Home / Tư vấn - Chia sẻ / Bàn tay yêu thương

Bàn tay yêu thương

Người phương Đông chúng ta trong quan hệ cha mẹ – con cái, đặc biệt khi con cái đã bắt đầu lớn lên, ở tuổi dậy thì, thường có một quan niệm cứng nhắc là quan niệm về khoảng cách. Cha mẹ là bậc bề trên, con cái nhiều khi không dám suồng sã. Không mấy khi cha mẹ ôm ấp, tỏ tình thân mật một cách “sống sượng” như ôm, hôn, vuốt má, xoa đầu… con trẻ. Tình yêu con nén lại vào trong, tình yêu kính cha mẹ cũng là từ xa mà hướng lại.

Thời nay, quan niệm này không phổ biến nhiều nữa thì lại vẫp phải một hiện trạng: Cha mẹ quá bận rộn, không có lúc nào để ôm ấp, vuốt ve con hoặc có thì rất ít, chưa đủ cho nhu cầu yêu thương của trẻ.

Bàn tay mẹ không chỉ cần cho bé khi còn ở trong nôi

Tôi có người bạn gái thường nhớ lại tuổi thơ của mình với sự tiếc nuối rằng chưa bao giờ thể hiện một cách nhiệt tình tình yêu đối với cha mình: chưa bao giờ ôm cha hay dụi đầu vào lòng cha. Người cha rất mực yêu con, rất tình cảm, nhưng lại là một quân nhân, ông lại rất cứng nhắc. Chị nhớ lại, chỉ có mấy lần khi chị đã lớn, ông … bắt tay chị rất chặt mà lòng chị cảm động mãi không nguôi. Lớn lên, tình cảm của chị thiên về nội tâm, ít khi thể hiện được tình cảm ra bên ngoài và cũng vì thế mà cuộc sống đôi khi không được thoải mái – Chị ngậm ngùi nhận xét thế.

Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng những cái ôm, bàn tay chạm nhau… giữa người với người có tác dụng tích cực đối với tâm sinh lý bất kỳ một ai, từ trẻ sơ sinh đến người lớn tuổi. Bàn tay chạm nhau khiến người ta thấy một sự động viên tinh thần nhẹ nhàng, dễ chịu. Cái ôm khiến những người yêu nhau hay vợ chồng trở nên dễ hiểu nhau hơn, dễ làm tan đi mọi giận hờn. Đối với bà mẹ cho con bú, có cả một nguyên tắc để tăng lượng sữa của mẹ là nguyên tắc “da chạm da, mắt giao mắt” – nghĩa là làm sao để làn da trẻ và mẹ tiếp xúc trên giao diện lớn nhất vì thế người ta khuyên bà mẹ nên ôm con trên bụng mình khi vừa tắm xong cho bé mà chưa mặc quần áo gì cả, âu yếm nhìn vào mắt con. Liệu pháp tâm lý này kích thích hooc môn “tình mẫu tử” làm lượng sữa tiết ra nhiều hơn. Điều này đã được chứng minh từ lâu.

Lại nói đến tầm quan trọng của sự ôm ấp, âu yếm đối với sự phát triển tâm lý của trẻ, người lớn chúng ta cần biết:

Đối với các bé trai: Các bé trai cần được bế ẵm, vuốt ve không kém gì bé gái. Thật sai lầm khi cho rằng âu yếm quá nhiều sẽ làm bé trai trở nên yếu đuối, kém đàn ông khi lớn lên. Thật ra, từ lúc ra đời đến năm 7, 8 tuổi, trẻ dù là trai hay gái đều cần được ôm ấp như nhau, nhưng đặc biệt cần đến sự gần gũi của người lớn trong độ tuổi này lại là các bé trai.  Những em ít được bế ẵm khi còn bé, lớn lên ít nhiều đều có thể gặp những vấn đề về tâm lý, nhất là trong tình yêu và hôn nhân.

