Hào Anh là cái tên mà báo chí và truyền thông nhắc đến rất nhiều từ cuối năm 2010, và câu chuyện về em đối với nhiều người đã từng như một câu chuyện… cổ tích, nhân vật chịu nhiều khổ sở và cuối cùng là kết thúc có hậu. Nhưng rồi cái tên Hào Anh lại trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi em có hành động bạo hành, đuổi mẹ đẻ và cha dượng ra khỏi ngôi nhà của mình.
Xét một cách thông thường, Hào Anh là nạn nhân của bạo hành – từ những tình tiết xảy ra ở đầm tôm. Tuy nhiên, trên thực tế, Hào Anh có thể đã chịu áp lực của môi trường bạo lực từ trước đó mà các chuyên gia tâm lý gọi là “bạo lực tâm lý”: thiếu thốn tình cảm, không nhận được sự âu yếm cần thiết từ những người nuôi dưỡng khi còn là đứa trẻ, mất cân bằng giữa cảm xúc tích cực và tiêu cực – điều chắc chắn xảy ra với những đứa trẻ “vào đời sớm” như Hào Anh.
Tôi tự hỏi, còn bao nhiêu trường hợp tương tự – trẻ không được học hành, dạy dỗ chu đáo, vào đời sớm, sống trong môi trường bạo lực hoặc là đối tượng của bạo lực và cuối cùng thì chính đứa trẻ đó lớn lên lại trở thành nguồn gốc của bạo lực? Và chúng ta có thể làm được gì cho những đứa trẻ như thế?
Cá nhân tôi cho rằng, điều mà xã hội, cụ thể là những tổ chức xã hội như các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm bảo trợ trẻ em, hội phụ nữ… cần làm không phải chỉ là dạy nghề, cung cấp việc làm, kêu gọi các tấm lòng hảo tâm hỗ trợ tiền bạc mà phải quan tâm đến việc tạo cho các em một môi trường sống lành mạnh hơn, cung cấp kiến thức cho cha mẹ, người thân, những người lớn xung quanh các em về quyền trẻ em, tâm lý trẻ em và những gì họ có trách nhiệm phải làm với đứa trẻ. Một đứa trẻ cần được chăm sóc về tinh thần không kém việc quan tâm đến cuộc sống vật chất.
Các em như Hào Anh, đặc biệt sau những biến cố kinh khủng của cuộc đời như sự kiện đầm tôm, cần được đi học. Nếu không phải là học ở trường thì phải có hình thức học khác phù hợp với điều kiện mà các tổ chức xã hội có thể sắp xếp, trong trường hợp gia đình quá khó khăn. Ở lứa tuổi chớm dậy thì cho đến vị thành niên, điều này đặc biệt quan trọng. Các em cần nhận được sự quan tâm về tâm lý, đi học để nhận thức lại những giá trị ít nhiều bị lệch lạc sau một thời gian sống trong môi trường bạo lực, cần người hướng dẫn cách nhìn cuộc sống tươi đẹp hơn, tích cực hơn, cần được biết cách chia sẻ: không chỉ nhận mà còn cho đi.
Cách đây 4 năm, cả nước quan tâm đến Hào Anh, ở khía cạnh vật chất. Không có thông tin về việc Hào Anh được đi học văn hóa hay được điều chỉnh về tâm lý. Trẻ ở tuổi Hào Anh khi ấy được đi học nghề và sau đó một thời gian lại tiếp tục đi làm, lao động ở những môi trường khác nhau mà không chắc có ai đó hướng dẫn cách ứng xử, cách nhìn nhận cuộc sống, cách nhận ra những giá trị chân chính trong đời. Như thế thì hết sự kiện đầm tôm này hoàn toàn có thể có sự kiện đầm tôm khác xảy ra cho đến khi chính đối tượng của bạo lực lại trở thành “tiềm năng bạo lực”. Và với Hào Anh, chuyện này đã xảy ra. Đây chính là bài học. Bài học cho những người làm công tác xã hội trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến một con người, một đứa trẻ. Bài học cho cả những nhà hảo tâm đã có lòng thương với cậu bé Hào Anh.
Cho tiền là việc quý. Nhưng quan tâm đến đứa trẻ bằng cách có ý kiến và quản lý việc sử dụng đồng tiền mình đã cho cũng không kém phần quan trọng. Chẳng hạn, khoản tiền đã gom được cần phải trao cho một người có khả năng bảo trợ các hoạt động học tập của Hào Anh để hỗ trợ em ngay từ thời điểm sau vụ việc đầm tôm chứ không phải đợi đến khi em tròn 18 tuổi và khoản tiền đó trở thành một “khoản vốn” để em bước vào đời. Khoản tiền ấy lẽ ra nên được sử dụng hợp lý hơn – thay vì trao cho một thanh niên chưa được trang bị đầy đủ về ý thức công dân, trách nhiệm của mình đối với gia đình và lòng tự trọng thì có thể dùng để tổ chức lại cuộc sống cho một đứa trẻ trong một quá trình giáo dục.
Đọc về Hào Anh, tôi nhớ lại câu chuyện tuổi thơ của mình cách đây hơn 30 năm. Ngày đó, gia đình tôi sống ở một nơi sát với một “xóm liều”. Mỗi lần cùng mẹ đi ngang qua một ngôi nhà lụp xụp, tôi thường nghe thấy những tiếng chửi bới cục cằn, đôi khi là gào thét, khóc lóc. Sau này, một trong những đứa trẻ của gia đình ấy bị mẹ tôi bắt gặp khi anh ta leo vào sân nhà tôi trộm đồ. Tôi nhớ cách mẹ tôi xử sự với anh ta (khi ấy là đứa trẻ khoảng 12, 13 tuổi): mẹ phê bình nhưng lại hẹn hôm sau ghé qua “cô nhờ trèo cây khế hái quả hộ cô”. Và cậu ấy đã đến, nhiều lần nữa.
Giờ nghĩ lại, tôi hiểu rằng mẹ tôi đã muốn giúp đỡ cậu bé, ít nhất là về mặt tinh thần. Một đứa trẻ phải chịu đựng bạo lực, sống trong môi trường bạo lực cần biết bao chút âu yếm tình người, sự tôn trọng mà nó hiếm khi có được. Và cần một ai đó bảo cho nó phải làm gì để có được sự tôn trọng ấy. Sau này, tôi biết, cậu bé kia lớn lên, cuộc sống cũng vất vả nhưng anh ta đã không đi ăn cắp mà đạp xích lô kiếm sống. Những khoảnh khắc thân tình mà một người lớn đã dành cho cậu hẳn có thể là niềm vui nhỏ khiến cậu cảm thấy giá trị của bản thân mà sống tốt hơn.
Cuộc đời có thể đẹp hơn truyện cổ tích nếu chúng ta tiếp cận với một con người đúng cách.
TSGD Nguyễn Thụy Anh (Phụ nữ Thủ đô – Thứ ba, 16/09/2014)