Phép lạ có còn không?
Một lần, vào dịp Noel, con trai tôi khi ấy 5 tuổi đã hớn hở chào một ông già Noel đứng ở cổng trường mẫu giáo của nó: “Cháu chào ông già Noel ạ!”. Đoạn, ngay lập tức quay lại thì thầm nói với tôi, đầu gật gật hất hất về phía ông già, vẻ độ lượng: “Đấy là chú X cứ muốn làm ông già Noel nên con chào thế cho chú vui, mẹ ạ!”. Chú X là nhân viên bảo vệ của trường.
Thế rồi nó còn bảo: “Mẹ ơi, các bạn ở lớp con nói rằng, không có ông già Noel đâu, toàn là người lớn thuê hết đấy. Hôm nọ bạn Minh nghe thấy mẹ bạn ấy thuê chú đóng giả ông già Noel mất những 600 nghìn đồng, có đúng không mẹ?”.
Tôi nói với cháu rằng, vẫn có một Santa Clause thật ở đâu đó rất xa, nơi băng giá. Nhưng chỉ có một thôi. Vì thế, Santa phải nhờ rất nhiều các chú các bác đóng giả mình đưa quà đến cho các em bé, vì các em bé nhìn thấy một người giống Santa thì sẽ vui hơn. Ấy thế mà không ngờ, anh chàng 5 tuổi của tôi rất hài lòng với lời giải thích này.
Tôi hiểu, tuổi thơ và những câu chuyện cổ tích vẫn sẽ và vẫn cần phải đồng hành cùng nhau.
Truyện cổ tích, thần thoại, đồng thoại… có nội dung gần gũi với cơ chế tư duy và cảm xúc của trẻ
Về mặt khoa học, ta có thể dẫn những nghiên cứu của nhà tâm lý học Jean Piaget về hai đặc điểm quan trọng trong tư duy tìm nguyên nhân sự việc ở trẻ: một là trẻ em có xu hướng muốn dùng phép lạ để giải thích các hiện tượng xã hội mà chúng biết, hai là thường nhân cách hóa sự vật sự việc, cái bàn cái ghế cũng biết nói biết đi… Như thế, ta thấy rằng nội dung của truyện cổ tích nói chung là gần gũi với đặc trưng tư duy của trẻ, cho trẻ cái nhìn về thế giới theo kiểu của chúng, khiến chúng không hề cảm thấy xa lạ hoặc kinh ngạc, không có những phản ứng kiểu như: “Vớ vẩn! Không có thật!” hay “Cáo thì làm gì biết nói!”.
Về mặt cảm xúc, những câu chuyện cổ tích kể về thế giới kỳ lạ, bứt ra hẳn với thế giới hiện đại hàng ngày trẻ vẫn tiếp cận, không cho trẻ những thông tin cụ thể mà cho trẻ cảm nhận được thế giới bên trong của nhân vật. Tính cách nhân vật, những hành động khắc họa tính cách ấy, đem lại cho trẻ khái niệm về cách hành xử của cá nhân trong xã hội. Chẳng hạn, sự độc ác, hay ghen ghét đố kỵ của mẹ con cô Cám, tính ích kỷ của bà lão, vợ của ông lão đánh cá, tính tham lam của người anh trong truyện Cây khế, cái ngốc nghếch dễ thương của chàng Ngốc, tình yêu dịu dàng giữa Kay và Jerda trong “Bà chúa tuyết”, sự hòa thuận đáng yêu của các anh chàng nhạc công Bremen, tính cả tin của cậu bé người gỗ Pinocchio, tính hèn nhát của Lý Thông, lòng trung thực, chính trực của Thạch Sanh…v…v…
Trên những trang truyện cổ là cả một xã hội, trong đó, trẻ nhìn thấy mình với những tính cách và cảm xúc giống với một nhân vật nào đó. Trẻ học cách thể hiện sự đồng cảm, lòng trắc ẩn: trẻ lo lắng chia sẻ những tình huống khó khăn cùng nhân vật, đồng thời lại hết sức tin tưởng vào sức mạnh của điều thiện. Ở đấy, cái thiện luôn luôn chiến thắng cái ác, mọi việc có thể giải quyết theo hướng tích cực khiến trẻ cảm thấy tự tin vào bản thân hơn.
Ngoài ra, truyện có yếu tố phép lạ, thần tiên lại “giảm tải” cho bé những áp lực của sự thiếu kinh nghiệm, không lý giải được một hiện tượng nào đó mà bé có thể băn khoăn. Chẳng hạn, trẻ con sinh ra từ một dấu chân, hay do các con cò mang đến; có ban ngày và ban đêm vì ban đêm mặt trời đi ngủ v..v..
