“Cây cối không chỉ là một thực vật vô tri vô giác mà đôi khi, nó còn trở thành một người bạn mà ta có thể sẻ chia, một người bảo hộ mà ta có thể tin tưởng.” Bà em đã nói thế này khi lần đầu tiên dẫn em đi xem cây đa cổ thụ của làng. Và từ đó đến giờ đã được sáu năm, từ một cô bé ngây thơ đến cả khi đã trưởng thành, em vẫn chưa bao giờ quên câu nói của bà và hình ảnh vĩ đại của “bác” đa.
Cây đa luôn đứng trước cổng làng em như từ hàng nghìn năm trước. Không ai trong làng biết nó có xuất xứ từ đâu và đã được bao nhiêu tuổi. Thế nhưng, trẻ con ở đây vẫn luôn được nghe những câu chuyện mà dân trong làng truyền lại “Cây đa này chính là người bảo hộ đã giúp làng ta sống sót khỏi chiến tranh đấy”. Và đúng là khi nhìn từ xa, trông cây đa chẳng khác gì một người giữ cửa của làng.
Ảnh: internet
Cây đa có dáng vẻ đồ sộ,to lớn với cơ man là rễ. Những chiếc rễ to, dài đến nỗi nó trồi lên đâm thẳng vào mặt đất. Thân cây đa chắc nịch, to tròn hình cầu mà phải bốn người dang tay ôm mới hết một vòng cây. Vỏ cây sần sủi y như da cóc, thỉnh thoảng lại có một số vết lõm trên vỏ cây đánh dấu những năm tháng khắc nghiệt của chiến tranh mà cây đa đã trải qua. Từ thân cây đa tủa lên trời hàng trăm cành cây ngắn dài khác nhau. Nếu người nào có trí tưởng tượng, người đó sẽ nghĩ ngay đến những bàn tay gầy gộc đang giơ lên trời. Từ những “cánh tay gầy gộc” đó, mọc ra hàng trăm, hàng nghìn những chiếc lá con con. Lá đa to gần bằng một bàn tay, hình bầu dục. Lá non thường có màu xanh nhạt, xanh lam. Còn khi đã về già thì nó sẽ to lên, chuyển thành màu xanh lá cây đậm, rồi màu đỏ cam và cuối cùng, khi bà chúa mùa đông đã giang tay phù phép cái giá lạnh lên mọi vật, những chiếc sẽ từ từ “trút hơi thở cuối cùng” và bay về với đất mẹ. Chỉ khi đến mùa xuân, ta mới thấy dấu hiệu cửa những chiếc búp non màu xanh lam lấp ló trong những tán cây. Khoảnh khắc tuyệt nhất vẫn là lúc mà chị mùa xuân chuyển giao chức vụ sang cho em mùa hè. Ta có thể thấy rõ, từ những chiếc búp non xanh xanh nhỏ xíu, nó đã hóa thân thành cả một bộ giáp xanh mướt, xum xuê bằng những chiếc là to đan chặt vào nhau. Mỗi khi cảm thấy nóng, em lại chạy ra dưới cây đa để trú râm, nơi mà những tia nắng nóng nực kia còn khó để chiếu sáng mặt đất. Đó là mùa hè. Còn khi mà mùa thu đã đến, ấy chính là lúc cho những trái đa vàng sậm, đỏ gạch tỏa sáng. Có mùa trái đa bội thu đã hấp dẫn cả một đàn chim bay về, ríu rít ăn lấy ăn để. Lúc đó, em lại cùng lũ trẻ con trong xóm đi bắt chim. Khoảnh khắc đó mới thật vui làm sao. Em đã trải qua những ngày tháng thanh bình ở quê như thế đấy!
Cây đa là nơi mà lũ trẻ con bọn em thường hay tụ tập lại để chơi trò chơi, đọc sách hay đơn giản là chỉ nói chuyện với nhau. Nói cách khác, cây đa đã kéo bọn em lại gần nhau hơn. Em sẽ không bao giờ quên những ngày tháng thả diều hay chạy lông lốc trên những trảng cỏ xanh mượt mà.
Không biết từ lúc nào, cây đa đã nghiễm nhiên trở thành một biểu tượng của làng em và một người bác già thân thiện, đầm ấm trong tim em. Nó làm em nhớ đến bà em, nhớ đến người dân nơi đây, những con người thật thân thiện, dễ gần và cực kì tốt bụng. Hơn tất cả, cây đa đã nhắc cho em nhớ rằng, dù đi đâu hay làm gì, nơi đây vẫn luôn là nơi mà em đã sinh ra, vẫn luôn là quê hương số một của em.
Vũ Phạm Bảo Anh (thành viên CLB Đọc sách cùng con)