Home / Tư vấn - Chia sẻ / Bí kíp xốc lại tinh thần trong mùa thi cử

Bí kíp xốc lại tinh thần trong mùa thi cử

Kính gửi cô Thụy Anh,

Năm nay, cháu là học sinh lớp mười hai đang đối mặt với áp lực tìm đường đi phù hợp cho bản thân. Cháu cảm thấy rất mệt mỏi và gần như muốn kiệt sức. Cháu tin là có rất nhiều bạn cũng lâm vào tình trạng như cháu. Chỉ vài tháng nữa thôi và cụ thể là hơn chín mươi ngày nữa cháu thành “sĩ tử” quyết chiến trên “mặt trận sống còn” thi THPT QG 2018. Hiện tại cháu cảm thấy rất sợ học, mặc dù lo lắng nhưng cháu không thể không học được. Cháu rất mong cô cho cháu xin lời khuyên để xốc lại tinh thần.

Cháu cảm ơn cô ạ!

Minh Ánh

——————–

Minh Ánh thân mến,

Đọc thư em, cô như đang trở lại những ngày “nóng bỏng” của đời học sinh cách đây gần 30 năm. Lạ thay, thời ấy, cho dù cuộc sống chưa tốc độ như bây giờ thì cô, khi ấy còn là cô bé lớp 12, cũng từng cảm thấy áp lực học tập đè nặng lên vai, như em bây giờ vậy! Xung quanh chúng ta, thời ấy và bây giờ, đều là một cuộc đua khốc liệt mà cái đích là cổng trường đại học. Người người đi học thêm, nhà nhà lo lắng. Cuộc thi đã đến lúc tăng tốc. Người trong cuộc càng căng thẳng, càng sợ, càng cuống, càng thấy… chán học, thậm chí tìm mọi cách để trốn tránh việc bắt tay vào học ôn một cách nghiêm túc. Càng lo thì càng sợ. Càng sợ càng chán. Càng chán càng ngại… Và cứ thế cứ thế, mình cảm thấy bị dồn vào đường cùng. Và thấy bất lực.

anh bi kip xoc lai tinh than trong mua thi cu

Áp lực là điều không thể tránh khỏi (ảnh internet)

Minh Ánh ơi,

Tâm trạng như thế cũng rất hay gặp ở tất cả mọi người khi bước vào một việc lớn. Việc của chúng ta bây giờ là phải xốc lại tinh thần bằng cách rà lại xem, thực chất, mình mong muốn điều gì, mục đích học của mình, mục tiêu xa hướng tới khi trưởng thành, để từ đó tìm ra cho mình động lực học và phương pháp học giúp ta thoát khỏi trạng thái trì trệ như em miêu tả.

  1. Minh Ánh cùng cô trả lời câu hỏi sau đây nhé: “Em thấy khối lượng bài vở quá nhiều, không biết phải bắt đầu từ đâu? Cảm thấy khó, càng học càng bơi?”

🍁LỰA CHỌN ĐÚNG ĐIỀU MÌNH MUỐN.  Nếu câu trả lời là “Có”, thì hãy bắt đầu từ việc, xem lại lựa chọn khối thi của mình, trường mình sẽ thi. Nếu là lựa chọn chắc chắn theo ý muốn của mình, có môn mình yêu thích, động lực học sẽ được củng cố. Hãy nghĩ, mọi thí sinh cũng như mình thôi, họ đều bình đẳng đối diện với cuộc thi. Có người giỏi, người chưa giỏi, người chăm, người chưa chăm… Vậy lo lắng quá cũng không ích gì. Chỉ cần cố gắng hết sức mình là được.

🍁 KIỂM SOÁT MỤC TIÊU GẦN. Hãy lấy tờ giấy và ghi mục tiêu trước mắt mình trong 1 tháng tới là gì, ôn lại nội dung nào của môn nào. Khi đã đặt ra mục tiêu của tháng thì cứ cuối mỗi tuần Minh Ánh nhớ dành 5 phút tổng kết xem mình làm được gì trong tuần đó và hãy TỰ KHEN MÌNH bằng cách tự mua một thứ gì đó mình đang thích, hoặc xem một bộ phim cùng bạn bè… Em đừng nghĩ lúc nào cũng phải ngồi vào bàn mới là học. Rất cần những giây phút để cái đầu được HOÀN TOÀN TRỐNG RỖNG, nghỉ ngơi.

Sau một tháng, em lại điều chỉnh mục tiêu và đánh dấu những gì đã làm được. Nhớ làm việc này bằng văn bản, nghĩa là viết, vẽ ra, khoanh bằng bút màu, thậm chí viết cả câu tự khen mình vào tờ giấy đó.

🍁 PHƯƠNG PHÁP BIỂU TƯỢNG CẢM XÚC. Khi ôn đến một vấn đề nào đó, hãy dùng thẻ từ, ghi từ khoá quan trọng hoặc công thức cần nhớ và luôn đi kèm bằng một biểu tượng em tự nghĩ ra thể hiện cảm xúc hoặc các hình ảnh cho em một cảm xúc. Một mặt cười, một chiếc lá, hình ảnh mặt trời, hình cái bóng đèn…

Dán thẻ từ đó khắp nơi trong nhà – đó cũng là cách thể dục cho trí não rất tích cực.

