Đôi khi bạn cảm thấy khó khăn trong cương vị làm cha mẹ? Đây là 16 lời khuyên của các chuyên gia tâm lý của Bộ Y tế và Các vấn đề xã hội Thụy Điển dành cho các bậc phụ huynh đôi khi cảm thấy khó khăn khi thực hiện vai trò của mình. 16 lời khuyên này có thể không rất phù hợp với tất cả mọi người nhưng rất đáng tham khảo.
1. Nếu đôi khi bạn thấy lo lắng vì mình không phải là cha mẹ tốt, hãy nhớ rằng chẳng bao giờ muộn để cải thiện tình hình. Con trẻ có khả năng đặc biệt để nhận biết sự nỗ lực thay đổi và tiến bộ của cha mẹ.
2. Nếu bạn thấy rằng đã đối xử không đúng với con cái, hãy nói “xin lỗi”. Một đứa trẻ rất nhỏ thì luôn được nhắc nhở phải nói xin lỗi với mọi người trong rất nhiều tình huống khác nhau. Nhưng một người lớn thì dường như ít chịu nói xin lỗi ngay cả khi cần phải làm như vậy. Thật hiếm khi một người lớn lại gõ cửa phòng một đứa trẻ để nói với nó rằng họ xin lỗi vì đã xử sự không phải. Khi bạn nói xin lỗi với trẻ, điều này không có nghĩa là bạn mất mặt mà ngược lại, bạn chỉ xử sự như một Con Người và giúp con bạn thành người.
3. Nếu bạn thấy căng thẳng, đau khổ về chuyện gì đó trong đời, hãy giải thích cho con bạn hiểu. Cuộc sống, nhân loại không chỉ toàn tốt đẹp và niềm vui và chẳng có ai hoàn thiện. Bọn trẻ cần và có thể hiểu được điều đó. Đừng làm trầm trọng hóa vấn đề cũng chẳng cần giải thích chi tiết, bạn cũng đừng bao giờ quên nói “đó không phải là lỗi của con”. Với người lớn câu này chẳng có nghĩa lý gì nhưng với trẻ con đấy là sự giải thoát. Nếu không chúng sẽ dễ dàng cho rằng chúng phải chịu trách nhiệm cho những điều đã xảy ra với bạn.
4. Nếu bạn thấy không còn tý quyền lực nào với con mình mỗi khi có mặt người lạ, hãy nhớ rằng điều này xảy ra với tất cả các bậc phụ huynh. Nếu bạn càng xử sự khác bình thường khi con bạn cứng đầu, la hét, gào khóc trước mặt người lạ, chúng càng hiểu rõ bạn đang yếu thế và càng tỏ ra khó bảo. Sao không thử làm như bạn vẫn làm ở nhà? Cố gắng xử sự đúng như bạn vẫn thường làm, đừng để ý quá đến việc những người xung quanh nghĩ gì. Con họ chắc chắn lúc nào đó cũng gào thét như vậy.
5. Nếu việc khuyên nhủ, nói chuyện với con cứ như nước đổ đầu vịt, hãy làm lại lần nữa. Hạ giọng, bình tĩnh và nói với con điều bạn nghĩ. Điều đó giúp lời nói của bạn có trọng lượng cho dù bạn cũng không thể chờ đợi một phản ứng tích cực ngay lập tức. Nếu bạn nổi nóng hoặc thể hiện ra rằng bạn cáu bẳn thì tình hình chỉ có xấu đi.
6. Nếu bạn thực sự thấy mình sắp sửa làm một việc hay nói một điều với đứa con bất trị của mình mà điều đó sẽ làm nó rất khó chịu, hãy nhớ rằng con bạn luôn biết chính xác những điều gì sẽ làm bạn điên tiết lên. Dù rằng giữ bình tĩnh lúc đó là rất khó nhưng đó là điều bạn phải làm. Điều bạn có thể làm lúc này là hãy cố quên những lời nói của con bạn và nghĩ đến những điều cha mẹ cần làm cho con trong hoàn cảnh này. Hãy hiểu rằng dù nó thể hiện ra ngoài thế nào đi nữa thì con bạn vẫn cần bạn bảo ban, che chở.
7. Nếu con bạn cứ khóc lóc mãi không sao dỗ nổi, có thể chúng chỉ cần ở yên một lát. Hãy thử nhớ lại lúc nhỏ bạn muốn gì mỗi khi như vậy: một câu chuyện, một chút bình yên trong phòng 1 mình hay trong vòng tay mẹ… Con bạn cũng có thể cần chính những thứ đó để bình tâm lại. Bản năng sẽ mách bảo bạn phải làm gì.
