Home / Tư vấn - Chia sẻ / Không là mẹ Do Thái hay mẹ Hổ, hãy là người mẹ Việt Nam!

Không là mẹ Do Thái hay mẹ Hổ, hãy là người mẹ Việt Nam!

1. Khi đọc tựa đề cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”, người đọc dễ liên tưởng đến cuốn tự truyện “Khúc chiến ca của mẹ Hổ” đã từng làm cả thế giới xôn xao, tranh luận. Theo bà, cái “tàn nhẫn” ở đây có gì khác, bởi khi theo dõi hết câu chuyện của bà mẹ Sara, người ta nhận ra, bà mẹ này không hề giờ dùng roi vọt, bạo lực với con mình?

– Thực ra thì, ở câu chuyện của cả hai bà mẹ đều có những nét tương đồng là họ giữ đúng nguyên tắc mà họ đề ra với con cái, không khoan nhượng vì một lý do nào đó. Cũng như mẹ Hổ, trên thực tế, bà mẹ Do Thái ở đây rất hiểu việc mình làm và có điều chỉnh để tiếp cận được các con. Nhưng khác với mẹ Hổ, bà Sara Imas không cố gắng hướng các con vào một mục đích sống trước mắt bằng cách cấm đoán và đưa ra những nguyên tắc khắc nghiệt! Bà mẹ Do Thái có cả một triết lý sư phạm khi dạy con: dạy con sớm biết lao động, biết trân trọng đồng tiền, kiếm tiền và quản lý tiền, quý trọng và đề cao trách nhiệm cá nhân trong cuộc sống. Khi đã đưa ra các thoả thuận thì kiên quyết thực hiện, không nương nhẹ, nuông chiều. Tác giả gọi đó là sự “tàn nhẫn”!!! Từ “tàn nhẫn” của tác giả hiển nhiên phải để trong ngoặc kép, trong đó không có khái niệm đánh mắng hay sỉ nhục trẻ. Ở đây chỉ thái độ kiên quyết, dứt khoát, rành mạch, có lý lẽ. Có thể dịch ra là: “Vô cùng yêu thương nhưng yêu thương một cách có nguyên tắc!”2. Trong khi nhiều ông bố, bà mẹ Việt luôn bao bọc con cái trong “tổ kén” của riêng mình thì bà mẹ Sara lại cực lực lên án và gọi đó là kẻ “nô lệ của con” và đang biến con cái của mình thành “thế hệ ăn bám”. Bà có đồng tình với quan điểm này của mẹ Sara và có thể nói thêm đôi chút về nguyên tắc “yêu con trong nguyên tắc có làm có hưởng”?

– Khi bao bọc, làm hộ con, bố mẹ vô tình tước mất của con nhiều cơ hội. Đó là cơ hội được học làm, được hiểu mình và hiểu thế giới thông qua việc làm, cơ hội tự trải nghiệm, trong đó bao gồm cả trải nghiệm cảm xúc. Những cơ hội như thế chính là quá trình trưởng thành, tích luỹ kinh nghiệm, cảm nhận cuộc sống, giúp trẻ sau này có cơ sở để đưa ra những quyết định của riêng mình một cách độc lập. Xét ở góc độ nhất định, chính những bố mẹ như thế mới thực sự tàn nhẫn với con mà chính họ cũng không biết. Nguyên tắc của Sara Imas là khuyến khích trẻ tham gia sớm nhất vào cuộc sống và nhận được “phần” của mình nếu có lao động. Một đứa trẻ nếu biết quý trọng sức lao động và ý thức được trách nhiệm cống hiến cho cộng đồng (mà gia đình là một đại diện nhỏ), nó sẽ tránh được nhiều thói xấu.

Các bố mẹ nhiều khi sẵn sàng làm “nô lệ cho con” vì một mục đích khác: chẳng hạn, cho con dồn thời gian ngồi học, rồi thi cử…, chỉ tập trung vào việc học mà quên đi các kỹ năng quan trọng để trẻ có thể sống hài hoà, tự tin, thoải mái…

3. Dưới con mắt của một nhà giáo dục, những quan niệm, phương thức dạy con nào khác của Sara Imas khiến bà cảm thấy thú vị, tâm đắc?

– Cá nhân tôi rất thích phương pháp dạy con quản lý việc sử dụng tiền dù nó không phải là quá mới mẻ. Với “máu kinh doanh” và ý chí lập nghiệp của người Do thái, các kỹ thuật giúp bà mẹ dạy con thật sự thú vị và khoa học, có hệ thống và tiết chế, tăng dần độ khó theo từng … level. Tuy nhiên, chớ có bê nguyên si các kỹ thuật đó vào cuộc sống. Cần phải lựa chọn và điều chỉnh cho phù hợp với đứa trẻ của mình, sống trong môi trường khác và một nền văn hoá khác.

4. Gần đây, có khá nhiều phương pháp nuôi dạy con của người Nhật, người Pháp, người Trung Quốc, người Do Thái… được các bậc phụ huynh Việt Nam quan tâm. Việc áp dụng những phương pháp này vào nuôi dạy trẻ cần lưu ý những điều gì? Có nên chăng, “bê nguyên” một loại một phương pháp nào đó khi mà mỗi đứa trẻ có một hoàn cảnh sống khác nhau, một sở trường, sở đoản khác nhau?

– Tôi vẫn cho rằng, không nên tung hô quá đáng hay đề cao, thậm chí tuyệt đối hoá bất kỳ một phương pháp giáo dục nào. Điều quan trọng là chính mình phải tự xây dựng cho mình một hệ thống tư tưởng trong việc nuôi dạy con, hiểu được mục đích dạy con… Mình phải biết được mình muốn gì thì khi tham khảo các phương pháp giáo dục, mình sẽ không bị hoang mang, phụ thuộc, tránh được tình trạng lúc thì muốn là Mẹ Hổ, khi lại thấy mẹ Do Thái, mẹ Nhật có cách nuôi dạy con hay hơn. Thêm nữa, những câu chuyện chia sẻ của các ông bố bà mẹ trong sách, kể cả trong cuốn sách rất hay mà ta đang nói đến: “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” này, cũng là câu chuyện của một gia đình, một cá nhân. Chuyện của người gợi cho ta nghĩ chuyện của ta. Học tập người không có nghĩa là bắt chước y chang mà phải có những suy nghĩ phân tích và phản biện. Cần hiểu nguyên nhân sâu xa của phương pháp, nắm được triết lý chi phối các hành động, đối tượng áp dụng… từ đó lọc ra những gì phù hợp với mình và con mình…

Đừng là mẹ Hổ hay mẹ Do Thái. Hãy là một người mẹ Việt Nam!

(Trích cuộc trò chuyện giữa TSGD Nguyễn Thuỵ Anh với phóng viên báo Phụ nữ thành phố HCM)

Ảnh: Alphabook

About admin2

Scroll To Top