Một người bạn tôi có con trai năm nay vào tuổi mới lớn, 15 tuổi. Anh rất lo lắng, tìm mọi cách đề phòng những ảnh hưởng xấu từ bên ngoài đến cậu bé. Máy tính anh cũng đặt mật khẩu, phòng khi con ở nhà một mình lại tò mò vào các trang Web có nội dung xấu. Cậu bé tỏ vẻ bất mãn ra mặt và càng tỏ ra thu mình “thủ thế” trước ông bố nhiều hơn.
Một lần nói chuyện với bố, khi được hỏi vì sao không thể trò chuyện tâm sự với nhau, dù bố đã rất ân cần và nhiệt tình gợi chuyện, thì cậu con trai nói thẳng toẹt: “Bố cũng có tin con đâu mà đòi con chia sẻ!”.
Quả vậy. Mật khẩu không còn đơn giản là chìa khóa mở cửa căn phòng bí ẩn mà đã trở thành câu chuyện lòng tin.
Tin thì lợi hay hại?
Anh bạn tôi bức xúc: “Làm sao tin được? Hở ra là chơi game, kèn kẹt thế này còn không ăn thua, nữa là tin. Tin rồi có ngày hỏng hết không kịp trở tay.”
Thực ra, lòng tin không hề có mâu thuẫn gì với việc quan sát, kiểm tra, hỗ trợ. Vấn đề chỉ là cách làm thế nào cho hợp lý mà thôi. Và ở đây, chúng ta nói đến lòng tin từ hai phía.
Tôi nhớ ngày bé, khi bố tôi đi đằng trước, ông đưa một ngón tay ra đằng sau và tôi khi ấy là một đứa trẻ 3 tuổi đã nắm lấy ngón tay ấy đầy tin cậy. Tôi biết bố tôi sẽ đưa tôi đến nơi an toàn và hay ho đối với tôi và không để cho tôi phải sợ hãi. Ngược lại, tôi lại nhớ ngày đầu tiên mẹ tôi trao cho tôi chìa khóa nhà khi đi làm đành phải nhốt con trong nhà, dặn: “Khi nào có việc cần như bố mẹ đã dặn trước, thì con cứ mở khóa nhé.” Tôi cảm thấy mình lớn hẳn lên, có trách nhiệm và hài lòng với niềm tin của bố mẹ dù suốt bao nhiêu ngày đeo chìa khóa bằng chiếc dây ở cổ, tôi chưa từng dùng đến nó lần nào. Tôi chưa từng mở cửa để… trốn ra ngoài đi chơi, dù đôi lúc rất muốn. Nhưng khi vượt qua được sự “muốn”ấy, tôi thấy hãnh diện nhiều hơn. Tôi vượt qua được cũng vì lòng tin mẹ đã đặt vào tôi.
Thật tuyệt biết bao khi có cảm giác tin nhau. Những câu chuyện chỉ có thể bắt đầu cởi mở khi có lòng tin ấy.
Lòng tin chính là một cách thể hiện sự đánh giá. Lòng tin của bố mẹ cho trẻ niềm tin vào bản thân mình, củng cố sự tự đánh giá bản thân là bước quan trọng cho các hành vi tiếp theo.
Niềm tin đôi khi chỉ cần là cái ngoắc tay…
Một chút kỹ năng
1. Hãy nói với trẻ về khái niệm “tin”, “niềm tin”, “lòng tin” thật sớm. Khi nhờ trẻ làm một việc gì đó, đừng quên nói: “Mẹ/bố tin con”.
2. Chỉ giao cho trẻ những việc mà bạn biết chắc vừa sức trẻ, con có thể làm được. Nếu cần thiết, hãy hướng dẫn tỉ mỉ trước khi giao việc.
3. Thỉnh thoảng (lưu ý: nghĩa là không lạm dụng bài tập này) hãy thử đề nghị trẻ làm một việc gì đó trong vòng tự kiểm soát của trẻ. Ví dụ: “Con chơi game trên máy tính từ 16h00 đến 16h45 là tự dừng lại và đóng máy. Mẹ tin con sẽ dừng đúng giờ.” Tôi đã thử đề nghị các bạn nhỏ làm việc này. Trẻ hồi hộp đến nỗi dừng trước cả khi thời gian kết thúc. Chúng muốn giữ được lòng tin của người lớn dành cho mình.
4. Khi bạn nói bạn TIN, hãy hoàn toàn chân thành. Nếu không, hãy nói: “Mẹ muốn tin con”. Sự chân thành là chìa khóa quan trọng để tránh làm tốn thương đứa trẻ. Chẳng hạn, người mẹ miệng thì nói là TIN nhưng khi nói chuyện với ông bố lại bảo: “Ôi giời, nói tin thế thôi chứ làm sao tin được!” Và ráo riết lên kế hoạch kiểm tra. Điều này gây sụp đổ lòng tin của đứa trẻ vớichính bản thân mình, gây tổn thương lớn hơn cả sự không tin.
5. Thay vì tỏ ra nghi ngờ, hãy đặt câu hỏi cụ thể. Vídụ: Hôm nay con đánh răng rồi chứ? Rồi à? Con đánh răng kỹ không? Khoảng baonhiêu phút? Con dùng bàn chải cũ hay bàn chải mẹ mới mua cho con? V..v.. Nhữngcâu hỏi cụ thể khiến đứa trẻ cảm thấy ta thật sự quan tâm đến quá trình hành động của trẻ, đồng thời cũng là cách để đưa ra thông điệp kiểm tra một cách ý nhị, không gây áp lực. Lưu ý hỏi với thái độ thân thiện chứ không phải với thái độ “giám thị bắt lỗi”.