Cơ chế tư duy của trẻ còn có một đặc điểm nữa, theo Piaget, là tư duy “cứng nhắc”, lấy một nét nổi bật của nhân vật làm trọng tâm để kết luận về toàn cục. Điều này rất gần với xu hướng tiêu biểu hóa nhân vật trong truyện cổ tích. Lấy câu chuyện của con trai tôi làm ví dụ: năm 4 tuổi, anh chàng đi giữa đường gặp một cô nước ngoài theo đạo hồi, mặc khăn chùng áo dài màu đen, mũi dài và hơi khoằm. Thấy thằng bé ngộ nghĩnh, cô ta dừng lại lấy máy ảnh ra chụp. Bé đứng yên một lúc, mặc cho cô ta “tác nghiệp”. Nghe mẹ gọi, cu cậu đáp: “Mẹ đợi con, con đang đứng cho… mụ phù thủy chụp ảnh!”. Ấy là bởi vì, với bé, mụ phù thủy thường mặc áo đen, mũi khoằm; người tốt là những người có gương mặt đẹp, tròn trịa, sáng sủa; mụ dì ghẻ độc ác và hay ghen tị, nhìn xấu xí, xương xẩu… Có nghĩa là, trẻ học cách nhận biết, đánh giá con người thông qua những đặc điểm riêng của nhân vật như thế, cho dù đó là cách nhìn người rất ngây thơ, sơ khởi.
Truyện cổ tích có thể là một phương tiện, “giáo cụ” để dạy trẻ
Với tất cả những đặc tính nói trên, có thể khẳng định, truyện cổ tích dễ dàng đem lại những hiệu quả tốt nhất cho việc nuôi dạy trẻ. Các vấn đề rắc rối của nhân vật cổ tích, sự cố gắng tìm ra lối thoát và cái kết cục có hậu của câu chuyện là những bài học được trẻ tiếp nhận một cách vô thức, không có bất kỳ áp lực nào cả.
Vì thế, bố mẹ có thể thông qua truyện cổ tích để giải quyết mọi vấn đề rắc rối mà lứa tuổi đặt ra. Chẳng hạn, kể về chú bé Thánh Gióng ăn nhiều để lớn mau đi diệt giặc cho bé lười ăn, kể câu chuyện thỏ đen thỏ trắng được Nam Tào thử thách cho bé không thích chia sẻ đồ chơi với bạn, kể câu chuyện cậu bé uống nước lã trong rừng bị biến thành dê cho bé không thích nghe lời, cái gì cũng ăn… Và rồi bố mẹ có thể tự sáng tác những câu chuyện đồng thoại, cổ tích, những câu chuyện có yếu tố thần tiên để qua đó nói với bé điều mình muốn. Việc này cho hiệu quả ngay lập tức, hơn tất cả những lời răn đe: “Con không được….”, “Con phải…”.
Tôi nhớ con trai tôi ngày lên 3, trong độ tuổi mà người ta vẫn bảo là “khủng hoảng”, rất bướng bỉnh, có một khoảng thời gian bé gần như phớt lờ mọi “chỉ trích”, yêu cầu của người lớn. Mỗi khi muốn nhắc bé làm gì, tôi phải viện đến bạn gà trống bằng bông. Tôi giới thiệu đó là nhạc công Gà trống trong “Những nhạc công thành Bremen”. Thế là bé nghe lời Gà trống răm rắp.
Các nhân vật cổ tích đã bước ra đời thường với bé như vậy đấy!
Truyện cổ tích còn giúp ích cho việc phát triển khẩu ngữ ở trẻ tập nói. Để phát triển khẩu ngữ ở bé, những truyện cổ tích có nhiều bài hát, câu thơ, như Tấm Cám với “Thị ơi thị rụng bị bà – Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”, “Bống bống bang bang/ Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta/ Chớ ăn gạo hẩm cháo hoa nhà người”, rồi “Gương kia ngự ở trên tường – Nước ta ai đẹp được dường như ta?”. Những chi tiết như thế tưởng nhỏ mà không nhỏ, nó có vần điệu, ngân nga, gây ấn tượng lớn cho bé, là những chi tiết bé thuộc đầu tiên, và lâu nhất.
Ngoài ra, kể chuyện theo tuyến nhân vật, chơi trò chơi phân vai theo nhân vật giữa bố mẹ và con sẽ mang lại hiểu quả rất cao trong việc học nói, giúp bé phát âm đúng, nói được câu dài, nội dung gãy gọn, biết cách bày tỏ cảm xúc bằng ngôn ngữ.
