cách làm người bên cạnh mình hạnh phúc.

 Đọc đoạn trích, tôi thấy có hai điểm đồng cảm. Thứ nhất là, “các bậc cha mẹ TQ tin rằng con họ nợ họ mọi thứ…Có thể đó là cái gì đó pha trộn giữa sự hiếu thảo, đạo làm con của Khổng giáo và rằng các bậc cha mẹ đã hy sinh quá nhiều cho con cái”.  Tôi có cảm giác suy nghĩ này rất gần gũi với Việt Nam, một đất nước một thời cũng ảnh hưởng sâu sắc của đạo Khổng. Cha mẹ thì phải hy sinh rồi lại chính mình muốn có sự trả giá từ phía đứa con cho sự… quên mình ấy. Và rồi cuộc đời những con người loanh quanh trong những món nợ “đồng lần” ấy, khó mà thoát ra được. Vì thế, có thể hoàn toàn thấu hiểu vì sao mẹ Hổ lại có những quan niệm giáo dục như thế đối với hai con.  Hai là, Amy Chua rất có lý khi viết: “Một khi trẻ bắt đầu vượt trội về môn nào đó dù là toán, piano, ném bóng hay múa ba lê, chúng sẽ được ngợi khen, ngưỡng mộ và thấy toại nguyện. Cảm xúc ấy sẽ xây dựng sự tự tin và biến một hoạt động chẳng vui thú gì trở thành vui thú. Đến lượt nó sẽ giúp cha mẹ chúng dễ dàng hơn trong việc thúc đẩy trẻ học tốt hơn.”.

 Chỉ có điều, để đạt được điều này, bố mẹ sẽ dùng phương pháp nào?

 Ranh giới mong manh giữa những khái niệm

Đọc đoạn trích mà Tuổi trẻ cuối tuần trích đăng từ cuốn sách của Mẹ Hổ, tôi chạnh nghĩ, đôi khi, ta cứ nhầm lẫn nhiều khái niệm: chẳng hạn, sự nghiêm túc và hà khắc, sự kiên quyết với nghiệt ngã, sự tôn trọng các nguyên tắc với sự cứng nhắc bất cần đồng cảm. Giữa những từ ấy có ranh giới mong manh trong nhận thức của con người. Những khái niệm xếp trước được dùng để gọi tên cách hành xử với những con người được đặt ở vị trí ngang hàng. Còn những khái niệm sau – giữa người chủ và người bị phụ thuộc.

Đọc đoạn trích trong sách của mẹ Hổ, thấy chị phân tích, con của chị sẽ phải biết hành động vì sự nhục nhã. Những từ ngữ khắc nghiệt, thậm chí thóa mạ mà mẹ dùng để con cảm thấy biết nhục mà trở nên chăm chỉ hơn. Chị còn kể, ngày bé, khi chị bị cha mắng là “đồ rác rưởi”, chị cho rằng câu ấy “có tác dụng rất tốt: Chị thấy kinh tởm mình và cực kỳ xấu hổ… Đương nhiên, chị đã dung lại phương pháp ấy đối với con mình. Và chị biện hộ: “cha mẹ TQ tin rằng con họ đủ mạnh mẽ để chịu đựng sự tủi thẹn và sẽ cố gắng hơn”.

Vậy theo bạn, điều gì sẽ là động cơ tốt hơn cho hành động của một con người? Cảm giác tủi hổ, nhục nhã hay cảm giác vui tươi, tin tưởng, hạnh phúc?

 Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng câu hỏi như vậy. Cá nhân tôi rất nhớ cảm xúc thời nhỏ của tôi mỗi khi được học một thày giáo có ảnh hưởng lớn đến sự học của tôi sau này. Thày rất nghiêm túc, không xuề xòa nương nhẹ nhưng cũng không bao giờ áp đặt –  tôi có lần phải nhận điểm 2 của Thày khi làm bài lạc đề. Nhưng tôi, một đứa trẻ 14-15 tuổi ngày ấy, đã cảm nhận được sâu sắc sự công bằng của điểm 2 này, đồng thời cách dạy thoải mái, sôi nổi của thày luôn khiến tôi tràn ngập cảm xúc tích cực để ngày càng trở nên say sưa với môn học hơn. Cuối cấp ba, thành tích của tôi ở môn học này rất cao – nhưng với tôi, điều quan trọng hơn cả là niềm say mê thích thú được nhận từ quá trình học. Thậm chí đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ cảm giác hạnh phúc ấy.

 Như vậy, nếu kết quả là như nhau mà phương pháp khác nhau thì tôi sẽ chọn phương pháp có tên HẠNH PHÚC.

 

Hạnh phúc của cô bé Việt Nam Hoàng Phạm Trà Mi, người dành giải nhất cuộc thi  piano quốc tế Chopin lần thứ nhất do Hiệp hội Chopin Singapore, Viện Hàn lâm nghệ thuật Nanyang và Đại sứ quán Ba Lan tại Singapore tổ chức từ ngày 1 – 5.12 tại Singapore. 

TSGD Nguyễn Thụy Anh

10 luật lệ của “mẹ Hổ” Đây là một số điều mà hai con gái tôi không bao giờ được phép làm:

– qua đêm ở nơi khác

– tụ họp chơi đùa (*)

– tham gia đóng kịch trong trường

– than phiền về việc không được tham gia đóng kịch

– xem tivi hay chơi trò chơi điện tử

– tự chọn các hoạt động ngoại khóa riêng của mình

– có điểm dưới A

– không đứng đầu ở các môn, ngoại trừ thể dục và đóng kịch

– chơi một nhạc cụ nào khác ngoài piano và violin

– không chơi piano và violin

(Trích Tuổi trẻ cuối tuần: http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Tuoi-tre-cuoi-tuan/437889/Day-con-theo-kieu-nao-Dong-hay-Tay.html

About admin2

Scroll To Top