Các bé trai khi đến tuổi teen: Các em vẫn cần sự âu yếm, nhưng theo kiểu người lớn: Những cái vỗ vai, cụng trán, cốc đầu, búng mũi đầy tình cảm, sự vui đùa giữa bố và con trong các trò chơi có va chạm tay chân như đấm bốc, cù nhau, vật nhau. Những va chạm này có ảnh hưởng tích cực không khác gì sự ôm ấp khi các em còn bé.

Đối với các bé gái: Cấp độ cần thiết được cha mẹ vuốt ve, âu yếm ở các bé gái lại tăng dần theo năm tháng và lớn nhất vào độ tuổi 11, 12 cho đến tuổi dậy thì 13, 14. Tuổi này, các em cần sự dịu dàng, ân cần của người lớn, cần những cái hôn âu yếm, xoa đầu yêu thương. Chính thời điểm này lại là lúc những ông bố, bà mẹ ngần ngại tỏ tình cảm nhiệt tình với con gái mình và đó là điều sai lầm. Ở tuổi dậy thì, các bé gái không chỉ cần lời khuyên của mẹ trong các vấn đề sức khỏe, vệ sinh cá nhân, quần áo…, các em còn rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương, vì thế bố mẹ làm sao để con gái cảm thấy được bao bọc trong tình yêu thương vô hạn như yêu một đứa trẻ bé bỏng, non nớt. Đừng hạn chế “bàn tay yêu thương” đối với các bé gái vào thời điểm này. Sự dịu dàng, nữ tính của một thiếu nữ hình thành chính vào lúc này và những vỗ về thân mật là động lực rất quan trọng khiến em gái lớn lên yêu đời và biết thông cảm với người.

Cái ôm đầy tin cậy của cha

Tóm lại, sự va chạm da thịt hiểu theo cách trong sáng nhất giữa bố mẹ và con cái có thể là: bế, ẵm, hôn hít, vuốt ve khi còn bé, ôm chặt vào lòng, vỗ vai, vỗ lưng, xoa lưng, gãi lưng, vuốt má, béo má (nhẹ), cù ki, cụng đầu, búng mũi, hôn trán, thơm má, xoa đầu, mát xa tay chân cho con… Tất cả đều truyền thông điệp tình yêu và tôn trọng đến đứa trẻ, khiến nó cảm thấy được chú ý, được coi như một nhân vật quan trọng đối với bố mẹ. Điều đó khiến tâm lý trẻ được thoải mái, tự tin, trẻ xây dựng được tình cảm thân thiết gắn bó với gia đình, với bố mẹ cả hai giới, khi trưởng thành, các em sẽ sống bình ổn về tâm lý, dễ dàng thể hiện tình cảm của mình với người khác giới và cơ hội để tìm được tiếng nói chung với người khác sẽ lớn hơn nhiều so với những trẻ ít được bố mẹ ôm ấp thuở ấu thơ.

Tất nhiên, bất kỳ điều gì cũng phải nói đến “mức độ” – mức độ vừa đủ, không quá lạm dụng, “liệu pháp” này mới đem đến kết quả như ý muốn.

 

Những trường hợp cần cấp thiết những gần gũi, ôm ấp của cha mẹ:

– Khi trẻ bị ốm

– Khi trẻ bị ngã, bị đau

– Khi trẻ hoảng sợ

– Khi trẻ lo lắng, bất an

– Khi trẻ quá mệt mỏi, tim đập nhanh, thở dồn

– Khi trẻ vừa trải qua những sự kiện đau buồn hoặc phải chia tay với một trong những người thân

– Khi trẻ giận dữ, quá bị kích động

– Trước khi đi ngủ

… Những lúc này, bố mẹ đều nên ôm trẻ vào lòng, đưa đôi bàn tay ấm áp vỗ về, an ủi cho trẻ giải tỏa được hết nỗi lo lắng, stress của mình, lấy lại cân bằng được nhanh hơn.

Ba mẹ con ôm nhau – thật là ấm áp và vui sướng!

 
TSGD Nguyễn Thụy Anh

About admin2

Scroll To Top