Ở Liên bang Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, đã nửa thế kỷ nay khó có thể tìm thấy một em bé nào ở độ tuổi đi học lại không biết nhà văn viết cho thiếu nhi Eduard Uspenski.
Tuy nhiên ông đến với độc giả nhí Việt Nam có đôi chút muộn mằn, lần đầu vào năm 2006 trong Bác Phiodor, con chó và con mèo. Và sắp tới đây, ngày 17-6, một cuốn sách nữa của ông được liệt vào hàng “kinh điển” của nền văn học thiếu nhi Xô Viết Cá sấu Ghena và các bạn (*) sẽ được ra mắt tại Trung tâm Khoa học và văn hóa Nga (Hà Nội).
Sau một cuộc hành trình dài đi qua hơn 25 nước, giờ đây những nhân vật trong cuốn sách đã trở thành những người bạn chung của trẻ em Việt Nam, trẻ em Nga và nhiều nước khác trên thế giới.
Trẻ thơ khát khao có bạn
Kể về việc “bất thần” gắn bó đời mình với văn học thiếu nhi, nhà văn nhớ lại: năm ấy Eduard Uspenski làm việc ở trại hè thiếu nhi. Tối tối, anh phụ trách Eduard đọc sách cho bọn trẻ. Đọc mãi cũng hết truyện hay, thế là Eduard bắt đầu bịa… “Ở một thành phố nọ có chú cá sấu tên là Ghena, và ở sở thú công việc của chú là vào vai một con… cá sấu!”. Một đêm, trong đầu anh bỗng nảy ra một câu mào đầu như thế và rồi cuộc phiêu lưu của cá sấu Ghena và các bạn bắt đầu, miên man từ đêm nọ sang đêm kia.
Đó là những câu chuyện nho nhỏ đáng yêu xoay quanh việc tìm bạn, kết bạn của các nhân vật sau này trở nên nổi tiếng: chú cá sấu tốt bụng Ghena; rồi Cheburashka – một con vật kỳ quặc, trông bề ngoài giống như con thú bông bị làm ẩu, không ra chó, không ra thỏ; hay cô bé Galia ngoan ngoãn, thích viết đúng chính tả; bà già “hư” Shapokliak và những chú bé đánh bạn với điểm 2!
Tất cả bọn họ, dù là hư hay ngoan, dù không phân biệt được “s” với “x” hay viết rất chuẩn, dù cao như hươu cao cổ hay dũng mãnh như sư tử… thì đều giống nhau ở một điểm: luôn khao khát có bạn! Uspenski vốn mồ côi từ nhỏ nên cô đơn có lẽ là một trong những cảm giác đáng sợ mà ông không muốn các bạn nhỏ của mình gặp phải. Sau này Eduard Uspenski sáng tác lời thơ cho bài hát của Cheburashka trong phim hoạt hình, có đoạn: Ban đầu tôi thật xui xẻo – Thậm chí có thời thế này cơ – Ngày sinh của tôi không ai đến cả – Bây giờ tôi đã có Ghena – Cậu ấy không phải thường đâu – Mà là một con cá sấu – Tốt nhất trên thế giới này… Trong hình dung của nhà văn, tình bạn là điều quý giá nhất đối với mỗi đứa trẻ, và tình bạn trong những cuốn sách của Uspenski cho các em cách nhìn người trong trẻo, hồn nhiên.
Sức sống mãnh liệt
Từ nhiều thập kỷ nay tất cả những nhân vật do nhà văn sáng tạo ra vẫn sống và sức sống của chúng ngày càng mãnh liệt. Cá sấu Ghena luôn xuất hiện trong những buổi sinh nhật với bài hát nổi tiếng của mình (Mừng ngày sinh). Cheburashka hiện đang được đưa vào ứng viên để chọn làm biểu tượng cho Thế vận hội mùa đông 2014 ở Sochi (Nga). Tháng 5-2008 ở Matxcơva còn khánh thành một viện bảo tàng Cheburashka với những hình ảnh quen thuộc của cá sấu Ghena và các bạn. Ngôi làng Prostokvashino và Phiodor, con chó, con mèo, người đưa thư… trở đi trở lại trên những clip quảng cáo sản phẩm làm từ sữa…
Còn Uspenski vẫn dành hết tâm huyết cho văn học thiếu nhi. Ông viết truyện ngắn, kịch, kịch bản phim hoạt hình và cả những bài hát (thường là nhạc sĩ nổi tiếng của Nga Shainski viết phần nhạc). Những năm gần đây Uspenski tham gia dẫn chương trình giáo dục mầm non trên truyền hình. Ông nghĩ ra “ngôi trường của những chú hề”, những chú hề có tên gọi khác nhau và hằng ngày cùng nhau học cách viết đúng chính tả, ngữ pháp. Đây là một chương trình dạy học cho trẻ có hiệu quả tốt qua phản hồi của nhiều phụ huynh. Uspenski cho rằng nhân vật chú hề rất gần gũi và quan trọng vì những chú hề vừa là người lớn, có thể hướng đạo trẻ trong cuộc sống tinh thần, đồng thời trong mỗi chú hề lại có một đứa trẻ biết cười biết khóc hồn nhiên. Và ngay chính trong Eduard Uspenski cũng có một chú hề như thế, một chú hề hết lòng vì trẻ thơ.
Thụy Anh