Trong không khí lạnh giá của những ngày giáp Tết, buổi đọc sách: “Tiếng mùa xuân” (trích: “Những truyện hay viết cho thiếu nhi – Trần Hoài Dương”,NXB Kim Đồng, 2014) tại CLB Đọc sách cùng con vẫn diễn ra trong sự chào đón của các bạn nhỏ.
Phần đầu của buổi đọc sách, cô giới thiệu tên tác giả của truyện ngắn mình sẽ đọc là Trần Hoài Dương và phân công nhiệm vụ cho các bạn: dựa vào những gợi ý của cô để tìm ra tên tác phẩm. Các bạn nhận ra ngay trên sân khấu là dòng chữ: “Khu rừng mùa đông” rất buồn tẻ và ảm đạm. Cô Thắm gõ cửa nhiều lần nhưng không một ai trong khu rừng trả lời, rồi đột ngột xuất hiện một âm thanh: “Có khách, có khách, nhà có khách”. Các bạn thi nhau đoán: ấy là một con vẹt, là một con chim khách…. Cuối cùng nhân vật cũng chịu ló đầu ra. Ồ ! đó là một bạn chim Khách. Chim Khách giới thiệu tên mình xong thì giới thiệu nơi mình ở luôn: Nơi ấy chính là Khu rừng mùa đông ! Chim Khách còn đố các bạn đoán được khu rừng mùa đông sẽ như thế nào? Trong tiếng nhạc du dương, cô cho các bạn nhắm lại và tưởng tưởng, lần lượt, lần lượt theo những hình dung của mình những gì các bạn thấy: một con gấu, một con cá, một cây thông, chiếc lá rơi, những bông tuyết, trắng xóa, lạnh lẽo, một con sóc đang chạy… Mỗi bạn một dòng liên tưởng, khu rừng đã được lấp đầy bởi những cảnh tưởng phong phú và gần gũi. Nhưng thực sự nơi bạn chim Khách ở là như thế nào? Cô đọc cho các bạn đoạn văn miêu tả nơi đó. Hóa ra, Khu rừng mùa đông của bạn chim Khách ở khác xa với khu rừng trong suy nghĩ của mình: cành cây khẳng khiu, lá rụng đầy dưới gốc cây, bầu trời xám xịt, bác gấu gầy teo tóp và lông lá lởm chởm,…. Các bạn đã nhớ rất tốt những chi tiết về khu rừng. Một số bạn còn diễn tả rất tốt hình ảnh “nằm co quắp của bác Gấu” và “đôi mắt buồn ngơ ngác” của các loài động vật nữa chứ.
Các bạn đã tái hiện lại những chi tiết đó bằng hình ảnh, hy vọng Chim Khách thấy gần gũi thân quen với bức tranh như chính ngôi nhà của mình.
Nhắm mắt để tưởng tượng nào
Bạn Chim Khách xuất hiện
Bạn gấu nằm co quắp thì nằm như thế nào?
Ánh mắt ngơ ngác
Vẽ tranh nơi bạn chin Khách ở
Bằng sự liên kết rất logic: Chim Khách đang ở mùa đông, Chim Khách mải mê đi đón một vị khách đến mức quên không chấm tranh cho các bạn nhỏ. Mà không chỉ có chim Khách, còn bao nhiêu họ hàng các loài động vật nô nức rủ nhau đi đón vị khách đó. Vị khách đó có thể là ai? Chắc chắn vị khách này sẽ liên quan đến tên câu chuyện? Có bạn cho rằng đó là gấu, là mùa xuân. Và tên câu chuyện là: Tiếng Mùa Xuân. Các bạn đã đoán ra rất nhanh.
Câu chuyện có tên là “Tiếng Mùa Xuân”
Cô đọc diễn cảm cho các bạn nghe đoạn văn miêu tả vẻ đẹp của chị Mùa Xuân khi xuất hiện ở khu rừng, bằng trí tưởng tưởng của mình các bạn đã diễn tả lại bằng ngôn ngữ cơ thể dáng điệu của chị Mùa Xuân một cách rất hài hước và đáng yêu.
Chị Mùa Xuân đến, ai cũng vui mừng, nhưng ở phía cuối khu rừng lại có tiếng khóc rấm rứt của một bạn nhỏ, bạn ấy bò rất chậm trên bãi cỏ, lại phải tránh bước chân của các loại động vật khác nên đến chỗ chị mùa xuân càng chậm hơn. Có bạn cho rằng nhân vật ấy là Rùa, có bạn cho rằng đó là Ốc Sên. Thực ra, đó là bạn Ốc Sên. Ốc Sên là bạn thân của Chim Họa My nhỏ. Chim Họa My nhỏ đến gặp chị Mùa Xuân rất sớm nhưng vì thương bạn nên đã bay tới cuối bìa rừng, vừa động viên vừa đặt Ốc Sên lên lưng mình để bay đến gặp Mùa Xuân. Và dĩ nhiên, họ là những nhân vật đến muộn nhất khu rừng. Mùa Xuân cũng chẳng còn bao nhiêu hạt bụi kỳ diệu, vừa đủ rắc cho một trong hai người. Họa My nhỏ đã không ngại ngần nhường cho bạn, còn mình thì ca hát líu lo đầy xúc động vì nơi nơi đều tươi đẹp – đó đã là một món quà của chim Họa My rồi. Tấm lòng của chim Họa My nhỏ được các bạn gọi bằng những từ khóa rất trân trọng: Yêu thương, chia sẻ, chân thành, đùm bọc, giúp đỡ. Và cuối cùng, các bạn cũng đoán ra, món quà của chị Mùa xuân cho Họa My là một tiếng hót hay chưa từng có, là âm thanh của núi rừng, của biển xanh, của thiên nhiên,…. Và từ đó, Họa My là Sứ giả của Mùa Xuân đấy.
Đi lướt như cô Mùa Xuân, vừa đi vừa rắc bột