Con ạ, chiều nay đi làm về, bố nghe con cãi nhau với bạn Nam hàng xóm. Con nói: “Đồ nhà quê!”.
Bố giật mình, ngẫm nghĩ, không hiểu con có biết, thế nào là “nhà quê” không nhỉ?
Bạn Nam là cháu nội của ông Hòa, ở rất xa, từ tận Thái Nguyên về đây ở với ông nội vào dịp nghỉ hè. Thường thì con và bạn ấy chơi với nhau rất hợp, trò chuyện rôm rả. Thế mà không hiểu sao hôm nay hai bạn lại có điều gì xích mích, để đến nỗi con hùng hổ mắng bạn, còn Nam thì không nói được gì, bỏ về nhà.
Dẹp chuyện cãi nhau của các con lại (chuyện thường xảy ra giữa những người bạn, kể cả những người bạn thân), bố chỉ thắc mắc, khi con nói “đồ nhà quê” thì con đã nghĩ về cái gì?
Rằng đó là một người từ quê lên, từ nơi không phải là thành phố? Thế không phải. Vì bạn Nam ở Thái Nguyên – Thái Nguyên cũng là một thành phố, cũng như Hà Nội. Chỉ khác là, Hà Nội là Thủ Đô, trung tâm hơn, đông người hơn.
“Đồ nhà quê” – có thể con muốn nói, rằng bạn ấy không “sành điệu” bằng con, không biết chơi nhiều trò game trên mạng như con, không có kiểu mũ “độc” mà bác Hùng mới tậu cho con, không có cái xe đạp địa hình đáng nể mà bố mẹ mua tặng con hôm sinh nhật?
Bố không trách con đâu, vì rất nhiều người có ý nghĩ như con, nhiều người nói với người khác câu con vừa nói, với sự khinh thường rõ rệt. Và bố nảy ra ý muốn trò chuyện với con về“quê” và “phố”, về nông thôn và thành thị… Con đã học lớp 3, con đủ lớn để hiểu những điều bố muốn nói với con hôm nay.
Trong một quốc gia, dù là Việt Nam hay Trung Quốc, đều có từng vùng miền khác nhau. Đồng bằng và miền núi, nông thôn và thành thị. Các thành phố, đô thị tập trung những người dân làm các nghề thủ công, công nghiệp, hay buôn bán… Còn dân ở nông thôn thì chủ yếu làm nông nghiệp: trồng ngũ cốc, hoa màu, nuôi súc vật… Trong lịch sử, thành phố xuất hiện muộn hơn các làng quê. Năm 1900, trên trái đất mới có rất là ít người sống ở các thành phố, chỉ độ 1/5 dân trên thế giới. Dần dần, do sự phát triển khoa học kỹ thuật, buôn bán, thông thương với các nước khác, các thành phố trên thế giới mới có đông người dồn về hơn. Nhưng như thế, rõ ràng là những người thành thị có nguồn gốc phần lớn từ các làng quê, con thấy bố nói có đúng không?
Như bố chẳng hạn, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng quê hương của bố là Hà Tĩnh, nơi cụ nội của con ở đó. Con đã từng được về quê, thấy biển xanh, thấy cánh đồng muối, thấy những người nông dân làm việc nhọc nhằn nhưng vẫn vui vẻ và mến khách. Con được ăn món hàu xào kèm với bánh đa, con rất thích. Con được các bạn trong xóm đưa đi chơi, cùng chăn bò, cùng kiếm củi… Các bạn yêu quý con không phải vì con là “người thành phố”, mà chỉ vì con là một người bạn cùng tuổi, là “khách” của các bạn ấy. Và bố cũng thấy, các bạn ấy không tỏ ra kém cỏi so với con. Nhiều anh chị vừa chăn bò, vừa đi học mà học giỏi, đạt cả giải học sinh giỏi toàn quốc nữa cơ đấy.
Ở Việt Nam ta, các làng quê có rất nhiều, trải dài dọc theo đất nước, quây quanh những thành phố. So với các thành thị đông đúc với các nhà cao tầng, đường phố đầy bụi bặm… thì làng quê không hề là nơi kém hay chút nào, phải không con? Con từng rất thú vị khi được tắm nước giếng mát rượi, được đi tưới rau với bà Xuân, được đi bắt cá với anh Tùng ở Nam Định, quê ngoại của con. Những con đường rợp bóng cây và những cánh đồng xanh mướt cho ta cảm giác nhẹ nhàng hơn nhiều so với những con đường nắng đổ lửa ở thành phố, con nhỉ?
