Mỗi khi tới kì thi là cháu luôn căng thẳng, lo lắng làm sao để đạt được ví trí nhất lớp. Dù chỉ thua bạn khác một chút là cháu lại tự thấy buồn, tôi tìm cách nào an ủi cháu cũng không thấy khá hơn.
Thằng bé con tôi, 7 tuổi, học lớp hai. Cứ mỗi lần ngồi làm bài ở nhà, cháu lại lẩm bẩm: “Không biết viết thế này có thể được 10 không nhỉ?”. Anh họ cháu đang học lớp 8 ở một trường quốc tế, mỗi lần đến chơi đều được bà và các bác đưa ra làm gương cho các em, rằng đi học ngày nào cũng có điểm 10.
Cháu nghe vậy thì không tỏ ra ghen tị nhưng luôn nói với mẹ là con phải cố gắng hơn nữa để đạt điểm cao nhất, như anh Minh (anh họ cháu). Mỗi khi có kì thi là cháu luôn căng thẳng, lo lắng làm sao để đạt được ví trí nhất lớp. Dù chỉ thua bạn khác một chút là cháu lại tự thấy buồn, tôi tìm cách nào an ủi cháu cũng không thấy khá hơn.
Vợ chồng chúng tôi không bao giờ muốn tạo ra áp lực quá lớn vì điểm số cho con, nhưng mọi người xung quanh thì dường như không nghĩ vậy. Đến ngay như bên hàng xóm, chiều chiều tôi lại nghe véo von các câu hỏi, kiểu như: “Hôm nay con được mấy điểm? Hả, sao lại 6? Hôm qua hai mẹ con đã luyện thuộc lòng kỹ thế rồi cơ mà?”.
Có thể cũng từ những việc nhỏ như thế mà cháu dần hình thành một áp lực về điểm số và thứ hạng. Tôi muốn xin chuyên gia một lời khuyên để có thể giúp cháu cởi bỏ áp lực, vì thật sự cháu mới chỉ lớp hai, không nhất thiết phải gánh nhiều mệt mỏi trong học tập như vậy. Xin cám ơn chuyên gia.
Ý KIẾN CHUYÊN GIA
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh
Chị Hà Tâm thân mến, trước hết cho tôi được nói chị quả là một người mẹ tâm lý. Chị đã biết nhìn nhận cái gì là cần thiết cho con mình ở tuổi này, chỉ là chưa tìm ra cách nào để trò chuyện với con hiệu quả nhất mà thôi.
Trẻ con ngày nay khi cắp sách đến trường là đeo thêm bao nhiêu trách nhiệm. Trách nhiệm để bố mẹ luôn ngẩng cao đầu khi đi họp phụ huynh, để ông bà luôn tự hào khi hỏi về điểm số, để hàng xóm luôn lấy làm gương cho con cái họ, rồi học vì chính chỉ tiêu mà trường, lớp đặt ra cho các cháu… Vất vả vô cùng.
Tuy nhiên, nếu có phụ huynh nào thấy bức xúc vì những áp lực như vậy của con thì cũng không phải là không có cách thay đổi, mặc dù thay đổi đến tận gốc rễ thì thật khó, cần nhiều điều kiện mà xã hội chưa đáp ứng được. Nhưng chí ít, về phía bố mẹ, chúng ta cũng có thể có những phương án sau :
1. Đừng quá coi trọng điểm số. Con đi học về, thay vì hỏi điểm, bạn hãy hỏi con về niềm vui hay nỗi băn khoăn của nó trong ngày, đề nghị nó chia sẻ thông tin mới mà nó cảm thấy thú vị. Hãy là một người thực sự muốn đồng hành cùng con trên chặng đường thu nhận kiến thức.
2. Không dùng các hình phạt cho điểm kém, cũng như không nhất thiết cứ khi con đạt điểm cao và chỉ khi có điểm cao mới mua sách, mua quà, mua đồ chơi… Đừng để trẻ ngay từ nhỏ có cảm tưởng rằng, giá trị của bản thân mình chỉ nằm ở điểm số. Khi trẻ không có áp lực về điểm số, sẽ hạn chế được nhiều trạng thái tâm lý tiêu cực như sợ học, sợ đến trường, sợ lỗi – dẫn đến nói dối, cạnh tranh không lành mạnh giữa các bạn trong lớp…
Khi trẻ không có áp lực về điểm số, sẽ hạn chế được nhiều trạng thái tâm lý tiêu cực như sợ học, sợ đến trường, sợ lỗi
3. Nên xây dựng cho con một thói quen tự lập trong học tập: Không ngồi kè kè bên cạnh mỗi khi con làm bài tập ở nhà. Tôi biết nhiều trường hợp, mẹ ngồi cạnh con từ năm lớp 1, tạo thành một phản xạ có điều kiện – suốt những năm học sau này, mẹ ngồi cạnh con mới học, mẹ đứng dậy con ngừng học! Hãy để trẻ có “khoảng trời riêng” trong học tập mà không có ai theo dõi chằm chặp bên cạnh. Tư duy (quan sát, phân tích, so sánh, khái quát…) chỉ có thể phát triển được trong một không gian tự do nhất định.
