Ra sách vào dịp cuối năm, lại in với số lượng 150.000 bản, đó là một sự mạo hiểm. Nhưng có vẻ điều đó chỉ ứng với người khác, còn với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì không. Sau nhiều năm, đến cuốn “Cảm ơn người lớn” vừa phát hành, Nguyễn Nhật Ánh vẫn là nhà văn ăn khách ở thị trường sách Việt Nam, chưa ai có thể “soán ngôi”.
1/ Sau hơn một tuần đi châu Âu, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa đáp chuyến bay từ Nhật Bản về Hà Nội, và sáng qua 9-12, ông có mặt ở Thư viện Hà Nội, 47 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm để giao lưu, tặng chữ ký cho bạn đọc.
Cuốn sách mới của ông – tập truyện “Cảm ơn người lớn” vừa được NXB Trẻ ấn hành, như thường lệ, với số lượng “vô địch”: 130.000 bản phổ thông, 20.000 bản đặc biệt. Nếu nhìn vào bình diện chung của những đầu sách văn chương thường chỉ quẩn quanh mức in trên dưới 2.000 bản, thì con số 150.000 bản in quả là đáng quan tâm.
Và cũng như thường lệ, độc giả lại xếp hàng dài để xin chữ ký của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bất chấp thời tiết Hà Nội buốt lạnh, thi thoảng mưa ướt áo.
Mưa lạnh không thể là nguyên nhân khiến cho những độc giả yêu mến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chùn bước
Khác với những tập sách trước, lần này, “Cảm ơn người lớn” có một “số phận” đặc biệt: được phát hành toàn cầu. Nghĩa là, lần đầu tiên, bản in tiếng Việt một cuốn sách của nhà văn Việt Nam phát hành đồng thời không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới – nơi có nhiều bà con Việt kiều sinh sống. Đó là Praha (Cộng hòa Séc), Berlin (Cộng hòa liên bang Đức) (trong khuôn khổ chương trình Sách trẻ tại châu Âu), tại Nhật Bản (nhà sách Kinokuniya – thông qua nhà phát hành FAHASA), Đài Loan (Trung Quốc) và tại California (Mỹ). Và cũng là lần đầu tiên, tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được in bằng giấy trắng ngà, có tráng màng chống ẩm mốc nhập khẩu từ Nhật Bản – một loại giấy thân thiện với môi trường.
Giây phút mà mỗi độc giả mong chờ nhất!
2/ Vậy còn nội dung, “Cảm ơn người lớn” có gì đặc biệt? Vẫn vậy, vẫn là cuốn sách mà ở đó, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đang giữ “phong độ”. Ở đó, ông vẫn giữ được phong cách văn chương của mình. Ông “đọc vị” tâm lý học trò, kể những câu chuyện trong trẻo có, nghịch ngợm có, yêu đương có, và cũng có chút day dứt, lý sự… bằng một giọng văn hài hước, hóm hỉnh. Điều thú vị, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã tiếp tục cho những nhân vật trong tập truyện “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” bước vào cuốn “Cảm ơn người lớn”. Chính vì thế, ngay trên bìa cuốn sách mới, ông đã lặp lại thông điệp mà 10 năm trước đã từng dùng đề từ khi viết “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”: “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em”.
Lý giải điều này, Nguyễn Nhật Ánh cho rằng, ông không cố tình “ăn theo” “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, dù đến nay, cuốn sách đã in tới 400.000 bản. Đơn giản là ông thấy bây giờ mình có thêm những trải nghiệm cuộc sống, có nhiều suy tư nghĩ ngợi về thời gian, về cái chết, về hôn nhân, về văn chương, về sự ám ảnh tuổi thơ…
“Tôi muốn viết một cuốn sách theo một hình thức nào đó mà có thể chia sẻ với bạn đọc những nghĩ ngợi của mình. Thế thì chọn nhân vật “Cu Mùi” là thuận lợi nhất. Vì ngay trong cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, khi lớn lên, cu Mùi muốn trở thành nhà văn. Cái suy tư của nhân vật khi lớn lên thành nhà văn thì khi nói ra những chiêm nghiệm nó có gì nhuần nhuyễn, hợp lý… Điều đó cho phép mình giãi bày được nhiều, gửi gắm được nhiều thông điệp. Chứ hoàn toàn không nghĩ rằng, ồ cuốn kia đã ra được đúng 10 năm, giờ mình viết một cuốn kỷ niệm”, nhà văn chia sẻ.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và các thành viên CLB Đọc sách cùng con, đội ngũ tham gia tổ chức chương trình
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thừa nhận, ông rất khó chỉ ra bí quyết làm sao để nuôi dưỡng được cảm xúc. Nhưng ông cũng cho rằng, chính độc giả xếp hàng chờ xin chữ ký là một mạch ngầm khiến ông luôn xúc động. Như sáng qua, có những bạn đọc dậy từ 3-4 giờ sáng đi từ Thanh Hóa, Hòa Bình xuống Hà Nội để xin nhà văn chữ ký vào sách. “Chữ ký với tôi thì quá bình thường, nhưng các em, các cháu đứng xếp hàng trong gió rét, dưới mưa để chờ ký tặng, làm sao mình không xúc động, làm sao mình có thể thờ ơ”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chân thành.
Hoàng Thu Phố (theo báo nhandan.com.vn)