Bạn Diệp Thảo sinh hoạt tại EcoCamp 2013 do CLB Đọc sách cùng con tổ chức
Có một lần, trong siêu thị, Diệp Thảo đã bị lạc mẹ. Rõ ràng vừa mới đây, ba mẹ con còn chụm đầu vào nhau chỉ trỏ một món đồ nào đó, bình luận rôm rả thế mà mẹ vừa quay đi đã không thấy con đâu. Em Bảo Anh nắm chạy tay mẹ vì sợ rằng, chỉ cần buông tay mẹ ra, mẹ sẽ tự nhiên biến mất. Mẹ lôi em đi dọc các dãy hàng, vừa đi vừa hốt hoảng gọi tên con.
Diệp Thảo! Diệp Thảo ơi!
Không có tiếng con trả lời.
Siêu thị thì rộng, người thì đông. Hàng hóa thì xanh xanh đỏ đỏ hoa cả mắt. Con có thể lẫn vào đâu đó mà mắt mẹ không thể nhìn thấy.
Mẹ biết nỗi sợ của mẹ lúc này sẽ không so sánh nổi với nỗi sợ hãi của con khi bị lạc mất mẹ. Mất phương hướng. Sợ hãi tột độ. Con chưa bao giờ rơi vào tình huống khó khăn này. Mà con còn bé. Con chưa biết cách xử trí. Con sẽ khóc. Sẽ hoảng loạn. Thậm chí trong những suy nghĩ tiêu cực nhất thời, con có thể nghĩ rằng mẹ không yêu con, mẹ bỏ con.
Khi bị hoảng loạn, thật khó mà kiểm soát được cảm xúc và những suy nghĩ đang diễn ra trong đầu mình.
Ngày bé, mẹ cũng có lúc rơi vào trạng thái sợ hãi đến mức hoảng loạn như vậy.
Ngày ấy, mẹ thường có thói quen cứ chiều đến là ra ngồi trước hiên nhà ngóng mẹ của mẹ đi làm về. Nhà mẹ khi ấy chỉ có mỗi hai mẹ con. Bố thì đi bộ đội sau lệnh tổng động viên năm 1979. Chị gái phải gửi ở quê nội cho bà nội nuôi. Vì thế mỗi buổi chiều, mẹ luôn phấp phỏng chờ đợi đến giờ mẹ của mình đi làm về. Nhưng có một hôm, mẹ đợi mãi, đợi đến tối mịt, bụng đói meo mà vẫn chưa thấy mẹ của mẹ trở về nhà. Mẹ ngồi giữa bóng tối bao phủ mình. Lần đầu tiên mẹ đối diện với sự cô đơn và nỗi sợ hãi. Mẹ đã nghĩ, nếu như mẹ mình không về nữa thì sao? Mình sẽ sống với ai? Mình làm sao có thể sống nổi. Tại sao mẹ không về? Mẹ đã bỏ mình đi vì nhà nghèo quá, mẹ không thể nuôi được mình? Hay trên đường về, mẹ bị tai nạn? Buổi chiều sợ hãi thê thảm hôm đó, mẹ ngồi khóc hết nước mắt. Đến khi mẹ của mẹ lạch cạch mở khóa cổng đi vào, mẹ vẫn không tin đó là sự thật. Nỗi sợ hãi ngày hôm ấy ám ảnh mẹ nhiều ngày sau đó. Vào cả trong những giấc ngủ đầm đìa nước mắt và bấn loạn.
Bởi vậy, mẹ hiểu cảm xúc lúc này của con. Và nhiệm vụ của mẹ là phải bằng mọi cách tìm được con thật nhanh. Mẹ báo cho nhân viên siêu thị. Siêu thị dù khá rộng, gồm 2 tầng và 1 lửng nhưng lại không có loa thông báo, nên sau khi tiếp nhận thông báo trẻ lạc, nhân viên siêu thị chỉ có cách bảo nhau để ý các khu xem có thấy cháu bé nào giống với mô tả của mẹ không.
