Câu chuyện về lời hứa và lòng tin, của các con Bảo Anh, Nhật Nguyên đã khép lại một tuần nhiều cảm xúc . Xin đưa lại một bài viết đã lâu của mình, vào seri này, như để tiếp nối câu chuyện về lòng yêu thương.
Và cũng xin mượn lời đề từ bằng hai câu thơ:”Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy. Ta có thêm một ngày nữa để yêu thương”
Trẻ em Hà Giang. Ảnh: thầy giáo Nguyễn Hà Giang (internet)
Sống để yêu thương
Khi con còn say ngủ, mẹ đã lên đường. Tân Sơn, Phú Thọ – mẹ cũng chưa bao giờ đặt chân đến đó. Chỉ một đoạn đường cách Hà Nội hơn trăm cây số. Đi qua Thanh Thuỷ, nơi người Hà nội lũ lượt rủ nhau lên tắm khoáng nóng và du lịch sinh thái. Thêm vào chục cây số nữa là tới Tân Sơn. Cũng gần phải không con?Vậy mà ở khoảng cách gần ấy, mẹ đã thấy những gì hiện ra ở mảnh đất này? Những con đường lầy bùn. Chuẩn bị sáng tháng 12 mà hai hôm trước vẫn còn mưa rào kèm gió lạnh. Dọc con đường mẹ đi, mắt trẻ thơ ngơ ngác dõi theo. Những đôi chân trần chạy bộ giữa tiết trời buốt giá. Áo cộc phong phanh. Chiếc kẹo mẹ dúi cho, có bạn thì nhai nghiến ngấu, có bạn thì mút nửa chừng rồi cho vào giấy bọc lại. Hỏi: tại sao? Trả lời: để dành đến chiều. Mẹ đưa thêm kẹo, chiếc kẹo bọc giấy kia vẫn cương quyết không gỡ ra. Vẫn để đến chiều. Còn ngày mai, ngày kia và nhiều ngày nữa. Kẹo thì chỉ có chừng ấy thôi. Ăn hết tiếc lắm.
Mà mơ ước kẹo làm gì. Kẹo là thứ quá đỗi xa xỉ ở nơi này. Chỉ hơn trăm cây số từ bưu điện Bờ Hồ, mà nơi này giăng giăng mây phủ giữa bốn bề rừng núi. Như đâu đó ở xa xôi lắm. Hoc trò lớp sáu mà chưa được hai chục cân. Quần lò xo, dép tổ ong đuổi nhau huyên náo khắp sân trường. Như không từng tồn tại bên mình mùa đông đang buốt lạnh, những sáng mai lội bộ đến trường, người rét cóng. Củ khoai cho bữa sáng chẳng thấm tháp gì. Da bụng lép kẹp, người run bẩy bẩy không biết vì lạnh hay vì đói. Ngồi trước trang vở, tay chẳng thể cầm được bút. Các đốt ngón tay như không phải của mình nữa. Lạnh cóng, đến mức không còn cảm giác đau nữa.
Cách Tháp Rùa chỉ hơn trăm cây số, học trò Tân Sơn cũng ở bán trú. Nhưng là bán trú cả tuần. Cả tuần không có cha mẹ kề bên. Tự xúm xít bên nhau những bữa cơm đơn sơ, với nồi canh lõng bõng nước; có khi chẳng cần thịt, chẳng cần cá. Nói thì nói thế cho oai. Cha mẹ nghèo, lấy tiền đâu mua thịt cá đây? Đến cái kẹo cũng ăn dè, thì mơ gì thịt cá? Mẹ chạnh nhớ các bạn con ở vùng núi Tây Bắc, những bữa cơm chỉ có muối trắng rang khô trên nắp nồi gang và canh hoa ban không dầu mỡ. Mùa đông, những căn nhà dựng bằng cót ép không che chắn nổi những trận gió buốt thấu xương. Để chống chọi với giá lạnh, ban ngày những bạn nhỏ ấy phải vào rừng nhặt cành củi khô, đêm về đốt. Hơi lửa ấm giúp những giấc ngủ được vỗ về. Có lúc lạnh quá, nhớ nhà, chỉ biết ôm nhau mà khóc.
Thật khó hình dung những điều mẹ kể phải không con? Những câu chuyện mà con nghĩ chỉ có trong sách vở. Nhưng con ạ, sách vở sẽ có ý nghĩa gì nếu không bắt đầu từ chính cuộc sống này. Mẹ sẽ không để con bị đói, bị rét; nhưng mẹ cũng không muốn con quên rằng, có những bạn nhỏ của mình chân bấm bùn mới sớm mai đến trường và ngay đến chiếc kẹo cũng phải ăn dè.
Con ạ.
Mỗi sớm mùa đông, khi con khoác lên mình tấm áo ấm, hãy nghĩ đến giá lạnh ở những nơi khác mà mùa đông còn khắc nghiệt hơn gấp bội. Nơi ấy có thể rất xa, nhưng cũng có thể ở rất gần nơi chúng ta đang sống đây…
Nhà văn Phong Điệp
(Trích trong cuốn “Chúng mình làm bạn, con nhé? – Vì sao mẹ sinh ra con trên đời này?” – NXB Phụ nữ)