Home / Tin Tức / CẦN PHÂN BIỆT NHÀ VĂN VỚI NGƯỜI KỂ CHUYỆN – Thụy Anh phỏng vấn Giáo sư Tachiana Philimonova

CẦN PHÂN BIỆT NHÀ VĂN VỚI NGƯỜI KỂ CHUYỆN – Thụy Anh phỏng vấn Giáo sư Tachiana Philimonova

Tachiana Philimonova là tiến sĩ ngôn ngữ, giáo sư viện nghiên cứu các nước Á Phi thuộc trường đại học THQG Matxcơva, gắn bó đời mình với văn học Việt Nam từ những năm 70 thế kỷ trước. Dịp này, Tachiana đến với Hà Nội lần thứ 7, và chuyến đi là một trong 3 chuyến du lịch để … đọc văn học Việt Nam mà bà bỏ tiền túi ra thực hiện trong thập kỷ này. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thân tình với người phụ nữ “suốt đời yêu văn chương Việt Nam” này bên một bàn trà cạnh hồ Gươm…

anh giao su Tachiana Philimonova

Giáo sư Tachiana Philimonova

Tachiana Philimonova:

CẦN PHÂN BIỆT NHÀ VĂN VỚI NGƯỜI KỂ CHUYỆN

– Thưa Bà, thật vui được gặp Bà ở Hà Nội vào một buổi sớm mùa thu thế này. Tôi nhớ lại, cách đây nhiều năm, tôi, khi ấy còn là một sinh viên, đã từng được diện kiến Bà, giáo sư viện nghiên cứu các nước Á Phi thuộc trường đại học THQG Matxcơva ở khu nhà cổ trong trung tâm, dưới tầng hầm…

– Chà, chị nhớ tốt quá. Tôi thì không nhớ được. Có lẽ tôi già rồi…

– Không phải vậy. Là do chúng tôi luôn biết tới Bà như một trong số rất rất ít người Nga nghiên cứu văn học Việt Nam còn lũ sinh viên chúng tôi Bà làm sao nhớ được! Và tôi vẫn luôn muốn hỏi Bà, cơ duyên nào đưa Bà đến với Việt Nam và văn học Việt Nam vậy?

– Đúng là một sự sắp đặt của số phận. Tôi sinh ra ở… Trung Quốc. Ngày đó, gia đình tôi theo cha tôi trong cuộc hành trình của một quân nhân, đã sống ở đất nước phương Đông xa xôi ấy. Sau năm 1954, cả gia đình hồi hương. Khi đến tuổi vào đại học, tôi quyết định học khoa tiếng Trung vì đơn giản là tôi sinh ra ở đó, nhưng khoa đó năm ấy lại thừa sinh viên, trường đề nghị tôi chuyển sang học tiếng Việt. Thế là tôi học thôi.

– Đơn giản vậy thôi sao? Và Bà không hối hận chứ?

– Số phận thường đưa đẩy rất nhẹ nhàng. Không hối hận vì hóa ra, tiếng Việt rất hợp với tôi! Con người có khả năng học được nhiều ngoại ngữ, nhưng người và ngôn ngữ cũng cần phải hợp được với nhau thì học mới vào và gắn bó mới lâu dài được! Tôi học, thích, yêu… và bắt đầu nghiên cứu văn học Việt Nam. Nhưng tôi không tự nhận là nghiên cứu đâu, tôi cứ nhận là tôi “chơi” thôi – chơi văn học Việt Nam. Nhưng là một cuộc chơi suốt đời!

– Tôi thì nghĩ, Bà dùng từ “chơi” chỉ đơn giản là để … tự giảm bớt áp lực cho mình thôi chứ còn, một người tự bỏ tiền sang Việt Nam để đọc, để sống ở đây vài tháng, hòa mình vào cuộc sống thật đang diễn ra sinh động trên đất nước này… thì đó không còn là cuộc chơi nữa mà thực sự là một thái độ nghề nghiệp rất cẩn trọng, chuyên chú…

– (cười) Có lẽ chị đã “bắt thóp” được tôi rồi. Từ sau năm 2000, tôi đã làm 3 cuộc du lịch đến Việt Nam bằng tiền túi rồi: 2002, 2007 và năm nay, 2011. Tôi còn sáng tạo ra một từ mới này để gọi những chuyến đi của mình: du lịch nghề nghiệp!