8. Nếu bạn thấy đứa con 13-17 tuổi không tôn trọng, thần tượng bạn như trước, đó chẳng qua là cảm giác chủ quan của bạn. Bon trẻ ở tuổi này vẫn cần chúng ta ở bên để dạy dỗ bảo ban nhưng đồng thời chúng cũng muốn thể hiện bản thân chúng. Hãy cho chúng biết giới hạn của mình và để chúng tự do trong giới hạn đó
9. Nếu con bạn làm bạn nổi cáu, hãy nhớ là cáu bẳn chẳng có gì là lạ và chẳng ai cấm bạn cáu. Tuy nhiên phải giữ nó trong giới hạn. Nếu bạn trở lên cay độc, thóa mạ hay không thể dừng lại khi cáu bẳn, bạn đã vô tình làm con mình hiểu sai đi những giá trị của bản thân nó và cảm giác này sẽ đeo đẳng con bạn rất lâu dài và ảnh hưởng đến nhân cách của con bạn nếu nó lặp lại thường xuyên.
10. Nếu con bạn cố tình vượt qua những giới hạn mà bạn đặt ra, hoặc gây áp lực để bạn phải nới lỏng hay phá bỏ những giới hạn đó, hãy nói “Không”. Đừng chờ đợi con bạn tự hiểu ra những giới hạn đó, bạn hãy làm cho nó rõ ràng. Con bạn sẽ không thể dựa vào bạn nếu bạn không là một người lớn vững vàng, không thể nói “Không”. Một khi bạn đã đưa ra 1 quyết định thì việc của bạn là đảm bảo cho quyết định đấy được tôn trọng, vì bạn là người lớn.
11. Nếu bạn thấy con mình làm điều gì đó sai, hãy tập trung vào chính cái lỗi đó chứ không phải là hành vi và cách xử sự của con bạn nói chung. Con bạn phải đuợc biết rõ ràng rằng, bạn rất tôn trọng con mình và yêu quý nó, nhưng việc nó làm là sai và bạn rất buồn về điều đó.
12. Nếu con bạn không đứng về phía bạn mà lại bênh vực người khác, điều này không có nghĩa là người đó quan trọng hơn bạn. Khi con bạn thần tượng hóa người vợ hay người chồng đã chia tay của bạn, đó chỉ là sự thể hiện nỗi nhớ của trẻ với người đó mà thôi. Bạn đừng để điều đó làm bạn đau lòng.
13. Nếu con bạn không thích người bạn đời mới của bạn, hãy nhớ rằng trẻ con cần cảm thấy an tâm sau những gì đã xảy ra trong gia đình. Những biểu hiện của trẻ chưa hẳn đã là nó không thích người cha/ người mẹ kế mà chỉ là nỗi lo lắng và nó muốn thử thách quan hệ mới của bạn và người đó. Liệu ông ta (bà ta) có “trụ” được lâu hay năm bữa nửa tháng lại biến mất và bạn và chúng lại đau khổ? ĐIều này người lớn phải đồng ý với chúng và cho chúng thấy điều gì sẽ đến.
14. Đôi khi bạn thấy sự hi sinh của bạn không được biết ơn đúng mức, hãy nhớ rằng con bạn chẳng bắt bạn phải hi sinh cái gì cho chúng cả. Chúng không hề muốn bạn mệt mỏi, chán chường vì phải hi sinh hết cả sở thích cá nhân vì chúng. Hãy biết nghĩ đến bản thân mình, đôi khi hãy làm điều gì đó vì nó tốt bạn nhất (chứ không phải là cho con bạn nhất)
15. Nếu bạn thấy bất lực trong vai trò làm cha mẹ, hãy tìm ra nguyên nhân và điểm yếu của mình. Chỉ có vậy bạn mới tìm được cách khắc phục. Đừng ngần ngại chia xẻ điều này với những người lớn khác, với bạn đời, bạn bè, gia đình, đồng nghiệp… Nếu cần, đừng ngần ngại tìm kiếm lời khuyên của các chuyên gia, tổ chức tư vấn. Hãy giữ số điện thoại của họ để phòng khi cần đến.
16. Nếu bạn nghi ngờ con bạn bị hành hạ, đối xử không bình đẳng hay bị xâm hại (tình dục hoặc tâm thần) hãy nói với ai đó có trách nhiệm về việc này chứ đừng bao giờ bỏ qua. Không nhất thiết phải nói với họ tên của con bạn và cụ thể từng lời cháu nói với bạn. Hãy gọi điện cho bác sỹ tâm lý hoặc cán bộ tư vấn để họ cho bạn lời khuyên và sự hỗ trợ cần thiết. Con bạn cần được bạn bảo vệ và bảo vệ một cách tuyệt đối nhưng tâm lý và tế nhị.
Lê Thanh Nga (dịch)