Home / Giới thiệu sách / Cảm ơn người lớn, món quà dành cho những người đã bước qua tuổi ấu thơ (Đọc “Cảm ơn người lớn”, Nguyễn Nhật Ánh, NXB Trẻ, 2018)

Cảm ơn người lớn, món quà dành cho những người đã bước qua tuổi ấu thơ (Đọc “Cảm ơn người lớn”, Nguyễn Nhật Ánh, NXB Trẻ, 2018)

Cảm ơn người lớn”(Nguyễn Nhật Ánh, NXB Trẻ, 2018) được coi là phần tiếp nối  của tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” từng gây tiếng vang cách đây 10 năm. “Cảm ơn người lớn” chinh phục người đọc bằng việc xen kẽ những kỷ niệm tươi đẹp thuở nhỏ của “bộ tứ” Mùi, Hải cò, Tủn và Tí sún với những suy ngẫm, chiêm nghiệm về con người và cuộc sống của nhân vật khi đến tuổi trưởng thành.

Được coi là “Hoàng tử bé trong thếgiới tuổi thơ”, với cuốn sách mới nhất này, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh một lần nữa khẳng định ngòi bút đầy tinh tế, thấm đẫm nhân văn của mình. Qua từng trang viết, tác giả đã mở ra trước mắt người đọc một thế giới vừa lạ lẫm, vừa quen thuộc, một “thế giới thứ hai” được phản ánh qua góc nhìn của nhà văn. Ở đó, ta sẽ tìm thấy những kí ức tuổi thơ với những trò nghịch ngợm, những ý tưởng hồn nhiên nhưng không kém phần thú vị. Và quan trọng hơn cả là sự lương thiện, lòng nhân ái không suy tính, không vụ lợi, trẻ con luôn tìm được niềm hạnh phúc trong những điều giản dị, đời thường nhất. Điều đó khác với con đường mà người trưởng thành đang bước đi, một con đường nặng trĩu bao nỗi lo về cơm áo gạo tiền.

biacamonnguoilon

Bìa cuốn sách “Cảm ơn người lớn” (Nguyễn Nhật Ánh, NXB Trẻ, 2018)

Ảnh: Internet

Tuy chỉ là những đứa trẻ tám tuổi nhưng nhóm bạn của cu Mùi cũng có lúc bắt gặp những chuyện buồn, éo le trong thế giới của người lớn. Nhưng với sự hồn nhiên và cái nhìn đầy bao dung, bọn trẻ luôn nhìn thấy nét đáng yêu, chân thật trong tâm hồn những người trưởng thành. Đây chính là một cách nhìn tích cực về cuộc sống một bài học ý nghĩa chúng ta học nhận được khi hòa mình vào thế giới tuổi thơ.

Trong “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” (Nguyễn Nhật Ánh, NXB Trẻ, 2008), nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã giãi bày: “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em”. Tinh thần ấy tiếp tục được thể hiện trọn vẹn trong “Cảm ơn người lớn” (NXB Trẻ, 2018), khi ông gửi gắm những băn khoăn, đôi khi là day dứt, trăn trở về những vấn đề có lẽ ai cũng đã từng nghĩ đến hoặc sẽ phải nghĩ đến trong đời như tình yêu, cuộc sống, tiền bạc và thậm chí cái chết. Xen giữa bài ca trong trẻo của tuổi thơ là những nốt trầm buồn khi nhân vật “tôi” cảm thấy trong lòng mình có những chỗ trống không thể khỏa lấp khi một người bạn hay một thần tượng qua đời, hay khi “tôi” đặt bút sáng tác những bài thơ tình trong niềm luyến tiếc một hình bóng xưa. Sự trưởng thành ấy, cố nhiên cũng được gợi ra từ những ký ức tuổi thơ mà người kể chuyện luôn giữ gìn như một báu vật.

Như một quy luật tất yếu, những người bạn tốt, những suy nghĩ, hành động, trải nghiệm của ngày hôm qua sẽ làm nên con người trưởng thành của ngày hôm nay và ngày mai. Với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, viết một cuốn sách như cuốn sách này cũng giống như gieo một hạt mầm của cái thiện và lòng nhân ái, để từ đó bén rễ nên những tâm hồn đẹp, biết yêu mến và trân trọng thế giới tinh thần của trẻ thơ.

Minh Trang (Viết cho CLB Đọc sách cùng con)

About Bui Huong Lien

Scroll To Top