Bệnh tật đến từ đâu? Do rất nhiều nguyên nhân phía bên trong cơ thể và tác động bên ngoài khiến cho chúng ta bị các vi khuẩn tấn công mà không có khả năng chống đỡ. Cuốn sách này đã liệt kê ra năm yếu tố khiến cho cơ thể rơi vào trạng thái ốm yếu.
Y học hiện đại đã giúp cho con người có thể chữa khỏi nhiều căn bệnh, việc điều trị đã bớt đau đớn hơn xưa. Nhiều cách chữa bệnh từ thời kỳ đồ đá mà đến nay vẫn còn được sử dụng: tiếp xương, tháo khớp, sử dụng thảo dược, khâu vết thương, khoan sọ. À nếu các bạn muốn thử tay nghề, khám phá cách khoan một trái dưa hấu thì hãy mở trang mười chín nhé!
Các bạn biết những dụng cụ nào trong túi thuốc gia đình?
Nhắc đến y học là người ta nhắc đến vị thầy thuốc hàng đầu người Hy Lạp – Hippocrates (460-377 TCN) với mười quy tắc trong ngành y.
Ngoài ra, cuốn sách còn đề cập đến tên tuổi của những bác sĩ đã mở đường cho ngành giải phẫu sau này:
– Andreas Vesallius (1514 – 1564): giúp cho việc mổ xác trở nên phổ biến
– Giovani Morgagni (1682 – 1771): nghiên cứu ảnh hưởng của bệnh tật lên nội tạng cơ thể, chứng minh cái chết là do các cơ quan bị thương tổn chứ không phải do mắc phải thể dịch nào cả
– John Hunter (1728 – 1793): mổ xẻ đủ thứ, thành lập một bảo tang gồm 14.000 bộ phận cơ thể người và động vật.
Đây chắc chắn là những người vô cùng dũng cảm, những người táo bạo nhất thế giới.
Mổ xẻ theo phong cách 1800 khá rùng rợn vì không đảm bảo an toàn, các dụng cụ không được vệ sinh sạch sẽ, vài nhà thương dùng còng tay để người bệnh khỏi chạy mất…
Cho tới những năm 1900 thì các bác sĩ đã có nhiều vũ khí lợi hại để chống lại bệnh tật: vaccine, thuốc kháng sinh (penicillin là loại đầu tiên).
Cùng làm thí nghiệm
Lịch sử của y học thật thần kỳ, trong đó không thiếu những bí mật đau đớn và những phát kiến sững sờ, việc xảy ra sai lầm là không thể tránh khỏi. Vậy thử làm trắc nghiệm ở những trang cuối cùa cuốn sách để biết bạn là một bác sĩ đủ lông đủ cánh hay là tay lang băm lơ mơ và láu cá đi.
Bài viết: Cò Trắng, ảnh: Hương Trang