Home / Tư vấn - Chia sẻ / Có nên mách cô?

Có nên mách cô?

– Mẹ ơi, con không thích hội lớp con đâu, bọn nó cũng không thích con!

– Vì sao vậy?

– Con không biết!

Cậu bé Hoàng học lớp 6 than vãn với mẹ như vậy. Khi tìm hiểu qua bạn thân của Hoàng, bà mẹ mới té ngửa ra rằng, Hoàng nói đúng. Chỉ có điều, lý do các bạn cùng lớp không  thích Hoàng thì cậu bé biết rất rõ mà không nói với mẹ. Đó là, các bạn cho rằng, Hoàng là đứa “hay mách lẻo”!

Một bạn quay bài, Hoàng thẳng thắn đứng lên báo với cô. Một bạn nói dối cô, Hoàng ngay lập tức thông báo sự thật cho cô giáo biết. Dần dà, cô giáo luôn hỏi han Hoàng về mọi chuyện của lớp, và nắm được rất rõ mọi điều “ngóc ngách” của lũ học trò. Bọn trẻ con bắt đầu xa lánh Hoàng. Chúng không rủ Hoàng đi đá bóng, đi ăn quà, hay thậm chí, không muốn ngồi cạnh Hoàng trong giờ ra chơi nữa. Cậu bé bắt đầu cảm thấy đau khổ. Nhưng thật ra, cậu hoàn toàn không cảm thấy mình sai ở chỗ nào.

Hoàng sai ở chỗ nào? Cậu bé đã tỏ ra rất thật thà, trung thực, đúng như lời bố mẹ thường dạy. Cậu bé rơi vào tình trạng rất hoang mang.

Chuyện của Hoàng là trường hợp không phải cá biệt. Rất nhiều bậc phụ huynh đã than thở với tôi về điều này, làm sao dạy con sống trung thực mà vẫn không rơi vào tình huống khó xử, có được sự hài hòa với tập thể và những chuẩn mực chung về đạo đức của những người xung quanh?

 

Trích hình minh họa sách của tiến sĩ Oscar Brenifier

– Đừng vội trách con. Với những bậc phụ huynh rơi vào tình huống của mẹ Hoàng, tôi cho rằng, phải tỏ thái độ thật bình tĩnh, không vội trách mắng con. Hãy khẳng định một điều như chân lý, rằng, tôn trọng sự thật, đó là điều cần, đúng, và nếu con “mách cô” vì mục đích ấy, nghĩa là con không sai. Hãy tỏ ra thông cảm với trẻ, hiểu được ý muốn của trẻ.

 – Chỉ cho con cách nhìn nhận sự việc dưới nhiều góc độ. Cha mẹ hãy cùng con phân tích từng trường hợp một để có thái độ hành xử thích hợp. Ví dụ, với những hành động sai nguyên tắc của bạn (vẽ lên tường, không làm bài, nhìn bài người khác, quay bài…), việc đầu tiên con phải làm là công khai thông báo với bạn, mình cho rằng việc làm của bạn là không đúng. Nếu con chỉ mách cô mà với bạn, con lại im lặng, vô hình trung, con đã không được coi là người trung thực nữa. Một nguyên tắc con bạn cần nhớ: Sự thật nói lên phải được nói cả chính diện, ba mặt một lời, chứ không nói sau lưng. Thậm chí, con hãy tìm cách đấu tranh với cái xấu trước khi con báo cáo lại với cô. Biết đâu những gì con góp ý, bạn con lại hiểu ra và việc “mách cô” đã không còn cần thiết nữa.

– Nhắc con cẩn trọng khi đi đến bất kỳ một kết luận gì. Hãy luôn luôn đặt cho mình một câu hỏi, liệu mình có nhầm không? Liệu có phải bạn thực sự đã làm một điều không tốt, hay chỉ do mình nhìn nhầm, nghe nhầm, hiểu nhầm? Hãy luôn có chứng cớ chứ không được nói những gì mà không phải chính mình chứng kiến. Nếu không, con sẽ là người “vu khống” – một từ nghe to tát tưởng không nên nói về một đứa trẻ, nhưng về bản chất là như vậy.