Kể chuyện gì cho bé?
Với lứa tuổi nhỏ, từ 1-2 tuổi rưỡi, bạn hãy chọn kể cho bé những câu chuyện ngắn, ít nhân vật và tình tiết, hoặc tình tiết hay lặp đi lặp lại một cách có chủ ý, với mục đích xây dựng cho trẻ những cốt truyện quen, những nhân vật quen thân hàng ngày. Chẳng hạn, truyện về chiếc bánh với tình tiết: chiếc bánh lại lăn tiếp và gặp một ai đó. Hay truyện “Củ cải”: Ông gọi bà ra cùng kéo, kéo mãi kéo mãi mà không được; bà lại gọi cháu gái, kéo mãi kéo mãi… Những câu chuyện ngụ ngôn, đồng thoại… rất thích hợp với lứa tuổi này.
Khi bé đã lớn hơn, từ 2 tuổi rưỡi, bạn đã có thể kể những câu chuyện dài hơi, mô tả kỹ lưỡng tình tiết, phục trang, hình dáng nhân vật. Đừng ngại những cốt truyện mà bạn cho là phức tạp, khó hiểu đối với bé của mình. Bé sẽ dần dần hiểu bằng cách nào đó, hoặc lọc những thông tin hữu ích cho mình. Đôi khi bố mẹ đánh giá thấp khả năng tiếp thu của bé. Thậm chí, cả những chi tiết đáng sợ như cái chết, sự trừng phạt… cũng không quá gây sốc cho bé như nhiều người nghĩ, bởi, khi đã đắm mình vào thế giới cổ tích, mọi chi tiết cực đoan về cái xấu cái ác đã được bé tiếp nhận với tâm thế có sự “thư giãn” đôi chút, vì đó là cổ tích mà. Việc cái xấu bị trừng phạt dù ghê gớm thế nào cũng chỉ mang lại cho trẻ sự hài lòng vì sự công bằng, cái thiện, cái tốt đã thắng.
Chỉ có điều phải chú ý rằng, khi kể chuyện cho bé vào buổi tối, bạn chớ nhấn mạnh những chi tiết đáng sợ với giọng kể quá truyền cảm về chó sói, về mụ phù thủy, về gió rét, đêm tối… nếu bạn không muốn bé sẽ rúm người lại và sợ ở lại một mình trong phòng.
Với những câu chuyện cổ tích, thần thoại, đồng thoại, những câu chuyện có phép màu, tôi tin rằng trẻ sẽ trở nên tinh tế, nhân hậu hơn, đồng thời có thể điều chỉnh hành vi của mình theo chiều hướng tích cực. Vì thế, người lớn hãy thận trọng khi bàn về những nhân vật cổ tích thần tiên trước mặt trẻ. Những lời nói vô tình của chúng ta đôi khi lại làm tan vỡ một bức tranh về thế giới trọn vẹn và lung linh trong tâm hồn trẻ thơ.
Truyện cổ tích hiện đại?
“Truyện cổ tích hiện đại” thực ra cũng không phải là hiện tượng gì đặc biệt, nếu hiểu đó là những câu chuyện có phép màu nhưng có những chi tiết, lời thoại mang hơi hướng hiện đại – của thời đại mà trẻ đang sống. Ở thời của mình, những gì H. Andersen, anh em Grimm, A. Pushkin, Lev Tolstoy, A. Tolstoy viết ra, đều cũng có thể coi là một dạng “cổ tích hiện đại” đương thời. Tuy nhiên, đó là những câu chuyện có cốt truyện do nhà văn nghĩ ra chứ không phải là làm mới hoặc “chế” lại những tích truyện dân gian đã tồn tại lâu đời trước đó.
Những truyện cổ tích “chế” có những tình tiết vui nhộn, hài hước mà gần đây xuất hiện nhiều trên thị trường nên chăng phải ghi rõ dành cho lứa tuổi nào. Với lứa tuổi mẫu giáo, truyện cổ tích càng “cổ” càng tốt, càng hoang đường, càng có ngôn ngữ riêng xây dựng nên một thế giới riêng, đặc trưng cho những tích truyện xa xưa kỳ lạ, dành riêng cho những nhân vật không có thật… càng có được hiệu ứng tâm lý mạnh mẽ đối với sự tiếp nhận của trẻ.
TSGD Nguyễn Thụy Anh (Bài viết đã đăng trên Mẹ và Bé, số tháng 7-2010)