– Tôi thử gọi đó là “nghiệp du”, có được chăng?

– Thật thú vị, một từ mới đúng không? Giống như tôi vẫn thường dùng tiếng Việt tiếng Nga lẫn lộn để tạo ra những từ “Việt Nga” vui lắm. Chỉ cần đổi cách danh từ tiếng Việt khi dùng câu tiếng Nga hoặc thêm vào một vĩ tố nào đó. Đó cũng là trò chơi. Không không, tôi vẫn thích từ “chơi” hơn, nó khiến tôi tự do hơn, ít ràng buộc hơn.

– Bà sợ sự ràng buộc gì vậy?

– Không ràng buộc, không phụ thuộc vào các vấn đề chính trị hay áp lực nghề nghiệp. Ở đây, tôi còn chia sẻ thêm với chị, cũng vì áp lực này mà tôi chọn đọc và nghiên cứu văn xuôi Việt Nam. Tôi vẫn cho rằng, đọc văn xuôi đỡ khổ hơn đọc thơ, mặc dù luận văn tiến sĩ của tôi viết về … thơ đấy.

– Ồ, Bà có thể nói rõ hơn được không ạ, thật tò mò quá!

– Vâng, nguyên văn đề tài của tôi là “Quan hệ qua lại giữa thể thơ và ngôn ngữ thơ trong thơ ca dân gian và thơ ca viết, lấy lục bát làm đối tượng nghiên cứu”. Tôi còn là người đầu tiên tìm ra một loạt công thức sáng tác thơ dân gian Việt Nam nữa cơ, và điều này khiến tôi rất tự hào. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn chọn văn xuôi. Tôi cho rằng mình sẽ khó làm được điều gì nếu dấn thân vào thơ ca Việt Nam. Còn văn xuôi Việt Nam thì, như chị thấy đấy, tôi chịu khó đọc và cũng phát hiện được nhiều điều thú vị và luôn có được những phát hiện.

– Nhiều phát hiện? Bà có thể cho ví dụ cụ thể hơn?

– Lần đầu tiên là phát hiện ra… Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Ngọc Phách. Những tiểu thuyết giai đoạn giao thời, những năm 20 thế kỷ trước thật sự khiến tôi chấn động. Tuy nhiên, đồng hành cùng văn học Việt Nam, tôi rất chú ý đến văn học sau đổi mới. Tôi cho rằng, văn học Việt Nam càng lúc càng trưởng thành. Sau năm 1986, có một loạt tác phẩm có tầm, vừa chạm được đến đề tài lớn của đất nước, dân tộc, lại vẫn quan tâm đến thân phận những con người bình thường. Về thời kỳ này, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài là những “phát hiện” của tôi!

– Vì thế mà Bà có dịch “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp?

– Sau này một chút tôi mới dịch, với ý định giới thiệu cho sinh viên của mình đọc thôi. Truyện ngắn ấy sau được đăng báo giấy. Tôi say mê Nguyễn Huy Thiệp, một phần vì trước đó chưa từng đọc những gì được nói thẳng nói thật một cách sắc sảo duyên dáng lại đầy ma lực như vậy. Giản dị mà sâu. Có thể nói, Nguyễn Huy Thiệp là một hiện tượng văn học đáng kể của nền văn học VN hiện đại. Anh không hề có sự giao thoa về văn hóa với phương Tây mà viết để người đọc phương Tây đọc vẫn hiểu, cảm được- anh tìm được con đường rất riêng của mình. Tôi từng đọc đi đọc lại “Không có Vua”, “Chút thoáng Xuân Hương”, “Những ngọn gió Hua Tát” – đọc một cách đầy phấn khích. Còn Phạm Thị Hoài thì lại là một hiện tượng dễ giải thích. Hoài có sự hướng ngoại và chịu ảnh hưởng lối viết phương Tây. Những “Thiên sứ”, “Mê lộ” … tôi rất thích. Tiếc là giờ đây hai người hình như đều ngừng viết. Có thể họ đang trong quá trình tích lũy tiếp vốn sống và cảm xúc chăng?

