Nằm ở khúc quành giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, biển Việt Nam là nơi tiếp giáp giữa vùng biển cận nhiệt đới phía bắc và vùng biển nhiệt đới phía nam. Nhờ lợi thế đó là nơi đây là nơi nhiều sinh vật về quần tụ. Các nhà khoa học đã có thống kê rất cụ thể về sự đa dạng của các loài sinh vật biển. Mỗi một vùng biển ở nước ta lại có đặc điểm khác nhau cả về màu sắc, những sinh vật đặc thù. Người dân sống dựa vào biển cả, đặc ân của thiên nhiên ban tặng đã giúp cho sự no ấm hiện lên trên khuôn mặt của từng người. Nhà văn Vũ Hùng đã đi nhiều, tìm hiểu nhiều về đời sống của bà con vùng biển. Ông rất yêu những buổi gặp mặt của dân chài vì họ mến khách, và ông luôn thích việc lắng nghe những câu chuyện của họ.
Mở đầu cuốn sách “Biển bạc” (Vũ Hùng, NXB Kim Đồng, 2017), nhà văn đã đưa là những thông tin khoa học, chính xác về vị trí địa lý, đặc điểm bao quát của biển Việt Nam. Bằng chính trải nghiệm thực tế của mình, ông đã khiến người đọc như được đi du lịch dưới lòng đại dương, được tìm hiểu về đặc điểm, tập quán sinh sống của từng loài dưới biển.
Mùa đông lạnh giá, còn người còn có quần áo mặc, loài thú còn có bộ lông ấm áp chứ sinh vật biển thì trần trụi, vậy chúng tránh rét kiểu gì? Hay thế nào là “áp lộng”? Các đánh bắt các loài có giống nhau không? Từng câu hỏi được nhà văn trả lời bằng câu chuyện của mình.
Mỗi loài đều có câu chuyện riêng: Tôm luôn chỉ được đón sinh nhật một lần vì chúng được sinh ra vào cuối mùa xuân và một năm sau, chúng cũng trở thành mồi ngon hoặc cạn kiệt sức lực vì sinh sản nên từ bỏ cõi đời. Phổ biến nhất là các loại cá, loại thì nhiều thịt đem lại giá trị cao như cá thu; loại thì có khả năng lướt nhanh như cơn gió nhờ đôi vây không khác gì cánh – cá chuồn; loại thì chính là nỗi khiếp sợ của biển cả – cá nhà táng. Nếu tôm, cua, cá di chuyển thì họ nhà trai, ốc lại trung thành với “ngôi nhà” của mình, cả đời chả đi đâu. Những cá thể đồi mồi có lẽ khác biệt chút xíu hơn khi tuổi thọ trung bình hơn chút xíu các loài khác do ngư dân có thể chỉ cần bộ vảy quý trên người chúng; khi bắt được họ sẽ tìm cách lấy vảy rồi thả chúng đi do thịt đồi mồi chứa chất độc, không dễ chế biến.
Nếu trong các cuốn sách viết về núi rừng thiên nhiên nhà văn Vũ Hùng luôn nhắc đến “luật rừng” thì ở đây, tác giả cũng nhắc đến “luật của biển cả”. Chính là “cá lớn nuốt cá bé”. Vì vậy mỗi cá thể phải tự bảo vệ lấy mình bằng cách này hay cách khác. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống.
Những ngư dân không đơn độc trên biển, họ có những “người bạn” đặc biệt. Đó là “ông Lam” – cá voi xanh, “ông Xám” – cá voi xám, là đàn cá heo. Những người bạn này không chỉ bảo vệ dân chài khỏi cá dữ mà còn giúp họ săn bắt bằng cách rất riêng. Cuộc sống ngoài biển thực sự là một cuộc vật lộn. Nhờ chúng mà cuộc sống của họ bớt vất vả.
Bài viết: Cò Trắng, ảnh: Mai Phương