– Nhắc con nhìn những người xung quanh với niềm tin và mở rộng lòng. Chớ luôn nghĩ rằng, mình sống với mục đích để ý xem bạn này có gì sai không. Sống trung thực không có nghĩa là “soi mói, xét nét”. Điều này là điều không tốt. Cha mẹ hãy nói với con rằng: Sáng ra, con nhìn một người, và thấy được một điều gì tốt đẹp ở người đó, như cái áo mới, hay tóc tai thẳng thớm, mượt mà, nụ cười tươi tắn – nghĩa là con đang sống đúng. Nhưng nếu ngày nào con cũng chỉ thấy, người này đi ra giữa đường nhiều quá, người kia phóng ẩu quá, người nọ mặt cau có quá… nghĩa là chỉ nhìn thấy khuyết điểm của người ta, thì hãy coi chừng, cuộc sống của con bạn đang bị đe dọa vì những tình cảm tiêu cực đấy. Điều này nói lên sự thiếu tin tưởng của chính bạn đối với con, hay sự xa cách giữa cha mẹ và con cái. Nếu ở trường hợp này, điều duy nhất bạn cần làm là hãy tâm sự, gần gũi với con nhiều hơn.

– Hãy hướng dẫn con tìm hiểu động cơ của hành động mà con cho là xấu. Hãy đọc cho con bạn nghe những câu chuyện ghi lại những khoảnh khắc cảm động trong cuộc sống, cho ta biết những bí ẩn của tâm hồn con người, như trong “Những tấm lòng cao cả”. Một đứa trẻ học kém đi, không làm bài đầy đủ, nhưng nguyên nhân sâu xa lại do đêm đêm âm thầm giúp cha làm việc. Một đứa bé xé giấy vụn khắp nhà, nhưng mục đích của nó là làm một bức tranh ghép giấy để tỏ tình cảm yêu thương với mẹ nhân ngày lễ mùng 8-3. Hãy giúp con bạn nhìn sâu hơn đằng sau các sự việc, để sống đằm lại, không quá vội vàng khi lên tiếng bênh vực sự thật.

– Trao đổi với cô chủ nhiệm: Bố mẹ cần giữ liên lạc thường xuyên với cô chủ nhiệm, trao đổi để biết quan điểm của cô về việc này. Đề nghị cô giáo có thái độ khéo léo khi “sử dụng” những thông tin mà trẻ cung cấp. Cô giáo luôn phải tỏ ra công bằng và trung dung khi xử lý thông tin, không phản ứng ngay lập tức trước lớp khi có trẻ “mách”, phải tìm hiểu kỹ sự việc, đồng thời phân tích cho trẻ thấy rõ, thông tin trẻ đưa là đúng hay còn lệch lạc. Nếu đúng, cô sẽ giải quyết, nhưng bằng cách riêng của cô, chứ không căn cứ vào lời trẻ để phê bình, cảnh cáo hay phạt các em khác. Đó cũng là cách bảo vệ trẻ, tránh cho học sinh, kể cả em là đối tượng bị mách lẫn em mách cô về bạn, có một sự tổn thương về mặt tinh thần.

– Mục đích của bạn: không phải là lên án hay đồng tình với hành động của con, mà quan trọng hơn, từ những hiện tượng này, bạn giúp con rút ra những bài học để con có thể sống hòa hợp với tập thể mà vẫn giữ được niềm tin vào sự thật. Muốn thế, hãy nắm thật rõ tình hình bạn bè, thày cô, tâm sinh lý của con mình và các bạn con. Hãy giữ mối liên hệ thân tình với phụ huynh khác và không ngại tâm tình cùng họ. Các bậc phụ huynh biết thông cảm và thấu hiểu hoàn cảnh của nhau sẽ tạo được một sức mạnh tinh thần chung rất lớn trong việc uốn nắn dạy dỗ con cái.

– Hãy quan tâm đến việc kết bạn của con. Khuyến khích con tìm bạn thân, giữ gìn tình bạn ấyđược lâu bền. . Nhắc con quan tâm đến bạn hàng ngày, chia sẻ vui buồn cùng bạn, chúc mừng bạn nhân ngày sinh, mời bạn về nhà chơi ngày lễ, gợi ý để con và bạn có những niềm vui hoặc bí mật chung

… Hãy đưa con đi cùng khi bố mẹ họp lớp cũ, hay đơn giản là đến thăm bạn cũ. Những tấm gương về tình bạn lâu dài của người lớn từ khi còn là những đứa trẻ sẽ đem đến cho con bạn một suy nghĩ lành mạnh khi giao tiếp và sống chung với tập thể. Con bạn sẽ biết cách sống để không bị cô lập, không bị cô đơn.

Hãy quan tâm đến việc kết bạn của con, từ bé…(Ảnh: Mẹ Cún mốc)

 

Tranh Bogaevskaya

…và quan tâm đến bạn bè con kể cả khi con đã đôi chút lớn. Vì nếu bố mẹ là tất cả đối với con khi con còn bé xíu, thì ở tuổi đi học, bạn bè gần như là tất cả đối với con!

 TSGD Nguyễn Thụy Anh

About admin2

Scroll To Top