– Thế những năm gần đây, khi đời sống văn học ở Việt Nam cũng trở nên sôi động hơn, Bà có được “phát hiện” nào mới không?

– Có chứ. Đó là Nguyễn Bình Phương và Tạ Duy Anh. Mà đặc biệt là Nguyễn Bình Phương. Tôi đọc Nguyễn Bình Phương do dịch giả Đoàn Tử Huyến giới thiệu. Và thật sự rất thích. Tôi cho rằng anh cũng là một hiện tượng văn học của Việt Nam! Chỉ có điều, khi tôi sang đây vào năm 2007, Nguyễn Bình Phương đã có tới gần chục đầu sách mà vẫn chưa phải là một tên tuổi nổi đình đám mà chủ yếu người trong giới biết là chính, còn bạn đọc có vẻ không chọn đọc anh.

– Bà có lý giải được điều này không?

– Có. Theo tôi, cũng như ở Nga, văn chương bây giờ bắt đầu đi vào chỗ khá bế tắc vì những áp lực từ cuộc sống chính trị, xã hội. Người dân vẫn đọc sách nhưng có xu hướng chọn những gì dễ dãi, đơn giản, không phải giải mã, không phải va chạm với những vấn đề làm họ phải ám ảnh bởi chính họ cũng đã mệt mỏi với cuộc đời thực. Họ chọn cách đọc như thế để tự vệ.

– Như vậy là Bà đánh giá cao Nguyễn Bình Phương?

– Vâng. Tôi đọc Những đứa trẻ chết già, Trí nhớ suy tàn… và lần đầu tiên được đọc kiểu câu cộc, vô chủ trong văn phong Việt Nam. Có thể bây giờ điều này đã là chuyện thường rồi nhưng khi ấy, tôi thấy khá “sốc”. (Cười) Tôi thấy trong tác phẩm của Nguyễn Bình Phương có một thế giới nghệ thuật rất riêng, những cảm xúc tinh tế – có thể coi là thuộc về chủ nghĩa ấn tượng. Anh chạm được đến những vấn đề chung của thế giới, có những tư tưởng, triết lý gần gũi với phương Tây. Nếu dịch Nguyễn Bình Phương, bạn đọc phương Tây dễ đồng cảm và dễ hòa nhập vào thế giới của anh hơn so với nhiều tác phẩm đã được dịch ra tiếng nước ngoài khác. Ngoài ra, cuốn Thoạt kỳ thủy tôi cũng coi là một tác phẩm kiệt xuất… nho nhỏ của nền văn học VN hiện đại. Nguyễn Bình Phương viết điêu luyện không kém gì Milorad Pavic hay Orhan Pamuk, hai nhà văn đều từng được đề cử giải Nobel văn học mà một người được nhận một người bị loại đều… ít nhiều vì lý do chính trị! Nói vậy để thấy tôi đánh giá cao Nguyễn Bình Phương thế nào và tôi nghĩ, nền văn học Việt Nam có nhiều lý do để hy vọng.

– Còn Tạ Duy Anh?