Có một câu chuyện về sự quan trọng của làng quê, bố kể con nghe nhé:
Ngày xưa, ở đất nước nọ, một vị vua vừa qua đời. Hoàng tử lên nối ngôi còn rất trẻ. Nhưng, cũng theo gương vua cha, chàng đi một lượt khắp đất nước để tìm hiểu cuộc sống của nhân dân. Chàng nhìn thấy cảnh lam lũ của những người nông dân phải chịu đựng mưa nắng để làm nên hạt lúa. Đêm về, hoàng tử mơ thấy gặp một ông tiên. Thấy chàng buồn rầu, ông tiên bèn cho chàng một điều ước. Hoàng tử lập tức ước ngay, rằng trên vương quốc của chàng sẽ chỉ toàn thành phố sầm uất, ngựa xe, hàng hóa tấp nập, không còn cảnh thôn quê với trâu bò, cày bừa vất vả nữa. Cầu được ước thấy. Từ đó, khắp đất nước không còn nông thôn, không ai trồng lúa, chăn bò, nuôi gà lợn… Ban đầu, nhà vua trẻ rất vui vì điều đó. Các đoàn thương gia nườm nượp đi lại từ nước này sang nước khác, đến đất của nhà vua, mang bao nhiêu là vải vóc, đồ quý. Đổi lại, họ nhận tiền, vàng và vui vẻ ra đi. Ai cũng khen đất nước này đẹp đẽ, uy nghi, nhiều lâu đài, thành quách, nhà cao, cửa rộng, hẳn nhà vui trị vì phải rất tài giỏi. Nhà vua phấn khởi lắm. Cho đến một hôm, ngài nhận ra rằng, đồ ăn mà ngài dùng ngày càng có vị lạ, ăn không ngon miệng như xưa. Hỏi ra thì các quan cho biết, họ đã phải nhập gạo của nước khác, mua thịt, mua rau, mua hoa quả cũng từ nước láng giềng, vì trong nước không ai trồng trọt, chăn nuôi nữa.
Một ngày kia, trời làm lụt lội. Nước từ thượng nguồn phá rừng, dâng lên tràn ngập các thành phố. Đường thông thương với các nước khác bị cắt. Và nạn đói hoành hành. Dân đói. Quân lính đói. Các quan đói. Và rồi đến lượt nhà vua cũng bị đói. Nhà vua ra lệnh: “Mua gạo! Vét hết tiền ra mà mua! Bán cả lâu đài đi cũng phải mua bằng được gạo!”
Nhưng than ôi, mệnh lệnh ấy của nhà vua không thể thực hiện được! Bởi vì gạo, vì thực phẩm, lương thực của đất nước chủ yếu do những người nông dân làm ra. Mà họ có còn nữa đâu – chỉ vì một ý muốn ngốc nghếch của nhà vua trẻ. Lẽ ra, nhà vua phải làm sao cho người nông dân có được cuộc sống dễ chịu hơn, để họ làm việc được tốt hơn, để các miền quê không còn đói nghèo, vất vả. Đất nước nào không có các làng quê, không có nơi trồng trọt, chăn nuôi, đất nước đó thật không may mắn, và họ sẽ phải cố gắng rất nhiều để sống được đầy đủ, sung túc. Thế đấy con ạ.
Bố kể câu chuyện này để con hiểu rằng, chỉ vì mình sinh ra và lớn lên ở thành phố lớn mà thấy những bạn ở thành phố nhỏ hơn, hoặc ở nông thôn, là không “danh giá” bằng mình. Khi con nói một cách miệt thị “Đồ nhà quê” là con chưa hiểu được điều ấy. bằng mình, thì thật sai lầm. Các miền quê là gốc của tất cả chúng ta. Nhưng bây giờ, bố tin rằng, con đã biết, đã hiểu và sẽ không dùng câu đó với bất kỳ ai nữa, đặc biệt là với người bạn mình quý mến, có đúng không?
Ký tên: Bố tấn (Bố ơi vì sao? – TSGD Nguyễn Thụy Anh)