4. Hãy kích thích sức sáng tạo, sự tìm tòi học hỏi của con bằng nhiều cách. Nhưng tất cả các cách ấy hầu như đều dựa trên nguyên lý phát triển tâm lý của trẻ thông qua những phẩm chất đặc trưng: tò mò, trí tưởng tượng phong phú, khả năng liên tưởng…
Có rất nhiều cách để kích thích trí tò mò của trẻ
Tôi xin gợi ý một số hoạt động cụ thể như:
– Thường xuyên đặt câu hỏi phản biện những lúc có điều kiện tìm hiểu bài vở của con, “bắt” trẻ phải suy nghĩ mà không bằng lòng với những kết luận một chiều của sách giáo khoa. Chẳng hạn: Theo con, vì sao…. ? Thế nhỡ…. ? Trong trường hợp…. ? Giả sử…. thì…. ?
– Đưa ra nhiều tình huống lấy từ cuộc đời thực để cùng con hiểu sâu sắc bài học, khiến con thấy hưng phấn vì bài học của con liên quan mật thiết đến cuộc sống đời thường chứ không phải là lý thuyết suông.
– Thi thoảng cả nhà cùng tham gia một thực nghiệm nào đó mà con đã học trên lớp, cùng đọc tác phẩm có trong chương trình của con, cùng đi xem vở kịch có nói đến vấn đề con phải học.. Việc này có tác dụng gấp nhiều lần so với việc bố mẹ chỉ đóng vai người kiểm tra, thúc ép, nhắc nhở, thưởng phạt… trong quá trình con đi học.
– Thay vì lưu giữ các bằng khen, bố mẹ có thể lưu giữ những cuốn vở cũ của con, một vài bức tranh, bài thủ công, một số tờ nháp có ghi lại cách giải một bài toán. Qua vài năm đưa ra, cùng nhau vui mừng khi thấy con đã trưởng thành. Trẻ thấy bố mẹ trân trọng quá trình lao động của mình, sẽ trở nên có trách nhiệm hơn với việc học.
– Lập cho con một sổ nhật ký hoặc trang blog, để đến một lúc nào đó, con có thể viết những gì con muốn kể, muốn lưu lại, quan sát được, nói lên ý kiến của mình. Việc này tưởng chừng không quan hệ gì đến việc học, thậm chí có người còn cho rằng, sẽ gây hại, làm ảnh hưởng đến học tập. Nhưng theo quan điểm của tôi, việc trẻ từ độ tuổi cấp trung học cơ sở trở lên, có blog hay nhật ký sẽ kích thích khả năng lập luận, tự đánh giá các hành vi của mình ở trẻ.
5. Tạo niềm vui học tập. Học mà không thấy niềm vui thì dễ rơi vào tình trạng học đối phó. Vì thế, hãy hướng dẫn con thấy được niềm vui thông qua cảm nhận thú vị, thiết thực mà quá trình học tập mang đến. Chẳng hạn, con đã biết tính nhẩm tốt – khi đi chợ, nhờ con tính những phép tính đơn giản và tỏ ra hài lòng khi con tính đúng, nhờ con cầm tiền trả cho người bán hàng. Con đã biết viết – nhờ con thay mặt cả nhà viết vài dòng cho bà khi sinh nhật bà…
6. Và cuối cùng, vẫn cứ là tư tưởng của phụ huynh và quan niệm của thày cô giáo. Nếu bản thân bố mẹ, thày cô vẫn chạy theo thành tích, coi trọng bề nổi phù phiếm – chỉ quan tâm đến kết quả được thể hiện bằng điểm số mà coi nhẹ phương pháp học tập, quá trình học tập… của trẻ thì việc cố công thay đổi thái độ học tập của trẻ quả là vô vọng!
Tôi tin với sự tâm lý và nhạy cảm của mình, chị Hà Tâm sẽ giúp con cởi bỏ dần những áp lực trong việc học hành để cháu có một tuổi thơ học mà chơi, chơi mà học thật trong trẻo.
Theo http://tamsugiadinh.vn/