6. Thể hiện lòng tin không chỉ bằng lời nói. Có thểdùng ánh mắt thể hiện sự tin cậy – thẳng – không chút phân vân, một cái vỗ vai, một cái bắt tay thật chặt, hoặc một cái ngoéo tay, đập tay, giơ ngón cái… Tất cảnhững cử chỉ đó ngay lập tức truyền tín hiệu đến đứa trẻ, cho sự hưng phấn, tự tin. Ngược lại, chỉ một chút hoang mang cũng ngay lập tức cho trẻ một thông điệp tiêu cực hơn cả chính cảm xúc hoang mang từ phía bố mẹ.
7. Chú ý: lòng tin đôi khi cũng có thể trở thành gánh nặng. Hãy lựa chọn các sự việc để thể hiện lòng tin – tốt nhất là những việc trẻ có thể thực hiện được bằng suy nghĩ, hành động CHỦ QUAN của mình, không bị KHÁCH QUAN chi phối. Chẳng hạn, hãy tỏ ra tin con sẽ quan tâm và tích cực ôn thi và sẽ làm bài hết mình chứ đừng tỏ ra tin 100% rằng con sẽ đỗ hay đoạt giải. Việc nỗ lực cá nhân là chủ quan, việc đỗ và đoạt giải còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố bên ngoài.
8. Thỏa thuận: cùng con thống nhất trước các điều kiện thực hiện một công việc nào đó. Ví dụ: thời gian con được chơi điện tử, được dùng máy tính; hoặc trước khi con đi chơi với bạn bè, thỏa thuận về vào giờ nào, đi cùng ai, đi bằng phương tiện gì… Phải rất cụ thể, chi tiết – nhưng với thái độ bình thản chứ không phải vừa thỏa thuận vừa răn đe. Sau khi có được sự thỏa thuận, hãy nói: “Tốt rồi. Mẹ tin là con sẽ thực hiện được những gì chúng ta vừa bàn. Chúc con đi chơi vui nhé.”. Hãy cho con cảm xúc tích cực và tin tưởng vào điều hay, điều tốt chứ không phải vẽ cho con trước một viễn cảnh đen tối hoặc xấu xa nào đó.
9. Cũng đôi khi nên chia sẻ với trẻ những băn khoăn lo lắng thật của mình, một cách CHÂN THÀNH, không quy chụp, phê phán. Chẳng hạn: “Bố hơi lo một chút nếu con cứ lên mạng nhiều mà không tuân thủ thời gian chúng ta đã thỏa thuận. Nhưng bố sẽ không đặt mật khẩu mà tin rằng con sẽ dần dần kiểm soát được thời gian chơi của mình, dù việc này không dễ chút nào.”. Mọi suy nghĩ cần được trao đổi thẳng thắn, không kể lể, kêu ca, nhiếc móc.
10. Lòng tin của bố mẹ chỉ thực sự có giá trị và làm cho trẻ cảm động khi lòng tin ấy thể hiện sự tôn trọng. Việc đặt mật khẩu cho máy tính thể hiện một sự không tôn trọng đứa trẻ – ít nhất là chúng sẽ nghĩ như vậy – coi chúng như trẻ con không tự giải quyết được các vấn đề của mình. Sựtôn trọng còn thể hiện ở chỗ: những vấn đề bố mẹ và con cái chia sẻ với nhau không được đem ra nói với người thứ 3. Nếu trẻ biết được điều đó thì lòng tin trở nên không còn cần thiết nữa. Chẳng hạn, đứa trẻ kể cho mẹ nghe về cảm xúc quý mến của nó với người bạn khác giới. Hôm sau một cô bạn của mẹ đến chơi, hỏi:“Thế nào, bạn A. cũng hay đấy chứ hả? Cháu thích bạn ấy là đúng rồi!!!”.
11. Và cuối cùng – sự hỗ trợ. Đứa trẻ vẫn chỉ là đứa trẻ. Chúng ta hãy có những tín hiệu hỗ trợ trước khi các thỏa thuận bị phá vỡ và niềm tin sụp đổ. Ví dụ đơn giản: Những ngày đầu tiên, ít nhất trong vòng 3 tuần, bố mẹ cần nhắc nhở “sắp hết thời gian chơi máy tính”; nếu ở xa gọi điện hỏi vài câu – sự hiện diện bằng… điện thoại của bố mẹ, dù chỉ là câu hỏi thăm không liên quan, cũng là một cách nhắc nhở gián tiếp. Thi thoảng phải nhắc lại: “Đúng là bố/mẹ đãkhông sai khi tin con”… Như một chiếc đồng hồ cơ, giây cót cần được vặn đúng lúc, vừa độ. Quá mức cũng sẽ hỏng. Không đúng lúc thì thừa không cần thiết và cũng không phải là không dễ gây hỏng hóc.
Nếu cảm thấy trẻ quá sức trước một công việc bố mẹ giao cho và đặt lòng tin ở trẻ, hãy chia công việc ấy thành từng phần nhỏ và đề nghị thực hiện từng phần. Khó khăn từng phần hãy cùng thảo luận với trẻ và vạch hướng giải quyết. Những việc này bố mẹ tiến hành với thái độ bình thản như nó vốn phải như thế chứ không phải với sự kẻ cả: “Đấy, không có bố giúp là không xong”.
Trở lại câu chuyện mật khẩu: mật khẩu dùng để đối phó với những người ta không tin. Và ngược lại, việc không sử dụng mật khẩu với “đối tượng” ta muốn tin lại là một phương cách thể hiện lòng tin và sự khích lệ. Ở đây, theo tôi, mật khẩu sẽ không giải quyết được những gì bố mẹ lo lắng.
Và chỉ đơn giản vậy thôi.
TSGD Nguyễn Thụy Anh ( tạp chí Mẹ và bé, 8/2013)