– Tôi đọc Tạ Duy Anh vào thời điểm tôi “ngốn” sách đến phát no, phát ngấy. Ấy vậy mà ngay lập tức trở lại được tâm trạng … “đói” để đắm chìm vào thế giới riêng mà nhà văn dựng nên. “Đi tìm nhân vật”, “Giã biệt bóng tối”… tôi đọc thấy có hơi thở cuộc sống mà lại tính văn chương cao, không bị rơi vào trường hợp xã hội hóa, báo chí hóa văn học như gần đây nhiều tác phẩm ở Nga, ở các nước và cả ở Việt Nam bị ảnh hưởng. Tôi vẫn nghĩ rằng, hiện thực cuộc sống ngồn ngộn là chất liệu, nhưng nếu người viết chỉ đơn giản sắp xếp lại chúng, kể lể, miêu tả bằng hết, cho dù có khéo léo đến mấy, giỏi nghề đến mấy thì cũng xa rời văn chương đích thực. Nhiều tác phẩm tôi đọc để hiểu đời sống chứ không được thưởng thức văn chương!

– Bà có khắt khe quá không? Văn học cũng có chức năng tái hiện cuộc sống thực ở mọi khía cạnh chứ?

– Tôi nghĩ, bây giờ, con người càng được học hành tử tế, đi nhiều hiểu rộng, càng có nhiều khả năng có thể viết ra những câu chuyện, hầu như ai cũng có thể… sáng tác! Phân biệt một người biết kể chuyện kể những gì mình trải nghiệm với một nhà văn có văn tài, biết xây dựng thế giới nghệ thuật riêng, hình tượng riêng, ngôn ngữ riêng… đôi khi không dễ dàng. Nhưng vẫn phân biệt được! Người kể chuyện kể câu chuyện cuộc đời mình, cuộc đời người khác mà mình chứng kiến, còn nhà văn – anh ta xây dựng hẳn một cuộc đời khác từ những gì nhìn thấy cộng với năng lực tưởng tượng phong phú kỳ lạ của mình, tư tưởng của mình, triết lý của mình… Có khác chứ!

– Nhưng việc kể một câu chuyện có thực cũng vẫn là văn chương chứ, theo tôi. Đó cũng là một trong những xu hướng của văn chương thế giới. Chẳng hạn, thể loại non-fiction thì sao?

– Vâng, có thể đó là một hướng sáng tác, có lúc còn là một cái “mốt” nữa. Nhưng cá nhân tôi sẽ đọc vì thấy tò mò, sẽ thấy thú vị nhưng vẫn không coi đó là văn chương đích thực. Lấy ví dụ, nhà văn Solzhenitsyn – tôi vô cùng kính trọng ông nhưng ông như nhà sử học, nhà báo chứ không giống nhà văn! Ghi chép, mô tả, sắp xếp những sự kiện có thực, dù hiện thực ấy ghê gớm đến thế nào, dù thể hiện có nhuần nhuyễn ra sao – cũng không phải là nhà văn. Nhà văn phải biết làm nhiều hơn thế và phải có một hạt nhân – là văn tài Trời cho, không nhiều người có được! Nhà văn không chỉ là người kể chuyện.

– Thế hiện giờ các nhà văn Nga, đặc biệt là các nhà văn 7x, viết lách thế nào, bà có thể cho vài nét khái quát được không? Ai là nhà văn và ai chỉ là người kể chuyện?

– Gần đây văn chương Nga cũng không có gì nổi bật – là tôi phát biểu với tư cách một độc giả! Nhiều người kể chuyện phi văn chương như Minaev với “Vô hồn” hay nhiều người viết được truyền thông tung hô, tên tuổi được nhắc đến quen tai trên báo mà thực chất rất bình thường. Những năm gần đây, tôi chú ý đến nhà văn Shishkin viết cuốn “Sách-dạy-viết”. Nhà văn này rất chặt tay trong kết cấu tiểu thuyết, hiện thực được bóc tách thành tầng lớp, từng mảng đan xen, rất lôi cuốn. Hay là Sorokin cũng là một nhà văn đích thực với một biển ngôn ngữ ào ạt, phong phú, lấp lánh… chuyển tải được tất cả những điều muốn nói. Tuy nhiên, nhà văn này có một đặc điểm là mục đích cuối cùng của anh ta là tìm tòi tất cả những hình thức mới lạ mô tả thế giới, không hạn chế. Anh ta là nhà văn cổ súy cho sự không giới hạn đạo đức. Vì thế, đọc để thấy khả năng kinh khủng của nhà văn – mà tôi cho là nhà văn đích thực – chứ còn tôi sẽ không khuyên con cháu tôi đọc. Cách đây ít năm, có phong trào đốt sách của nhà văn này vì những giá trị đạo đức bị vượt qua và người ta cho rằng văn chương của anh ta bẩn thỉu, gây hại.