🍁 TÌM CÁCH XẢ STRESS. Âm nhạc, thể thao, hội hoạ, ít gối góc nhà để ném, trò nghịch khi nghỉ giải lao, giày để chạy, một vài người bạn để than thở… – tất cả đều quan trọng không kém cái bàn, bút, sách vở. Nếu không được giải toả bớt căng thẳng, mình càng học càng quên. Càng quên càng cuống. Càng cuống càng chán… Tuy nhiên, hãy kiểm soát chương trình giải lao, không để nó kéo dài liên miên. Có thể đặt giờ cho thời lượng nghỉ.

🍁 NĂNG LƯỢNG TÍCH CỰC. Gặp gỡ những người cho mình góc nhìn tích cực: một người vui tính, một nghệ sĩ, một người giỏi môn mình sắp thi, một người đọc nhiều, một người nấu ăn giỏi… Tóm lại, năng gặp người nào có thể dạy em được điều gì đó hay ho, không chỉ về mặt kiến thức mà còn kỹ năng chứ đừng ham gặp những người ngại học, mải chơi hoặc hay lo lắng, bi quan, than thở…

  1. Câu hỏi thứ 2 cô đặt ra cho Minh Ánh: Em có cảm thấy sợ thất bại? Nhỡ không đỗ bố mẹ sẽ nói sao? Trong nhà hoặc trong họ có người đỗ cao, khiến mình thấy mình khó theo kịp họ, càng nản lòng…

🍁TRÒ CHƠI “GIẢ SỬ”.  Nếu đúng một trong những vế trên thì em có thể tìm một người lớn hơn mà em yêu quý, tin cậy để tâm sự cho vơi bớt lo lắng. Em cũng có thể nói chuyện với bố mẹ về các tình huống có thể xảy ra. Chúng ta không ai mong thất bại, nhưng cũng nên biết cách nghĩ đến chúng. Đấy hoàn toàn không phải cách nghĩ tiêu cực đâu, mà là tích cực với nghĩa “chủ động”.  Nếu mình thẳng thắn trao đổi về mọi trường hợp trong cuộc sống, chúng ta sẽ thấy áp lực nhẹ bớt, bình tĩnh vào cuộc mà không sợ hãi nữa vì các tình huống xấu ta đã lường được, từ đó nghĩ đến cách ứng xử hợp lý.

Ngày cô chuẩn bị thi đại học, bố cô hỏi: Thế nếu chẳng may hôm đi thi con ốm, biết hết mà không viết ra được thì sao? Bỗng nhiên xe đạp hỏng (bây giờ có thể đặt tình huống tắc đường – hồi cô thi thì đường phố vắng lắm, chẳng mấy khi tắc đường), đến muộn, thì thế nào? Giả sử…? Giả sử…?

Những cái “Giả sử” không làm mình sợ. Trên thực tế, trò chơi này lại cho mình cái nhìn sáng suốt để cố gắng cao nhất tránh được những điều ấy mà không đổ lỗi cho khách quan (ăn ngủ hợp lý để không ốm, đi sớm hơn để tránh tắc đường… v.v…). Và cuối cùng, “nhỡ… trượt năm nay thì sao?” – Câu hỏi khó chịu, ai cũng muốn né tránh. Nhưng nếu dũng cảm đặt ra với bố mẹ, cả em và cả bố mẹ đều được chuẩn bị tinh thần vững vàng hơn. Cả nhà có thể tự đánh giá khả năng của em, kỳ vọng vừa phải vì cuộc đời luôn có chỗ cho những điều bất ngờ, như người ta nói, điều gì cũng có thể xảy ra… Sau buổi trao đổi như thế với bố mẹ, cô hiểu ra rằng, chỉ cần mình có tâm thế thoải mái, thể hiện mình tốt nhất, còn việc đỗ, đỗ thấp hay đỗ cao trong một cuộc thi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. Và cô cũng nhìn cuộc đời rộng ra khi bố cô nói, rằng có nhiều con đường để lựa chọn. Có người thi năm sau, ở nhà ôn thi một năm – vừa bình tĩnh ung dung, vừa chững chạc hơn. Có người bạn cô, thi đỗ thủ khoa một trường nhưng lại kiên quyết ôn thi để năm sau thi trường khác, khối khác…

Sau này nhìn lại, thấy đúng như những gì bố của cô chia sẻ. Năm ấy cô vào học trường ĐH ngoại ngữ, nhưng rồi sau lại học Sư phạm, và cô rất hài lòng với lựa chọn ấy. Việc trò chuyện về mọi phương án của cuộc sống giúp cô thấy thi đại học là việc lớn nhưng cũng không quá cường điệu nó lên. Cũng như một cuộc thi thử hoặc một bài kiểm tra dài và nghiêm khắc hơn thôi. Tâm thế ấy sẽ cho ta cách ứng xử tích cực, tâm trạng vui vẻ nhẹ nhõm, đầu óc sáng suốt, học gì nhớ nấy. Các nhà tâm lý học đã nói rồi mà, một người không sợ hãi, tự tin, biết khả năng của mình… sẽ luôn thành công.

Chúc em bình tĩnh và bước vào mùa thi sắp tới với nhiều hân hoan.

Cô Thuỵ Anh 

About admin2

Scroll To Top