Việc tìm con hóa ra phức tạp hơn mẹ tưởng. Và vì mẹ cũng bối rối nên việc mẹ chạy dọc các dãy hàng để tìm con cũng thiếu khoa học khiến cho việc tìm kiếm không hiệu quả. Em Bảo Anh đi theo mẹ bắt đầu òa khóc vì sợ … mất chị. Thành thử mẹ cũng bị cuống.
Mất chừng 20 phút thì mẹ thấy con. Con đi theo một cô, nước mắt lã chã.
Cô kể với mẹ, khi gặp cô, con lập tức lẵng nhẵng bám theo cô. Con như người chết đuối vớ được phao. Con không biết cô, nhưng có thể cô trông giống mẹ, nên con nhất định đi theo cô. Thoạt tiên, con làm cô sợ. Vì con cứ khóc đi theo cô, nhìn bề ngoài thì giống như cô đã làm gì đó tổn thương con. Rồi cô cũng gặng hỏi con có chuyện gì. Con nài nỉ khẩn khoản: “Cô ơi, mẹ cháu đâu? Cô tìm mẹ cho cháu với”. Và rồi con tiếp tục khóc. Con không thể nhớ nổi số điện thoại của mẹ để đọc cho cô. Ở nhà mẹ đã luôn dạy con nhớ địa chỉ nhà, và số điện thoại của bố, mẹ phòng khi bất trắc. Nhưng lúc này, đầu óc con hoảng loạn, con đã không thể nhớ ra được điều gì.
May là chỉ mất có 20 phút. May là con chỉ lạc mẹ trong siêu thị.
Con ạ, rất có thể lúc nào đó, chúng ta đi chơi với nhau, và vì sơ sểnh, mẹ con mình lại lạc nhau. Lúc đó có thể giữa phố đông người. Hai mẹ con mình cứ mải miết đi tìm nhau trong khi vô tình chúng ta đi về hai hướng ngược nhau. Và vì thế chúng ta ngày càng xa nhau hơn.
Mẹ nghĩ rằng, thay vì sợ hãi, hoảng loạn, thì cách tốt nhất chúng ta hãy học cách xử trí với những tình huống xấu. Ở đây, là việc bị lạc người lớn.
Khi rơi vào tình huống đó, điều quan trọng đầu tiên, con cần phải có, là sự bình tĩnh. Sự bình tĩnh giúp đầu óc con sáng suốt, minh mẫn để xử trí các vấn đề. Con cần nhờ những người lớn giúp mình. Người lớn luôn sẵn lòng giúp đỡ trẻ con. Khi con bình tĩnh, con sẽ không quên số điện thoại của mẹ. Con sẽ trình bày rành mạch vấn đề khó khăn của mình. Người muốn giúp con sẽ dễ dàng hơn để giải quyết các khó khăn con đang mắc phải.
Điều thứ 2, quan trọng không kém, đó là khi phát hiện ra việc mình bị lạc, con cần đứng ngay tại chỗ, tuyệt đối không chạy lung tung dù đang rất hoảng loạn, hoặc tự tin mình có thể tìm được người thân. Đám đông thường làm chúng ta mất phương hướng. Và trẻ con thì không có nhiều kinh nghiệm trong việc định hướng hay tìm đường.
Con cần biết rằng, chắc chắn mẹ, hoặc người lớn nào đi cùng con cũng sẽ đi tìm con ngay lập tức. Và cách tìm đầu tiên, tức thì, là quay trở lại chỗ mà mọi người vừa đi cùng nhau từ lúc con chưa bị lạc. Việc con đứng tại chỗ, sẽ giúp cho người đi tìm con dễ dàng hơn.
Nếu con đi tìm người thân của mình, khi không biết họ đi đâu, đi theo hướng nào, vô tình làm con trở nên khó tìm kiếm hơn.
Bị lạc không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Vì con cần biết chắc một điều rằng, sẽ không ai bỏ mặc con. Sẽ mất thời gian cho việc tìm kiếm. Nhưng mọi việc khó khăn, như bị lạc, chúng ta luôn có cách để giải quyết con ạ.
Nhà văn Phong Điệp
(Trích trong cuốn “Chúng mình làm bạn, con nhé? – Vì sao mẹ sinh ra con trên đời này?” – NXB Phụ nữ )