– Quay lại văn học Việt Nam, tôi muốn hỏi thêm, bà còn chú ý tới tác giả nào nữa không?

– Nói thực là tôi chỉ chú ý đọc tiểu thuyết vì tôi cho rằng, tiểu thuyết là môi trường tối ưu để nhà văn tung hoành thể hiện mình. Ngoài những người tôi kể tên ở trên, tôi còn chú ý đến Nguyễn Việt Hà, Bùi Ngọc Tấn…

– Không có tác giả nữ nào của chúng tôi khiến bà quan tâm nữa sao?

– Tôi có được đọc Nguyễn Ngọc Tư, Hoàng Diệu, Di Li. Tôi thấy Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn đích thực nhưng chưa đọc được gì thêm ngoài Cánh đồng bất tận. Tôi chú ý đến những cây bút liên tục viết và phát triển. Hoàng Diệu với Bóng đè thì cũng hay hay nhưng chưa gây ấn tượng lắm cho tôi, chỉ đơn giản chị thuộc một dòng văn chương nữ giới cởi mở hơn một chút.

– Như vậy, chuyến đi lần này bà không có “phát hiện” gì?

– Chưa nói vậy ngay vì tôi còn tiếp tục đọc. Nhưng cho đến thời điểm này thì đúng là như thế.

– Thường bà chọn sách thế nào để đọc hay tìm tên sách tên tác giả qua báo chí, internet?

– Tôi có những người thày, người bạn, đồng nghiệp mà tôi tin tưởng thường hỗ trợ tôi trong việc này. Tôi đặc biệt muốn nghe ý kiến của dịch giả Đoàn Tử Huyến, giáo sư Phan Cự Đệ nay đã qua đời, tiến sĩ Phạm Thu Yến, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, nhà văn Phạm Sông Hồng. Tuy vậy, đôi khi rơi vào trường hợp, nhận được những lời khuyên… trái chiều. Lúc ấy thì tôi chọn phương án … tất cả các phương án!!! Cần phải sắp xếp thời gian nếm thử tất cả, dù khẩu vị hợp hay không hợp. Dù sao đi nữa, tôi xin nhắc lại, tôi chỉ CHƠI văn học Việt Nam thôi mà!

– Hiện nay, sau khi hai người bạn lớn của Việt Nam là giáo sư N.I.Niculin và M.N. Tkachev qua đời, những người nghiên cứu hoặc… “chơi” văn học Việt Nam như bà còn được bao nhiêu?

– Tôi có thể nói, còn có… một tôi! Những người nghiên cứu tiếng Việt thì nhiều nhưng hầu hết họ theo ngạch lịch sử hoặc ngôn ngữ. Người có duyên với văn chương Việt rất hiếm. Trong tương lai gần, tôi chỉ nhìn thấy duy nhất một cô bé sinh viên có thể theo nghiệp này. Cô bé tên là Olesia Vasilieva, hiện cũng đang thực tập năm thứ 4 tại Việt Nam. Chỉ một người, một hạt nhân thôi nhưng vẫn cho tôi hy vọng vào việc “cuộc chơi lớn” của tôi vẫn có thể có người nối bước, như tôi đã nối gót các bậc tiền nhân.

– Xin cho tôi được cùng hy vọng với Bà. Và chúc Bà sức khỏe dồi dào để tiếp tục cuộc chơi đòi hỏi nhiều tâm sức của mình. Cảm ơn Bà đã dành thời gian quý báu của một người “nghiệp du” trò chuyện với tôi ngày hôm nay.

THỤY ANH thực hiện.

About admin2

Scroll To Top